Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương siêu ngắn

Soạn bài Lưu biệt khi xuất dương siêu ngắn nhất SGK Ngữ văn 11 tập 2, giúp tiết kiệm thời gian soạn bài


Câu 1

Câu 1 (trang 5 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)

Bối cảnh ra đời bài thơ:

- Bối cảnh trong nước:

 + Từ cuối thế kỷ XIX, đất nước hoàn toàn rơi vào ách thống trị của thực dân Pháp.

 + Phong trào Cần Vương và nhiều cuộc khởi nghĩa thất bại.

 + Chế độ phong kiến hoàn toàn bất lực, trở thành bộ máy phục vụ cho thực dân.

 + Hệ tư tưởng phong kiến lạc hậu và vô dụng trước hoàn cảnh đất nước.

- Ảnh hưởng từ nước ngoài: Con đường dân chủ tư sản tràn vào nước ta.


Câu 2

Câu 2 (trang 5 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)

- Quan niệm mới về chí làm trai và tư thế, tầm vóc của con người trong vũ trụ:

+ Chí làm trai "phải lạ ở trên đời": phải làm nên những điều hiển hách, phi thường, quyết không sống mờ nhạt, buông xuôi, tầm thường.

+ Tư thế kỳ vĩ, tầm vóc sánh ngang vũ trụ, tự tin "há để càn khôn tự chuyển dời": vượt lên số phận, làm chủ nghịch cảnh, đương đầu với càn khôn.

- Ý thức trách nhiệm cá nhân trước thời cuộc:

+ Ý thức cống hiến, khát vọng thực hiện lý tưởng cao cả của cái “tôi” công dân đầy trách nhiệm.

+ Tư tưởng trăm năm cần có tớ” khẳng định giá trị cá nhân và khát khao đóng góp cho đất nước.

- Thái độ quyết liệt trước tình cảnh đất nước và những tín điều xưa cũ:

+ Nhìn thẳng vào hiện thực, tình cảnh đất nước.

+ Thái độ quyết liệt khi khẳng định tư tưởng cũ kỹ của phong kiến.

- Khát vọng hành động và tư thế lên đường:

+ Tư thế lên đường của người anh hùng, chí sĩ kỳ vĩ, lãng mạn, bay bổng, hào hùng.

+ Khát vọng ra đi tìm đường cứu nước lớn lao, khí thế hăm hở, phấn chấn.


Câu 3

Câu 3 (trang 5 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)

Đối chiếu bản dịch thơ và nguyên tác hai câu 6 và 8:

- Câu 6: Nêu được ý phủ nhận nhưng làm giảm nhẹ khí phách ngang tàng, thái độ quyết liệt, dứt khoát của Phan Bội Châu trong việc khẳng định sự lạc hậu, vô dụng của sách vở Nho gia trong hoàn cảnh thời đại, đất nước lúc bấy giờ.

- Câu 8: Câu thơ dịch gợi không khí êm đềm, không toát lên tính chất sử thi hoành tráng, khung cảnh tráng lệ khi vũ trụ tiếp sức, chắp cánh cho con người vút bay tới chân trời của mơ ước, của lý tưởng.


Câu 4

Câu 4 (trang 5 SGK Ngữ Văn 11 tập 2)

Những yếu tố tạo nên sức lôi cuốn mạnh mẽ của bài thơ:

- Tư tưởng mới mẻ, táo bạo, mang tính tiên phong cho thời đại:

+ Chí làm trai phóng khoáng, lớn lao.

+ Cái tôi công dân đầy tinh thần trách nhiệm với non sông.

- Khí phách ngang tàng, sẵn sàng đương đầu với mọi thử thách.

- Giọng thơ tâm huyết, sôi sục, hào hùng.

- Tư thế con người kỳ vĩ, hoành tráng gắn với lý tưởng cao cả.


Luyện tập

Câu hỏi (trang 5 SGK Ngữ văn 11 tập 2)

 Tham khảo đoạn văn sau:

   "... Đến hai câu kết thì những nét bút kỳ vĩ cuối cùng đã hoàn thiện hành động kiệt xuất của một cuộc đời kiệt xuất:

   Muốn vượt bể Đông theo cánh gió,

   Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi.

   Sáu câu thơ trên gợi ra những suy nghĩ, những lựa chọn, những chuẩn bị trong tâm lý, trong tư tưởng của một con đại bàng. Ở hai câu này, chúng ta thấy con đại bàng ấy đang tung đôi cánh mênh mông của mình bay thẳng ra trùng dương, đối mặt với hết thảy những giông tố, bão bùng. Câu thơ gợi ta nhớ đến tư thế con chim lớn trong thơ Quận He: "Bay thẳng cánh muôn trùng tiêu Hán - Phá vòng vây bạn với kim ô". Nhưng câu thơ của Phan Bội Châu không còn là một hình ảnh ước lệ nữa. Bởi phong trào Đông Du mà ông là người chủ trương, bởi việc xuất dương mà ông là người khởi sự chính là những hành động phi thường của những bậc trượng phu sẵn sàng ném đời mình vào muôn trùng sóng bạc ra khơi tìm đường làm sống lại "giang sơn đã chết", tìm cách xoay chuyển càn khôn.

  Bài thơ kết thúc bằng câu thơ đầy hùng tâm tráng chí mà câu thơ dịch chưa thể chuyển tải hết được:

   Thiên trùng bạch lãng nhất tề phi.

 (Muôn trùng sóng bạc tiễn ra khơi)

   Như vậy, làm trang nam nhi không phải là bằng mọi cách để lưu danh sử sách, khẳng định cá nhân. Mà cá nhân ấy phải làm nên việc phi thường, ấy là việc kinh bang tế thế, cứu dân cứu nước. Khát vọng sống cao cả của Phan Bội Châu ở đây, một lần nữa, giúp ta hiểu được cái cốt cách vĩ đại của con người kiệt xuất này".

(Phan Huy Dũng, Phân tích bình giảng tác phẩm văn học II, NXB Giáo dục, 2006)


Bố cục

Bố cục: 2 phần

- Phần 1 (4 câu đầu): Quan niệm mới về chí làm trai, cùng ý thức của cái tôi đầy trách nhiệm.

- Phần 2 (còn lại): Ý thức được nỗi nhục mất nước, sự lỗi thời của nền học vấn cũ, đồng thời thể hiện khát vọng hăm hở, dấn thân trên hành trình cứu nước.


ND chính

Lưu biệt khi xuất dương khắc họa vẻ đẹp lãng mạn hào hùng của nhà chí sĩ cách mạng những năm đầu thế kỷ XX, với tư tưởng mới mẻ, táo bạo, bầu nhiệt huyết sôi trào và khát vọng cháy bỏng trong buổi ra đi tìm đường cứu nước.