Thuyết minh về một miền đất giàu tiềm năng của đất nước ta: Rừng U Minh.

U Minh là một vùng đất sình lầy, chằng chịt kênh rạch, rừng xanh điệp trùng bao la, trải dài trải rộng trên một diện tích gần 2000 km2.


Dàn ý

1. Mở bài

Giới thiệu khái quát về địa danh: Việt Nam ta luôn tự hào với muôn vàn danh lam thắng cảnh tuyệt đẹp, những vùng đất linh kiệt trong đó, rừng U Minh nổi bật bởi những cảnh đẹp hùng vĩ, vừa hoang sơ, vừa thơ mộng, giản dị.

2. Thân bài

a. Vị trí địa lý

Rừng U Minh tựa lưng vào miền tây Nam Bộ, mặt hướng ra vịnh Thái Lan, trải dài từ sông Ông Đốc phía Nam (tỉnh Cà Mau) cho đến sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) phía bắc. 

b. Kết cấu

Thiên nhiên ở U Minh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ.

Có thể đến U Minh bằng đường thủy, hoặc đường bộ nhưng đường thủy thuận tiện hơn.

Rừng ngập mặn ở Cà Mau là rừng đước. Còn rừng ở U Minh là rừng tràm.

Mùa hè đến, rừng tràm nở hoa trắng xóa, dâng hương ngào ngạt. Hàng ngàn, hàng vạn... đàn ong kéo về hút nhụy hoa, mật hoa.

Rừng U Minh là xứ sở của muỗi mòng và thú dữ, heo rừng, khỉ, kì đà, rắn, trăn, cá sấu, cọp.

- Đến thăm thú sân chim U Minh, du khách ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi nhìn thấy những con ngỗng trời có đôi cánh đồ sộ hàng sải tay, nặng bảy tám kí, đậu oằn cả những cành cây lớn, những con giang sen cao lêu nghêu, chàng bè cổ quái, mỏ to bằng cổ tay người lớn.

c. Ý nghĩa của danh lam thắng cảnh

Là mảnh đất tiềm năng thuộc phía Nam Việt Nam, có nhiều giá trị kinh tế, tự nhiên cho sau này.

3. Kết bài

- Không thể phủ nhận, rừng U Minh chính là một niềm tự hào của người dân phía Nam Việt Nam.

 


Bài mẫu

        U Minh là một vùng đất sình lầy, chằng chịt kênh rạch, rừng xanh điệp trùng bao la, trải dài trải rộng trên một diện tích gần 2000 km2.

        Rừng U Minh tựa lưng vào miền tây Nam Bộ, mặt hướng ra vịnh Thái Lan, trải dài từ sông Ông Đốc phía Nam (tỉnh Cà Mau) cho đến sông Cái Lớn (tỉnh Kiên Giang) phía bắc. Sông Trèm Trẹm và sông Cái Tàu chia U Minh thành hai phần xấp xỉ nhau, đó là U Minh Thượng ở phía Bắc và U Minh Hạ ở phía Nam.

        Thiên nhiên ở U Minh vô cùng hoang sơ và hùng vĩ. Trước năm 1945, hai tiếng U Minh gợi lên cái gì xa xăm và thăm thẳm, heo hút và mênh mông. Nhà văn Sơn Nam trong cuốn “Văn minh miệt Vườn" đã viết: U Minh có nghĩa là tối và mờ, u u minh minh, có lẽ ở đây cây cỏ quá dày và rậm rạp, nước ngập lênh láng, đất lại thấp nên thuở xưa còn gọi là Láng Biển, Láng U Minh”.

        Có thể đến U Minh bằng đường thủy, hoặc đường bộ nhưng đường thủy thuận tiện hơn. Đi xuồng máy tới Cà Mau, theo sông Cái Tàu và sông Trèm Trẹm mà đi lên. Hoặc dùng tàu, thuyền từ Rạch Giá men theo bờ biển mà đi xuống.

