Thuyết minh về quy tắc hoặc luật lệ trò chơi cờ người lớp 7

1. Mở đoạn: Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: quy tắc hoặc luật lệ trò chơi cờ người.


Dàn ý chi tiết

1. Mở đoạn:

Giới thiệu về đối tượng cần thuyết minh: quy tắc hoặc luật lệ trò chơi cờ người.

2. Thân đoạn:

- Các quy tắc, điều luật trong cờ người

- Người chơi:  người chơi được chia thành 2 đội, với mỗi đội có 16 người.

- 32 người chơi sẽ lần lượt đứng vào các vị trí được đánh dấu trên bàn cờ theo đúng vị trí của mình.

- Trò chơi có một vị giám khảo nhằm bình luận cho người xem dễ theo dõi diễn biến trận đấu và là người công bố kết quả cuộc thi

- Luật chơi:

+ Trong cờ người, đấu thủ nào cầm quân đỏ thì là bên được đi trước, rồi mới đến quân đen, cứ vậy luân phiên nhau.

+ Mỗi lần ăn quân của đối phương thì đều phải thể hiện bằng một bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ.

- Cách chơi

+ Sau khi có báo hiệu trận đấu bắt đầu, các đấu thủ cầm quân đỏ đi nước đầu tiên, rồi đến quân đen cứ vậy thay phiên nhau. Khi có đấu thủ nào thắng thì sẽ biểu diễn một màn song đấu tạo không khí vui nhộn cho cuộc thi.
+ Trường hợp người đóng vai tướng là người thua trận thì trước khi bị loại bỏ, vị tướng này sẽ tung hết các tuyệt chiêu của mình để phá vòng vây. Không chỉ vậy, mỗi khi tướng sắp rơi vào bước đường cùng thì người đóng vai quân sĩ sẽ phải nhào vào thế mạng. Trận chiến cứ thế diễn ra liên tiếp nên tạo được rất nhiều hấp dẫn cho người xem.
+ Cách chơi Cờ người sẽ theo luật như cách chơi cờ tướng.

3. Kết bài

Khẳng định lại quy tắc ý nghĩa của quy tắc trong trò chơi cờ người.


Mẫu 1

Cờ người là một trong số những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các dịp lễ hội được phổ biến khắp các làng quê Việt Nam.Trải qua thăng trầm lịch sử, cũng như nhiều lễ hội dân gian khác, hội Cờ người đã từng có thời kỳ bị mai một. Gần đây, cùng với chủ trương bảo tồn và chấn hưng văn hóa dân tộc, nhiều lễ hội và các hình thức sinh hoạt văn hóa dân gian được khôi phục, trong đó có hội Cờ người.

Cờ người là tên gọi khác của môn Cờ tướng, do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ được thiết kế vuông vức ở giữa khoảng sân rộng. Mỗi ván cờ gồm 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ, chia thành 2 phe, có hai tướng (tướng ông và tướng bà). Cờ người không thể thiếu người thứ 33 là Tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ.

Trang phục trên sân cờ phải chỉnh tề và thống nhất. Tướng được đội mũ tướng soái, mặc triều phục bá quan văn võ, có lọng che. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi diễn ra, các “quân cờ” sẽ tiến hành tập luyện các thế đi, đường võ để chuẩn bị xung trận biểu diễn cho từng thế cờ. Mỗi ván đấu Cờ người thường kéo dài 2 giờ. Nếu sau 2 giờ vẫn chưa kết thúc, ban tổ chức sẽ cho bốc thăm để phân chia thắng bại.

Trải qua thời gian, Cờ người vẫn luôn giữ nét đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây cũng là dịp để nhiều người được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử, cùng niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Chính vì tinh thần thượng võ và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này đã và đang có sức sống lâu bền trong cuộc sống.


Mẫu 2

Cờ người là một trò chơi truyền thống đã tồn tại từ lâu đời trong văn hóa dân gian Việt Nam. Việc duy trì và phát huy truyền thống này giúp bảo tồn và truyền đạt những giá trị văn hóa của dân tộc qua các thế hệ. Đồng thời, nó cũng tôn vinh và thể hiện lòng tự hào về truyền thống lịch sử và võ thuật của Việt Nam.

