Lịch sử Việt Nam thời kỳ phương bắc đô hộ lần thứ hai

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 22 Tháng bảy, 2019

Sau khi cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng thất bại, nước ta lại một lần nữa rơi vào sự cai trị đô hộ của nhà Hán. Dưới đây là một số sự kiện lịch sử tiêu biểu của lịch sử Việt Nam trong thời kỳ Bắc thuộc lần thứ 2, mời các bạn cùng tham khảo.

Thời kỳ phong kiến phương Bắc đô hộ lần thứ hai (43-542)

Nhà Đông Hán mất, nước Trung Hoa phân làm ba nước (thời Tam Quốc): Bắc Ngụy, Tây Thục và Đông Ngô. Nước ta lúc đó thuộc Đông Ngô. Đông Ngô cai trị nước ta bằng một chính sách vô cùng tàn bạo, nhân dân ta vô cùng đói khổ

Năm 248, bà Triệu Thị Trinh và anh là Triệu Quốc Đạt phất cờ khởi nghĩa, tấn công quân Đông Ngô, phá tan các thành ấp của giặc. Trong vòng 6 tháng, nghĩa quân đã chiếm hầu hết đất Giao Châu. Vua Ngô hốt hoảng phái ngay Lục Dận (cháu Lục Tốn thời Tam Quốc) là một danh tướng có nhiều kinh nghiệm trong chiến trận và rất quỷ quyệt sang đàn áp. Hắn đưa hàng vạn quân tinh nhuệ đàn áp cuộc khởi nghĩa, vừa đánh vừa đem của cải, chức tước ra dụ dỗ các thủ lĩnh người Việt. Một số kẻ đã làm tay sai cho giặc Ngô. Bà Triệu vẫn kiên cường chiến đấu và hy sinh trên núi Tùng (Hậu Lộc, Thanh Hoá), lúc đó Bà mới 23 tuổi. Nhân dân ta vô cùng thương tiếc người nữ anh hùng, nay ở Phú Điền (Thanh Hoá) còn đền thờ Bà Triệu.

Năm 263, Lã Hưng, môt tướng của Đông Ngô, nổi dậy diệt Thái thú Giao Châu là Tôn Tư, giành quyền cai trị (từ 265-271) và theo Tây Tấn.

Năm 271, Đông Ngô diệt được Lã Hưng giành lại quyền cai trị Giao Châu. Từ năm 280 Tây Tấn diệt hẳn Đông Ngô, đất Giao Châu lại thuộc về Tây Tấn.

Nhà Tấn diệt Ngụy, Thục, Ngô, rồi phong cho anh em thân thích ra trấn trị các phương, nhưng các thân Vương cứ đánh giết lẫn nhau làm cho nhà Tấn ngày càng suy yếu. Nhân cơ hội đó các nước Triệu, Tần, Yên, Lương, Hạ, Hán nổi dậy chiếm lấy cả vùng phía Bắc sông Trường Giang. Nhà Tấn chỉ còn lại vùng Đông Nam, phải dời về Kiến Nghiệp (Nam Kinh), từ đó gọi là Đông Tấn.

Năm 420, Lư Du cướp ngôi nhà Đông Tấn, lập ra nhà Tống ở phía Nam. Trung Quốc lúc đó phân chia ra thành Nam, Bắc triều.

Nam Triều gồm: Nhà Tống, Tề, Lương, Trần kế nhau cai trị.

Bắc Triều gồm: Nhà Ngụy, Tề, Chu nối nhau cai trị.

Nhân dân ta bị sự đô hộ vô cùng tàn bạo của nhà Lương do Thứ sử Tiêu Tư cai trị, cực khổ trăm bề. Năm 542 Lý Bôn lãnh đạo nhân dân ta khởi nghĩa, đánh đuổi Tiêu Tư, chiếm thành Long Biên lập nên Nhà nước độc lập.

Một số nét văn hóa thời kỳ Bắc thuộc lần 2

Sau khi đánh bại khởi nghĩa Hai Bà Trưng, Mã Viện tiến hành chia cắt lại địa giới hành chính một số huyện, thay thế hoàn toàn tầng lớp Lạc tướng, cử các Lệnh trưởng thay mặt cho chính quyền đô hộ trực tiếp đứng đầu cai quản các huyện. Tại mỗi huyện, hệ thống thành luỹ được xây dựng làm nơi đóng trị sở của Lệnh trưởng. Huyện thành Phong Khê (Kiển Thành) được xây dựng ngay trên thành đô của An Dương Vương, mà nhiều người tin đấy chính là vòng thành Nội của thành Cổ Loa hiện nay. Điều có thể dễ dàng nhận thấy là cấu trúc của vòng thành này giống thành Trung Quốc, chu vi 1.650 m, với nhiều hoả hồi cân xứng, có tử giác, khác với cấu trúc uốn lượn tự do của hai vòng thành Trung và thành Ngoại. Tại khu vực bên trong thành Nội đã khai quật được rất nhiều di vật đặc trưng văn hoá Hán như giếng gạch, tiền Ngũ thù, đồ gốm trang trí hoa văn ô vuông, trám lồng, văn thừng, xương cá… được coi là các loại hoa văn điển hình của thời Đông Hán. Ở Cổ Loa và khu vực lân cận khảo cổ học đã khai quật được một số lượng lớn mộ gạch Hán. Sự xuất hiện những ngôi mộ gạch ở khu thành này chứng tỏ từ thời Đông Hán, quan lại người Hán đã sống và trực tiếp cai quản vùng đất bản bộ của vua Thục xưa.

