Bài dự thi kể chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng

Bùi Thế Hiển
Admin 30 Tháng chín, 2019

Tìm Đáp Án mời các bạn tham khảo mẫu bài văn kể chuyện về mẹ Việt Nam anh hùng. Ý nghĩa cuộc thi nhằm tuyên truyền sâu rộng trong thế hệ trẻ cũng như nhân dân cả nước về những phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam nói chung và những đóng góp, hy sinh, cống hiến lớn lao của các Mẹ Việt Nam anh hùng nói riêng trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; là cơ sở giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ trong công tác đền ơn đáp nghĩa, thể hiện đạo lý nhân văn “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam.

Nội dung của các bài dự thi bao gồm những câu chuyện có thật về hoàn cảnh gia đình, sự cống hiến, đóng góp, hy sinh thầm lặng của các Mẹ Việt Nam anh hùng; tình mẫu tử thiêng liêng của các mẹ, sự chia ly, đau thương, mất mát trong chiến tranh mà các mẹ phải trải qua; những tấm gương sáng của các mẹ trong cuộc sống đời thường, trong giáo dục con cháu phát huy truyền thống, chấp hành tốt các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, tích cực lao động, sản xuất, phát triển kinh tế…

Hình thức bài dự thi thuộc thể loại báo chí và tác phẩm văn học với độ dài không quá 2.500 từ. Nhân vật trong bài viết là nhân vật có thật, có địa chỉ rõ ràng và câu chuyện phải thật.

Đối tượng dự thi là tất cả công dân Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam hoặc nước ngoài.

Mời các bạn tham khảo một số bài viết về mẹ Việt Nam anh hùng, kể về một bà mẹ Việt Nam anh hùng, bài văn kể về bà mẹ Việt Nam anh hùng, kể chuyện mẹ Việt Nam anh hùng dưới đây:

Mẹ Việt Nam anh hùng

1. Mẹ Nguyễn Thị Thứ - huyền thoại bất tử

Mẹ Nguyễn Thị Thứ sinh năm 1904 tại thôn Thanh Quýt, xã Điện Thắng Trung, huyện Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam. Năm 18 tuổi, Mẹ lập gia đình với ông Lê Tự Trị. Năm 20 tuổi, Mẹ sinh con gái đầu lòng là chị Lê Thị Trị (còn gọi là Hai Trị).

Thời gian trôi qua, mẹ có đến 12 người con, gồm 1 con gái và 11 con trai. Cuộc đời mẹ Thứ nuôi con trong những năm tháng lận đận, đói nghèo nhưng theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, mẹ lần lượt động viên 9 người con ra chiến trường. Người con gái lớn cùng Mẹ bám trụ với xóm làng, vừa sản xuất, vừa đào hầm nuôi giấu cán bộ, du kích đánh giặc giữ làng.

Không có nỗi đau nào có thể đong đếm được khi 9 người con trai, 2 cháu ngoại và 1 con rể của Mẹ Thứ tiếp chân nhau ra trận rồi lần lượt hy sinh trong hai cuộc kháng chiến khốc liệt của dân tộc.

Mất mát đầu tiên, ngày 18/6/1948, người con trai thứ hai của Mẹ, chiến sĩ giao liên Lê Tự Xuyến bị giặc Pháp bắn ngay tại đầu làng khi đang làm nhiệm vụ. Nước mắt chưa vơi thì tin dữ lại đến, ngày 5/10/1948, người con trai Lê Tự Hàn Anh hy sinh khi làm nhiệm vụ tải thương, 10 ngày sau nữa, người con Lê Tự Hàn Em ngã xuống trong một trận chống càn. Chỉ trong 4 tháng, mẹ mất ba người con. Con trai Lê Tự Lem vừa tròn 20 tuổi, tham gia bộ đội huyện, đã hy sinh trong lúc chiến đấu với giặc vào đầu tháng 4/1954.

Nấm mồ này cỏ chưa kịp lên xanh, mẹ lại phải đắp thêm nấm mộ khác. Mỗi lần nghe tin một người con hi sinh, Mẹ cắn răng khóc thầm. Ðau thương không làm Mẹ gục ngã, Mẹ tiếp tục động viên những người con khác khác lên đường. Các anh rời nhà ra đi, nhiều đêm dài sau đó mẹ trằn trọc, thức trắng âu lo.

