Lịch sử Việt Nam thời hậu Trần

Bùi Thế Hiển
Admin 26 Tháng bảy, 2019

Hậu Trần là một triều đại trong lịch sử Việt Nam từ 1407 đến 1414 mà các sách sử vẫn chưa thống nhất cách gọi. Sách Đại Việt sử ký toàn thư thì gọi là nhà Hậu Trần, còn Khâm định Việt sử Thông giám cương mục thì hoàn toàn không nhắc đến cụm từ này mà chỉ thuật lại sự việc trong những năm tháng ấy. Sau đây là một số sự kiện lịch sử nổi bật trong thời Hậu Trần đã được Tìm Đáp Án tổng hợp, mời các bạn cùng tham khảo.

1. Giản Định Đế (Trần Ngỗi, 1407-1409)

Nhà Hậu Trần do Giản Định đế - Trần Ngỗi (một hậu duệ của hoàng tộc nhà Trần) thành lập tháng 10 âm lịch năm 1407 tại Ninh Bình sau khi nhà nước Đại Ngu của nhà Hồ bị quân đội nhà Minh xâm chiếm và tiêu diệt. Trong thời kỳ này, nước Đại Ngu bị nhà Minh đổi tên trở lại thành Giao Chỉ và chia thành 17 phủ, 5 châu và 12 vệ trực thuộc Ty Bố Chính.

Do quân mới lập, Giản Định đế phải chạy vào Nghệ An, viên Đại tri châu Hóa châu là Đặng Tất giết quan nhà Minh, dẫn quân từ Hóa châu ra theo phò, nhà Hậu Trần làm chủ từ Nghệ An vào Thăng Hoa. Năm 1408, quân Hậu Trần tiến quân ra Bắc, đánh bại quân Minh ở trận Bô Cô, bao vây các thành. Năm 1409, Giản Định đế giết 2 tướng Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Chân, khiến cho 2 người con của họ là Đặng Dung và Nguyễn Cảnh Dị bất mãn, kéo quân mình trở về Nghệ An lập Trần Quý Khoáng lên làm Trùng Quang đế. Trùng Quang đế sai Nguyễn Súy bắt được Giản Định đế tôn làm Thượng hoàng, chia quân đánh quân Minh. Quân Minh sau khi được tăng viện liền tiến hành chiến tranh, quân nhà Hậu Trần sau những chiến thắng ban đầu, dần thất thế, phải lui về Nam và thất bại hoàn toàn vào năm 1414.

Do Trùng Quang đế và Giản Định đế đều là thành viên hoàng tộc nhà Trần, có công lãnh đạo nhân dân chống ngoại xâm nên dù thất bại trong việc khôi phục nhà Trần và nước Đại Việt, họ vẫn được người dân coi là 2 vị vua chính thống của nhà Trần và nước Đại Việt. Do vậy nhiều sách sử và các đền thờ nhà Trần thường ghi nhà Trần có 14 vị vua (gồm 12 vua nhà Trần và 2 vua nhà Hậu Trần).

2. Trùng Quang Đế (Trần Quý Khoáng, 1409-1414)

Trần Quý Khoáng là con thứ của Mẫn Vương Ngạc, cháu nội của vua Trần Nghệ Tông, gọi Giản Định đế bằng chú ruột.

Đặng Dung là con Quốc công Đặng Tất, Nguyễn Cảnh Dị là con Tham mưu quân sự Nguyễn Cảnh Chân căm giận vì cha bị giết oan, mới đem quân Thuận Hóa về Thanh Hóa đón Trần Quý Khoáng đến Nghệ An làm vua là Trùng Quang Đế để lãnh đạo cuộc kháng chiến chống quân Minh.

Tháng 3/1413, vua Trùng Quang sai Nguyễn Biểu sang điều đình với quân Minh. Trương Phụ muốn uy hiếp tinh thần của Nguyễn Biểu đã sai quân dọn một bữa tiệc đặc biệt, bằng cách cho bê một mâm cỗ đặt trên một chiếc sập gụ mầu nâu sẫm, cạnh mâm là một nậm rượu và cái chén đặt ngay ngắn trên khay khảm xà cừ.

Khi người lính hầu nhấc chiếc lồng bàn ra thì lúc đó Nguyễn Biểu sửng sốt: mâm cỗ quái đản và ghê tởm: một chiếc đầu người đã luộc chín.

Không chút do dự, Nguyễn Biểu ngồi xuống sập, ung dung rót rượu. Sau tợp rượu khai vị, Nguyễn Biểu cầm đôi đũa ngà moi đôi mắt chấm vào muối nuốt một cách ngon lành. Sau khi cạn chén rượu, Nguyễn Biểu cười kiêu hãnh nói một mình như nhắn bảo cho Trương Phụ biết:

"Không mấy khi người Nam được ăn đầu người Bắc", rồi Nguyễn Biểu rung đùi ngâm bài thơ ứng khẩu:

Ngọc thiệt trân tu đã đủ mùi,

Gia hào thêm có cỗ đầu người

Nem công chả phượng còn chưa béo

Thịt gụ gan lân cũng kém tươi,

Cá lối lộc minh so cũng một,

Vật bày thỏ thú bội hơn mười,

Kia kìa ngon ngọt tày vai lợn,

Tráng sĩ như phàn tiếng để đời.

Đọc xong bài thơ, Nguyễn Biểu ung dung buông đũa đứng dậy. Khi nghe quân hầu thuật lại về Nguyễn Biểu với mâm cỗ đầu người. Trương Phụ tròn xoe mắt kinh ngạc. Để tỏ ra mình cũng biết trọng những kẻ có tài năng, khí phách. Trương Phụ lấy lễ tiếp đãi Nguyễn Biểu, rồi tiễn chân sứ giả ra về.

Khi Nguyễn Biểu ra về rồi, tên Việt gian Phạm Liêu ton hót: "Ngài muốn lấy nước Nam mà tha người ấy về thì làm sao mà xong việc được". Trương Phụ nghe ra, bèn hạ lệnh cho quân lính đuổi theo đoàn sứ giả, bắt Nguyễn Biểu trở lại.

Quân giặc bắt Nguyễn Biểu quỳ lạy Trương Phụ. Nguyễn Biểu hất tay bước tới chỉ thẳng vào mặt Trương Phụ mà quát mắng:

"Trong bụng toan tính việc đánh chiếm nước người ta, ngoài mặt lại phô trương là quân nhân nghĩa, trước nói là lập con cháu họ Trần, bây giờ lại đặt quận huyện, không những cướp bóc của cải lại còn giết hại nhân dân, bọn mày thật là lũ giặc bạo ngược".

Thấy không khuất phục được Nguyễn Biểu, Trương Phụ ra lệnh giết sứ giả.

Tháng 4 năm Giáp Ngọ - 1414, do quân ít không thể chống lại được với quân Minh, Trương Phụ, Mộc Thạch cho quân bao vây đã bắt được Trùng Quang Đế, Đặng Dung, Nguyễn Súy giải về Trung Quốc, trên đường đi vua tôi nhà Hậu Trần đã nhảy xuống biển tự tử để tỏ rõ khí phách, nhà Hậu Trần chấm dứt từ đó.

Mời các bạn tham khảo thêm:


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!