Ngày xưa nếu cuộc thi cờ người nằm trong lễ hội của một tổng thì quan viên hàng tổng phân công cho hai làng, mỗi làng chọn mười sáu người làm quân cờ. Nếu hội là của một làng, thì hội tộc biểu phân công cho hai họ. Sau cuộc lễ thánh buổi sáng, buổi chiều sân đình trở thành bàn cờ người, có 16 người mặc áo đỏ, 16 người mặc áo vàng. Trước ngực và sau lưng áo đều in tên quân cờ: tướng, sỹ, tượng, xe, pháo, mã, tốt. Nếu là hội lớn có quan trên về lễ thánh, thì mời các quan về chơi cờ. Nếu không thì hàng chức sắc hàng tổng hoặc hương lý của làng vào thi đấu.

Cách đánh cờ người cũng như đánh cờ tướng, có khác là đánh cờ tướng thì hai người chơi cờ ngồi đối diện, trước mặt là bàn cờ nhỏ bằng gỗ, còn cờ người thì bàn cờ là cả mặt sân đình, quân cờ là người thật.

Bắt đầu vào cuộc, 16 người làm quân của mỗi bên ngồi trên một ghế đẩu đúng vị trí của mình, hai kỳ thủ ngồi ở phía sau hai quân tướng ngoài bàn cờ, mỗi bên có một người cầm loa, đều mặc áo nẹp đỏ hoặc vàng, chân quấn xà cạp, đầu đội nón dứa như lính thú đời xưa. Khi đi quân, quan viên đấu cờ nói nước của mình, người nói loa xướng lên, quân cờ nghe lời điều quân chuyển đến chỗ mới, bên nào thắng thì cuối buổi nhận giải thưởng của làng. Tất cả những người được chơi cờ hôm ấy đều phải góp tiền để trả thù lao cho hai người dịch loa và 32 người ngồi làm quân cờ.

Những năm mở hội, có chơi cờ người, người không biết chơi cờ cũng cứ bám theo bãi cờ, chỉ cốt để  ngắm tướng ông, tướng bà ... Có những hội, môn thi cờ kéo dài đến hết tháng 8, vì có rất đông kỳ thủ các nơi về dự giải.


Mẫu 3

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khắp nơi trên mọi miền Tổ quốc đều tưng bừng, nhộn nhịp với các trò chơi dân gian mang những đặc trưng riêng có của mỗi vùng miền dân tộc. Và một trong những điểm nhấn đặc sắc, nổi bật diễn ra trong các dịp lễ tết của Việt Nam đó là Cờ Người – một trò chơi không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn mang đầy tinh thần thể thao, trí tuệ và đậm đà bản sắc dân tộc Việt.

Theo văn hóa miền bắc, tiến trình diễn ra cờ người được in đậm dấu ấn của các loại hình nghệ thuật dân gian thông qua các điệu múa truyền thống độc đáo hòa cùng âm thanh của tiếng chiêng, điệu vè. Bàn cờ được chọn là những sân đất rộng hoặc sân tại đình, chùa. Mỗi ván cờ phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ là những nam thanh, nữ tú được chọn từ các gia đình nề nếp được dân làng yêu mến và quý trọng. Trong đó, tướng ông và tướng bà sẽ là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ. Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, Cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Trải qua những thăng trầm của thời gian và lịch sử, cờ người vẫn luôn giữ cho mình thần thái đặc trưng với vẻ đẹp truyền thống của một trò chơi dân gian trí tuệ. Đây là dịp để mỗi người chơi được sống lại với những trận chiến oanh liệt trong lịch sử với niềm tự hào về những chiến công hiển hách của dân tộc. Tính tao nhã và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian này có sức sống lâu bền trong cuộc sống, gắn kết hi vọng về bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.


