Làm thế nào cho buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả?

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 05 Tháng một, 2023

Làm thế nào để có một buổi họp phụ huynh hiệu quả, đạt được mục đích tạo được sự kết nối giữa giáo viên và phụ huynh nhằm giúp học sinh tiến bộ hơn trong học tập và tu dưỡng? Để cải thiện tình hình trên, một giáo viên đã chia sẻ kinh nghiệm làm thế nào để có một buổi họp họp thêm thú vị, bớt căng thẳng, các bạn hãy cùng TimDapAntìm hiểu nhé!

I. Làm thế nào cho buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả?

1. Mục đích cuộc họp

  • Mục đích của những cuộc họp này là để tăng cường mối liên hệ giữa gia đình học sinh và nhà trường nhằm thảo luận, lấy ý kiến, tìm ra các giải pháp phối hợp, nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện đối với học sinh. Nhưng mục đích đó nhiều khi chưa đạt.
  • Thường trong mỗi năm học, nhà trường tiểu học thường tổ chức vài cuộc họp phụ huynh học sinh.

2. Tồn tại của những buổi họp phụ huynh

  • Nhưng, trên thực tế, nhiều cuộc họp phụ huynh học sinh vẫn còn mang tính hình thức, hiệu quả chưa cao. Nhất là, cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm học còn dành quá nhiều thời gian cho việc thu các khoản tiền trong đó có việc vận động phụ huynh tích cực đóng góp các khoản “tự nguyện”.
  • Trong các cuộc họp phụ huynh học sinh, vai trò của Ban liên lạc phụ huynh cũng chưa thực sự phát huy hết tác dụng với tư cách là một tổ chức đại diện cho tất cả các phụ huynh có con em theo học trong lớp, trong trường.Các cuộc họp phụ huynh học sinh thường được tổ chức vào các dịp: đầu năm học mới, cuối học kỳ 1 và cuối năm học.
  • Thời gian dành cho mỗi cuộc họp phụ huynh thường chỉ được “gói gọn” trong khoảng trên dưới 2 tiếng.
  • Mặc dù không đồng tình với các khoản đóng góp "tự nguyện" nhưng nhiều phụ huynh vẫn đóng cho xong.

3. Quy trình của buổi họp phụ huynh

Diễn biến của một cuôc họp phụ huynh học sinh thường là:

  • Ổn định tổ chức, điểm danh mất khoảng 15 - 20 phút
  • Thông báo tình hình trường lớp trong thời gian qua
    • Giáo viên chủ nhiệm thông báo tình hình, nề nếp học tập dạy và học của trường, lớp trong thời gian qua, phương hướng, kế hoạch trong thời gian tới; phương hướng, chỉ tiêu về học lực, hạnh kiểm của học sinh. Phần “thông báo” này của giáo viên chủ nhiệm thường mất khoảng 1 tiếng.
  • Phần thông báo kết quả học tập
  • Phần thông báo các khoản thu

Phần tiếp theo là công bố những khoản thu theo quy định chung của nhà trường cùng những khoản xã hội hóa khác, phần này cũng mất khoảng 30 phút vì giáo viên còn phải giải thích cho phụ huynh hiểu cặn kẽ về nội dung các khoản thu, đặc biệt là những khoản thu “tự nguyện” không nằm trong “phần cứng”.

Cuối mỗi buổi họp, giáo viên chủ nhiệm lại phải dành ra một khoảng thời gian nhất định để trực tiếp thu các khoản tiền của những phụ huynh đã mang sẵn đi và đang lăm le để nộp. Với chừng ấy nội dung công việc, khoảng thời gian giáo viên chủ nhiệm trao đổi về tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của mỗi học sinh nhằm phối hợp với phụ huynh có biện pháp giáo dục thích hợp là rất hạn chế.

Các bậc phụ huynh cũng không có đủ thời gian để có thể trình bày hết được những ý kiến, đề xuất của bản thân để phối hợp, nâng cao chất lượng học tập, rèn luyện của con em mình.

Tình trạng cuộc họp chỉ diễn ra một chiều, tức là chỉ có giáo viên truyền đạt còn phụ huynh chỉ biết ngồi nghe là khá phổ biến. Ở một số cuộc họp, trong khi giáo viên nói, một số phụ huynh còn nói chuyện riêng, làm việc riêng.

Đôi lúc, tiếng chuông điện thoại của ai đó đột ngột vang lên rồi phụ huynh tự ý bỏ ra khỏi phòng nghe điện thoại, hút thuốc khiến cho không khí nghiêm túc cần thiết của cuộc họp bị ảnh hưởng.

Trong cuộc họp phụ huynh học sinh đầu năm thì vấn đề được nhiều phụ huynh quan tâm là các khoản đóng góp. Ngoài những khoản đóng góp theo đúng quy định còn có những khoản thu “phần mềm” ngoài quy định.

