Lịch tiêm chủng cho trẻ sơ sinh 2020
Tiêm vắc xin là phương pháp hữu hiệu nhất để bảo vệ trẻ và giúp trẻ có được hệ miễn dịch khỏe mạnh. Với việc tiêm chủng đầy đủ, đúng lịch, đúng phác đồ, trẻ em sẽ được bảo vệ toàn diện khỏi những bệnh dịch nguy hiểm có nguy cơ lây nhiễm cao trong suốt cả cuộc đời. Mời các bạn cùng tham khảo lịch tiêm vắc xin cho trẻ sơ sinh mới nhất được Tìm Đáp Án cập nhật và đăng tải trong bài viết sau đây.
Từ lúc sinh ra đến khi tròn 1 tuổi là thời điểm bé phải tiêm nhiều loại vắc xin nhất, với tổng số mũi vắc xin cần thiết phải tiêm cho bé là khoảng 20 mũi. Bởi trong giai đoạn này, do sức đề kháng còn kém, trẻ rất dễ mắc hàng loạt bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tỷ lệ tử vong và mắc di chứng cao.1. Chính vì vậy các bậc phụ huynh phải nắm rõ lịch tiêm chủng cho bé để đảm bảo con được tiêm đủ mũi và đúng lịch.
1. Lợi ích của việc tiêm vắc xin đủ mũi, đúng lịch
Việc phát minh ra vắc xin là một thành tựu mang tính đột phá của thế giới, chặn đứng nhiều dịch bệnh từng là nỗi ám ảnh của nhân loại như đậu mùa, cúm,… cứu sống hàng triệu người khỏi những căn bệnh nguy hiểm như sởi, uốn ván, dại…
Việc tiêm vắc xin là đưa kháng nguyên của vi-rút hoặc vi khuẩn gây bệnh đã được làm yếu đi vào cơ thể để kích thích hệ miễn dịch của trẻ sản xuất kháng thể nhằm chống lại bệnh đó. Trẻ em được xem là đối tượng dễ bị dịch bệnh tấn công vì sức đề kháng còn non nớt, khi dịch bệnh tấn công mà cơ thể không có kháng thể phòng bệnh là điều nguy hiểm đối với sức khỏe thậm chí là tính mạng của trẻ. Vì thế tiêm phòng đủ, đúng thời điểm là biện pháp đơn giản và tối ưu nhất để bảo vệ, tăng sức đề kháng của bé yêu cho những năm đầu đời.
2. Lịch tiêm chủng mở rộng 2022
Theo thông báo của Bộ Y tế, các vắc xin trong lịch tiêm chủng mở rộng 2022 được khuyến cáo tiêm cho trẻ sơ sinh đến 5 tuổi bao gồm:
- Viêm gan B
- Bệnh lao
- Bệnh bạch hầu
- Bệnh ho gà
- Bệnh uốn ván
- Bệnh bại liệt
- Bệnh do vi khuẩn Haemophilus influenzae tuýp B
- Bệnh sởi
- Viêm não Nhật bản
- Rubella
3. Lịch tiêm chủng vắc xin cho trẻ sơ sinh đến dưới 1 tuổi
Vắc xin phòng bệnh lao và viêm gan B
Trong vòng 24 giờ sau khi sinh, trẻ sơ sinh sẽ được tiêm phòng vắc xin viêm gan siêu vi B. Và trong khoảng thời gian dưới 1 tháng tuổi, thông thường là trước khi mẹ và bé xuất viện, trẻ sẽ được tiêm phòng vắc xin BCG để ngừa bệnh lao phổi.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng viêm gan B cho trẻ sơ sinh:
Mũi 1: tiêm lần đầu ngay sau khi sinh
Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
Tiêm nhắc lại sau mũi 3 một năm
Đối với vắc xin phòng ngừa lao: chỉ cần tiêm một liều duy nhất trong đời. Nếu không có các chống chỉ định, thông thường trẻ sẽ được tiêm trong 24-48h sau sinh tại bệnh viện phụ sản và không cần tiêm nhắc lại.
Lưu ý: Phần lớn trẻ em sau khi tiêm phòng lao khoảng 2 tuần thì tại chỗ tiêm xuất hiện vết loét đỏ. Vết loét này sẽ tự lành và có thể để lại một sẹo nhỏ (đường kính trung bình khoảng 5mm). Với trường hợp này, cha mẹ không cần quá lo lắng bởi đây là dấu hiệu cho thấy trẻ đã có miễn dịch phòng ngừa lao.
