Nhiều di sản của Việt Nam được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam. Em hãy cho biết đó là những di sản nào?
Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính 2023
Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di sản của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam. Em hãy cho biết đó là những di sản nào? Dưới đây là đáp án chi tiết.
- Đáp án cuộc thi Sưu tập và tìm hiểu tem Bưu chính 2023
Câu hỏi. Việt Nam có nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, nhiều di sản của Việt Nam được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của thế giới đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam. Em hãy cho biết đó là những di sản nào?
Gợi ý đáp án:
Dưới đây là 08 Di sản văn hóa phi vật thể đã được UNESCO ghi danh mà đã được giới thiệu trên tem bưu chính Việt Nam:
1. Nhã nhạc cung đình Huế (năm 2003)
Nhã nhạc là âm nhạc cung đình thời phong kiến, được trình diễn trong các dịp triều hội, tế lễ hoặc các sự kiện trọng đại (lễ đăng quang của nhà vua, tiếp đón sứ thần…).
Được phát triển từ thế kỷ XIII ở Việt Nam, đến thời nhà Nguyễn, nhã nhạc cung đình Huế phát triển rực rỡ và đạt đến trình độ hoàn chỉnh nhất.
Ngày 7/11/2003, nhã nhạc cung đình Huế được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Theo đánh giá của UNESCO, trong các thể loại nhạc cổ truyền ở Việt Nam, nhã nhạc đạt tới tầm vóc quốc gia.
2. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên (năm 2005)
Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên trải rộng trên địa bàn năm tỉnh: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng.
Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người dân Tây Nguyên, như một phần không thể thiếu trong suốt vòng đời mỗi con người và trong hầu như tất cả các sự kiện quan trọng của cộng đồng: từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh, lễ cưới xin, lễ tiễn đưa người chết, lễ đâm trâu trong ngày bỏ mả cho đến lễ cúng máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ đóng cửa kho, lễ mừng nhà Rông mới…
Ngày 25/11/2005, Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã chính thức được UNESCO công nhận là Kiệt tác truyền khẩu và Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
3. Dân ca quan họ Bắc Ninh (năm 2009)
Quan họ là những làn điệu dân ca của vùng Đồng bằng Bắc Bộ, tập trung chủ yếu ở vùng Kinh Bắc (Bắc Ninh và Bắc Giang). Đây là hình thức hát đối đáp giữa nam và nữ để biểu lộ tâm tình, ca tụng tình yêu thông qua những câu ca mộc mạc, đằm thắm.
Quan họ được thực hành trong các hoạt động văn hóa, xã hội của cộng đồng; được cộng đồng lưu giữ, trao truyền qua nhiều thế hệ, trở thành bản sắc của địa phương và lan tỏa trở thành không gian văn hóa đặc thù.
Ngày 30/9/2009, dân ca quan họ Bắc Ninh chính thức được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
4. Ca trù (năm 2009)
Ca trù (hay còn gọi là hát ả đào) có vị trí đặc biệt trong kho tàng âm nhạc truyền thống của Việt Nam, gắn liền với lễ hội, phong tục, tín ngưỡng, văn chương, tư tưởng và triết lý sống của người Việt.
Loại hình nghệ thuật này rất phổ biến trong đời sống sinh hoạt văn hóa ở Việt Nam từ đầu thế kỷ XX trở về trước.
Ngày 1/10/2009, ca trù đã được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp của nhân loại.
5. Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương (năm 2012)
Từ hàng nghìn năm qua, người Việt Nam đã sáng tạo, thực hành, vun đắp và lưu truyền Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương để thể hiện sự biết ơn với vị thủy tổ của dân tộc. Biểu hiện tiêu biểu nhất cho Tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương ở Phú Thọ là lễ Giỗ Tổ Hùng Vương, được thực hiện vào ngày 10 tháng 3 Âm lịch hằng năm tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng.
Ngày 6/12/2012, tín ngưỡng thờ cúng Hùng vương được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
6. Đờn ca tài tử Nam Bộ (năm 2013)
Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật dân gian đặc trưng của vùng Nam Bộ, hình thành và phát triển từ cuối thế kỷ XIX trên cơ sở của nhạc lễ, nhã nhạc cung đình Huế và văn học dân gian.
Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ không ngừng được sáng tạo nhờ tính ngẫu hứng và sự biến hóa theo cảm xúc của người thực hành trên cơ sở của 20 bài gốc (bài Tổ) và 72 bản nhạc cổ.
Ngày 5/12/2013, Đờn ca tài tử Nam Bộ chính thức được ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
7. Nghi lễ và trò chơi kéo co (năm 2015)
Nghi lễ và trò chơi kéo co được thực hành rộng rãi trong văn hóa trồng lúa ở nhiều nước Đông Á với ý nghĩa cầu cho mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu hay những tiên đoán liên quan đến sự thành công hay thất bại của nỗ lực trồng cấy.
Tại Việt Nam, nghi lễ và trò chơi kéo co tập trung ở vùng trung du, Đồng bằng sông Hồng và Bắc Trung Bộ, và một số nơi ở vùng núi phía Bắc.
Ngày 2/12/2015, Nghi lễ và trò chơi kéo co ở Việt Nam, Campuchia, Hàn Quốc và Philippines chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
8. Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt (năm 2016)
Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt là sự hỗn dung tôn giáo bản địa của người Việt và một số yếu tố của tôn giáo du nhập như Đạo giáo, Phật giáo.
Từ thế kỷ XVI, việc thực hành tín ngưỡng này trở thành một sinh hoạt văn hóa có ảnh hưởng sâu rộng trong đời sống xã hội và tâm thức người dân Việt Nam.
Ngày 1/12/2016, di sản Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt chính thức được UNESCO ghi danh vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.