Hiện nay, tình trạng lạm thu ở một số nhà trường đang được biến tướng và núp bóng dưới hình thức xã hội hóa và “tự nguyện” của phụ huynh học sinh. Trên lý thuyết, các khoản thu ngoài quy định đều phải được sự đồng ý và thống nhất cao của đa số phụ huynh và trên tinh thần “tự nguyện” là chính. Việc đóng góp nhiều hay ít là tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình học sinh.

Tuy nhiên, trên thực tế, không ít trường đã “xé rào” bằng cách ngầm ấn định những “mức sàn” tối thiểu mà mỗi phụ huynh học sinh phải đóng góp. Khi giáo viên chủ nhiệm hoặc đại diện Ban đại diện phụ huynh đứng ra phát động thu và thông báo về các “mức sàn” cần huy động, đóng góp, có phu huynh không đồng tình nhưng không dám tỏ thái độ, không dám đứng lên phát biểu ý kiến phản đối.

Phần vì cho rằng khi đa số đồng ý thì thiểu số có phản đối cũng không có ý nghĩa gì, phần vì cả nể giáo viên chủ nhiệm, sợ con em mình sẽ bị gặp khó khăn trong quá trình học tập nên đành “cắn răng” để “tự nguyện” góp cho yên chuyện. Và như thế, cuộc họp phụ huynh trở thành dịp để hợp thức hóa các khoản tiền “xã hội hóa”.

Nhiều phụ huynh đi dự họp trong tâm thế chỉ để nghe phổ biến các khoản tiền nộp và quy định về thời gian nộp. Mong cho cuộc họp mau chóng kết thúc để nộp tiền rồi… ra về. Ở đây, vai trò của tổ chức đại diện phụ huynh học sinh trong các cuộc họp phụ huynh còn khá mờ nhạt, chưa phát huy hết vai trò của mình.

Trưởng ban đại diện thường do giáo viên chủ nhiệm gợi ý có tính chất chỉ định, nhất là với những lớp đầu cấp, các phụ huynh trong lớp thường chưa quen biết nhau.

Khi đã “nhận chức” thì vị trưởng ban đại diện phụ huynh thường sẽ làm nhiệm vụ trong suốt cả khóa học. Những vị đó thường là những người có “vai vế” hoặc có điều kiện về kinh tế, có tài ăn nói, thuyết phục.

Trước mỗi cuộc họp phụ huynh, trưởng ban đại diện phu huynh sẽ được nhà trường mời dự một cuộc “họp kín”. Trong cuộc họp này, nhà trường “quán triệt” việc thực hiện các khoản tiền theo quy định nói chung, các khoản “tự nguyện” nói riêng.

Các trưởng ban đại diện sẽ là “hạt nhân” vận động phụ huynh thực hiện. Vai trò của trưởng ban đại diện với tư cách là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của các phụ huynh, cũng như “cầu nối” với giáo viên chủ nhiệm và nhà trường, nói chung là còn mờ nhạt, và bị xem nhẹ.

Trong quá trình giáo dục học sinh, nhân tố gia đình giữ một vai trò quan trọng. Do đó, tăng cường sự phối hợp giữa nhà trường và gia đình thông qua các cuộc họp, tiếp xúc giữa phụ huynh học sinh với đại diện nhà trường, trực tiếp qua giáo viên chủ nhiệm lớp là điều cần thiết.

Thông qua cuộc họp phụ huynh học sinh, các bậc phụ huynh có thể nắm được tình hình học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình từ đó giúp phát huy những điểm mạnh, uốn nắn, khắc phục những điểm yếu với mục đích cuối cùng là “vì tương lai của các cháu” như lời của nhiều bậc làm cha, làm mẹ thường nói trong các cuộc họp phụ huynh.

4. Làm thế nào cho buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả

  • Tuy nhiên, để những cuộc họp phụ huynh học sinh thực sự phát huy hiệu quả, cần cải tiến hình thức trình bày nội dung trong các cuộc họp theo hướng tập trung vào việc thảo luận, bàn bạc các giải pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện học sinh.
  • Các nội dung khác cần báo cáo nhanh, gọn tránh làm mất thời gian. Sau khi kết thúc mỗi cuộc họp, phụ huynh phải nắm được một cách tương đối đầy đủ những ưu điểm, nhược điểm trong học tập, rèn luyện, tu dưỡng của con em mình.
  • Nhằm tăng cường thiết lập mối quan hệ giữa giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh, nên chăng, cần tiếp tục duy trì hình thức dùng sổ liên lạc như có thời gian trước đây nhiều nhà trường vẫn làm.
  • Hình thức này có thể giúp các bậc phụ huynh có thể quán xuyến được tình hình học tập, tu dưỡng, rèn luyện của con em mình trong từng ngày, từng tuần, từng tháng.
  • Ban đại diện phụ huynh học sinh cũng cần đổi mới phương thức hoạt động. những người giữ nhiệm vụ trưởng ban ở các lớp phải là người đại diện cho tâm tư, nguyện vọng của những phụ huynh khác.
  • Vai trò của trưởng ban phụ huynh học sinh cần được thể hiện rõ nét và thiết thực trong các cuộc họp phụ huynh, nhất là khi đưa ra bàn bạc, thống nhất các khoản đóng góp “tự nguyện” để chủ trương xã hội hóa giáo dục đi đúng hướng.

