Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả

Soạn bài Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả trang 27 SGK Ngữ văn 6 tập 2. Câu 5. Hãy viết một đoạn văn tả quang cảnh một dòng sông, hay khu rừng mà em có dịp quan sát.


Lời giải chi tiết

I. QUAN SÁT, TƯỞNG TƯỢNG, SO SÁNH VÀ NHẬN XÉT TRONG VĂN MIÊU TẢ

1. Hãy đọc các đoạn văn dưới đây:

Đoạn 1:

a) Cái chàng Dế Choắt, người gầy gò và dài lêu nghêu như một gã nghiện thuốc phiện. Đã thanh niên rồi mà cánh chỉ ngắn củn đến giữa lưng, hở cả mạng sườn như người cởi trần mặc áo gi-lê. Đôi càng bè bè, nặng nề, trông đến xấu. Râu ria gì mà cụt có một mẩu và mặt mũi thì lúc nào cũng ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

(Tô Hoài)

Đoạn 2:

Càng đổ dần về hướng mũi Cà Mau thì sông ngòi, kênh rạch càng bủa giăng chi chít như mạng nhện. Trên thì trời xanh, dưới thì nước xanh, chung quanh mình cũng chỉ toàn một sắc xanh cây lá. Tiếng rì rào bất tận của những khi rừng xanh bốn mùa, cùng tiếng sóng rì rào từ biển Đông và vịnh Thái Lan ngày đêm không ngớt vọng về trong hơi gió muối […]. Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước ầm ầm đổ ra biển ngày đêm như thác, cá nước bơi hàng đàn đen trũi nhô lên hụp xuống như người ếch giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất như hai dãy trường thành vô tận.

(Đoàn Giỏi)

Mùa xuân, cây gạo gọi đến bao nhiêu là chim ríu rít. Từ xa nhìn lại, cây gạo sừng sững như một tháp đèn khổng lồ: hàng ngàn bông hoa là hàng ngàn ngọn lửa hồng tươi, hàng ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh, tất cả đều lóng lánh, lung linh trong nắng. Chào mào, sáo sậu, sáo đen,… đàn đàn lũ luc bay đi bay về, lượn lên lượn xuống. Chúng nó gọi nhau, trò chuyện, trêu ghẹo và tranh cãi nhau, ồn mà vui không thể tưởn được. Ngày hội mùa xuân đấy!

(Vũ Tú Nam)

2. Trả lời các câu hỏi

a) Mỗi đoạn văn trên giúp em hình dung được những đặc điểm nổi bật gì của sự vật và phong cảnh được miêu tả?

b) Những đặc điểm nổi bật đó thể hiện ở những từ ngữ và hình ảnh nào? Để viết được các đoạn văn trên, người viết cần có năng lực gì?

c) Hãy tìm những câu văn có sự liên tưởng và so sánh trong mỗi đoạn. Sự tưởng tượng và so sánh ấy có gì độc đáo?

Trả lời:

a)   

Đoạn 1: Tái hiện lại hình ảnh ốm yếu, tội nghiệp của chú Dế Choắt.

Đoạn 2: Đặc tả quang cảnh vừa đẹp  thơ mộng vừa mênh mông, hùng vĩ của sông nước Cà Mau

Đoạn 3: Miêu tả hình ảnh đầy sức sống của cây gạo vào mùa xuân.

b) Những đặc điểm trên được thể hiện qua các hình ảnh và từ ngữ trong mỗi đoạn:

-  Đoạn 1: gầy gò, lêu nghêu, bè bè, nặng nề, ngẩn ngẩn ngơ ngơ.

-  Đoạn 2: Giăng chi chít như mạng nhện, trời xanh, nước xanh, rừng xanh, rì rào bất tận, mênh mông, ầm ầm như thác.

-  Đoạn 3: Chim ríu rít, cây gạo - tháp đèn khổng lồ, ngàn hoa lửa, ngàn búp nõn là hàng ngàn ánh nến trong xanh.

*  Để viết được các đoạn văn trên người viết cần có năng lực cơ bản là: Quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét.

c) Những câu văn có sự tưởng tượng và so sánh trong các đoạn văn:

-  Như gã nghiện thuốc phiện, như người cởi trần mặc áo ghi-lê.