Ở hậu phương, từ chống thực dân Pháp qua đánh đế quốc Mỹ, trong khu vườn của Mẹ luôn có 5 căn hầm bí mật dưới bụi tre, gốc mít, nơi Mẹ và con gái đầu Lê Thị Trị nuôi giấu hàng nghìn lượt cán bộ, bộ đội, du kích. Bao đêm dài, Mẹ thao thức canh chừng nhiều cuộc họp quan trọng của cán bộ, chiến sĩ ngay dưới những căn hầm bí mật trong khu vườn nhà. Trên miệng hầm, Mẹ trồng thật nhiều cỏ, vừa để ngụy trang, vừa cho bò ăn. Lúc không có địch, hai mẹ con mở hé cửa hầm cho người ở dưới dễ thở, hễ có động lại giả vờ ra dắt bò, cắt cỏ để chỉnh sửa, ngụy trang lại miệng hầm.

Tháng 9/1966, con trai Mẹ là anh Lê Tự Nự hy sinh. Năm 1972, Mẹ lại khóc tiễn đưa hai con là Lê Tự Mười và Lê Tự Trịnh. Năm 1974, đến người con Lê Tự Thịnh, Ðại đội trưởng bộ đội ở Duy Xuyên ngã xuống trong một trận công đồn. Chưa hết, người con trai cả của Mẹ, Lê Tự Chuyển, chiến sĩ biệt động Sài Gòn hy sinh vào đúng 9 giờ sáng ngày 30/4/1975, ngay trên cầu Rạch Chiếc ở cửa ngõ vào Thành phố, chỉ trước vài giờ khúc khải hoàn ca chiến thắng vang dậy, non sông thu về một mối.

Ba mươi năm kháng chiến trường kỳ, bao đau thương mất mát tới tấp dội đến gia đình mẹ với “chín đứa con ra đi không một đứa trở về”.

Không những thế, người con rể Ngô Tường tham gia cách mạng từ thời chống Pháp, bị bắt năm 1956. Tuy bị tra tấn dã man nhưng ông không khai báo nửa lời. Bị đánh đập đến kiệt sức, thi thể ông được chôn tại bãi cát Cẩm Hà (Hội An).

Cháu ngoại của Mẹ là Ngô Thị Cúc và Ngô Thị Điểu gia nhập lực lượng cách mạng từ rất sớm. Năm 1973, chị Ngô Thị Cúc hy sinh trong một chuyến công tác vào vùng địch hậu. Tháng 8/ 1970, chị Ngô Thị Điểu bị lính Mỹ đưa lên máy bay ra tàu thủy để tra hỏi, nhưng chưa tra hỏi được gì thì chị đã qua đời.

Ngày 17/12/1994, Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam và Quốc hội Việt Nam trao tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam anh hùng.

Ngày 27/07/2009, tỉnh Quảng Nam đã khởi công xây dựng Tượng đài Mẹ Việt Nam anh hùng tại Núi Cấm, thuộc thôn Phú Thạnh, xã Tam Phú, TP Tam Kỳ - Quảng Nam lấy nguyên mẫu hình tượng của Mẹ Nguyễn Thị Thứ. Từ tháng 12/2011, tại thị trấn Vĩnh Điện, huyện Điện Bàn có con đường mang tên Mẹ Thứ.

Mẹ Nguyễn Thị Thứ đã qua đời hồi 1 giờ 40 phút ngày 10/12/2010, thượng thọ 106 tuổi. Mẹ được an táng tại Nghĩa trang liệt sĩ huyện Điện Bàn.

Người Mẹ Việt Nam anh hùng huyền thoại tuy không còn trên cõi đời này nhưng tên tuổi Mẹ mãi mãi ngời sáng trong lịch sử dân tộc Việt Nam.

2. Chuyện về những Bà mẹ Việt Nam anh hùng

Danh hiệu cao quý “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng” là vầng sáng lung linh tôn quý, là sự ghi nhận của Tổ quốc đối với công lao trời biển và sự hy sinh vô bờ bến của các mẹ trong các cuộc chiến tranh giải phóng, giành độc lập tự do cho Tổ quốc.

Hưng Yên có gần 2 nghìn Bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người mẹ đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình với mong muốn hoà bình, độc lập sớm về với làng xóm, quê hương, còn mình âm thầm mang những mất mát, nhớ thương và nỗi đau chôn chặt trong lòng.

