Soạn bài Viết bài văn nghị luận về một vấn đề trong đời sống SGK Ngữ Văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo - chi tiết

iết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.


Đề bài

(trang 37, SGK Ngữ văn 7 tập 2)

Đề bài: Viết bài văn nghị luận (khoảng 400 chữ) trình bày suy nghĩ của em về một câu tục ngữ hoặc danh ngôn bàn về một vấn đề trong đời sống.

Phương pháp giải - Xem chi tiết

Bước 1: Chuẩn bị trước khi viết

- Xác định đề tài

- Thu thập tài liệu

Bước 2: Tìm ý, lập dàn ý

- Liệt kê bất kì ý tưởng nào của em về câu tục ngữ hoặc danh ngôn mà em đã chọn

- Dàn ý cần đảm bảo:

+ Lí lẽ phong phú, xác đáng

+ Bằng chứng đa dạng, thuyết phục

+ Các lí lẽ, bằng chứng được sắp xếp theo một trình tự hợp lí

Bước 3: Viết bài

Bước 4: Xem lại và chỉnh sửa, rút kinh nghiệm

Lời giải chi tiết

Bài làm:

         Bàn về vấn đề trong cuộc sống có rất nhiều câu tục ngữ và danh ngôn hay, có ý nghĩa. Nhưng có lẽ câu tục ngữ mà em tâm đắc nhất chính là câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”. Câu tục ngữ muốn bàn luận về cách sống và thái độ sống của con người.

        Vậy “gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” có ý nghĩa như thế nào. Như chúng ta đã biết “mực” là thứ mà người xưa dùng trong viết lách, loại mực tài dùng với bút lông mỗi lần viết phải đổ nước và mài mực. Sau đó, chấm lên bút lông viết nét đậm nét thanh vô cùng tinh tế. Tuy nhiên, loại mực này rất bền nếu chẳng may bị dính vào quần áo hoặc tay chân thì rất khó để rửa sạch. Bên cạnh đó ý nghĩa của từ “mực” trong câu tục ngữ này còn thể hiện sự xấu xa, những điều không tốt. Những thói hư tật xấu trong xã hội. Nếu chúng ta mà bị nó dính vào người, ở gần nó thì sẽ bị dính bẩn bị lây nhiễm những thói xấu, khiến cho thanh danh, và tương lai của chúng ta khó mà rửa sạch được. Còn “đèn” chính là thứ chúng ta dùng để thắp sáng, soi sáng giúp mọi thứ có thể nhìn rõ hơn. Hay “đèn” chính là để chỉ những điều tốt đẹp, môi trường sống sạch và lối sống sạch thì khi sống trong môi trường này ta sẽ học tập được những điều hay lẽ phải, trở thành người có ích.

     Câu tục ngữ “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng” được ông cha ta ngày xưa đúc kết lên từ những kinh nghiệm cuộc sống. Nó thể hiện mối quan hệ giữa con người với môi trường xung quanh mình. Nếu con người được sống trong một môi trường lành mạnh nhiều điều tích cực thì con người sẽ được học hỏi những điều tốt đẹp, phát huy được sở trường của mình. Còn nếu con người sống trong môi trường toàn những điều xấu con người đó sẽ trì trệ và trở nên xấu tính hơn. Trong mỗi gia đình, cha mẹ người thân chính là một tấm gương để cho các bạn trẻ, những em bé noi gương theo, bắt chước nếu cha mẹ không gương mẫu thì khó lòng dạy dỗ con cháu nên người. Chính vì vậy, muốn hình thành nhân cách tốt cho trẻ thì chính cha mẹ phải là người làm gương cho con cái trước tiên. Một gia đình luôn hòa thuận yêu thương nhau thì con cái nhất định sẽ hiếu thảo, lễ nghĩa, biết kính trên nhường dưới. Trong một tập thể lớp cũng vậy, nếu cả lớp tiên tiến, xuất sắc cùng nhau đoàn kết, chia sẻ những kinh nghiệm học tập tốt, cùng giúp đỡ những bạn còn yếu kém vươn lên bằng cả tấm lòng thì nhất định tập thể ấy sẽ vững mạnh. Tuy nhiên, trong cuộc sống cũng có nhiều người có bản lĩnh vững vàng không dễ bị lôi kéo vào những điều xấu xa, dù họ sống trong một môi trường bùn lầy hôi tanh nhưng những người đó như những bông hoa sen thơm ngát “gần bùn mà chẳng hôi tanh mùi bùn” đó chính là những con người vô cùng bản lĩnh. Nhiều người sinh ra trong gia đình không hạnh phúc cha mẹ không hòa thuận, nhưng bản thân những người con trong gia đình đó, lại rất nỗ lực vượt khó để có thể thành công, có một tương lai rộng mở hơn.

         Câu tục ngữ “Gần mực thì đen gần đèn thì sáng” muốn khuyên nhủ chúng ta phải biết lựa chọn môi trường sống, lựa chọn bạn tốt để chơi tránh xa những thói hư tật xấu, những điều không hay trong xã hội để trở thành con người có ích, đóng góp sức mình cho xã hội.