Soạn bài Ôn tập cuối HKI SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Chân trời sáng tạo - chi tiết
Kẻ vào vở hai cột A, B theo mẫu dưới đây, sau đó nối tên thể loại ở cột A với đặc điểm phù hợp được nêu ở cột B; giải thích lí do bạn tạo ra các đường nối giữa hai cột A và B.
Câu 1
Kẻ vào vở hai cột A, B theo mẫu dưới đây, sau đó nối tên thể loại ở cột A với đặc điểm phù hợp được nêu ở cột B; giải thích lí do bạn tạo ra các đường nối giữa hai cột A và B.
Hình ảnh (trang 149, SGK Ngữ Văn 10, tập môt)
Phương pháp giải:
Đọc lại lí thuyết các thể loại trên.
Lời giải chi tiết:
Lí do em tạo ra các đường nối giữa hai cột A và B bởi đó là những đặc điểm tương ứng với các thể loại văn học ở cột A.
Câu 2
Nêu tóm tắt những điểm cần lưu ý khi đọc hiểu một văn bản theo các thể loại dưới đây (có thể tóm tắt dưới hình thức lập bảng):
a. Thần thoại.
b. Sử thi.
c. Chèo (hoặc tuồng)
d. Văn bản thông tin (thuyết minh có lồng ghép...)
e. Thơ.
Phương pháp giải:
- Ôn tập lại lý thuyết của các thể loại trên.
- Đưa ra những điểm cần lưu ý.
Lời giải chi tiết:
Thể loại |
Những điểm cần lưu ý khi đọc |
Thần thoại |
- Hiểu được khái niệm và đặc điểm của truyện thần thoại. - Chú ý những yếu tố về không gian, thời gian, cốt truyện, nhân vật trong truyện thần thoại. |
Sử thi |
- Chú ý đọc những ghi chú để hiểu được ngôn ngữ địa phương được sử dụng trong văn bản sử thi. - Hiểu được bối cảnh, không gian, thời gian trong truyện sử thi. - Chú ý những yếu tố hoang đường để thấy được sức mạnh của các nhân vật anh hùng. |
Chèo (tuồng) |
- Nắm được tích truyện có sẵn trong vở chèo (tuồng). - Vì được lưu truyền theo phương thức truyền miệng nên sẽ xuất hiện nhiều dị bản. - Chú ý những lời thoại của từng nhân vật để thấy được tính cách, con người họ. |
Văn bản thông tin (thuyết minh có lồng ghép) |
- Nhận biết được đặc điểm của từng dạng văn bản thông tin. - Kết hợp tiếp nhận thông tin từ lời văn thuyết minh và hình ảnh minh họa để có những kiến thức đầy đủ nhất. |
Thơ |
- Chú ý về nghệ thuật được sử dụng trong thơ: nhịp, phách, gieo vần, các biện pháp tu từ nghệ thuật. |
Câu 3
Hãy tóm tắt hai trong số các văn bản đã đọc ở học kì I, trong đó có:
- Một văn bản thần thoại hoặc sử thi.
- Một văn bản thông tin tổng hợp: thuyết minh có lồng ghéo yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm.
Phương pháp giải:
- Chọn một trong hai đề.
- Tóm tắt các văn bản đã học.
