Soạn Những đứa con trong gia đình siêu ngắn

Soạn bài Những đứa con trong gia đình siêu ngắn nhất SGK Ngữ văn 12 tập 2, giúp tiết kiệm thời gian soạn bài


Câu 1

Câu 1 (trang 63 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

+ Đoạn trích được trần thuật từ điểm nhìn của Việt, nhân vật chính trong tác phẩm.

+ Đối với kết cấu truyện, cách trần thuật này giúp Nguyễn Thi triển khai toàn bộ tác phẩm theo dòng hồi ức đứt gãy của Việt một cách tự nhiên, logic mà không phụ thuộc vào yếu tố truyền thống là trình tự thời gian.

+ Đối với việc khắc họa tính cách nhân vật, cách trần thuật này giúp bộc lộ chân thực, sống động và khách quan tâm lí, tính cách của Việt và các nhân vật khác.


Câu 2

Câu 2 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

- Tác phẩm kể chuyện một gia đình nông dân Nam Bộ. Chính truyền thống gia đình (yêu thương và gắn bó sâu nặng) và truyền thống dân tộc (yêu nước, căm thù giặc, thủy chung với quê hương, với cách mạng) đã gắn bó các thành viên với nhau.

+ Truyền thống gia đình: nỗi nhớ thương của chị em Việt dành cho má; hình ảnh của má sống trong lời nói, cử chỉ, hành động, suy nghĩ của những đứa con; chi tiết cuốn sổ gia đình lưu giữ những nỗi đau, biến cố và thành tích của gia đình được chú Năm ghi chép và lưu giữ và truyền lại cho con cháu…

+ Truyền thống dân tộc: hai chị em sớm có lòng căm thù giặc, từ nhỏ đã theo má đi đòi đầu ba; lớn lên lại giành nhau ghi tên tòng quân đánh giặc trả thù cho ba má; cả hai khắc ghi lời dặn dò của chú Năm “kì này là ra chân trời mặt biển…bỏ về là chú chặt đầu”; chú Năm nhận lo lắng mọi việc ở nhà và động viên các cháu lên đường chiến đấu;…


Câu 3

Câu 3 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* So sánh tính cách Chiến và Việt để thấy sự tiếp nối truyền thống gia đình:

- Nhân vật Chiến:

+ Mạnh mẽ, dứt khoát, quả cảm: đã làm thân con gái…Nếu giặc còn thì tao mất.

+ Chu đáo, đảm đang, tháo vát: lo cho cả người sống (viết thư cho chị Hai, gửi thằng út em) và người đã khuất (gửi bàn thờ má sang chú Năm); sắp xếp việc nhà đâu ra đấy (cho xã mượn nhà làm trường học, đồ đạc và hai công mía gửi chú, ruộng cho bà con cày cấy…).

+ Thừa hưởng tính cách, thói quen và hình ảnh của má: cử chỉ, lời nói, cách vun vén nhà cửa giống hệt má.

- Nhân vật Việt:

+ Hồn nhiên, vô tư, hay đùa: Khi Chiến đang dặn dò thì Việt lăn kềnh ra ván, cười khì khì, nghịch ngợm chụp con đom đóm úp trong lòng tay; vô ưu vô lo mặc kệ cho chị sắp xếp mọi việc trong nhà; ngây thơ hỏi chị hồi đó má dặn chị vậy hả?.

+ Giàu tình cảm, luôn nhớ đến má: nhận ra hình ảnh của má trong lời nói, cử chỉ, cách thu vén gia đình của chị Chiến.

+ Tự tin, quả cảm, quyết tâm đánh giặc: Chị có bị…chớ chừng nào tôi mới bị.


Câu 4

Câu 4 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Các biểu hiện của khuynh hướng sử thi trong đoạn trích:

- Đề tài sáng tác: truyện viết về một gia đình nông dân Nam Bộ giàu truyền thống yêu nước, căm thù giặc (đề tài chiến tranh liên quan đến vận mệnh dân tộc).

