Lễ Xá tội vong nhân

Bùi Thế Hiển
Admin 12 Tháng tám, 2020

Rằm tháng 7 hàng năm cũng là thời điểm các gia đình chuẩn bị cho lễ Xá tội vong nhân và những người con thì báo hiếu cha mẹ trong dịp lễ Vu Lan. Vậy ngày Xá tội vong nhân và lễ Vu Lan có giống nhau không? Hãy cùng Hoatiêu tìm hiểu trong bài viết sau đây để biết thêm về ý nghĩa ngày lễ Xá tội vong nhân.

1. Xá tội vong nhân là ngày nào

Theo tín ngưỡng dân gian , rằm tháng 7 là xá tội vong nhân: là ngày mở cửa ngục, ân xá cho vong nhân nên có lễ cúng Cô Hồn (vào buổi chiều) cho các vong linh không nhà cửa không nơi nương tựa, không có thân nhân trên Dương thế để thờ cúng, và là ngày mọi tù nhân ở Địa Ngục có cơ hội được xá tội, được thoát sanh về cảnh giới an lành.

2. Rằm tháng 7 là ngày lễ Vu Lan báo hiếu

Vu lan (chữ Hán: 盂蘭, bính âm: Zhōngyuán Jié; sa. ullambana), còn được hiểu là lễ báo hiếu, là một trong những ngày lễ chính của Phật giáo (Đại thừa Bắc tông).

Xuất phát từ sự tích về Bồ tát Mục Kiền Liên đại hiếu đã cứu mẹ của mình ra khỏi kiếp ngạ quỷ. Vu Lan là ngày lễ hằng năm để tưởng nhớ công ơn cha mẹ (và tổ tiên nói chung) - cha mẹ của kiếp này và của các kiếp trước.

Theo kinh Vu Lan thì ngày xưa, Mục Kiền Liên đã tu luyện thành công nhiều phép thần thông. Mẹ ông là bà Thanh Đề đã qua đời, ông tưởng nhớ và muốn biết bây giờ mẹ như thế nào nên dùng mắt phép nhìn khắp trời đất để tìm. Thấy mẹ mình, vì gây nhiều nghiệp ác nên phải sanh làm ngạ quỷ, bị đói khát hành hạ khổ sở, ông đã đem cơm xuống tận cõi quỷ để dâng mẹ. Tuy nhiên do đói ăn lâu ngày nên mẹ của ông khi ăn đã dùng một tay che bát cơm của mình đi không cho các cô hồn khác đến tranh cướp, vì vậy khi thức ăn đưa lên miệng đã hóa thành lửa đỏ.

Cũng theo kinh Vu-Lan-bồn, Mục Liên quay về tìm Phật để hỏi cách cứu mẹ, Phật dạy rằng: "Dù ông thần thông quảng đại đến đâu cũng không đủ sức cứu mẹ ông đâu. Chỉ có một cách nhờ hợp lực của chư tăng khắp mười phương mới mong giải cứu được. Ngày rằm tháng bảy là ngày thích hợp để cung thỉnh chư tăng, hãy sắm sửa lễ cúng vào ngày đó".

Làm theo lời Phật, mẹ của Mục Liên đã được giải thoát. Phật cũng dạy rằng: chúng sanh ai muốn báo hiếu cho cha mẹ cũng theo cách này (Vu-Lan-Bồn Pháp). Từ đó, ngày lễ Vu-lan ra đời.

3. Rằm tháng 7 là ngày tết Trung Nguyên 

Trong văn hóa Trung Hoa, ngày rằm tháng bảy âm lịch thuộc Tiết Trung Nguyên và được gọi là Ngày Ma (hồn người chết) và tháng thứ bảy nói chung được coi là Tháng Ma (鬼月, Quỷ nguyệt), trong đó những con ma và linh hồn, bao gồm cả của tổ tiên đã qua đời, đến từ các cõi âm. Cùng với lễ Thanh Minh (vào mùa xuân) và Trùng cửu (vào mùa thu), con cháu còn sống tỏ lòng tôn kính đối với tổ tiên đã qua đời của họ, trong Lễ hội hồn ma, người chết được cho là về thăm những người sống.