Đất nước thống nhất, nhiều Bà mẹ Việt Nam anh hùng đã về cõi vĩnh hằng. Nhưng những câu chuyện về cuộc đời mẹ, về sự hy sinh thầm lặng của các mẹ đã để lại cho thế hệ sau những bài học qúy giá về cuộc sống.

Nhìn vóc dáng hao gầy, bé nhỏ của mẹ ít ai nghĩ cuộc đời mẹ VNAH Nguyễn Thị Bông ở xã Nguyễn Trãi, huyện Ân Thi nhiều hy sinh và mất mát đến vậy. Năm mẹ 25 tuổi, ông Nguyễn Văn Son, chồng mẹ bị giặc Pháp bắt tra tấn dã man rồi bắn chết vì ông thà chết chứ không khai báo. Mẹ ở vậy, thờ chồng, nuôi người con duy nhất, khi ấy mới 4 tuổi.

Con trai mẹ là anh Nguyễn Văn Sẻ, trước khi nhập ngũ làm kỹ thuật ở một nhà máy. 27 tết Mậu Thân, tạm biệt mẹ, anh lên đường. Anh Sẻ đi rồi, đêm nào mẹ cũng thức cùng chiếc đài cũ kỹ, lắng nghe tin tức chiến sự. Bất cứ nơi nào ở miền Nam, nơi anh đã và sẽ đi qua, mẹ thấy sao mà gần gũi, thân thiết. Năm 1969, con trai mẹ hy sinh. Mẹ chỉ biết được một điều duy nhất từ lá thư đồng đội con gửi về “Trước lúc hy sinh, anh chỉ gọi được “Mẹ ơi!.”.

Ngôi nhà của mẹ được cất mới trên nền ngôi nhà xưa nhờ chính sách của nhà nước và sự tri ân của những người dân xã Nguyễn Trãi. Gần đây, sức khỏe mẹ đã yếu đi nhiều, mẹ đang như giọt sương đầu cành, người cháu họ chuyển về sống cùng, phụng dưỡng mẹ.…

90 tuổi đời, gần 50 tuổi Đảng, trong giọng nói như nghẹn lại, trong đôi mắt mờ đục nhìn xa xăm, tôi hiểu nỗi ước ao của mẹ nếu tìm thấy hài cốt của người con duy nhất, mẹ sẽ yên lòng hơn khi sống nốt quãng đời còn lại…

Chúng tôi về thăm gia đình mẹ VNAH Nguyễn Thị Áo xã Thuỵ Lôi, Tiên Lữ giữa những ngày tháng bảy.

Mẹ Áo có 5 người con hy sinh vì Tổ quốc trong các cuộc kháng chiến giành độc lập, tự do của dân tộc, trong đó 4 con trai và 1 con gái. Mất mát này và sự chịu đựng của mẹ thật phi thường,

Đất nước thống nhất, chỉ duy nhất liệt sỹ Đoàn Văn Tuệ để lại cho mẹ những đứa cháu.

Ngôi nhà xưa nơi mẹ nén lòng lần lượt tiễn các con ra trận nay đã được xây mới khang trang. Trên bức tường chính giữa nhà treo những tấm bằng Tổ quốc ghi công, nét chữ đã phai màu mực,.. hình ảnh làm nhói lòng bất cứ ai đến thăm.

Mẹ đã qua đời nhưng người dân xã Thụy Lôi vẫn nhắc nhớ về mẹ với niềm kính phục và tự hào.

Trong ngôi làng nhỏ ở xã Lệ Xá, Tiên Lữ có một gia đình người có công tiêu biểu khi mà cả mẹ chồng và con dâu đều là Bà mẹ Việt Nam anh hùng, với 3 thế hệ là liệt sĩ. Đó là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Nước và người con dâu là Bà mẹ Việt Nam anh hùng Phạm Thị Sự. Mẹ Nước đã về cõi vĩnh hằng sau cả cuộc đời hy sinh và chờ đợi chồng, con trai mãi mãi không trở về.

Tiếp chuyện chúng tôi, nụ cười hiền hậu thảng hoặc lại xuất hiện trên gương mặt phúc hậu phủ dấu gần nửa thế kỷ đời người âm thầm hy sinh của mẹ Sự.