Mẫu 1

Những ngày đầu xuân không khí tưng bừng rộn ràng khắp muôn nơi. Ngày này cũng là dịp những sự kiện vui chơi, giải trí mừng xuân diễn ra tưng bừng từ nông thôn đến thành thị. Đặc biệt Tết cũng là dịp mọi người cùng nhau tham gia các trò chơi dân gian được hình thành từ lâu đời. Những trò chơi dân gian ấy vô cùng phong phú, mang bản sắc riêng của từng địa phương. Trong các dịp tết lễ hội, những trò chơi dân gian là điều không thể thiếu bởi phải có những trò chơi thì con người mới vui vẻ, hòa nhập và gần gũi hơn với nhau. Người lớn thì kéo co, thi vật, trẻ em thì nhảy dây, chơi chuyền... đặc biệt là cờ người.
Cờ người là một trong những trò chơi thường thấy trong các ngày hội, ngày Tết, mừng Xuân mới. Đây là thú chơi tao nhã trí tuệ giúp con người có những giờ phút giải trí bổ ích. Theo đó sẽ có 32 quân cờ chia thành hai phe (16 quân đỏ và 16 quân đen) bày xong là cuộc đấu trí bắt đầu. Cờ người cũng là cờ tướng mà quân cờ là người thật, cũng chơi trên sân bãi, 16 nam áo đỏ, 16 nữ mặc áo đen đeo biển (tên quân cờ) trước ngực đứng vào vị trí. Hai tướng (Tướng Ông, Tướng Bà) mặc đẹp (như cờ tướng) có hai cờ đuôi nheo cắm chéo sau lưng được che lọng. Gặp buổi trời nắng thì mỗi quân cờ được một người che ô đứng bên và đi theo mỗi lần quân chuyển. Hai đối thủ ngồi phía sau. Có người chạy cờ lo việc chuyển quân theo ý định của người chơi.

Mỗi lần đi một nước đấu thủ (có tiếng trống khẩu) gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Và để giành được chiến thắng đòi hỏi người chơi phải bình tĩnh, thận trọng, chủ động không bị phân tán bởi những người xem mách nước. Đi một nước phải tính trước 2-3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Được biết ván cờ có thể kéo dài hàng giờ đồng hồ mới phân thắng bại. Cờ người thực chất là môn cờ tướng do người đóng thế thành các quân cờ. Bàn cờ thường ở khoảng sân đất rộng như sân đình, chùa. Mỗi ván cờ lúc bắt đầu phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ. Trang phục của “quân cờ” phải chỉnh tề và thống nhất, có lọng che nên sân chơi cờ người rất rực rỡ, đẹp mắt. Trò chơi này không đơn thuần chỉ để giải trí mà còn là một cuộc đấu trí mang đậm bản sắc dân tộc Việt nên thường được duy trì trong ngày Tết Cổ Truyền.

Có thể nói, cờ người là một trong số những trò chơi dân gian đặc sắc diễn ra trong các ngày Tết Cổ Truyền mang đầy tính trí tuệ.


Mẫu 2

Chơi thể thao là biện pháp vừa tốt cho sức khỏe lại vừa có tính giải trí cao. Trong các môn thể thao bổ ích, em thích nhất là môn cờ người.

Môn thể thao độc đáo này có nguồn gốc từ đồng bằng Bắc Bộ, tới nay đã được phát triển một cách sâu rộng tới cả các làng, xã trên cả nước. Cờ người là một hình thức đấu trí, một trò chơi thể thao trí tuệ thể hiện rõ tính tập thể và trách nhiệm của người cầm quân. Với bản chất là một môn cờ tướng với các quân cờ được người đóng thế, đây là một trò chơi dân gian đầy tính nhân văn, mang đậm bản sắc văn hóa Việt, thể hiện nét văn hóa cộng đồng.