        Rừng ngập mặn ở Cà Mau là rừng đước. Còn rừng ở U Minh là rừng tràm. Cây tràm cao từ 10-20 m; từ xa nhìn chỉ thấy một màu xanh vô tận của rừng tràm nối tiếp với màu xanh bao la của da trời. Cây tràm là thứ gỗ quý của rừng U Minh. Ngoài ra còn có cây móp và dây choai. Dây choai dẻo và bền không kém gì song mây, để bện đăng hoặc làm nguyên liệu cho hàng thủ công mĩ nghệ. Rễ móp rất nhẹ, dai, xốp, dể làm phao lưới cá, làm nút chai.

        Mùa hè đến, rừng tràm nở hoa trắng xóa, dâng hương ngào ngạt. Hàng ngàn, hàng vạn... đàn ong kéo về hút nhụy hoa, mật hoa. Những người "ăn ong" kéo nhau vào rừng tràm "gác kèo" cho ong làm tổ. Mỗi tổ ong có thể cho vài lít mật; mỗi người "gác kèo" có thể lấy được hàng trăm lít mật ong sau mỗi mùa hoa. Mật ong rừng tràm U Minh có màu vàng óng, trong veo, để lâu không biến màu, biến chất, có hương vị ngát thơm ngọt ngào đặc biệt. Rừng tràm U Minh mỗi năm có thể cung cấp khoảng 50-60 tấn mật ong. Hoa tràm chứa 2% tinh dầu. Tinh dầu tràm màu vàng xanh trong suốt là một dược liệu quý hiếm.

        Rừng U Minh là xứ sở của muỗi mòng và thú dữ, heo rừng, khỉ, kì đà, rắn, trăn, cá sấu, cọp. Ca dao còn truyền lại:

                                “U Minh, Rạch Giá, thị quán sơn trường,

                                Dưới sông sấu lội, trên rừng cọp đua.”

        Kênh rạch U Minh nhiều tôm cá. Rừng U Minh là một sân chim khổng lồ với hàng trăm loài chim. Tiếng chim xào xạc trong vòm cây lá. Chiều chiều, từng đàn chim che rợp bầu trời. Trong màn đêm vẫn có một số loài chim gọi nhau đi ăn đêm. Tiếng chim gọi đàn, tiếng lá reo, tiếng sóng vỗ trên sông Cái Tàu, sông Trèm Trẹm, trên vịnh Thái Lan... lao xao, rì rầm suốt đêm ngày tạo nên khúc nhạc rừng U Minh đã mấy ngàn năm qua.

        Đến thăm thú sân chim U Minh, du khách ngạc nhiên và vô cùng thú vị khi nhìn thấy những con ngỗng trời có đôi cánh đồ sộ hàng sải tay, nặng bảy tám kí, đậu oằn cả những cành cây lớn, những con giang sen cao lêu nghêu, chàng bè cổ quái, mỏ to bằng cổ tay người lớn. Nhiều loài cò, điên điển, cồng cộc, le le, ó biển,... quy tụ về đây thành đàn, đẻ trứng, sinh con, sinh cháu, làm cho họ hàng nhà chim ngày một đông đúc, đàn đàn lũ lũ không kể xiết.

        Những vỉa than bùn dày từ 2-5 m là kho vàng đen có trữ lượng hàng tỉ tấn mà rừng U Minh đã và đang làm giàu cho quê hương xứ sở.

        Sau ngày 30.4.1975, U Minh được đầu tư và khai phá. Giao thông thủy bộ được mở mang. Nhiều thị tứ, làng mạc nối tiếp mọc lên theo bờ kênh rạch, sông ngòi. Cảnh quan ngày một thay đổi to lớn.

        Rừng U Minh là một vùng đất giàu có với bao tiềm năng kì diệu, U Minh hứa hẹn. U Minh đang vẫy tay đón chờ những bàn tay, khối óc và lòng dũng cảm của tuổi trẻ chúng ta.    



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến