Những nội dung cơ bản của các nghị quyết Trung ương 6 khóa 12

Bùi Thế Hiển
Admin 25 Tháng bảy, 2018

Những nội dung chính quan trọng của Hội nghị Trung ương 6 khóa XII

Các nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa 12 đề cập nhiều vấn đề rộng lớn, vừa cơ bản vừa cấp bách, liên quan đến phát triển kinh tế-xã hội, đổi mới phát triển xã hội, đổi mới chính trị đồng bộ với đổi mới phát triển kinh tế theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Bài thu hoạch nghị quyết Trung ương 6 khóa 12

Mẫu bìa bài thu hoạch Nghị quyết Trung Ương 6 khóa XII

Nội dung nghiên cứu học tập quán triệt nghị quyết Trung ương 6 khóa 12

Mời các bạn tham khảo: 6 Bài thu hoạch Nghị quyết Trung ương 7 khoá 12 của Đảng viên

Hội nghị BCH TW Đảng lần thứ 6, khóa XII đã ban hành 4 Nghị quyết. Đó là: NQ số 18-NQ/TW “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả". NQ số 19-NQ/TW “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”; NQ số 20-NQ/TW “về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới”; NQ số 21-NQ/TW “về công tác dân số trong tình hình mới”.

1. Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “về một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả’’

- Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh ý nghĩa, tầm quan trọng của vấn đề này và yêu cầu trong thời gian tới, toàn hệ thống chính trị phải chủ động, tích cực vào cuộc, coi đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là một nhiệm vụ cơ bản và cấp bách, có ý nghĩa quan trọng hàng đầu, được đặt trong tổng thể nhiệm vụ xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đổi mới hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới kinh tế, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Nghiêm túc thực hiện nguyên tắc Đảng thống nhất lãnh đạo xây dựng và quản lý tổ chức bộ máy, biên chế của hệ thống chính trị; phát huy đầy đủ, đúng đắn vai trò lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước và quyền làm chủ của nhân dân.

- Nghị quyết chủ trương bảo đảm tính đổi mới, tổng thể, hệ thống, đồng bộ, liên thông; kết hợp hài hoà giữa kế thừa, ổn định với đổi mới, phát triển; đổi mới tích cực, mạnh mẽ, gắn đổi mới bộ máy tổ chức với đổi mới phương thức lãnh đạo, với tinh giản biên chế và cải cách tiền lương; xử lý hài hoà mối quan hệ giữa Nhà nước, thị trường và xã hội; không để các thế lực thù địch, các phần tử xấu lợi dụng xuyên tạc, chống phá, chia rẽ nội bộ.

- Những nhiệm vụ và giải pháp đề ra phù hợp, khả thi, có lộ trình, bước đi vững chắc, đáp ứng yêu cầu cả trước mắt và lâu dài, góp phần giải quyết những vấn đề thực tế đang đặt ra đối với tổ chức bộ máy của toàn hệ thống chính trị cũng như các tổ chức cụ thể của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội trong cả nước.

2. Nghị quyết số 19-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “về tiếp tục đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập”.

- Ban Chấp hành Trung ương đặc biệt nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách phải đổi mới hệ thống tổ chức và quản lý, nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập; coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm ưu tiên hàng đầu trong thời gian tới.

- Nhà nước phải chăm lo bảo đảm cung cấp dịch vụ sự nghiệp công cơ bản, thiết yếu; nâng cao khả năng tiếp cận dịch vụ sự nghiệp công cho mọi tầng lớp nhân dân trên cơ sở tăng cường đầu tư từ ngân sách nhà nước; giữ vững, phát huy tốt hơn nữa vai trò chủ đạo, vị trí then chốt, bản chất tốt đẹp, ưu việt, hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận của các đơn vị sự nghiệp công lập. Đẩy mạnh xã hội hoá, nhất là trong các ngành, lĩnh vực mà khu vực ngoài công lập làm được và làm tốt; huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực cho đầu tư phát triển lành mạnh thị trường dịch vụ sự nghiệp công; bảo đảm công bằng, bình đẳng giữa các đơn vị sự nghiệp công lập và ngoài công lập.

- Trung ương yêu cầu phải khẩn trương sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công lập phù hợp với đặc điểm tình hình của từng ngành, lĩnh vực và địa bàn, gắn với đẩy mạnh xã hội hoá, nhưng không thương mại hoá lĩnh vực dịch vụ sự nghiệp công. Đẩy mạnh việc chuyển đổi các đơn vị sự nghiệp kinh tế, sự nghiệp khoa học-công nghệ có đủ điều kiện thành doanh nghiệp, bao gồm cả hình thức công ty cổ phần…

3. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “về công tác dân số trong tình hình mới”.

- Bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ là trách nhiệm của mỗi người dân, từng gia đình, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; đòi hỏi sự tham gia tích cực của các cấp uỷ đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị-xã hội, trong đó ngành Y tế và các ngành có liên quan là lực lượng nòng cốt. Nhà nước cần phát huy vai trò chủ đạo của các bệnh viện và cơ sở y tế công lập trong việc tổ chức cung cấp dịch vụ y tế, bảo đảm các dịch vụ cơ bản cho đông đảo nhân dân, đồng thời khuyến khích cung cấp dịch vụ theo yêu cầu.

- Chủ trương của Đảng tập trung ưu tiên đầu tư từ ngân sách và có cơ chế, chính sách phù hợp huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực xã hội để phát triển y tế và các dịch vụ liên quan đến bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ nhân dân. Không ngừng phấn đấu nâng cao sức khoẻ, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người Việt Nam; bảo đảm mọi người dân đều được bảo vệ, chăm sóc, nâng cao sức khoẻ; bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc tham gia và hưởng thụ bảo hiểm y tế và các dịch vụ có liên quan.

- Phát triển cân đối, đồng bộ giữa y tế phổ cập và y tế chuyên sâu, giữa dân y và quân y, gắn kết y học cổ truyền với y học hiện đại. Thực hiện phòng bệnh hơn chữa bệnh; y tế dự phòng là then chốt; y tế cơ sở thực sự là nền tảng. Đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống các cơ sở y tế hiện có của Nhà nước, bao gồm cả dân, quân y, gắn với khuyến khích hợp tác công - tư, phát triển lành mạnh y tế ngoài công lập; xây dựng hệ thống y tế rộng khắp, gần dân, tổ chức bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.

4. Nghị quyết số 21-NQ/TW, ngày 25-10-2017 “về công tác dân số trong tình hình mới"

- Công tác dân số-kế hoạch hoá gia đình ở nước ta nhiều năm qua với kết quả quan trọng, nổi bật là: Đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì được mức sinh thay thế. Cơ cấu dân số, cơ cấu lao động chuyển dịch tích cực. Nước ta bắt đầu bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007 và dự kiến đạt đỉnh cao vào khoảng năm 2020-2030 với dân số trong độ tuổi lao động chiếm khoảng 70% dân số. Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt. Tầm vóc, thể lực của người Việt Nam từng bước được cải thiện.

- Tuy nhiên, tình hình thế giới, trong nước đã và đang có nhiều thay đổi. Các nước và các tổ chức quốc tế đều đề cao công tác dân số, coi đây là vấn đề có quan hệ gắn bó và ý nghĩa hết sức quan trọng đối với phát triển bền vững của mỗi quốc gia, dân tộc. Quá trình toàn cầu hoá, đô thị hoá, công nghiệp hoá dưới tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và biến đổi khí hậu, thay đổi về điều kiện, lối sống, môi trường sống và làm việc, môi trường sinh thái đã và đang dẫn đến những thay đổi nhanh chóng về mô hình gia đình, kết hôn, ý thức và khả năng sinh sản, tăng nhanh quá trình di cư...

- Đảng ta chủ trương tiếp tục chuyển trọng tâm chính sách dân số từ kế hoạch hoá gia đình sang dân số và phát triển; chú trọng toàn diện các mặt quy mô, cơ cấu, phân bố, chất lượng dân số và đặt trong mối quan hệ gắn bó hữu cơ với phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh quốc gia. Coi công tác dân số và phát triển là nhiệm vụ của toàn dân; đầu tư cho công tác dân số là đầu tư cho phát triển bền vững; Nhà nước ưu tiên bố trí ngân sách, đồng thời đẩy mạnh xã hội hoá; tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ của quốc tế, bảo đảm nguồn lực cho công tác dân số.

Để các nghị quyết của Trung ương sớm đi vào cuộc sống, các cấp ủy Đảng trong Đảng bộ Khối doanh nghiệp tỉnh cần tổ chức phổ biến, quán triệt để cán bộ, đảng viên, người lao động hiểu đúng những nội dung chủ yếu của các lĩnh vực cụ thể đã được trình bày trong các văn kiện của Trung ương, nhất là phương hướng, nhiệm vụ, để vận dụng xây dựng chương trình, kế hoạch phù hợp đối với từng đơn vị doanh nghiệp nhằm phát huy những kết quả đạt được, khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trên các lĩnh vực xây dựng Đảng, sản xuất kinh doanh, hỗ trợ tích cực với phương châm“Đồng hành cùng sự phát triển của doanh nghiệp”


Nếu bạn không thấy nội dung bài viết được hiển thị. Vui lòng tải về để xem. Nếu thấy hay thì các bạn đừng quên chia sẻ cho bạn bè nhé!

Xem thêm