Lễ tro là gì? Lễ tro kiêng gì?
Thứ tư Lễ Tro là một ngày thánh của Cơ đốc giáo tập trung vào cầu nguyện và ăn chay. Cùng đọc bài viết dưới đây để tìm hiểu lễ tro là gì, lễ tro 2023 vào ngày nào, ý nghĩa của thứ tư lễ tro,...
1. Lễ tro là gì?
Lễ tro hay còn gọi là Thứ tư Lễ Tro (tiếng Anh: Ash Wednesday) là một ngày lễ quan trọng trong năm của Thiên Chúa Giáo. Đặc điểm của ngày lễ này là việc làm phép tro. Ngay sau khi được làm phép, tro này sẽ được dùng để rắc lên đầu các tín đồ theo hình Thánh Giá hoặc để vẽ lên trán theo hình Thánh Giá.
2. Ý nghĩa của Thứ Tư Lễ Tro
Việc các tín đồ để cho mình được rắc tro lên đầu hay để cho mình được vẽ hình Thánh Giá trên trán với tro nói lên “tinh thần sám hối và sự khiêm nhường của họ”. Họ nhìn nhận thân phận cát bụi của mình.
Khi tham dự Thánh lễ Tro, tín đồ được xức tro trên đầu với ý niệm ” con người xuất thân từ tro bụi và cũng sẽ trở về tro bụi”. Điều này dựa trên bản văn Kinh Thánh: “...Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
Tro dùng ở đây là tro được lấy từ việc đốt lá được dùng trong ngày Chủ nhật Lễ Lá (Palm Sunday) của năm trước đó. Những cành cây hay lá cây đó sẽ được đốt để lấy tro cho ngày lễ này. Một số nơi tro còn được trộn với dầu dùng trong việc rửa tội.
Màu phụng vụ của Thứ tư Lễ Tro là màu tím.
Thứ tư Lễ Tro còn là ngày khởi đầu cho Mùa Chay. Mùa Chay này kéo dài đúng 40 ngày và là một sự chuẩn bị cho Đại Lễ Phục Sinh sắp tới.
3. Lễ Tro 2023 vào ngày nào
Chắc không người Công Giáo Việt Nam nào mà không nhận ra lễ Tro của Giáo Hội Công Giáo thường rơi vào đúng ngay dịp Tết âm lịch, tức Tết Nguyên Đán truyền thống của Việt Nam, trước hoặc sau mồng 1 vài ngày. Vì thế, nhiều người không khỏi thắc mắc “Sao một ngày lễ mang tính buồn sầu lại hay diễn ra vào một mùa vui như vậy?” hoặc “Vì lẽ nào mà Giáo Hội lại cứ sắp cho lễ Tro vào ngay dịp Tết như thế?” Phải hiểu nguyên lý tính ngày của 2 lễ này thì mới hiểu lý do. Nguyên nhân căn cốt của vấn đề nằm ở chỗ: 2 ngày này đều được tính theo lịch âm. Và chuyện 2 lễ này hay trùng nhau chỉ là tình cờ của lịch sử.
Thật vậy, từ năm 2010 đến năm 2020, có 5 lần lễ Tro rơi vào khoảng từ 29 đến mùng 6 Tết (2010, 2013, 2015, 2016, 2018). Từ 2020 đến 2030, chuyện này cũng xảy ra 5 lần nữa (2021, 2023, 2024, 2026, 2029); năm 2023, lễ Tro rơi vào Thứ Tư, 22 tháng 2
4. Cách xác định ngày lễ Tro
Thứ tư lễ Tro là ngày lễ nhắc nhở về sự chết, điểm khởi đầu của mùa Chay 40 ngày thống hối để đón chờ mầu nhiệm Chúa Giêsu phục sinh từ cõi chết. Lễ Tro phụ thuộc vào lễ Phục Sinh, vốn không có ngày cố định theo dương lịch trong lịch Phụng Vụ như lễ Giáng Sinh 25/12, lễ Truyền Tin 25/3 hay lễ kính một vị Thánh bất kỳ. Do có nguồn gốc từ lễ Vượt Qua theo âm lịch của Do Thái, lễ Phục Sinh căn cứ một phần vào âm lịch, khiến lễ Tro cũng tính theo âm lịch.