-  Như mạng nhện, như thác, như người bơi ếch, như dãy trường thành vô tận.

-  Như tháp đèn, như ngọn lửa, như nến xanh ...

*   Các hình ảnh so sánh, tưởng tượng, liên tưởng trên đều đặc sắc vì nó thể hiện đúng, rõ hơn về đối tượng và gây bất ngờ, lí thú cho người đọc. Chẳng hạn: So sánh dáng vẻ “gầy gò và dài lêu nghêu” của Dế Choắt với dáng vẻ của “gã nghiện thuốc phiện” đã gợi lên trong người đọc hình ảnh một chú Dế Choắt đi đứng xiêu vẹo, lờ đờ, ngật ngưỡng trông rất bệ rạc . 

3. Đoạn văn sau đây của Đoàn Giỏi đã bị lược đi một số chữ:

Dòng sông Năm Căn mênh mông, nước (...) đổ ra biển ngày đêm (...), cá nước bơi hàng đàn đen trũi (...) giữa những đầu sóng trắng. Thuyền xuôi giữa dòng con sông rộng hơn ngàn thước, trông hai bên bờ, rừng đước dựng lên cao ngất (...).

Em hãy so sánh với đoạn nguyên văn ở mục 1 đoạn 2 SGK- tr 27 để chỉ ra đoạn này đã bỏ đi những chữ gì? Những chữ bị bỏ đó đã ảnh hưởng đến đoạn văn miêu tả này như thế nào?

Trả lời:

Những chữ bị bỏ đi là: ầm ầm, như thác, nhô lên hụp xuống như người bơi ếch, như hai dãy trường thành vô tận.

Những chữ bị bỏ đi đều là động từ, tính từ, những so sánh, liên tưởng và tưởng tượng, khi bỏ đi làm cho đoạn văn trở nên chung chung và khô khan, không sinh động, gợi cảm.

II. LUYỆN TẬP

1.

a) Cho các từ, ngữ: gương bầu dục, mảnh kính, cong cong, uốn, lấp ló, xám xịt, cổ kính, xanh um, xanh biếc. Hãy lựa chọn năm từ ngữ thích hợp để điền vào những chỗ trống trong ngoặc đơn ở đoạn văn sau:

Nhà tôi cách Hồ Gươm không xa. Từ trên gác cao nhìn xuống, hồ như một chiếc (1…) lớn, sáng long lanh.

Cầu Thê Húc màu son, (2…) như con tôm, dẫn bào đền Ngọc Sơn. Mái đền (3…) bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu (4…), xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc (5…)

(Ngô Quân Miện)

b) Trong đoạn văn miêu tả quang cảnh Hồ Gươm trên đây tác giả đã quan sát và lựa chọn những hình ảnh đặc sắc và tiêu biểu nào?

Trả lời:

a) *  Đoạn văn sau khi điền lại như sau:

Nhà tôi ở cách hồ Gươm không xa. Từ trên gác cao nhìn xuống, hồ như một chiếc gương bầu dục lớn, sáng long lanh.

Cầu Thê Húc màu son, cong cong như con tôm dẫn vào đền Ngọc Sơn. Mái đền lấp ló bên gốc đa già, rễ lá xum xuê. Xa một chút là Tháp Rùa, tường rêu cổ kính, xây trên gò đất giữa hồ, cỏ mọc xanh um.

b) Tác giả đã quan sát và lựa chọn được những hình ảnh tiêu biểu, đặc sắc, đó là:

-  Mặt hồ... sáng long lanh

-  Cầu Thê Húc màu son...

-  Đền Ngọc Sơn, gốc đa già, rễ lá xum xuê.

-  Tháp rùa xây trên gò đất giữa hồ.

 2. Ở đoạn văn sau đây, nhà văn Tô Hoài tập trung miêu tả một chú Dế mèn có thân hình đẹo, cường tráng nhưng tính tình rất ương bướng, kiêu căng. Những hình ảnh tiêu biểu và đặc sắc nào đã làm nổi bật điều đó?

Lúc tôi đi bách bộ thì cả người tôi rung rinh một màu nâu bóng mỡ soi gương được và rất ưa nhìn. Đầu tôi to và nổi từng tảng, rất bướng. Hai cái răng đen nhánh lúc nào cũng nhai ngoàm ngoạp như hai lưỡi liềm máy làm việc. Sợi râu tôi dài và uốn cong một vẻ rất đỗi hùng dũng. Tôi lấy làm hãnh diện với bà con về cặp râu ấy lắm. Cứ chốc chốc tôi lại trịnh trọng và khoan thai đưa cả hai chân lên vuốt râu.

