Các biện pháp xử lý đối với trẻ thừa năng lượng

Bùi Thế Hiển
Bùi Thế Hiển 01 Tháng chín, 2020

Trẻ thừa năng lượng, hiếu động luôn là nỗi lo lắng của nhiều phụ huynh cũng như giáo viên. Vậy làm thế nào để đối phó với những đứa trẻ thừa năng lượng hay cách xử lý với trẻ hiếu động luôn là vấn đề được nhiều người quan tâm. Mời các bạn cùng theo dõi bài viết sau đây để biết thêm chi tiết.

1. Phân biệt trẻ hiếu động và tăng động

Rối loạn tăng động giảm chú ý là một chứng bệnh tâm lý thường gặp ở một số trẻ em có biểu hiện hiếu động hơn bình thường đi kèm giảm khả năng tập trung chú ý. Căn bệnh gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng học tập và gây khó khăn trong quan hệ với mọi người.

Trẻ hiếu động thì các hành động nghịch ngợm sẽ không liên tục và thường có chủ tâm, còn các bé bị tăng động giảm chú ý thường không điều chỉnh được hành vi và điều này ảnh hưởng tới mọi mặt cuộc sống.

Ví dụ như khi xem phim hoạt hình, truyện tranh, trẻ nhỏ thường phải tập trung cao độ để theo dõi từ đầu tới cuối, thế nhưng đối với trẻ tăng động, dù bộ phim đó có hay đến đâu, chúng cũng không thể tập trung để ngồi xem trong một thời gian dài.

Trái lại, trẻ nghịch ngợm có thể tập trung hoàn toàn vào những thứ mà chúng đặc biệt thích thú, cũng như thể hiện sự khó chịu khi bị ai đó can thiệp làm phiền.

Trong môi trường lạ, trẻ thường cần tới khả năng tự khống chế mình, nhưng trẻ tăng động lại thiếu mất khả năng đó. Trẻ nghịch ngợm có thể tự điều chỉnh mình khi chúng thấy chưa quen với môi trường, chúng chỉ nghịch khi thấy môi trường phù hợp, trong khi đó trẻ tăng động không phân biệt được khi nào cần kiềm chế, khi nào có thể tự do chơi đùa.

Bảng so sánh đơn giản sau có thể giúp cha mẹ có nhận thức rõ ràng hơn về hiếu động và tăng động:

  Hiếu động Tăng động giảm chú ý
Khái niệm Là một đặc điểm phát triển tâm lý lứa tuổi Là một dạng rối loạn do bất thường ở não
Tuổi mắc Xuất hiện khi bé mới biết đi và dần hết khi lớn lên Xuất hiện ở các bé dưới 6 tuổi, có xu hướng kéo dài

Mức độ

hành vi

  • Chỉ nghịch ở nhà và những nơi đã quen thuộc
  • Có thể ngồi yên > 10 - 15 phút
  • Biết nghe lời khi được nhắc nhở
  • Nói nhiều tùy lúc
  • Ít chen ngang vào công việc và công chuyện của người khác
  • Biết chờ đợi nếu được nhắc nhở
  • Nghịch mọi lúc mọi nơi, không ngưng nghỉ
  • Không thể ngồi yên hoặc không thể tập trung vào một vẫn đề
  • Không biết sợ, không nghe lời khi được nhắc nhở
  • Nói nhiều liên tục
  • Thường xuyên chen ngang vào câu chuyện và công việc của người khác
  • Không biết chờ đợi khi phải xếp hàng
Khi được nhắc nhở, điều chỉnh hành vi Sẽ hoàn toàn ổn định về tâm lý khi lớn lên Không có kết quả mà phải điều trị cả về tâm lý và y học

2. Các biện pháp xử trí đối với trẻ hiếu động

Thiết lập trật tự và tạo thời gian biểu cho trẻ

Khi trẻ quá hiếu động đồng nghĩa khoảng chú ý của trẻ rất ngắn nên thường rất hay quên và bất cẩn phạm lỗi. Mặc dù bạn không nên quá nghiêm khắc với trẻ nhưng việc đề ra những quy tắc và thiết lập một thời gian biểu chi tiết là rất cần thiết để giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật và không quá bối rối thực hiện các nhiệm vụ được phân công.

