Viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách đã đọc

Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da


Dàn ý

1. Mở bài

- Giới thiệu tên sách, tác giả và hiện tượng đời sống mà cuốn sách gợi ra

Ví dụ: Sự vô cảm của con người trong tác phẩm Cô bé bán diêm

2. Thân bài

- Nêu ý kiến (suy nghĩ) về hiện tượng:

+ Sự vô cảm của mọi người trước cảnh ngộ éo le của em bé bán diêm đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về căn bệnh vô cảm của con người.

- Nêu lí lẽ và bằng chứng để làm rõ ý kiến về hiện tượng cần bàn luận:

+ Biểu hiện của sống vô cảm: 

  • Lúc nào cũng chỉ biết đến bản thân mình, thờ ơ với mọi người, mọi thứ xung quanh
  • Khó rung động trước hoàn cảnh của người khác, những người này thường không giúp đỡ người khó khăn trước mắt mình, sống với thái độ dửng dưng

+ Tác hại của sống vô cảm:

  • Tự mình tách biệt với xung quanh, không có sự gắn kết với mọi người, dần dần cảm thấy cô độc.
  • Người vô cảm sẽ nảy sinh những tính xấu khác: hẹp hòi, chỉ biết đến bản thân, ích kỉ, nhỏ nhen, dần sẽ trở thành người xấu bị mọi người né tránh

- Trình bày cụ thể về chi tiết, sự việc, nhân vật gợi lên hiện tượng cần bàn

3. Kết bài

- Nêu tầm quan trọng, ý nghĩa thực tế của hiện tượng đời sống được gợi ra từ cuốn sách


Bài mẫu 1

        Trong học kì vừa qua, em đã đạt được kết quả học tập tốt. Bố mẹ rất vui và thưởng cho em cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay của nhà văn Lu-i Xe-pun-ve-da. Câu chuyện về cái chết do ngộ độc váng dầu của chim hải âu Ken-ga đã gợi cho em nhiều suy nghĩ về trách nhiệm của con người đối với môi trường sống trên Trái Đất

         Em không thể quên được hình ảnh Ken-ga vùng vẫy, tuyệt vọng, toàn thân ngập trong lớp váng dầu: "Thứ chất lỏng dính như keo mà loài hải âu coi như tử thần màu đen của chúng giờ đây đang ép chặt đôi cánh vào mạng sườn của cô". Con người đã vô tình để dầu tràn từ một con tàu nào đó ra vịnh. Điều này không chỉ xảy ra với vùng biểu nơi Ken-ga và đàn hải âu Hải Đăng Cát Đỏ sinh sống. Ở rất nhiều nơi khác biển đã bị ô nhiễm vì dầu tràn, rác thải nhựa, cánh rừng,... là môi trường sống của con người nhưng cũng là ngôi nhà chung của muôn loài.

          Mỗi người cần làm gì để môi trường sống trên Trái Đất luôn trong lành và sự sống của mọi sinh vật được bảo vệ? Mùa hè vừa qua, khi đi biển, em đã cố gắng không dùng bao gói và ống hút bằng nhựa, không vứt rác ra bãi biển,... Ở nhà và ở trường, em luôn có ý thức cùng các bạn giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, sử dụng tiết kiệm năng lượng,... Mỗi người trong chúng ta cần cố gắng hạn chế xả rác, khí thải, hóa chất độc hại vào môi trường. Đó có lẽ là cách mà ai cũng có thể làm được và là cách ứng xử đúng đắn nhất vì sự sống trên Trái Đất - hành tinh xanh.

          Cuốn sách Chuyện con mèo dạy hải âu bay đã mang đến cho em những hiểu biết thú vị về thế giới thiên nhiên, những bài học sâu sắc về tình yêu thương, sự sẻ chia. Đặc biệt, cuốn sách đã giúp em hiểu rõ hơn những điều em có thể làm để góp phần gìn giữ ngôi nhà Trái Đất của chúng ta.