(Tô Hoài)

Trả lời:

- Hình ảnh miêu tả chú Dế Mèn thân hình đẹp, cường tráng:

    + Rung rinh màu nâu bóng mỡ

    + Đầu to nổi tảng rất bướng

    + Răng đen nhánh, nhai ngoàm ngoạp

    + Sợi râu dài, uốn cong hết sức hùng dũng

- Tính tình, điệu bộ của Mèn:

    + Trịnh trọng, khoan thai.

    + Hùng dũng

    + Rất bướng

3. Em hãy quan sát và ghi chép lại những đặc điểm ngôi nhà hoặc căn phòng em ở. Trong những đặc điểm đó, đặc điểm nào là nổi bật nhất?

Trả lời:

Đặc điểm về phòng học của em:

- Không gian phòng học rộng rãi, thoáng mát

    + Màu sơn tường là tím ánh hồng

    + Có 2 cửa sổ kính, rèm treo cửa màu kem tươi

    + Giá đựng sách treo tường ngăn nắp

    + Góc học tập gần ngay cửa sổ

    + Bên cạnh bàn học là chiếc giường tầng

Điểm nổi bật nhất trong căn phòng:

    + Có nhiều cuốn sách thú vị

    + Trên tường có trang trí

    + Trên bậu cửa sổ và giá đựng sách đều có cây xanh

4. Nếu tả lại quang cảnh một buổi sáng trên quê hương em thì em sẽ liên tưởng và so sánh các hình ảnh, sự vật sau đây với những gì?

-  Mặt trời

-  Bầu trời

-  Những hàng cây

-  Núi (đồi)

-  Những ngôi nhà đẹp

Trả lời:

Có thể so sánh như sau:

-  Mặt trời như một  quả cầu lửa

-  Bầu trời trong sáng mát mẻ như một que kem

-  Những hàng cây như những hành quân

-  Núi như chiếc bút úp khổng lồ ...

5. Hãy viết một đoạn văn tả quang cảnh một dòng sông, hay khu rừng mà em có dịp quan sát.

Trả lời:

Tham khảo đoạn văn:

Nhà em nằm bên bờ sông Mã, con sông đã gắn biết bao kỉ niệm với tuổi thơ của em. Mỗi buổi sớm mùa thu thức dậy, màu nước sông trong xanh khiến con người có cảm giác dễ chịu vô cùng. Mặt nước tĩnh lặng, chảy êm đềm, thỉnh thoảng có tiếng tí tách của những chú tôm vọt lên mặt nước. Con sông uốn khúc, bao quanh làng. Bên bờ bắc, luỹ tre xanh ngả mình soi bóng xuống mặt gương khổng lồ. Ánh nắng lung linh toả sắc vàng cả dòng sông.

6. Qua đoạn văn dưới đây, em rút ra được điều gì về quan sát, tưởng tượng, so sánh và nhận xét trong văn miêu tả?

Một trăm cây bạch dương giống nhau cả trăm, một trăm ánh lửa giống nhau cá trăm. Mới nhìn tưởng thế, nhưng nhìn kĩ thì thân cây bạch dương nào cũng khác nhau, ngọn lửa nào cũng khác nhau. Trong đời ta gặp bao nhiêu người, phải thấy là mỗi người mỗi khác nhau không một ai giống ai.

(Tô Hoài, Một số kinh nghiệm viết vân miêu tả, NXB Giáo dục, 1997)

Trả lời:

Quan sát những sự vật cùng loại, đôi khi ta cứ nghĩ chúng chẳng có điểm gì khác cả. Nhưng thực không phải thế, tạo hoá đã sinh ra mỗi sự vật (và cả con người nữa)  bao giờ cũng cho chúng những nét riêng. Vì thế, để miêu tả hay phải quan sát thật là tỉ mỉ. Có quan sát tinh tế và tỉ mỉ thì mới miêu tả đúng đối tượng và có những so sánh và liên tưởng độc đáo có giá trị được.


Bài học bổ sung