Viết đoạn văn ghi lại cảm xúc về bài ca dao: Gió đưa cành trúc la đà lớp 6

1. Dàn ý chi tiết 1. Mở đoạn: Giới thiệu bài ca dao. 2. Thân đoạn: * Nêu ấn tượng chung về nội dung bài ca dao: - Bài ca dao khắc họa khung cảnh tươi đẹp của thành Thăng Long xưa: + Khung cảnh thiên nhiên trong sáng sớm.


Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn: Giới thiệu bài ca dao.

2. Thân đoạn:

* Nêu ấn tượng chung về nội dung bài ca dao:
- Bài ca dao khắc họa khung cảnh tươi đẹp của thành Thăng Long xưa:
+ Khung cảnh thiên nhiên trong sáng sớm.
+ Các địa danh nổi tiếng của kinh thành Thăng Long: Đền Trấn Võ, Thọ Xương, Yên Thái, Tây Hồ.

* Nêu cảm nhận về nghệ thuật:
- Thể thơ lục bát truyền thống.
- Ngôn ngữ giản dị, trong sáng, gần với lời ăn tiếng nói hàng ngày của nhân dân lao động.

* Nêu ý nghĩa của bài ca dao:
- Ca ngợi vẻ đẹp quê hương, đất nước.

3. Kết đoạn: Khẳng định lại cảm xúc, suy nghĩ về bài ca dao.


Mẫu 1

Mỗi lần đọc bài ca dao "Gió đưa cành trúc la đà", em đều thêm yêu quê hương, đất nước mình. Điều khiến em đặc biệt yêu thích ở bài ca dao chính là bức tranh thiên nhiên thơ mộng: "Gió đưa cành trúc la đà", "Mịt mù khói tỏa ngàn sương". Động từ "đưa" và "la đà" đã diễn tả được hình ảnh cành trúc đưa đi, đưa lại một cách nhẹ nhàng trước gió. Cảnh vật bị bao trùm trong tấm màn mờ ảo của khói sương càng làm cho bức tranh thiên nhiên trở nên trữ tình. Không những vậy, âm thanh đời sống càng nhấn mạnh vẻ đẹp thanh bình, yên ả của vùng đất ngàn năm văn hiến. Đó là tiếng chuông chùa Trấn Vũ, tiếng gà báo canh ở huyện Thọ Xương, tiếng nhịp chày làm giấy ở làng Yên Thái. Tất cả tạo nên bức tranh tươi đẹp, lay động lòng người. Để làm nên sức hấp dẫn của bài ca dao, ta không thể không nhắc tới thể thơ lục bát truyền thống với cách ngắt nhịp 2/2/2, 4/4 cùng ngôn từ giản dị, mang đậm màu sắc dân gian. Qua bài ca dao, tác giả dân gian đã miêu tả bức tranh Thăng Long xưa với những đường nét hài hòa, tinh tế. Từ đó, thể hiện tình yêu quê hương, đất nước sâu sắc. Đọc bài ca dao, em càng thêm yêu, tự hào về đất nước mình.


Mẫu 2

Mẫu 2

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Bài ca dao đã đem đến cho người đọc cảm nhận về một bức tranh hồ Tây vào buổi sớm mai trong những ngày mùa thu. Chỉ bằng vài nét chấm phá, tác giả dân gian đã vẽ nét một bức tranh đầy thơ mộng, trữ tình. Bầu trời mùa thu trong xanh, khoáng đạt. Những cơn gió khe khẽ đưa làm lay động cành trúc. Âm thanh của tiếng chuông ngân vang hòa cùng tiếng gà gáy báo canh gợi ra một cuộc sống sôi động. Cùng với đó là làn sương khói mờ ảo bao phủ không gian khiến cho khung cảnh thêm thơ mộng. Tiếng chày nhịp nhàng đã gợi ra vẻ đẹp truyền thống của người dân đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên Thái. Cuối cùng là vẻ đẹp của mặt hồ Tây ẩn trong khói sương mịt mù chợt hiện ra như một tấm gương long lanh dưới ánh nắng mai. Những âm thanh nhịp nhàng vang vọng từ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy đến tiếng chày giã giấy cũng báo hiệu cho một ngày mới đã bắt đầu. Sức sống đang trỗi dậy khắp mọi không gian. Bài thơ khiến cho người đọc yêu thêm mảnh đất Thăng Long. Đồng thời, tác giả dân gian cũng muốn thể hiện niềm tự hào, yêu mến dành cho vẻ đẹp của quê hương mình


Mẫu 3

Vẻ đẹp của mảnh đất Thăng Long đã được tác giả dân gian gói lại trong bốn câu ca dao:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Kinh thành Thăng Long hiện lên giống một bức tranh thủy mặc qua nét miêu tả chấm phá. Những hình ảnh sinh động, giàu sức gợi như cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ hiện lên thật sinh động. Cùng với đó là những âm thanh quen thuộc của cuộc sống, báo hiệu một ngày mới bắt đầu. Tiếng chuông Trấn Võ vang lên cùng với tiếng gà Thọ Xương báo canh. Tiếng chày nhịp nhàng gợi nhắc về một nét đẹp truyền thống lâu đời của mảnh đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên Thái. Và không thể thiếu được đó là vẻ đẹp của mặt hồ Tây ẩn hiện trong làn sương sớm. Có thể thấy rằng, khung cảnh kinh thành Thăng Long hiện lên khiến người đọc say mê, yêu mến.