Cụ thể như sau: theo quy tắc của Công đồng Nixêa, lễ Phục Sinh là ngày Chúa nhật đầu tiên tính từ kỳ trăng tròn đầu tiên sau ngày 21/3 DL (ngày Xuân phân). Bắt từ Chúa nhật Phục Sinh, đếm về trước 6 tuần là Chúa nhật 1 mùa Chay; 4 ngày trước CN 1 mùa Chay chính là thứ tư lễ Tro.
5. Lễ tro kiêng gì?
“Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm cơn cám dỗ” (Mt 26,42).
Mùa Chay là mùa tập luyện chiến đấu thiêng liêng. Làm thế nào để việc luyện tập và chiến đấu mang lại ích lợi cho đời sống thiêng liêng? Trong Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu dạy cho chúng ta ba thực hành quan trọng trong Mùa Chay là : Cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái. Ba việc ấy diễn tả ba mối tương quan với Thiên Chúa, với tha nhân và với chính mình. Đồng thời Người cũng lưu ý về tinh thần phải có khi thực hành ba việc làm này.
Cầu nguyện là cách biểu lộ niềm tin, giúp con người gắn bó với Chúa, hoàn toàn sống phó thác vào Chúa. Chúa Giêsu đã nêu gương cho chúng ta về đời sống cầu nguyện. Ngài cầu nguyện mọi lúc, mọi nơi, trong mọi hoàn cảnh, để luôn an bình, thuận theo ý Chúa Cha. Chính Chúa Giêsu đã dạy chúng ta “Hãy tỉnh thức và cầu nguyện để khỏi lâm cơn cám dỗ”(Mt 26,42). Nhưng phải cầu nguyện thế nào để đẹp lòng Thiên Chúa, đó là “khi cầu nguyện, thì hãy vào phòng đóng cửa lại mà cầu xin với Cha con, Ðấng ngự nơi bí ẩn”(Mt 6,6), đừng làm như kẻ giả hình, vì như thế là đã tìm ân thưởng của trần thế rồi. Vậy hãy vào trong sâu thẳm của nội tâm, gặp Chúa và gặp mọi người trong Chúa, cùng muôn tâm tư, ước vọng. Chúa sẽ lắng nghe, Chúa sẽ thánh hoá, biến đổi, giúp chúng ta luôn sống đẹp lòng Người .
Khi ăn chay cũng vậy, Chúa Giêsu không dạy chúng ta được ăn gì và phải kiêng những gì, nhưng Người nhấn mạnh đến tinh thần của sự việc: “Khi các ngươi ăn chay thì chớ sầm mặt lại như bọn giả hình (….) Còn ngươi ăn chay thì đầu hãy xức dầu, và mặt mày hãy lau rửa…” (x. Mt 6, 16-18). Chúa Giêsu không chấp nhận việc ăn chay của người môn đệ giống như những người Pharisêu và những người Do thái đương thời, đó là mỗi khi họ ăn chay, họ tỏ ra rầu rĩ, thiểu não, tang thương. Ngược lại, Người muốn người môn đệ phải hân hoan khi ăn chay, vì ăn chay là để đón chờ chàng rể đến.
Với việc bác ái, Chúa Giêsu dạy ta phải ý tứ khi chia sẻ thì đừng thổi loa báo trước và đừng để tay trái biết việc tay phải làm (x. Mt 6, 3-4). Nếu không thi hành trong lòng mến và vô vị lợi như thế, thì việc bác ái của chúng ta sẽ chỉ là công dã tràng mà thôi. Làm việc bác ái giúp chúng ta thêm lòng yêu mến Chúa, việc luôn nghĩ đến người khác giúp chúng ta biết từ bỏ mình. Biết chạnh lòng thương trước những cảnh đời nghèo khổ sẽ giúp chúng ta thăng tiến trên đường nên thánh.
Bốn mươi ngày Chay Thánh không phải là thời gian nặng nề với những gánh nặng, nhưng là thời gian của ân sủng, của ân phúc. Xin cho chúng ta thực hiện những hành vi đạo đức cầu nguyện, ăn chay và làm việc bác ái không phải vì phô trương, nhưng vì lòng yêu mến Chúa.