Vào ngày thứ mười lăm, cõi thiên đàng và địa ngục và cõi người sống mở cửa và cả tín đồ Đạo giáo và Phật giáo sẽ thực hiện các nghi lễ để chuyển hóa và giải oan khổ của người quá cố.

Tại Việt Nam, việc cúng Rằm tháng Bảy thường được cúng ở chùa (thờ Phật) trước, rồi mới đến cúng tại gia. Lễ này thường được làm vào ban ngày, tránh làm vào ban đêm, khi Mặt Trời đã lặn.

Ngoài ra, theo truyền thống tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong dân gian, ngày này là ngày "Xá tội vong nhân" nên nhiều nhà có mâm cơm cúng trước nhà, để cúng những vong linh bơ vơ không gia đình, còn gọi theo dân gian là "cúng cô hồn" , "cúng thí thực" (tặng thức ăn).

Vào ngày này, mọi gia đình đều cúng hai mâm: cúng tổ tiên tại bàn thờ tổ tiên và cúng chúng sinh (cúng thí thực hay cúng cô hồn) ở sân trước nhà hoặc trên vỉa hè (nếu đường rộng), thời gian cúng có thể là vào buổi sáng, trưa hoặc chiều.

Trên mâm cúng tổ tiên, gia đình bày đặt một mâm cỗ mặn, tiền vàng và cả những vật dụng dành cho người cõi Âm.

Trên mâm cúng chúng sinh thì lễ vật gồm có: quần áo chúng sinh với nhiều màu sắc (xanh lam, xanh lá mạ, vàng, hồng...), các loại bỏng ngô, chè lam, kẹo vừng, kẹo dồi, bánh quế, cháo, tiền vàng, cốc nước lã hoặc rượu , cốc gạo trộn lẫn với muối ... và những lễ vật khác dành cho những cô hồn, ma đói không nơi nương tựa.

4. Cách làm lễ xá tội vong nhân

Lễ Xá tội vong nhân, theo tín ngưỡng dân gian, đây là lễ cúng cho những vong hồn không nơi nương tựa, không người thờ cúng. Sau đây là cách làm lễ cúng cô hồn trong ngày xá tội vong nhân, mời các bạn cùng tham khảo:

Thời gian cúng cô hồn

Cúng cô hồn thường diễn ra nhiều lần trong năm thường vào các ngày 2 và 16 âm lịch mỗi tháng, nhưng những lễ này thường những người kinh doanh sẽ cúng chứ không áp dụng cho đại đa số gia đình. Tuy nhiên, rằm tháng 7 được coi là lễ cô hồn lớn nhất trong năm, và thường nhà nào cũng làm lễ cúng.

Thời gian cúng cô hồn đúng nhất thường sau 12 giờ trưa. Thông thường các gia đình sẽ cúng vào buổi tối.

Đồ cúng cô hồn

– Gạo, muối hột (mỗi thứ một ít, nếu ở thành phố thì bỏ ít gạo thôi vì không có chim, gà ăn rất lãng phí).

– Giấy tiền vàng bạc, giấy áo (mua ít, tránh lãng phí)

– 12 cục đường thẻ.

– 3 ly nước nhỏ, 3 cây nhang, 2 ngọn nến nhỏ.

– Bắp rang

– Mía (để nguyên vỏ, chặt thành khúc nhỏ khoảng 15 cm)

– Cháo trắng nấu lỏng (12 chén nhỏ) hoặc 3 vắt cơm trắng.

– Bánh, kẹo.

Có nhiều người kinh doanh cúng mặn, tuy nhiên cúng chay vẫn tốt hơn vì cô hồn không đòi hỏi đồ chay hay mặn. Chuẩn bị đồ cúng vừa đủ, không nên lãng phí. Khi cúng cô hồn nên chuẩn bị bắp rang và mía vì theo quan niệm cô hồn rất thích thức ăn này.