Quận trị Giao Chỉ vẫn đặt tại Luy Lâu. Thành Luy Lâu được khởi đắp từ thời Hán, nhưng tòa thành 2 vòng khép kín (thành ngoài hình chữ nhật, chu vi 1848 m; thành trong hình vuông chu vi 454 m) tại xã Thanh Khương, huyện Thuận Thành, Bắc Ninh) còn lại đến ngày nay chủ yếu là dấu vết thời kỳ này. Đây là tòa thành quy mô và kiên cố nhất trong quận. Đô thị Luy Lâu tiếp tục phát triển không chỉ là trung tâm chính trị, hành chính, kinh tế, mà còn là trung tâm văn hóa lớn nhất.

Thái thú Sĩ Nhiếp “có học vấn sâu rộng lại thông hiểu về chính trị” mở trường dạy học và đẩy mạnh truyền bá Nho giáo ở Luy Lâu. Ngôi trường dạy học của ông ở trong thành Luy Lâu sau này trở thành đền thờ Nam Giao học tổ (ông tổ Nho học của nước Nam). Bên cạnh Nho giáo, Đạo giáo từ Trung Quốc (mà chủ yếu là đạo Dân gian - đạo Phù thủy) cũng được truyền sang khu vực Luy Lâu từ khoảng cuối thế kỷ thứ II. Đặc biệt Phật giáo từ Ấn Độ được truyền bá trực tiếp vào Luy Lâu (sau đó lại từ Trung Quốc truyền dội sang vào những thế kỷ đầu sau Công nguyên). Ngay từ khi mới vào Luy Lâu, Phật giáo đã có sự kết hợp một cách tự nhiên và hài hòa với tín ngưỡng dân gian của cư dân bản địa, hình thành Phật tổ Man Nương chùa Tổ (làng Mãn Xá) và Tứ pháp: Pháp Vân (chùa Bà Dâu), Pháp Vũ (chùa Bà Đậu), Pháp Lôi (chùa Bà Giàn) và Pháp Điện (chùa Bà Tướng) nay vẫn còn tại khu vực xung quanh thành Luy Lâu.

Nhìn chung dù là Nho, Phật hay Đạo được truyền vào Luy Lâu bằng con đường nào, trong hoàn cảnh nào thì khuynh hướng thích nghi và hòa nhập với tín ngưỡng dân gian cổ truyền của người Việt vẫn là khuynh hướng chủ đạo. Khuynh hướng này đã tạo nên săc thái đa nguyên và hỗn hợp trong cuộc sống tôn giáo và tín ngưỡng ở Luy Lâu và ở Giao Châu. Đây cũng chính là hình ảnh thể hiện sự dung hợp và xác lập mô thức Việt - Hán.

Suốt mấy thế kỷ liên tục tính từ cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng, hầu như­ không có thế kỷ nào là không có khởi nghĩa của nhân dân. Phong trào đấu tranh của dân chúng Giao Châu, nhìn một cách tổng thể, đang chuyển dần vai trò lãnh đạo từ các quý tộc bộ lạc cũ sang các hào trưởng. Vào giữa thế kỷ thứ VI, phong trào đã tiến lên đỉnh cao, mà tiêu biểu là cuộc khởi nghĩa Lý Bí và sự thành lập Nhà nước Vạn Xuân.

Lý Bí xuất thân từ một hào trưởng địa phương ở huyện Thái Bình, trong một gia đình tổ tiên người gốc phương Bắc, nhưng qua nhiều đời định cư ở phương Nam và trở thành người Nam. Ông là người có tài văn võ, đã từng nhận một chức quan nhỏ của nhà Lương ở Cửu Đức. Bất bình với chính quyền đô hộ, Lý Bí trở về quê phối hợp với Tinh Thiều (đại diện của trí thức bản địa) mưu tính việc khởi nghĩa. Mùa xuân năm 542, cuộc khởi nghĩa toàn dân do Lý Bí lãnh đạo đã bùng nổ và không đầy 3 tháng sau đã giành được thắng lợi. Lý Bí còn tổ chức lực lượng đánh tan các cuộc tấn công của quân Lương và quân Lâm Ấp, nắm quyền làm chủ đất nước. Vào đầu năm 544, ông tuyên bố dựng nước Vạn Xuân, lên ngôi Hoàng đế (Nam Việt Đế), phế bỏ niên hiệu của nhà Lương, đặt niên hiệu mới là Thiên Đức, tự coi mình ngang hàng với các Hoàng đế phương Bắc. Ông là người đầu tiên trong lịch sử Việt Nam nhận ra vị trí trung tâm bờ cõi của vùng đất Hà Nội và chọn làm đất đóng đô. Tại đây ông cho dựng điện Vạn Thọ, xây đài Vạn Xuân làm nơi văn võ bá quan triều hội và chùa Khai Quốc là trung tâm Phật giáo quốc gia, bệ đỡ tư tưởng của Vương triều.

Đây là lần đầu tiên người Việt phương Nam tự xây dựng cho mình một cơ cấu nhà nước mới theo chế độ tập quyền trung ương. Tuy đang còn là một sự thể nghiệm, nhưng triều đình Vạn Xuân là thành quả của một nửa thiên niên kỷ dung hợp văn hóa Việt - Hán, đã đánh dấu một bước trưởng thành mới của cuộc đấu tranh chống nô dịch, chống đồng hóa.

Mời các bạn tham khảo thêm:

22 Tháng bảy, 2019

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!