Năm 1968, người chồng thân yêu của mẹ, liệt sỹ Vũ Văn Phức hy sinh. Năm 1970, anh Vũ Văn Dược con trai mẹ khi đó mới 17 tuổi xung phong lên đường cầm súng đánh giặc. Mẹ vẫn nhớ, buổi chia tay anh Dược, mẹ đau đáu nhìn anh dặn dò: “Con cứ yên tâm đi, giặc giã thế này nhà mình phải đóng góp với đất nước.”. Nỗi đau một lần nữa lại ập đến với mẹ, năm 1972, con trai mẹ, người chiến sỹ đặc công dũng cảm đã ngã xuống trong một trận chiến ác liệt…

Nhìn di ảnh chồng, con trai mẹ trên bàn thờ, chụp bán thân, miệng cười rất hiền, đôi mắt sáng thông minh… như thể chiến trường không hề có gian khổ hy sinh.

Nén đau thương, mẹ tảo tần nuôi 5 người con. Không phụ lòng mẹ, những người con còn lại của mẹ đều trưởng thành và luôn tự hào về truyền thống gia đình, trân trọng sự hy sinh của bà nội và của mẹ.

Mỗi Bà mẹ Việt Nam anh hùng có một hoàn cảnh khác nhau nhưng rất dễ nhận ra các mẹ đều có điểm chung là lòng nhân ái, bao dung, yêu nước thiết tha và rất đỗi anh hùng.

Thế hệ hôm nay hiểu rằng không có gì có thể đền đáp được công lao to lớn của các mẹ, những bà mẹ Việt Nam, những bà mẹ anh hùng, những người đã hiến dâng những gì quý giá nhất của đời mình cho độc lập, tự do. Sự hy sinh đó là tài sản tinh thần vô giá, trường tồn cùng lịch sử dân tộc, mãi mãi được Tổ quốc ghi nhớ, tri ân.

Minh Huệ

3. Câu chuyện về mẹ Việt Nam anh Hùng Nguyễn Thị Trạch

Trên đất nước Việt Nam hình chữ S, có hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng được Nhà nước tặng hoặc truy tặng vì có nhiều cống hiến, hi sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc. Trong đó có mẹ Nguyễn Thị Trạch (102 tuổi) ở thôn 4 xã Thạch Long, huyện Thạch Thành (Thanh Hóa). Mẹ Trạch có hai người con, đã anh dũng hy sinh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.

Cùng với nhiều làng quê Việt Nam, qua các cuộc kháng chiến, xã Thạch Long huyện Thạch Thành (Thanh Hóa) là địa phương có nhiều mẹ đã sản sinh và nuôi dưỡng ra những người con anh hùng và cũng là một trong những địa phương có bề dày về lịch sử cách mạng. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, có hàng trăm người con của xã Thành Long đã hăng hái lên đường nhập ngũ, trong đó có hàng chục người con đã anh dũng hy sinh nơi chiến trường máu lửa. Mất mát vì chiến tranh là vô vàn, song sự mất mát của những người mẹ là vết thương lòng khó lành nhất bởi các con của mẹ đã ra đi, hy sinh cho sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Và nỗi mất mát ấy cứ theo mẹ suốt cả cuộc đời...

Trong chiến tranh, có biết bao người mẹ đã tiễn đưa các con của mình lên đường nhập ngũ. Khi hòa bình lập lại, các mẹ chỉ còn biết hy vọng, trông chờ các con của mình sẽ quay trở về. Thế nhưng các con của mẹ đã ra đi mãi mãi…

Theo con đường làng, bên những cánh đồng lúa, chúng tôi tìm về thôn 4 xã Thạch Long, nơi mẹ Trạch đã sinh thành, nuôi lớn những người con anh hùng. Mặc dù chiến tranh đã đi qua hơn 40 mươi năm, nhưng nỗi đau thương vẫn còn len lỏi âm thầm trong căn nhà nhỏ, nơi mẹ Trạch và các con của mẹ cùng chung sống. Ngày ấy, lời ru của mẹ lắng sâu tâm hồn, nâng đỡ các anh từng bước đi đầu tiên. Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, bao lớp thanh niên xếp bút nghiên lên đường chiến đấu. Ngày 20/4/1970 anh Lê Văn Nụ người con trai đầu đã tình nguyện xin mẹ được lên đường ra chiến trường. Đến đầu tháng 1 năm 1972, người con thứ hai của mẹ là Lê Văn Nở tiếp tục lên đường nhập ngũ.

