Soạn bài Viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc SGK Ngữ Văn 7 tập 2 Cánh diều - siêu ngắn

Bài học này tiếp tục rèn luyện cách viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc mà các em được làm quen từ Bài 3.


Định hướng

(trang 67 SGK Ngữ văn 7 Tập 2)

a) Bài học này tiếp tục rèn luyện cách viết bài văn biểu cảm về một con người hoặc sự việc mà các em được làm quen từ Bài 3.

b) Để viết bài văn biểu cảm về một sự việc, cần chú ý:

- Xác định được sự việc cần viết bài văn biểu cảm

- Giới thiệu tóm tắt về sự việc ấy

- Nêu lên tình cảm, cảm xúc và thái độ của em trước sự việc ấy: vui, buồn, căm giận, xót thương, trân trọng, kính phục, ngợi ca, phê phán

- Lập dàn ý cho bài viết

- Viết bài văn theo một dàn ý hợp lí


Thực hành

(trang 69 SGK Ngữ văn 7 Tập 2):

Phương pháp giải:

Đọc lại văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà, tham khảo hướng dẫn và viết bài văn biểu cảm về hình ảnh nhân vật dì Bảy.

Lời giải chi tiết:

Dàn ý:

1. Mở bài

Nêu ấn tượng chung về những sự việc cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam trong các cuộc kháng chiến bảo vệ Tổ quốc và của nhân vật dì Bảy ở bài tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà.

2. Thân bài

- Lần lượt trình bày nội dung bài viết theo một trình tự nhất định:

+ Tóm tắt câu chuyện về người phụ nữ chờ chồng hai chục năm trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà

+ Phát biểu cảm xúc, tình cảm, thái độ của em trước sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy. Sự việc ấy đã nói lên tính cách và phẩm chất của dì Bảy

+ Phát biểu suy nghĩ về sự hi sinh thầm lặng, cao cả của những người phụ nữ trong các cuộc kháng chiến và trách nhiệm của xã hội trong việc ứng xử với những người như dì Bảy.

3. Kết bài

Nêu lên suy nghĩ và bài học của cá nhân em về sự hi sinh thầm lặng của dì Bảy và phẩm chất của người phụ nữ trong văn bản Người ngồi đợi trước hiên nhà.

Bài tham khảo:

Đọc tản văn Người ngồi đợi trước hiên nhà của Huỳnh Như Phương, tôi mãi ấn tượng về nhân vật dì Bảy, người dì đại diện cho số phận biết bao người phụ nữ nơi hậu phương mòn mỏi chờ chồng, dành cả cuộc đời để hi sinh thầm lặng cho gia đình, cho quê hương, Tổ quốc.

   Dì Bảy là một nhân vật đã để lại trong tôi nhiều sự thương mến và cảm phục. Dì lấy chồng khi mới 20 tuổi. Dượng Bảy lại phải đi tập kết và chiến đấu. Vậy là từ ngày cưới, cả hai vợ chồng dì chưa được ở cạnh nhau bao lâu. Họ gặp nhau chỉ qua những cánh thư. 20 năm sau, Dượng Bảy mới có thể nhờ người gửi chiếc nón bài thơ cho dì làm quà và để chứng tỏ tình cảm của mình, để an ủi những ngày chờ mong dài đằng đẵng. Thế nhưng, trước khi chiến tranh kết thúc khoảng mươi ngày, dượng Bảy đã mãi mãi ra đi nơi chiến trường, dì Bảy đã trở thành người phụ nữ góa chồng. Vậy là suốt hơn 20 năm chờ đợi, biết bao thương nhớ, biết bao buồn tủi, biết bao là những nỗi lo lắng, bồn chồn, cuối cùng dì vẫn không đợi được một hạnh phúc trọn vẹn.

   Mất chồng, dì Bảy vẫn cứ lầm lũi ngồi bên bậc thềm, nhìn ra xa như trông đợi điều gì. Dì Bảy đã phải hi sinh hạnh phúc cá nhân mình vì nghĩa lớn. Tôi biết, không chỉ có dì Bảy, mà còn có rất nhiều người phụ nữ trên dải đất hình chữ S này cũng chung cảnh ngộ như dì. Họ đều đã hi sinh thầm lặng, cao cả cho cuộc kháng chiến, để đất nước được thống nhất và phát triển. Chúng ta, những thế hệ hôm nay phải biết ơn và làm được điều gì để đền đáp được công ơn đó.

   Dì Bảy đã cho tôi hiểu về đức hi sinh của con người. Tôi tin rằng lớp người trẻ chúng tôi tôi và những thế hệ mai sau sẽ đều ghi nhớ công ơn của các thế hệ trước. Mong rằng chiến tranh sẽ không bao giờ lặp lại, sẽ không còn ai phải chịu cảnh ngộ, phải hi sinh như dì Bảy.