II. 12 Việc cần làm để buổi họp phụ huynh thêm thú vị, bớt căng thẳng

1. Những việc cơ bản cần chuẩn bị

Trang trí lớp thật gọn gàng, sạch sẽ nhưng tươi vui, chuẩn bị khăn trải bàn lọ hoa, làm power point (nếu lớp có máy chiếu) và phần kịch bản word thật cẩn thận, học thuộc các ý sẽ triển khai. Nên dành nhiều thời gian cho việc nói chương trình học, thoả thuận lưu ý với phụ huynh về nội quy cũng như cách rèn nếp học và sinh hoạt cho học sinh. Trang điểm nhẹ nhàng cho tươi tắn, thân thiện, gần gũi nhưng có khoảng cách. Khi nói về chương trình học nên đưa ra 1 số kinh nghiệm, mẹo rèn học sinh, dẫn chứng 1 vài bài học cụ thể trong chương trình và phân tích cho phụ huynh hiểu.

2. Cho học sinh viết lời nhắn nhủ gửi đến phụ huynh

Đôi khi, học sinh có nhiều lời nhắn nhủ đến cha mẹ của mình nhưng lại ngại nói ra vì nhiều nguyên nhân có thể là: cha mẹ bận rộn không có thời gian tâm sự cùng con, cha mẹ hay trách mắng khiến các con lo sợ không muốn chia sẻ nhiều,... Vì thế, cô giáo viên hãy biến buổi họp phụ huynh thành chiếc cầu nối để giúp cha mẹ hiểu con mình hơn bằng việc chuẩn bị 4 cái phong bì: Cảm ơn, Xin lỗi, Hứa hẹn, Mong ước. Giáo viên cho học sinh viết những lời nhắn nhủ đến phụ huynh, rồi bỏ vào mỗi phong bì đó, không cần ghi tên, cô sẽ lựa chọn và đọc cho phụ huynh nghe trong buổi họp.

3. Bảng ghi nhận những điều tốt

Giáo viên phát cho học sinh những tờ bìa xanh đỏ tím vàng mang tên: BẢNG GHI NHẬN NHỮNG ĐIỀU TỐT, cho học sinh ghi tên mình và trang trí lên đó. Sau đó, tờ bìa đó sẽ được chuyển đến tay từng bạn trong lớp. Các bạn học sinh còn lại có nhiệm vụ ghi vào đó thật ngắn gọn những mặt TỐT mà em nhìn thấy ở bạn (nguyên tắc: không nhận xét về ngoại hình, bạn viết sau ko trùng lặp với bạn đã viết trước). Mỗi học sinh sẽ được tất cả các bạn học sinh khác trong lớp KHEN mình. Giáo viên cho học sinh đọc rồi thu lại, buổi họp phụ huynh phát lại cho các bố mẹ.

4. Những lời khuyên bạn NÊN và KHÔNG NÊN làm

Tương tự như cái số 2, nhưng nội dung là ghi lên đó những lời khuyên bạn NÊN và KHÔNG NÊN làm (thực chất là chỉ ra những nhược điểm của bạn nhưng góp ý một cách nhẹ nhàng). Giáo viên cũng lại phát cho phụ huynh đọc để hiểu về con mình. Đã có trường hợp, phụ huynh chia sẻ đọc cái này mới biết đó là con mình có biết nói bậy chứ ở nhà cháu ngoan lắm (vì tờ đó có bạn ghi là "cậu không nên nói bậy nữa").

5. Cho học sinh viết một báo cáo gửi cô giáo và bố mẹ

Cô giáo cho học sinh viết 1 báo cáo gửi cô giáo và bố mẹ để trình bày những điều em đã làm được và chưa làm được trong năm học, đồng thời đề ra phương hướng phấn đấu. Tiếp tục thu lại và gửi phụ huynh.