Chia nhỏ các nhiệm vụ của trẻ

Những trẻ hiếu động thường khó khăn với các nhiệm vụ quá phức tạp, do đó bạn nên giúp con chia nhỏ nhiệm vụ này thành từng công đoạn để trẻ dễ thực hiện và có hướng dẫn chi tiết. Bạn nên duy trì sự giao tiếp bằng ánh mắt với trẻ để chắc chắn rằng trẻ đang quan tâm đến điều bạn đang nói và có thể yêu cầu trẻ nhắc lại. Với trẻ đã biết đọc, bạn có thể viết ra những ghi chú này và dán ở những nơi trẻ dễ quan sát thấy.

Cách xử trí với trẻ hiếu động

Hạn chế các phiền nhiễu không đáng có

Trẻ hiếu động và dễ bị phân tâm, do đó, bạn nên tạo cho trẻ một không gian lý tưởng, tránh xa các tiếng ồn từ ti vi, thiết bị điện tử trong khi làm bài tập về nhà hoặc thực hiện các sở thích.

Động viên khen thưởng khi con làm tốt

Với những trẻ tăng động thì việc hoàn thành trọn vẹn một nhiệm vụ sẽ giống như một thử thách lớn bởi trẻ rất khó tập trung. Do đó, cha mẹ cần khích lệ và động viên đúng cách khi nhận thấy con tiến bộ. Bạn có thể dành cho con những “phần thưởng tinh thần” như một cái ôm, cái đập tay tán thưởng hay những phần quà ngộ nghĩnh…

Giữ thái độ tích cực với trẻ

“Trẻ hiếu động quá phải làm sao?” Đôi khi bạn có thể thấy bất lực khi chúng bỏ ngoài tai những lời bạn nhắc nhở. Nhưng bạn không nên nóng giận mà trách phạt trẻ bởi sẽ gây phản tác dụng. Thay vì la mắng khiến trẻ hoảng sợ, bạn nên nhẹ nhàng phân tích để trẻ nhận ra những lỗi sai của mình. Bạn nên tin tưởng rằng con sẽ tiến bộ từng ngày khi được nhắc nhở đúng cách.

Dành cho trẻ thời gian hoạt động thoải mái

Vẫn biết kỷ luật và quy tắc là điều cần thiết, nhưng trẻ cũng cần có thời gian để tự do làm những việc trẻ yêu thích và giải tỏa nguồn năng lượng của mình. Qua đây, cha mẹ sẽ hiểu thêm về những thế mạnh của trẻ và có biện pháp động viên con đúng cách.

Trò chuyện với con mỗi ngày

Trò chuyện chính là cách tốt nhất để cha mẹ hiểu những mong muốn và khó khăn của con. Bạn nên nhẹ nhàng, kiên trì hướng dẫn để trẻ dần điều chỉnh hành vi của mình, giảm bớt sự hiếu động. Với những trẻ nhỏ, bạn nên dành thời gian chơi cùng con như đóng kịch, xếp hình, kể chuyện trước khi đi ngủ.

Hoạt động tuyệt vời giúp trẻ bớt hiếu động, nghịch ngợm

- Võ thuật: đây là hoạt động giúp trẻ rèn luyện tính kỷ luật, sự tự tin, khả năng tập trung trong từng thế võ, đồng thời giúp nâng cao sức khỏe.

- Thể thao đồng đội: bóng đá, bóng rổ, bóng chuyền, cầu lông… là những môn thể thao cho phép trẻ di chuyển liên tục, sử dụng nhiều nhóm cơ, giúp trẻ duy trì sự tập trung và tiêu hao năng lượng.

- Hoạt động ngoại khóa ngoài thiên nhiên: đi bộ, leo núi, chèo thuyền… là cách giải tỏa năng lượng rất tốt, đồng thời giúp trẻ học hỏi thêm nhiều kỹ năng mới.

- Âm nhạc: đây là cách hiệu quả giúp thư giãn não bộ và tạo khoảng thời gian “tĩnh” để trẻ bớt hiếu động. Do đó, nếu còn phân vân trẻ hiếu động quá phải làm sao, bạn có thể cho con tham gia các lớp học đàn, trống… sau giờ học.