(Nguồn: SGK Ngữ văn 6 - KNTT tập 2)


Bài mẫu 2

      Tác phẩm “Cô bé bán diêm” của An-đéc-xen đã phác họa nên một bức tranh đầy thương cảm với số phận, cảnh ngộ của cô bé bán diêm. Thông qua hình ảnh của cô bé bán diêm, nhà văn không chỉ khơi dậy trong chúng ta sự cảm thương sâu sắc với số phận của cô bé mà còn đề cập tới vấn đề tình người trong cuộc sống.

       Trong xã hội kia, đâu phải chỉ riêng có một cô bé bán diêm khốn khổ, bất hạnh mà còn vô số những hoàn cảnh bất hạnh hơn gấp nhiều lần, tuy nhiên nhà văn đã khéo léo xây dựng nên cảnh ngộ của em và kết thúc với bi kịch đầy nghiệt ngã. Cô bé bán diêm, phải đi bộ khắp các con phố để bán những bao diêm, ngày nào cũng như ngày nào, em chẳng những không được đi học, được vui chơi mà còn phải lao động vất vả, do chính người cha vô dụng bắt em phải làm.

        Cả một ngày em phải chịu cái rét, cái đói, tới đêm cũng chưa có cái gì vào bụng, em sợ về nhà, em không dám về nhà vì ngày hôm đó em không bán được bao diêm nào, nếu em về sẽ bị cha đánh. Giữa đêm giao thừa mọi người đều quây quần bên nhau trong những căn nhà ấm cúng, trang hoàng, ăn những bữa tiệc cuối năm bên những người thân yêu nhất. Ấy vậy mà trên vỉa hè nơi xó tường kia, em lại phải chịu đói, chịu rét một mình, cô độc và lạnh lẽo. Chẳng có gì để ăn, chẳng có chỗ để ở, và cũng chẳng được sưởi ấm. Bởi vậy ta mới thấy, tình người trong hoàn cảnh đó mới ái ngại làm sao, mọi người dường như chỉ biết quan tâm và lo lắng cho hạnh phúc của mình mà quên đi những đồng loại, những hoàn cảnh khó khăn đang mong chờ họ ra tay giúp đỡ.

          Cô bé bán diêm đã chết, ngay giữa đêm giao thừa hôm đó, thật xót xa và đáng thương khi em đã phải chết một cái chết nghiệt ngã. Từ cái chết của cô bé bán diêm, nhà văn muốn chúng ta phải thực sự nhìn nhận và thức tỉnh về tình người. Ở đâu đó và ở ngay trong hoàn cảnh của cô bé bán diêm đã không có sự hiện hữu của tình cảm giữa con người với con người, không một ai quan tâm, hay xót thương cho em, từng dòng người cứ đi qua, thờ ơ, lạnh lùng.

        Đó chính là phản ánh về chính chúng ta trong xã hội này, còn biết bao em nhỏ mồ côi cha mẹ, không người thân thích đang rong ruổi kiếm miếng ăn qua ngày, biết bao gia đình hoàn cảnh khốn khổ không đủ cơm ăn, không đủ áo mặc. Chúng ta phải nghĩ đến trách nhiệm của mình đối với họ, là một thành phần của xã hội, chúng ta cần giúp đỡ nhau để cùng tồn tại và phát triển. Giống như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách”. Những số phận ấy không may mới phải chịu cảnh bất hạnh, chúng ta may mắn hơn họ, chúng ta phải biết cảm thông và chia sẻ, giúp đỡ họ để cuộc sống này thêm phần tốt đẹp hơn, đó là điều ý nghĩa nhất mà trong tình cảm giữa con người với con người nên có.

       Truyện “Cô bé bán diêm” chính là khơi dậy lòng nhân ái, bao dung và nhân hậu, biết cảm thông chia sẻ giữa con người với nhau. Mỗi người đều có trách nhiệm của mình đối với số phận và cuộc đời của những người như cô bé bán diêm.