Mẫu 1

Bài ca dao là một bức tranh đầy chất thơ và nét nhạc cảnh Tây Hồ về sắc thu vào buổi sớm nơi kinh thành Thăng Long. Hiện lên một bức tranh thủy mặc Phương Đông, mang sắc thái êm đềm mà lại cổ điển. Bằng vài nét chấm phá, tác giả dân gian đã vẽ lên những hình ảnh sinh động, giàu sức gợi: cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ. Cảnh đẹp thật gợi cảm, gợi tình trong khí thu mát mẻ trong lành .Trong câu thơ có màu xanh của trúc, khe khẽ của gió, và đương nhiên khí thu, tiết thu, bầu trời khoáng đạt, những cánh diều vi vu trên không, đằng sau những cành trúc la đà là tiếng oanh vàng thánh thót. Tiếng gà tàn canh Thọ Xương vọng tới, ngay khi đó tiếng chuông ngân vang hoà cùng tiếng gà gáy le te như tan ra hoà cùng đất trời sương khói mùa thu, khi ánh sáng đêm thu bao phủ tràn khắp mọi nẻo, nhịp chuông vang vọng cùng gà gáy như làm cho mọi vật càng mơ màng thơ mộng hơn. Mà trên mặt Hồ Tây, sương tuy mịt mù thành rừng khói mà chỉ nhẹ nhàng lan tỏa, tô đậm cảm giác tĩnh lặng, thanh bình của cảnh vật Hồ Tây. Mặt hồ ẩn trong khói sương mịt mù chợt hiện ra như một tấm gương long lanh dưới ánh nắng mai. Trước cảnh đêm chuyển dần về sáng, người ngắm cảnh tựa hồ cảm nhận được bước đi êm ả của thời gian. Một loạt âm thanh nhịp nhàng vang vọng từ tiếng chuông chùa, tiếng gà gáy đến tiếng chày giã giấy cũng báo hiệu cho một ngày mới. Bài thơ miêu tả cảnh đẹp kinh thành Thăng Long, và qua đó, tác giả dân gian đã thể hiện niềm tự hào, yêu mến dành cho quê hương, đất nước mình.


Mẫu 2

Một trong những bài ca dao nói về vẻ đẹp của quê hương, đất nước đem đến nhiều cảm xúc cho người đọc đó là:

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Vẻ đẹp của mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến đã được tác giả dân gian gói lại trong vỏn vẹn bốn câu thơ. Với bút phát chấm phá, khung cảnh Thăng Long hiện lên giống như một bức tranh thủy mặc mang đậm nét cổ điển. Tác giả dân gian đã vẽ lên những hình ảnh sinh động, giàu sức gợi như cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ. Cảnh sắc thiên nhiên hiện lên với vẻ trữ tình, thơ mộng. Cùng với đó là những âm thanh đặc trưng báo hiệu một ngày mới đã bắt đầu. Tiếng chuông Trấn Võ vang lên cùng với tiếng gà Thọ Xương báo canh. Tiếng chày nhịp nhàng gợi nhắc về một nét đẹp truyền thống lâu đời của mảnh đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên Thái. Và không thể thiếu được đó là vẻ đẹp của mặt hồ Tây ẩn hiện trong làn sương sớm. Vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên khiến người đọc say mê, yêu mến. Từ đó, chúng ta thêm tự hào về quê hương, đất nước mình.


Mẫu 3

“Gió đưa cành trúc la đà,
Tiếng chuông Trấn Võ canh gà Thọ Xương.
Mịt mờ khói toả ngàn sương,
Nhịp chày Yên Thái, mặt gương Tây Hồ”

Bài ca dao trên đã khắc họa vẻ đẹp của mảnh đất Thăng Long giống một bức tranh thủy mặc qua nét miêu tả chấm phá. Tôi bắt gặp những hình ảnh hết sức quen thuộc như cành trúc la đà, khói tỏa ngàn sương, mặt gương Tây Hồ. Không chỉ vậy, tôi còn cảm nhận được những âm thanh gợi về một quá khứ xa xăm. Tiếng chuông Trấn Võ vang lên cùng với tiếng gà Thọ Xương báo canh. Nhịp chày gợi đến nét đẹp truyền thống lâu đời của mảnh đất Thăng Long xưa với nghề làm giấy ở làng Yên, cùng với đó là vẻ đẹp của hồ Tây ẩn hiện trong làn sương sớm. Đọc bài thơ, tôi càng yêu mến thêm mảnh đất quê hương.