Mẹo giúp con không làm mất đồ dùng học tập
- 1. Cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập
- 2. Giúp con đánh dấu tên vào đồ dùng
- 3. Biến đồ dùng học tập thành những người bạn
- 4. Lập danh sách các món đồ dùng cho trẻ và dán ở bàn học
- 5. Khen ngợi khi con giữ không làm thất lạc đồ vật, nhưng không phạt khi bé đánh mất
- 6. Nếu bé mang đồ dùng tặng bạn thì sao?
Việc trẻ đi học thường xuyên làm mất đồ dùng học tập khiến rất nhiều phụ huynh đau đầu khi liên tục phải mua lại đồ dùng học tập cho con mình. Để giúp trẻ có ý thức hơn trong việc giữ gìn đồ dùng học tập, Tìm Đáp Án xin chia sẻ một số biện pháp giúp trẻ không làm mất đồ dùng học tập cực kỳ hiệu quả. Mời các bạn cùng tham khảo.
Một trong những tình huống quen thuộc mà trẻ thường xuyên gặp phải khi đi học chính là mất đồ dùng học tập. Thế nhưng không phải bố mẹ nào cũng biết cách xử lý vấn đề này. Sau đây là các mẹo giúp con không làm mất đồ dùng học tập, phụ huynh có thể tham khảo và áp dụng cho bé.
1. Cùng con chuẩn bị đồ dùng học tập
Trước khi khai giảng, bố mẹ hãy cùng con lựa chọn và chuẩn bị đầy đủ các đồ dùng học tập. Việc này giúp trẻ làm quen với những món đồ cá nhân của mình, đồng thời do được tự tay lựa chọn theo gợi ý của bố mẹ, bé sẽ có ấn tượng tốt hơn, nhớ kỹ hơn các món đồ đó. Trẻ cũng sẽ cảm thấy được xem trọng khi bạn hỏi ý kiến bé về việc quyết định mua đồ dùng màu gì, hình trang trí ra sao. Đừng để bé vào ngày đầu tiên đến trường mới biết trong hộp bút của mình có cái gì.
2. Giúp con đánh dấu tên vào đồ dùng
Bạn có thể mua nhãn có lớp keo tự dán ở hiệu sách, loại kích thước nhỏ, để ghi tên con và dán vào các đồ dùng như hộp bút, bút, tẩy,... Hoặc sử dụng kí hiệu riêng cho bé, ví dụ bé thích tàu vũ trụ, bạn hãy vẽ hình tàu vũ trụ để đánh dấu. Nhắc nhở bé các món đồ bạn đã đánh dấu và để bé quyết định vị trí dán nhãn để bé chủ động nhớ ký hiệu.
3. Biến đồ dùng học tập thành những người bạn
Khi bé coi đồ dùng như những người bạn, bé sẽ có ý thức bảo vệ chúng tốt hơn. Bạn hãy tự tạo ra những câu chuyện nhỏ về bút chì, thước kẻ,... và gọi chúng bằng những cái tên thân thiết như: bạn bút chì xanh, bạn tẩy vàng,... Những câu chuyện không chỉ giới thiệu cho bé về công dụng của những đồ vật đó mà còn khiến bé cảm thấy có trách nhiệm bảo vệ những người bạn bé nhỏ này.
4. Lập danh sách các món đồ dùng cho trẻ và dán ở bàn học
Danh sách này đơn giản chỉ là liệt kê các món đồ bé mang đến trường nhưng sẽ có thêm nhiều cột phía sau. Mỗi khi bé đi học về và phát hiện mất món đồ nào, hãy để bé tự dán vào bảng đúng vị trí của vật bị mất một mặt buồn. bố mẹ không dán hộ mà để con tự dán. Chỉ khi tự tay làm, bé mới ghi nhớ mình đã thất lạc cái gì. Bạn sẽ cùng bé đánh giá lại bảng sau 1 tuần. Số lượng mặt buồn nhiều, nghĩa là con đã đánh mất rất nhiều đồ. Đừng mắng mỏ hay chỉ trích con về tội lỗi của bé, hãy nhẹ nhàng chỉ cho con thấy là mình đã lãng phí bao nhiêu đồ vật. Khi thất lạc, chắc các bạn ấy cũng buồn lắm và lưu ý con lần sau phải cẩn thận với đồ dùng của mình hơn. Bé cần sự kiên nhẫn của bạn và sử dụng phương pháp mưa dầm thấm lâu sẽ hiệu quả hơn nóng vội quát mắng.
5. Khen ngợi khi con giữ không làm thất lạc đồ vật, nhưng không phạt khi bé đánh mất
Bạn cần ghi nhận sự cố gắng của con nếu bé không làm thất lạc đồ dùng trong những ngày đầu đến trường. Với trẻ nhỏ, sự khen ngợi sẽ khích lệ bé cố gắng làm tốt những việc đó để nhận được sự hài lòng của bố mẹ. Tuy nhiên, nếu bé có làm mất, không nên áp dụng phạt trẻ. Mất đồ dùng không phải là một lỗi lầm, nó chỉ đơn giản là bé chưa quen với việc quản lý các món đồ của mình mà thôi. Phạt sẽ mang đến cho trẻ áp lực, nếu bé phát hiện thiếu vật bào đó sẽ nghĩ đến việc nói dối để che giấu việc đánh mất. Vậy là vô hình bạn dạy con biết lấp liếm vì quá sợ hãi.
6. Nếu bé mang đồ dùng tặng bạn thì sao?
Tan học và con bạn khoe một cách đầy vui vẻ rằng bé vừa tặng hết bút màu hoặc mực cho bạn rồi. Bạn sẽ phản ứng thế nào? Hẳn là bạn sẽ tiếc lắm, nhất là khi bạn đầu tư cho bé những món đồ cực kỳ đắt tiền, chất lượng tốt mà cứ thỉnh thoảng chúng lại đội nón ra đi. Trước khi chọn nói và thể hiện thái độ của bạn, hãy cân nhắc điều gì đáng được ưu tiên hơn. Khi bạn quát mắng bé, chê bé ngốc nghếch vì dám cho bạn đồ, cấm bé lần sau không được cho nữa thì hậu quả là trẻ sẽ gặp vấn đề trong các mối quan hệ bạn bè. Bé sẽ không hiểu tại sao mình quý mến bạn và muốn tặng bạn lại bị cho là ngu ngốc.
Trong tình huống này, bố mẹ hãy bình tĩnh và gợi ý để bé kể lý do tại sao bé tặng đồ và cảm giác của bé thế nào. Đó là đồ vật của con, bé có quyền quyết định tặng nó cho bạn. Bố mẹ cần tôn trọng quyết định của con, chia sẻ niềm vui của bé khi được cho đi. Nhưng cũng để đề phòng bé cho đi mọi thứ mình có, bạn có thể nhắc nhở con về việc bản thân con cũng phải có bút để viết trong giờ học, tẩy để xóa,...
Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến việc bé làm thất lạc đồ dùng học tập, thay vì quát mắng khiến con sợ hãi, bố mẹ hãy bình tĩnh hỏi han và nhẹ nhàng giúp đỡ để bé có ý thức hơn trong việc giữ gìn đồ dùng của mình nhé!
Xem thêm
- Những cách phạt học sinh hiệu quả
- Cách đọc tên các nét cơ bản lớp 1