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu – ho gà – uốn ván – bại liệt – Hib
Còn gọi là vắc xin Pentaxim 5 trong 1 giúp ngừa 5 bệnh là: bạch hầu, ho gà, uốn ván, bại liệt, các bệnh nhiễm khuẩn do Hib (Haemophilus Influenzae type b) gây ra. Trong trường hợp trẻ tiêm vắc xin trong chương trình tiêm chủng mở rộng (vắc xin 5 trong 1 Quinvaxem) thì cần bổ sung vắc xin ngừa bại liệt vì trong vắc xin này không bao gồm thành phần ngừa bại liệt.
Lịch tiêm chủng vắc xin 5 trong 1 cho trẻ:
Gồm 3 mũi:
Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi
Mũi 2: Sau mũi 1 một tháng
Mũi 3: Sau mũi 2 một tháng
Tiêm nhắc khi trẻ được 12 – 18 tháng
Lưu ý: Cần bám sát lịch tiêm vắc xin 5 trong 1 vì đây là 5 bệnh đặc biệt nguy hiểm với trẻ sơ sinh. Nếu như ở 2 tháng đầu trẻ còn được hưởng miễn dịch từ mẹ thì từ tháng thứ 2, miễn dịch đã giảm dần nên ba mẹ cần đưa trẻ đi tiêm phòng càng sớm càng tốt.
Vắc xin phòng bệnh tiêu chảy do Rotavirus
Đây là loại vắc xin được chỉ định phòng bệnh viêm dạ dày ruột do virus Rota gây ra. Mọi lứa tuổi đều có thể nhiễm Rotavirus gây tiêu chảy cấp đặc biệt là trẻ từ 6 tháng đến 2 tuổi. Bệnh bắt đầu với những biểu hiện: sốt, ói mửa nhiều, sau đó là tiêu chảy và có nguy cơ dẫn đến tử vong nếu trẻ không được điều trị kịp thời.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus cho trẻ :
Liều đầu tiên: nên bắt đầu khi trẻ được 6 tuần tuổi
Liều thứ 2: sau đó 4 tuần
Nên hoàn thành 2 liều trước 6 tháng tuổi
Lưu ý: Vắc xin phòng tiêu chảy do Rotavirus được bào chế dưới dạng dùng đường uống. Vì thế, không nên cho trẻ ăn quá no trước khi uống để phòng nôn trớ. Nếu xác định trẻ đã bị nôn trớ phần lớn vắc xin thì nên uống lại.
Vắc xin phòng bệnh viêm tai giữa, viêm phổi, viêm màng não do phế cầu
Vắc xin ngừa phế cầu có tác dụng tạo miễn dịch cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để phòng ngừa các bệnh gây ra bởi phế cầu Streptococcus pneumoniae, như: viêm màng não, viêm phổi, nhiễm khuẩn huyết và viêm tai giữa cấp.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng phế cầu (vắc xin Synflorix) cho trẻ :
Mũi 1: lúc 2 tháng tuổi
Mũi 2: sau mũi 1 một tháng
Mũi 3: sau mũi 2 một tháng
Mũi thứ 4 tiêm sau 6 tháng kể từ mũi thứ 3
Lưu ý: Nếu khi được 2 tháng tuổi mà chưa được tiêm vắc xin này thì cần áp dụng lịch tiêm khác. Cụ thể nếu trẻ từ 7 – 11 tháng thì tiêm mũi 1 lần đầu tiên, mũi 2 cách mũi 1 hai tháng, mũi 3 cách mũi 2 hai tháng.
Vắc xin phòng bệnh viêm màng não do não mô cầu B+C
Giống như virus thủy đậu, virus viêm não mô cầu lây truyền qua đường hô hấp nên bệnh viêm màng não do não mô cầu rất dễ mắc và dễ bùng phát thành dịch. Bệnh cũng có thể lây gián tiếp qua tiếp xúc trên da hay qua đồ dùng, dụng cụ sinh hoạt. Các môi trường có nguy cơ lây truyền bệnh cao đó là khu tập thể, khu cắm trại, trường học…
Viêm màng não do não mô cầu có thể rất nặng, diễn tiến nhanh, nguy cơ tử vong trong vòng 24 giờ. Cách phòng bệnh tốt nhất vẫn là tiêm vắc xin cho trẻ.
Lịch tiêm chủng vắc xin phòng viêm não mô cầu B+C cho trẻ:
Mũi 1: trẻ từ 6 tháng
Mũi 2: cách mũi 1 khoảng 6-8 tuần
Lưu ý: Trong trường hợp trẻ sống trong vùng dịch hoặc trong môi trường tập thể thì có thể được chỉ định tiêm vắc xin viêm não mô cầu B+C từ 3 tháng tuổi.
Tham khảo thêm:
- Lịch tiêm phòng cho trẻ từ 1 đến 5 tuổi