Lời giải chi tiết:
- Một văn bản thần thoại hoặc sử thi:
Tóm tắt sử thi Đăm Săn chiến thắng Mtao Mxây:
Hơ Nhị, vợ Đăm Săn bị Mtao Mxây bắt cóc. Đăm Săn đã cùng dân làng đi đánh Mtao Mxây để cứu vợ mình. Đăm Săn đến nhà Mtao Mxây thách đọ đao. Lúc đầu, Mtao Mxây vẫn giữ thái độ hống hách, ngạo mạn nhưng sau khi thấy thái độ quyết liệt cùng những lời dọa nạt sẽ phá nhà thì Mtao Mxây dần trở nên sợ hãi. Cuộc chiến giữa hai người bắt đầu diễn ra và có thể thấy rõ sự đối lập giữa hai người. Mtao Mxây rung khiên múa, tiếng kêu lạch xạch như quả mướp khô, bước thấp bước cao. Ngược lại, Đăm Săn mỗi lần rung khiên thì vượt một đồi tranh, chạy nhanh vun vút. Cảm thấy tình thế không ổn, Mtao Mxây bảo Hơ Nhị quăng cho miếng trầu nhưng Đăm Săn đã đớp được nó và sức mạnh tăng lên gấp bội. Cuộc chiến lại tiếp tục. Cây giáo của Đăm Săn nhắm thẳng vào đùi và người Mtao Mxây nhưng không thủng. Lúc này, chàng đã thấm mệt, vừa chạy vừa ngủ thì mơ thấy ông Trời bày cho cách lấy một cái chày mòn ném vào vành tai Mtao Mxây. Đăm Săn bừng tỉnh, làm theo đúng lời dặn của ông Trời và kết quả chàng đã giành chiến thắng. Sau chiến thắng đó, Đăm Săn càng trở nên giàu có, tiếng tăm vang lừng và cùng mọi người trong làng mở tiệc liên hoan kéo dài suốt cả mùa khô.
- Một văn bản thông tin tổng hợp: thuyết minh có lồng ghéo yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm.
Tóm tắt văn bản Tranh Đông Hồ - Nét tinh hoa của văn hóa dân gian Việt Nam
1. Đề tài dân dã, hình tượng sinh động, ngộ nghĩnh
Những hình ảnh quen thuộc, bình dị trong đời sống hằng ngày như gà, lợn, trâu, bò,...; những góc khuất của đời sống nông thôn là đề tài quen thuộc, chủ yếu và được sáng tạo trong các bức tranh Đông Hồ.
2. Chất liệu tự nhiên, sắc màu bình dị, ấm áp
- Chất liệu: giấy điệp, chổi lá thông để quét lên.
- Màu sắc: màu đen từ than xoan hay than lá tre; màu xanh từ gỉ đồng, lá chàm; màu vàng từ hoa hòe; màu đỏ từ sỏi son, gỗ vang; ... => 4 gam màu chủ đạo.
3. Chế tác khéo léo, công phu
- Vẽ mẫu.
- Can lại rõ ràng từng nét, bảng mày bằng mực nho lên giấy bản mỏng rồi xếp vào bản khắc gỗ.
- Khi in, đặt xấp giấy in trước mặt; tay phải cầm “tay co” đóng sau lưng ván in, úp ván xuống “bìa” để quét đẫm màu; úp mặt ván khắc đã thấm màu lên mặt giấy; lật ngửa ván khắc lên.
- Thợ in lấy xơ mướp xoa đều lưng mặt giấy để màu mực thấm đều; bóc từ giấy khỏi ván in; số màu của tranh tương ứng với số lần in.
4. Rộn ràng tranh Tết
- Khoảng tháng 7, tháng 8 hằng năm là dịp để chuẩn bị cho mùa tranh Tết.
- Chợ tranh họp vào tháng Chạp trong các ngày 6, 11, 16, 21, 26.
5. Lưu giữ và phục chế
- Vào khoảng cuối thế kỉ XIX đến những năm 40 của thế kỉ XX là thời kì hưng thịnh. Xu thế thương mại hóa thời kinh tế thị trường đã làm chúng dần mai một, thất truyền.
- Ở Đông Hồ vẫn có những nghệ nhân tâm huyết với nghề, cố gắng để duy trì, nuôi dưỡng nghề tranh Đông Hồ này.
Câu 4
Theo bạn, vì sao cách giải thích của người xưa về đặc điểm, tập tính một số loài vật trong Cuộc tu bổ lại các giống vật (thần thoại Việt Nam) vẫn có thể mang lại sự thích thú đối với người đọc, người nghe trong thời đại phát triển khoa học?