Ở hậu phương, cũng như bao người mẹ khác, mẹ Trạch luôn chắt chiu, chịu thương chịu khó, làm ra hạt lúa củ khoai, mong ngày đất nước thống nhất để gia đình được đoàn tụ. Cũng không biết bao lần, mẹ Trạch đứng ở đầu ngõ trông về phương xa. Nhưng rồi những bức thư của anh Nụ, anh Nở cũng thưa dần rồi biệt vô âm tín. Để rồi một ngày, mẹ Trạch bàng hoàng khi nhận được giấy báo anh Lê Văn Nụ đã anh dũng hy sinh khi cùng đồng đội phá pháo đài Gò Công, thuộc ấp Hựu Thành A, xã Vĩnh Hựu, huyện Gò Công Tây (Tiền Giang). Cách đó không bao lâu, ngày mùng 4/11/1974 người con thứ hai là anh Nở tiếp tục hy sinh tại chiến trường Miền Đông, khi anh vừa tròn 21 tuổi.

Ngồi trò chuyện bên cạnh mẹ, chúng tôi cảm nhận rất rõ ở nơi mẹ vinh quang luôn tỏa sáng từ giọng nói đượm buồn, pha lẫn tự hào khi mẹ hồi tưởng về quá khứ. Những giọt nước mắt mẹ thấm đẫm nỗi nhớ nhung, chua xót bởi chưa một lần mẹ được thăm mộ các anh.

Ngoài hai liệt sỹ đã hy sinh, mẹ Trạch sinh được 8 người con (1 người con trai, 7 người con gái). Các con của mẹ đều đã có gia đình. Hiện anh Lê Văn Thêm (con trai thứ 9) đang là người phụng dưỡng, chăm lo sức khỏe cho mẹ. Theo anh Thêm, lúc anh Nụ, anh Nở nhập ngũ, mấy chị em cũng đang còn nhỏ. Mặc dù gia đình khó khăn nhưng mẹ Trạch vẫn chăm lo cho các con ăn học đầy đủ. Trong những ngày ở chiến trường, anh Nụ, anh Nở thường xuyên biên thư về hỏi thăm mẹ, nhưng rồi thư tín cũng thưa dần. Cũng kể từ đó, mấy chị em ở nhà ai cũng thương và lo lắng cho hai anh, mãi sau này gia đình mới nhận được giấy báo tử.

Về phần mộ của anh Nụ, anh Nở, do điều kiện kinh tế gia đình khó khăn, hơn nữa tuổi cao, sức yếu nên mẹ Trạch cũng chưa một lần đến thăm mộ các con. Phần mộ của anh Nụ gia đình chỉ biết tọa độ, còn mộ của anh Nở thì bị vùi lấp do xây dựng thủy điện Trị An. Để tưởng nhớ các anh, cứ vào ngày giỗ, Sở Tài nguyên và Môi trường kết hợp cùng Nhà máy Thủy điện Trị An lại tổ chức đóng bè chuối, đặt bánh keo rồi thả xuôi xuống dòng sông Đồng Nai.

Hàng năm chính quyền, các tổ chức đoàn thể cũng đều đến tặng quà, thăm hỏi sức khỏe mẹ. Mẹ Trạch còn được Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn nhận nuôi dưỡng suốt đời với mức hỗ trợ 3 triệu đồng một quý. Hàng năm nhân dịp Ngày Thương binh - Liệt sỹ, ngày lễ tết, Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn còn gửi quà về cho mẹ Trạch.

Cả xã Thạch Long huyện Thạch Thành có 9 Mẹ Việt Nam Anh hùng, nhưng hiện 8 mẹ đã ra đi. Xã chỉ còn lại mẹ Trạch tuổi đã cao nhưng vẫn minh mẫn.

Theo ông Lê Xuân Thủy, Chủ tịch xã Thạch Long cho biết: “Năm 2016, Đảng ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức đoàn thể phối hợp cùng với gia đình tổ chức Lễ đại thọ mừng mẹ Trạch tròn 100 tuổi. Về việc thực hiện chế độ chính sách đối với người có công, nhìn chung, xã Thạch Long đều ưu tiên cho Mẹ Việt Nam Anh hùng, sau đó mới đến các đồng chí thương bệnh binh nặng, mẹ liệt sỹ... Mừng là đã 102 tuổi nhưng mẹ Trạch rất minh mẫn, khỏe mạnh”. Sự hy sinh, cống hiến cao cả của các mẹ đã góp phần làm rạng danh cho sự trường tồn của dân tộc.


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!