Theo văn hóa miền bắc, tiến trình diễn ra cờ người được in đậm dấu ấn của các loại hình nghệ thuật dân gian thông qua các điệu múa truyền thống độc đáo hòa cùng âm thanh của tiếng chiêng, điệu vè. Bàn cờ được chọn là những sân đất rộng hoặc sân tại đình, chùa. Mỗi ván cờ phải đủ 32 quân, bao gồm 16 nam và 16 nữ là những nam thanh, nữ tú được chọn từ các gia đình nề nếp được dân làng yêu mến và quý trọng. Trong đó, tướng ông và tướng bà sẽ là những người có ngoại hình đẹp nhất và nổi bật nhất trong số 32 quân cờ. Ngoài 32 người chơi trong sân cờ, Cờ người không thể thiếu người thứ 33 là tổng cờ, tức là trọng tài của bàn cờ. Đây là người trực tiếp giúp Ban giám khảo theo dõi việc thắng, thua của cuộc đấu cờ.

Trang phục các quân cờ thường là những bộ quần áo sặc sỡ có thêu biểu tượng của các quân cờ mình thủ vai ở trước ngực và sau áo để dễ phân biệt và tiện cho người xem theo dõi diễn biến ván cờ. Theo quy định, đấu thủ cầm quân đỏ được đi trước, sau đó đến quân đen và luân phiên theo thứ tự cho đến hết. Mỗi lần đi một nước, đấu thủ sẽ gõ một tiếng. Người chạy cờ tới nghe lệnh và chuyển quân trên bãi. Nguyên tắc đi quân là mã nhật, tượng điền, xe liền, pháo cách. Vào cuộc chơi phải bình tĩnh, tỉnh táo, chủ động không bị phân tán bởi những ý kiến và quan điểm của người xem. Đi một nước phải tính trước 2, 3 nước tiếp theo để khỏi bị bất ngờ trước đối thủ của mình. Cứ thế, Cờ Người diễn ra trong không khí tưng bừng của ngày hội. Cứ mỗi lần ăn quân của đối phương thì quân cờ thể hiện bằng một bài biểu diễn song đấu hoặc một bài tự vệ. Các “quân cờ” phải trải qua sự tập luyện lâu dài và gian khổ vì các đòn thế biểu diễn không phải dễ dàng.

Không giống như không khí nhộn nhịp, tưng bừng của những môn thể thao như bóng đá, bóng chuyền hay đấu vật, chơi cờ người thường  tụ hội rất đông người xem nhưng tất cả đều cố giữ im lặng để người chơi không bị phân tán. Người bình luận không được phép nói trước, khi quân cờ đi rồi mới bình luận về nước đi và ý đồ của mỗi đội. Trong cả quá trình diễn ra trận đấu, cùng với những nước đi trong chiến lược cầm quân của mỗi đội, người người sẽ được hòa mình theo những âm thanh rộn ràng của tiếng chiêng, tiếng trống. Cờ xí, võng lọng bay phấp phới trong nắng xuân hồng, cùng với áo mão của “ba quân tướng sĩ” đã làm sống lại hình ảnh triều đình vua quan thời phong kiến.

Hấp dẫn nhất trong các cuộc thi đấu cờ người chắc chắn là lúc bước vào tàn cuộc. Lúc này thế trận của các “quân cờ” cũng quyết liệt và dữ dội nhất. Cuộc đấu trí càng căng thẳng hơn khi mỗi nước cờ đều có tiếng trống thúc giục. Nếu quân cờ chưa đi thì trống cái bên ngoài lại thúc giục một lần nữa. Bên nào có quân tướng bị chiếu bí là thua. Vì thế, người cầm quân phải thật sự bình tĩnh và tỉnh táo mới có thể đem về chiến thắng cho đội mình.

Cờ người đẹp ở sự bình dị mà tinh tế, trầm tĩnh mà mang đậm nét truyền thống hào hùng của dân tộc. Bởi lẽ đó mà, trò chơi dân gian này thường không hấp dẫn ngay từ đầu mà nó thường ngấm từ từ, khiến người xem phải tập trung theo dõi, không thể bỏ qua chi tiết nào. Và có lẽ, chính bởi những nét đặc trưng đó mà cờ người đã trở thành một thú vui tao nhã trong mỗi dịp lễ tết của người dân Việt Nam. Không chỉ là một trò chơi dân gian truyền thống mà cờ người đã tạo nên điểm nhấn thú vị và đậm đà nét mộc mạc của làng quê Việt trong không khí tưng bừng với sắc xuân trên mọi miền đất nước.

