1. Tại sao Cách mạng lại diễn ra?
Những người đam mê thuyết âm mưu thích đưa ra các đồn đoán về các lý do ngầm đằng sau sự sụp đổ của chế độ quân chủ Nga. Một số người tin rằng Cách mạng này là âm mưu của người Đức (khi đó đang đánh nhau với Nga trong Thế chiến thứ nhất), người Anh (đồng minh của Nga khi đó) hoặc thậm chí là các thành viên của Hội Tam Điểm.
Tuy nhiên, giới sử gia tin rằng có những nguyên nhân logic và đơn giản hơn nhiều dẫn tới sự phẫn nộ của quần chúng.
Khi ấy, mệt mỏi với Thế chiến 1, người dân Nga chỉ mong sao có hòa bình nhưng chiến tranh cứ kéo dài liên miên.
Trong khi đó, do cơ sở hạ tầng yếu kém nên giới chức cũng không thể cung cấp đủ lương thực cho thủ đô Nga lúc đó là Petrograd (tức Saint Petersburg ngày nay). Các cuộc “bạo động bánh mì” thực sự là dấu hiệu cho một cuộc nổi dậy Bolshevik.
Giai cấp nông dân – bộ phận chiếm đa số dân cư Nga khi ấy, cũng bất mãn với chính phủ. Mặc dù Sa hoàng Alexander II đã “giải phóng” họ vào năm 1861 bằng việc bãi bỏ chế độ nông nô, cho đến năm 1917, đa số các cựu nông nô này vẫn không có tài sản nào ghi tên họ. Còn giai cấp công nhân thì phải chịu đựng điều kiện làm việc khắc nghiệt, đôi khi tới mức vô nhân đạo.
Bản thân Sa hoàng Nicolas II và các chính sách của ông ta cũng gieo thêm mầm cho cách mạng nổ ra. Vào mùa xuân năm 1917, ngay bản thân nội bộ hoàng tộc cũng xem Nicolas II là một vị vua yếu kém, bất tài. Trong nhiều năm liền, hoàng gia Nga bị nhân vật bí hiểm Grigory Rasputin đứng đằng sau thao túng. Rasputin bị cả nước Nga oán giận. Đến khi Cách mạng nổ ra thì đa phần người Nga không còn vương vấn gì với chế độ quân chủ nữa.
2. Các gương mặt tiêu biểu của Cách mạng
Ngoài Lenin ra, còn có nhiều nhân vật nổi bật nữa trong hàng ngũ Bolshevik khi ấy, như các nhân vật mà về sau đã tích cực tham gia xây dựng Hồng quân để giành chiến thắng trong Nội chiến Nga.
Bản thân Nadezhda Krupskaya, phu nhân của lãnh tụ Lenin, cũng là một nhà cách mạng chuyên nghiệp và quan trọng trong sự kiện Cách mạng Tháng Mười. Krupskaya trung thành với chồng mình cũng như Chủ nghĩa Mác. Trong suốt quãng đời chung sống với Lenin, bà luôn tận tụy giúp đỡ ông vô bờ bến.
Những người Bolshevik không sợ ai bởi vì họ đã có cả một lịch sử dài lâu chiến đấu chống lại nhà nước áp bức. Từ thập niên 1890 đến thập niên 1900, đảng Bolshevik phải hoạt động bất hợp pháp ở Nga. Để có ngân sách hoạt động, họ phải áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
3. Thay đổi thời đại
Các cuộc Cách mạng Nga nói trên đã thay đổi tiến trình lịch sử Nga mãi mãi. Ngay sau Cách mạng Tháng Mười, nước Nga trải qua nhiều biến cố lớn lao nữa, như cuộc Nội chiến Nga và cuộc can thiệp vũ trang của hàng chục nước đế quốc.
Cách mạng Tháng Mười Nga thậm chí để lại dấu ấn sâu đậm lên cách ăn mặc của xã hội Nga.
Trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, cuộc Cách mạng này cũng nhận được sự chú ý đặc biệt. Các nghệ sĩ Nga đã sản xuất nhiều bộ phim, viết nhiều sách và thơ ca về đề tài này – trong tương lai, họ sẽ tiếp tục làm vậy. Một số nghệ sĩ, như nhà thơ Vladimir Mayakovsky, đã lấy đó làm nguồn cảm hứng và lẽ sống của mình.
4. Phản ứng của người nước ngoài đối với cuộc Cách mạng
Có nhiều phản ứng khác nhau. Nhà báo Mỹ John Reed ủng hộ nhiệt thành cho cuộc Cách mạng Tháng Mười và là một người bạn của Liên Xô – sau khi qua đời, ông đã được chôn cất ở Moscow. Trong khi đó, tác giả người Anh Somerset Maugham thì lại thù địch với cuộc Cách mạng. Ông ta là gián điệp được phái tới Nga để ngăn chặn cuộc Cách mạng. Nhưng Maugham đã thất bại.
Hàng chục người nước ngoài trực tiếp chứng kiến Cách mạng tháng Hai và Tháng Mười năm 1917 (chủ yếu là các nhà ngoại giao và nhà báo) đã viết hồi ký về thời kỳ đó.
Cựu Đại sứ Anh tại Nga George Buchanan viết: “Tôi sẵn sàng thừa nhận rằng Lenin là một con người xuất chúng...”.