- Nhân vật: những thiếu niên anh hùng, quả cảm, đại diện cho thế hệ trẻ thời đánh Mĩ ở Nam Bộ (Chiến và Việt).

- Ngôn ngữ gần gũi nhưng vẫn thấm đẫm tinh thần quyết tâm của thời đại, ngôn ngữ ngợi ca với thái độ yêu mến, quý trọng rõ nét của tác giả.


Câu 5

Câu 5 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

- Một trong những đoạn văn đặc sắc và cảm động nhất trong truyện là đoạn hai chị em Chiến và Việt khiêng bàn thờ má sang nhà chú Năm ở cuối đoạn trích: “Cúng mẹ và cơm nước xong…đồng này sang bưng khác”.

+ Tình cảm gia đình xúc động:

• Tình mẫu tử: má vẫn sống trong dáng hình của các con (ngoại hình của Chiến), trong tâm niệm của các con “Nào, đưa má sang…lại đưa má về”, hai chị em lại băng qua con đường thoảng mùi hoa cam trước má vẫn đi.

• Tình chị em: Nghe tiếng chân chị, Việt thấy thương chị lạ.

+ Sự chuyển biến, trưởng thành trong suy nghĩ của những đứa con trước ngày ra trận: Lần đầu tiên Việt mới thấy lòng mình rõ như thế.

+ Những đứa con cảm nhận mối thù sâu sắc với thằng Mĩ: còn mối thù…nó đang đè nặng ở trên vai.



LUYỆN TẬP

LUYỆN TẬP:

Câu 1 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

* Tính cách và tâm lí của Chiến và Việt qua đoạn đối thoại trước ngày nhập ngũ:

- Đối thoại của Chiến:

• Xưng hô: mày – tao, chị em mình, chị - em.

• Cách nói: mạnh mẽ quyết đoán nếu giặc còn thì tao mất; rành rọt, tiếng nào ra tiếng nấy; vừa nói vừa trằn trọc suy nghĩ chị Chiến cựa mình, làm như chị nghĩ ngợi lung lắm; rất tôn trọng em, việc gì cũng hỏi ý kiến của em trước khi sắp xếp.

• Nội dung nói: quyết tâm đánh giặc trả thù nhà; sắp xếp việc nhà trước khi đi xa.

=> Chiến là cô gái đảm đang, chu đáo, tháo vát, biết lo nghĩ, xứng đáng là người chị gương mẫu trong nhà. Chị cũng thừa hưởng những phẩm chất rõ rệt của người mẹ đã mất.

- Đối thoại của Việt:

• Xưng hô: tôi – chị.

• Cách nói: cự nự với chị: chị biết vậy sao hồi nãy…rồi mà nói chưa; vừa nói vừa đùa nghịch; phó mặc chuyện nhà cho chị: tôi nói chị tính sao cứ tính mà; hỏi chị một cách ngây thơ hồi đó má dặn chị vậy hả?...

• Nội dung nói: chỉ quan tâm tới niềm vui được đi đánh giặc, tự tin chị có bị chặt đầu…chừng nào tôi mới bị; thuận theo mọi sắp xếp của chị; nhận ra sự giống nhau của chị và má, nhớ má…

=> Việt là chàng trai mới lớn, tính cách còn trẻ con, vô ưu vô lo. Dù vậy, tình cảm dành cho má và niềm vui tòng quân thể hiện rõ truyền thống gia đình cách mạng ở Việt.

Câu 2 (trang 64 SGK Ngữ văn 12 tập 2)

Tìm đọc trọn vẹn tác phẩm.



Bố cục và ND chính

Bố cục (2 phần)

- Phần 1 (từ đầu đến bắt đầu xung phong): Việt bị thương ở chiến trường, ngất đi rồi tỉnh lại.

- Phần 2 (còn lại): Kí ức của Việt về câu chuyện hai chị em tranh nhau đi tòng quân.

Nội dung chính:

Truyện kể về những người con trong một gia đình nông dân ở Nam Bộ có truyền thống yêu nước, căm thù giặc, thủy chung son sắt với quê hương, cách mạng.