Nguồn gốc, ý nghĩa của nghi lễ Tắm Phật trong Đại lễ Phật Đản
Tắm Phật là nghi lễ quan trọng được cử hành trong Đại Lễ Phật Đản. Trong bài viết này TimDapAnsẽ giúp các bạn tìm hiểu rõ về Nguồn gốc, ý nghĩa của nghi lễ Tắm Phật.
Nguồn gốc của nghi lễ tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật xuất phát từ sự kiện Đản sanh của Thái tử Tất Đạt Đa tại vườn Lâm Tỳ Ni, khi hoàng hậu Ma-da đản sanh thái tử, từ trên không trung có hai dòng nước của chư thiên, một ấm một mát, rưới xuống để tắm cho hoàng hậu và thái tử.
Câu chuyện dựa theo ghi chép từ các bản kinh thuộc hai truyền thống Nam và Bắc truyền.
Ý nghĩa của nghi lễ tắm Phật
Việc tắm Phật là một cơ hội để người con của Phật thực tập nếp sống chánh niệm, trau dồi lòng khiêm cung, hướng tấm lòng thành về Phật, đức hạnh và trí tuệ. Nước là biểu tượng của sự tẩy rửa, từ dơ sẽ thành sạch, từ ô uế sẽ trở thành trong sáng, thanh khiết.
Nghi lễ tắm Phật biểu hiện sự tôn kính đối với Đức Phật. Bên cạnh đó, việc cúng kiếng với những mâm đồ chay tại gia đình trong ngày lễ Phật Đản cũng biểu hiện sự thanh lọc những ô uế, phiền não của tâm.
Nghi thức tắm Phật
Nghi lễ tắm Phật dựa vào truyền thuyết hai vị Long vương phun hai dòng nước, một dòng nước lạnh và một dòng nước nóng, tắm cho Thái tử Tất Đạt Đa trong ngày đản sanh nói trên.
Theo truyền thuyết này, khi múc gáo nước đầu tiên, tắm bên vai phải của tôn tượng Đức Phật đản sanh nhỏ nhắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc phải, vừa ý, gọi là thuận cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Khi múc gáo nước thứ hai, tắm bên vai trái của tôn tượng xinh xắn, chúng ta tâm nguyện rằng: dù trên đời có gặp việc trái ý, gọi là nghịch cảnh, tâm của chúng ta vẫn bình tĩnh thản nhiên.
Bài chú tắm Phật
Khi thực hiện nghi lễ Tắm Phật, các Phật tử sẽ niệm bài chú sau:
Con nay rưới tắm các Như Lai
Trí sạch trang nghiêm công đức lớn
Chúng sanh năm trược rời cấu trần
Cùng chứng Như Lai tịnh pháp thân.
Trong thành Tỳ Gia chưa từng sinh
Giữa cây Sa La chưa từng diệt
Bất sinh bất diệt đức Cồ Đàm
Trong mắt nhìn xem càng thêm bớt.
Sáng nay là mồng tám tháng tư
Cung vua Tịnh Phạn sinh Tất Đạt
Chín rồng phun nước ngoài trời đến
Hoa sen đỡ bước theo đất mọc.
Án mâu ni, mâu ni, tam mâu ni, tát bà ha.
Lễ Phật Đản 2021 vào ngày nào?
Năm 2021, Đại Lễ Phật Đản sẽ diễn ra vào Thứ Tư, 26/05/2021. Tuy nhiên, do tình hình đại dịch COVID-19 đang ngày càng phức tạp với biến thể mới và nhiều ổ dịch, ngày lễ này có thể sẽ phải tổ chức với quy mô hạn chế hơn.