Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 20 SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - siêu ngắn
Hai câu in đậm dưới đây áp dụng biện pháp tu từ nào để khẳng định chủ quyền quốc gia và nền độc lập của nước ta? Tên các triều đại Việt Nam, Trung Hoa được sắp xếp như thế nào?
Câu 1
Hai câu in đậm dưới đây áp dụng biện pháp tu từ nào để khẳng định chủ quyền quốc gia và nền độc lập của nước ta? Tên các triều đại Việt Nam, Trung Hoa được sắp xếp như thế nào?
Núi sông bờ cõi đã chia,
Phong tục Bắc Nam cũng khác.
Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập
Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên xưng đế một phương.
Tuy mạnh yêu từng lúc khác nhau,
Song hào kiệt đời nào cũng có.
(Nguyễn Trãi)
Phương pháp giải:
- Đọc lại lý thuyết tại phần Kiến thức ngữ văn.
- Đọc kĩ đoạn trích được đưa trong đề bài.
Lời giải chi tiết:
- Hai câu in đậm trên áp dụng biện pháp tu từ liệt kê.
- Tên các triều đại Việt Nam, Trung Hoa được sắp xếp theo thứ tự thời gian từ xa nhất tính đến thời điểm bây giờ.
Câu 2
Tìm trong các câu dưới đây những cụm từ liệt kê sự vật, hoạt động, trạng thái theo từng cặp. Cho biết tác dụng của cách liệt kê đó.
a) Dưới con mắt sáng suốt đầy nhiệt tình của chúng ta, Nguyễn Trãi, đời sống và hoạt động, tâm tư và chí hướng, thơ và văn, tóm lại toàn bộ sự nghiệp và con người của Nguyễn Trãi sống dậy, lớn lên và hướng tới chúng ta. (Phạm Văn Đồng)
b) Triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi, cuối cùng, chẳng qua là lòng yêu nước, thương dân: cái nhân, cái nghĩa lớn nhất là phấn đấu đến cùng chống ngoại xâm, diệt tàn bạo, vì độc lập của nước, hạnh phúc của dân. (Phạm Văn Đồng)
c) Ngòi bút của Nguyễn Trãi để lại cho chúng ta những tác phẩm gồm nhiều thể văn và tất cả đều đạt đỉnh cao của nghệ thuật, đều hay và đẹp lạ thường! (Phạm Văn Đồng)
Phương pháp giải:
- Đọc lại lý thuyết tại phần Kiến thức ngữ văn.
- Đọc kĩ các đoạn trích được đưa trong đề bài.
Lời giải chi tiết:
a.
- Liệt kê theo từng cặp: đời sống và hoạt động, tâm tư và chí hướng, thơ và văn, sự nghiệp và con người
- Tác dụng: làm nổi bật các khía cạnh, những nét đẹp đa phương diện của Nguyễn Trãi.
b.
- Liệt kê theo từng cặp: lòng yêu nước, thương dân; cái nhân, cái nghĩa; chống ngoại xâm, diệt tàn bạo.
- Tác dụng: làm nổi bật triết lí nhân nghĩa của Nguyễn Trãi.
c.
- Liệt kê theo từng cặp: đều hay và đẹp lạ thường
- Tác dụng: làm nổi bật tài năng nghệ thuật của Nguyễn Trãi.
Câu 3
Tìm biện pháp liệt kê trong các câu dưới đây. Ngoài cách sắp xếp từ ngữ trong phép liệt kê của tác giả, em có thể sắp xếp lại như thế nào? Giải thích cách sắp xếp từ ngữ của em.
a) Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ, thông cảm sâu xa với nỗi lòng người dân lúc bấy giờ, suốt đời tận tụy cho một lí tưởng cao quý. Nguyễn Trãi là khí phách của dân tộc, là tinh hoa của dân tộc.
b) Kỉ niệm Nguyễn Trãi là nhớ Nguyễn Trãi, nhắc Nguyễn Trãi, làm quen với Nguyễn Trãi hơn nữa: người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa. (Phạm Văn Đồng).
c) Muốn biến hoài bão đó thành hiện thực thì trong hành trang của chúng ta càng cần đến tính cần cù, lòng hiếu học, trí thông minh. (Vũ Khoan).
Phương pháp giải:
- Đọc lại lý thuyết tại phần Kiến thức ngữ văn.
- Đọc kĩ các đoạn trích được đưa trong đề bài.
Lời giải chi tiết:
a.
- Liệt kê: Nguyễn Trãi là người chân đạp đất Việt Nam, đầu đội trời Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ.
=> Có thể sắp xếp khác: Nguyễn Trãi là người đầu đội trời Việt Nam, chân đạp đất Việt Nam, tâm hồn lộng gió của thời đại lúc bấy giờ.
b.
- Liệt kê: ...người làm chính trị, người làm quân sự, người nghiên cứu lịch sử nước nhà, người làm văn, làm thơ đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa.
=> Có thể sắp xếp khác: người làm chính trị, người làm quân sự, người làm văn, làm thơ, người nghiên cứu lịch sử nước nhà đều nên hiểu biết, học hỏi Nguyễn Trãi hơn nữa.
c.
- Liệt kê: ...trong hành trang của chúng ta càng cần đến tính cần cù, lòng hiếu học, trí thông minh.
=> Có thể sắp xếp khác: trí thông minh, tính cần cù và lòng hiếu học.
Câu 4
Hãy viết một đoạn văn (khoảng 8 – 10 dòng) bàn về giá trị nội dung của Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi); trong đoạn văn có sử dụng biện pháp liệt kê. Nhận xét về tác dụng của biện pháp này.
Phương pháp giải:
- Đọc lại văn bản Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi).
- Chú ý giá trị nội dung của văn bản.
Lời giải chi tiết:
Đại cáo bình Ngô (Nguyễn Trãi) là bản tổng kết về cuộc kháng chiến vĩ đại, nêu cao lòng tự hào và niềm hân hoan vô hạn trước thắng lợi của chính nghĩa, ca ngợi tài năng lãnh đạo và khí phách hào hùng của dân tộc. Văn bản có giá trị rất sâu sắc đối với nước ta, khẳng định nhân dân ta có tinh thần nhân nghĩa và nền độc lập riêng của mình. Bài thơ giúp ta hiểu rõ chủ quyền lãnh thổ, độc lập dân tộc cũng như lịch sử đấu tranh hào hùng của cha ông ta ngày trước, qua đó bồi dưỡng lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.
- Biện pháp liệt kê: lòng tự hào và niềm hân hoan; tài năng lãnh đạo và khí phách hào hùng; lòng yêu nước, tự hào tự tôn dân tộc, quyết tâm xây dựng, bảo vệ và củng cố độc lập chủ quyền nước nhà.
- Biện pháp liệt kê trên nhằm làm nổi bật, nhấn mạnh giá trị nội dung của Đại cáo bình Ngô.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Thực hành tiếng việt trang 20 SGK Ngữ Văn 10 tập 2 Cánh Diều - siêu ngắn timdapan.com"