Sự tích Chầu Bà Đệ Nhị
Huyền tích Chầu Bà Đệ Nhị
Chầu Bà Đệ Nhị được coi là hoá thận của Mẫu Đệ Nhị, vốn là Thiên Thai tiên nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp 81 cửa ngàn đất Việt. Mời bạn đọc cùng tham khảo bài viết dưới đây để có thể hiểu rõ hơn về Chầu Bà Đệ Nhị.
Chầu Bà Đệ Nhị Thượng Ngàn Công Chúa
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn được coi là hóa thân của Mẫu Đệ Nhị. Chầu cũng vốn là Thiên Thai Tiên Nữ, con vua Đế Thích, cai quản sơn lâm thượng ngàn, quyền hành khắp hết 81 cửa ngàn đất Nam Việt. Lại có sự tích cho rằng, bà cũng giáng sinh vào quý tộc Lê gia (có tài liệu ghi lại tên bà là Lê Thị Kiểm) ở vùng Thác Cái Thác Con, Hà Giang, sau này trở thành Bà Chúa Thượng Ngàn. Trong hàng Tứ Phủ Chầu Bà, bà là vị chầu bà có quyền hành tối cao của tòa Sơn Trang (mà đa phần các vị chầu bà đều ở trên sơn trang) nên gần như bà là vị có quyền cao nhất hàng chầu, chỉ sau Chầu Đệ Nhất.
Chầu Đệ Nhị Thượng Ngàn là vị chầu hay giáng đồng nhất trong hàng chầu (từ đồng tân đến đồng cựu ai cũng thỉnh chầu về ngự, để ban tài tiếp lộc sơn lâm sơn trang). Chầu ngự về đồng thường mặc áo màu xanh (xanh la hay xanh lá cây), cầm quạt khai cuông rồi múa mồi. Chầu Đệ Nhị thường hay ngự về trong các đàn mở phủ để chứng đàn Sơn Trang (kể cả với người không mở đủ bốn tòa sơn trang mà chỉ mở một tòa xanh). Ngoài ra khi đồng tân lính mới vào hầu cũng thường thỉnh chầu về để sang khăn cho đồng mới. Và đặc biệt, khi Chầu Đệ Nhị ngự đồng vào dịp lễ tiệc (đặc biệt là lễ Thượng Nguyên) trong năm, thì thường có nghi thức gọi là “trình giầu”. Khi chầu về ngự đồng, những con nhang đệ tử nào có căn số, đã lập bát hương bản mệnh, sẽ ngồi giữa chiếu ngự, phủ khăn đỏ và trên đầu đội mâm giầu trình (gồm cau, lá trầu, vỏ thuốc, thuốc lào, thuốc lá…), khi đó người ngồi đội giầu phải đặt lên mâm giầu trình 13.000 (thông thường là thế, có nơi thì là 15.000) dâng lên Chúa Sơn Trang và 12 cô tiên nàng hầu cận là những vị chứng mâm giầu của mình, lúc đó chầu sẽ cầm bó mồi (hoặc hương đã đốt cháy) khai cuông, chứng mâm giầu rồi xin tiền đài, nếu được nhất âm nhất dương (có một đồng tiền xấp, một đồng tiền ngửa) nghĩa là Phật Thánh đã chứng cho người ngồi đội giầu đó, rồi người đội giầu lễ tạ và đi ra để cho người khác vào tiếp tục.
Cũng như Chầu Đệ Nhất, Chầu Đệ Nhị được thờ phụng ở bất cứ nơi nào có rừng núi có Mẫu Đệ Nhị ngự. Nhưng khi thỉnh chầu, người ta thường hay nghĩ tới Đền Đông Cuông là nơi in dấu rõ nhất ở tỉnh Yên Bái. Vậy nên khi thỉnh chầu, văn hay hát rằng:
“Dâng văn tiên chúa Thượng Ngàn
Đông Cuông, Tuần Quán giáng đàn chứng đây”
Khi nói về sự tích của chầu văn cũng thường hát :
“Vốn dòng công chúa thiên thai
Giáng sinh hạ giới quyền cai thượng ngàn
Quyền cai Bảo Lạc Hà Giang
Thượng cầm hạ thú hổ lang khấu đầu”
Hay khi có nghi thức “trình giầu”, văn cũng hát:
“Hôm nay có mâm giầu trình
Trước trình cửa Phật, sau trình Vua Cha
Trình lên Quốc Mẫu,Chúa Bà
Năm Tòa Ông Lớn, Chầu Bà Sơn Trang
Trình lên Tứ Phủ Ông Hoàng
Tiên Cô Thánh Cậu chứng mâm giầu trình”