6. Làm 1 mẫu Kế hoạch hoạt động trong hè

Giáo viên làm 1 mẫu KẾ HOẠCH HOẠT ĐỘNG TRONG HÈ, cho học sinh tự điền vào đó những nội dung dự định và mong muốn sẽ thực hiện trong hè về nhiều mặt (học tập, đọc sách, chơi thể thao, giúp đỡ bố mẹ, về quê, v.v...), viết ra những khó khăn khi thực hiện từng nội dung trong kế hoạch, những mong muốn cha mẹ hỗ trợ để thực hiện kế hoạch đó. Lại làm và gửi phụ huynh để đọc và phối hợp.

7. Cho phụ huynh xem các video hoạt động của nhà trường

Trong buổi họp, giáo viên cho phụ huynh xem các video hoạt động của nhà trường, các hình ảnh và video về các hoạt động của lớp như là các các buổi dã ngoại, có thể phụ huynh cũng đã từng tham gia và cùng chơi các trò chơi kéo co, nhảy bao bố.... với học sinh, cùng reo hò, ngã lăn quay, giáo viên chiếu lại để phụ huynh thấy được những hoạt động đó vui vẻ như thế nào, chắc chắn họ sẽ rất thích thú.

8. Cho phụ huynh nêu cảm tưởng, suy nghĩ của mình

Giáo viên nên dành một ít thời gian trong buổi họp phụ huynh cuối năm học để phụ huynh ghi lại cảm tưởng, ý kiến, băn khoăn, thắc mắc ... Mỗi phụ huynh đều được phát 1 tờ giấy A4 trên đó có các câu hỏi, gợi ý cụ thể để phụ huynh dễ bày tỏ. Nhờ đó giáo viên có thể hiểu hơn và kịp thời giải đáp những băn khoăn, hiểu lầm của phụ huynh.

9. Lên phương án chuẩn bị cho buổi họp phụ huynh

Để chuẩn bị cho buổi họp sắp tới, giờ sinh hoạt trước đó một tuần, giáo viên hãy cho học sinh ghi lại: những điều khiến con thích thú khi đến trường, những khó khăn gặp phải từ đầu năm học (ở nhà, ở trường), những mong muốn, nguyện vọng với bố mẹ, thầy cô, v.v...để qua đó giáo viên tổng hợp và trao đổi lại với học sinh, với phụ huynh.

10. Lấy ý kiến phụ huynh

Giáo viên có thể gửi cho mỗi học sinh mang về 1 tờ giấy lấy ý kiến phụ huynh về một số vấn đề liên quan đến học hành, trường lớp, giáo dục con tuổi dậy thì, v.v.. và thu lại, tập hợp để có nội dung bàn bạc trao đổi trong buổi họp sắp tới.

11. Giáo viên phải biết cách cư xử trong buổi họp phụ huynh

Khi họp bạn đứng lên để họp, khi nghe ý kiến thì ngồi xuống để nghe, khen cụ thể 1 số em tiêu biểu, chê thì nói chung chung kiểu 1 số em còn nói chuyện riêng nhưng đừng nói cụ thể tên, học sinh nào hư quá cuối giờ gặp phụ huynh trao đổi riêng.

Khi nhận xét về học sinh nên xen vào những ví dụ đáng yêu, dễ thương ở lớp của các em để tạo không khí gần gũi. Nên chuẩn bị tinh thần trước cho một số câu hỏi mà phụ huynh sẽ hỏi để tự tin hơn.

Phụ huynh nào muốn dạy khôn cô giáo thì nên ngắt lời: tôi cảm ơn bác, tôi thấy ý của bác hay, tôi sẽ gặp riêng bác để học hỏi thêm, còn bây giờ chúng ta cùng bàn về tình hình của lớp. Xưng hô tôi với các bác trên cuộc họp nhé!

12. Cho phụ huynh "tham quan" trường

Các phòng học đã có sẵn máy chiếu, các thầy cô có thể chiếu hình ảnh giới thiệu về các phòng học, phòng chức năng, thư viện, nhà ăn, phòng ngủ, vườn cây, bể bơi....của trường. Nếu công phu hơn nữa thì quay các video mà chính thầy cô hoặc học sinh là các hướng dẫn viên giới thiệu về trường. Chắc chắn nhiều phụ huynh sẽ thích thú vì được "tham quan" trường như thế.

Trên đây là 12 Việc cần làm để buổi họp phụ huynh thêm thú vị, bớt căng thẳng. Chắc hẳn qua bài viết bạn đọc đã nắm được những việc cần làm để buổi họp phụ huynh đạt hiệu quả cao rồi đúng không ạ? Hi vọng qua bài viết bạn đọc có thêm nhiều tài liệu bổ ích. Có lẽ bài viết này đã phần nào giúp bạn trả lời được câu hỏi ban đầu. Chúc thầy cô thành công!

Mời các bạn cùng tham khảo thêm nhiều tài liệu tại mục biểu mẫu nhé.

05 Tháng một, 2023

Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!