- Bơi lội: đây là lựa chọn tuyệt vời với những trẻ tăng động để giúp rèn luyện tinh thần tự giác và tính kỷ luật cá nhân.

- Trò chơi tư duy: xếp hình, cờ vua, xoay rubic… là những bài tập tốt cho trí não, giúp cải thiện khả năng tập trung chú ý cho trẻ.

3. Cách xử trí đối với trẻ thừa năng lượng

Trong quá trình dạy học, giảng viên Phan Hồ Điệp cho biết đã gặp những đứa trẻ nhiều năng lượng khủng khiếp. Cảm giác như chúng không biết mệt là gì. Chúng chạy vòng quanh lớp, chui xuống gầm bàn, hò hét, trêu chọc bạn. Chúng luôn ở trạng thái vã mồ hôi, mặt đỏ bừng. Chúng rất khó ngồi yên. Và vì thế, chúng làm cho các giáo viên cảm thấy rất mệt mỏi.

“Ban đầu, mình hay cố gắng kéo các bạn ấy lại. Nhưng vô ích. Có những bạn vùng vẫy khỏi tay mình và chạy tiếp. Có những bạn la hét rất to thậm chí giằng ra bung cả nút áo. Phải qua rất nhiều lần thử nghiệm, tìm hiểu, mình mới thấy có một cách khá hữu hiệu là ngồi quan sát, đợi đến các bạn ấy chậm lại, dù chỉ một nhịp. Khi đó mình sẽ đến gần để chạm vào người bạn đó. Thường là mình chạm vào vai, vào lưng. Và nhìn vào mắt bạn ấy. Cử chỉ đó như một tín hiệu rằng: Cô đang muốn nói chuyện với con. Và bạn ấy sẽ lắng nghe”, giảng viên Phan Hồ Điệp nói.

Ngoài ra, mẹ của thần đồng Đỗ Nhật Nam cũng tiết lộ kết quả khi thử các trò chơi với những bạn thừa năng lượng này và thấy, với những bạn đó, trò chơi tưởng tượng có tác dụng rất tốt.

“Ví dụ tưởng tượng một đoàn tàu đi ngược và vì thế, thay bằng đi xuôi, bạn ấy đi bộ ngược. Sẽ khó khăn hơn việc chạy xuôi và sau đó dễ dàng để bạn ấy chuyển sang hoạt động khác. Tưởng tượng đôi bàn tay là một chiếc xe tải chở nước. Khi lật úp tay là trút nước ra và khi ngửa tay là lấy nước. Bằng cách đó giúp bạn ấy đồng ý đi rửa tay. Tưởng tượng cơ thể là một chiếc lá, một cơn gió để bạn ấy được nhún nhảy, được học thông qua sử dụng cơ thể”, bà Điệp dẫn chứng.

Với những bạn nhiều năng lượng, nhất định nên có thông báo về hoạt động sắp tới và có đồng hồ báo giờ. Mình thường nói: Đây nhé, khi nào kim phút chạy từ số này đến số này thì chúng ta dừng hoạt động. Mỗi lần như thế, bạn có thể dán một hình dán thưởng vào tay.

“Nói chung, có rất nhiều cách khác nhau mà với mỗi người làm cha mẹ sẽ tìm ra cách thức phù hợp nhất. Miễn là bạn đừng bỏ mặc hoặc đau khổ: Sao con mình không ngồi yên hoặc hiền lành như những đứa trẻ khác. Và tất nhiên bạn cũng nên cho bé nhận thấy những điểm mạnh của việc “nhiều năng lượng” bằng cách động viên: Mẹ ước là mẹ chạy khỏe như con/ Con sẽ hợp với việc trở thành một vận động viên/ Con sẽ là người rất vui vẻ… Nếu được giáo dục tốt, tính khí nào cũng sẽ có những mặt mạnh và hạn chế được những điểm yếu”, bà Điệp lưu ý.

Mời các bạn tham khảo thêm các thông tin hữu ích khác trên chuyên mục Tài liệu của Tìm Đáp Án.

01 Tháng chín, 2020