Tính tao nhã và ý nghĩa truyền thống sâu đậm khiến trò chơi dân gian cờ người có sức sống lâu bền trong cuộc sống, gắn kết hi vọng về bao điều tốt đẹp sẽ đến trong năm mới, mang lại niềm tin và hạnh phúc cho mọi người.


Mẫu 3

Cờ người là một dạng cờ tướng đặc biệt bắt nguồn từ Bắc Bộ, do người đóng vai các quân cờ trên bàn cờ tướng. Trận đấu cờ gồm 33 người chơi, chia làm 2 đội, trong đó có 16 người ( không phân biệt nam, nữ ) đóng vai quân đỏ và 16 người còn lại là quân xanh đứng đối mặt nhau trên bàn cờ. Ngoài ra còn một người nữa đóng vai trò là Tổng cờ hay còn gọi trọng tài của bàn cờ.

Mỗi người chơi thủ vai một quân cờ và đứng theo vị trí được chỉ định trên một bàn cờ được vẽ trên sân. Trang phục của người chơi phải thống nhất và chỉnh tề, thường là màu đỏ hoặc vàng cho chàng trai và màu đen hoặc xanh cho cô gái. Đặc biệt, tướng được đội mũ tướng soái và mặc triều phục bá quan văn võ. Sĩ đội mũ cánh chuồn có tua vàng. Trước khi cuộc thi bắt đầu, người chơi sẽ tập luyện các thế đi và đường võ để chuẩn bị cho trận đấu.

Trước giờ thi đấu, cổ động viên sẽ gõ những hồi trống dài và reo hò cổ vũ tạo không khí sôi động cho trận đấu. Cách chơi Cờ người sẽ theo luật như cách chơi cờ tướng. Như vậy, quân đỏ sẽ đi trước, sau đó là quân xanh, và luân phiên cho đến khi tất cả quân cờ đã di chuyển. Mục đích của hai bên là Tướng của đối thủ - hai bên tìm các cách di chuyển các quân của mình theo đúng luật để ăn quân cờ của đối phương nhằm chiếu bí Tướng của đối thủ để giành thắng lợi. Khi một quân cờ bị "ăn mất", hồi trống cũng vang lên. Khi một kỳ thủ không thể di chuyển quân cờ, hồi trống sẽ thúc giục liên tục và nếu không thể di chuyển, kỳ thủ sẽ bị xử thua. 

Điểm đặc trưng của cờ người là các người chơi - quân cờ thể hiện các động tác tấn công và phòng thủ bằng các thế võ như đứng tấn, múa đao, giáo, mác, hoặc thực hiện các bài quyền khi có hiệu lệnh di chuyển. 

Trận đấu lúc này sẽ cho người xem cảm giác như một tỉ thí võ thuật thực sự. Để được chọn vào đội thi đấu Cờ người, các võ sinh phải trải qua nhiều năm huấn luyện võ thuật. Vì vậy những trận cờ người lôi cuốn người xem bởi những thế võ, động tác điêu luyện, mạnh mẽ và dứt khoát, toát lên vẻ trang nghiêm và uy dũng. 

Cờ người là một trò chơi truyền thống đặc biệt trong văn hóa dân gian Việt Nam. Ngoài việc mang tính giải trí, trò chơi này còn mang nhiều ý nghĩa sâu sắc. Với lịch sử lâu đời, trò chơi này đóng vai trò bảo tồn và truyền đạt giá trị văn hóa qua các thế hệ, giúp các thế hệ trẻ học hỏi và truyền lại trò chơi này cho thế hệ sau.



Bài giải liên quan

Từ khóa phổ biến