Văn khấn cúng cô hồn

Văn khấn

KÍNH LỄ MƯỜI PHƯƠNG TAM BẢO CHỨNG MINH

Hôm nay ngày……tháng……năm………………(Âm lịch).

Con tên là:…………………..tuổi……………….Ngụ tại số nhà …, đường…, phường (xã)… , quận (huyện ) ……………,tỉnh (Tp):…………………

Trân trọng kính mời các chư vị khuất mặt, khuất mày, kẻ lớn, người nhỏ, thập loại cô hồn, các Đảng, âm binh ngoài đường, ngoài xá, hữu danh vô vị, hữu vị vô danh, các chiến sĩ trận vong, đồng bào tử nạn…về nơi đây hưởng lộc thực đầy đủ…

Phát lòng thành tịnh, thiết lập đạo tràng, bày tiệc cam lồ, Kỳ an gia trạch, Kỳ an bổn mạng. Nhờ ơn tế độ, thêm sự phước duyên, nguyện xin gia đình yên ổn, thuận lợi bán buôn, phù hộ được buôn may bán đắt, mọi sự được sở cầu như ý, dòng họ quy hướng đạo mầu, con cháu học hành tinh tiến, nguyện cầu thế giới hòa bình, nhơn sanh phước lạc.

Nam mô Phật, Nam mô Pháp, Nam mô Tăng. Độ cho nhứt thiết siêu thăng thượng đài.

– Chân ngôn biến thực: ( biến thức ăn cho nhiều )

NAM MÔ TÁT PHẠ ĐÁT THA, NGA ĐÀ PHẠ LÔ CHỈ ĐẾ , ÁN TÁM BẠT RA , TÁM BẠT RA HỒNG ( 7 lần )

Chân ngôn Cam lồ thủy: ( biến nước uống cho nhiều )

NAM MÔ TÔ RÔ BÀ DA, ĐÁT THA NGA ĐA DA, ĐÁT ĐIỆT THA. ÁN TÔ RÔ, TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ, BÁT RA TÔ RÔ , TA BÀ HA .( 7 lần )

Chân ngôn cúng dường: ÁN NGA NGA NẴNG TAM BÀ PHẠT PHIỆT NHỰT RA HỒNG (7 lần).

Lưu ý khi cúng cô hồn

– Đặt mâm cúng trước của nhà hoặc ngoài trời, không được đem vào trong nhà.

– Buổi cúng thường kết thúc với việc vãi gạo, muối ra sân, ra đường và đốt vàng mã.

– Các phẩm vật cúng cho Cô hồn nên bỏ đi hoặc cho súc vật ăn, không được dùng nếu không sẽ đem năng lượng xấu vào cơ thể, sinh bệnh tật, lâu ngày bị ngu muội, thần kinh.

5. Ý nghĩa ngày xá tội vong nhân

Vào ngày xá tội vong nhân, mọi người từ quyền quý đến kẻ nghèo khó nhất đều mong cha mẹ, người thân của mình đã khuất được nhập Niết bàn.

Theo GS Nguyễn Văn Huyên, ngày xá tội vong nhân có tầm luân lý lớn, bởi nó hướng mọi người ăn ở tốt trong cuộc đời trần gian, an ủi các hồn trong cuộc đấu tranh giành sự sống. Tục này khiến linh hồn phải hoàn thiện, phải làm tinh tế bản thể của mình bằng cách thực hành đức nhân từ và từ bỏ cuộc đời phàm tục.

“Điều quan trọng chẳng phải là kết quả ngay trước mắt: cái ta phải nhằm trong mọi hành vi của đời mình, đấy là trạng thái tận thiện tận mỹ cuối cùng chỉ có thể đạt tới bằng một nỗ lực lâu dài và kiên nhẫn về thể chất cũng như tinh thần trí tuệ”, GS Nguyễn Văn Huyên viết.