Phương pháp giải:
Nêu lên quan điểm của bản thân.
Lời giải chi tiết:
Theo em, lí do bởi câu chuyện khá dí dỏm và hài hước khi xây dựng tình huống các con vật bị thiếu các bộ phận và sử bổ sung lần lượt cho từng con của Ngọc Hoàng. Từ đó, mặc dù cách giải thích không có cơ sở khoa học, không phù hợp với thời đại ngày nay những vẫn mang lại sự thích thú đối với người đọc, người nghe.
Câu 5
Theo bạn, hai nhân vật anh hùng Đăm Săn (sử thi Đăm Săn) và Ô-đi-xê (sử thi Ô-đi-xê) có những điểm gì giống nhau và vì sao có sự giống nhau ấy?
Phương pháp giải:
Đọc lại hai văn bản trích trong sử thi Đăm Săn và sử thi Ô-đi-xê.
Lời giải chi tiết:
- Điểm giống nhau:
+ Đều là nhân vật sử thi.
+ Mang đầy đủ những phẩm chất tốt đẹp của một người anh hùng.
+ Đều hành động vì cộng đồng.
+ Đều mang những ước mơ, khát vọng, lí tưởng cao đẹp.
- Giải thích vì sao có sự giống nhau ấy: Bởi cả hai nhân vật đều là nhân vật sử thi, thuộc thể loại sử thi nên sẽ hội tụ tất cả những đặc điểm vốn có của thể loại văn học này.
Câu 6
Theo bạn, trong Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời, việc tác giả nói nhiều về nhân vật nữ thần Mặt Trời có làm mờ đi tính cách anh hùng của Đăm Săn trong văn bản hay không? Vì sao?
Phương pháp giải:
Đọc lại văn bản Đăm Săn đi chinh phục nữ thần Mặt Trời.
Lời giải chi tiết:
Trước một nữ thần uyển chuyển, thướt tha “như diều bay ó liệng, nước lững lờ trôi cũng không bằng”, Đăm Săn không hề tỏ ra bối rối mà vẫn hiên ngang, giữ vững khí chất của một vị tù trưởng, một vị anh hùng: “Tôi là lưỡi dao đã vướng cán, là lưỡi dao đã có tay cầm’’. “Tôi rạch rừng, tôi giết tê giác trong thung, giết cọp bao trong núi, chém ma thiên quỷ ác”. Như vậy, có thể thấy rằng, việc tác giả nói nhiều về nữ thần Mặt trời không làm mờ đi tính cách anh hùng của Đăm Săn, mà từ đó vẻ đẹp anh hùng của Đăm Săn càng được tôn lên và rõ nét hơn.
Câu 7
Nêu một số điểm giống nhau và khác nhau về đề tài, nhân vật trong chèo cổ và tuồng đồ.
Phương pháp giải:
Ôn lại lý thuyết về hai thể loại chèo cổ và tuồng cổ.
Lời giải chi tiết:
- Điểm giống nhau:
+ Đề tài: chèo cổ và tuồng đồ thường lấy cảm hứng từ cuộc sống và phản ánh những thói đời trong xã hội xưa.
+ Nhân vật: mang tính ước lệ.
+ Lời thoại: có đối thoại, độc thoại, bàng thoại.
- Điểm khác nhau:
|
Chèo cổ |
Tuồng cổ |
Đề tài |
Xoay quanh vấn đề giáo dục, ứng xử giữa người với người, thường theo triết lí dân gian hoặc tư tưởng Nho giáo. |
- Lấy từ truyện cổ dân gian hoặc tích truyện có sẵn. - Nhằm phê phán thói xấu của xã hội phong kiến, của thế lực ở những bọn quan lại. |
Nhân vật |
Nhân vật thường không đi kèm với lời danh xưng. |
- Nhân vật chính xuất hiện với lời xưng danh. - Lời thoại của nhân vật luôn có ý mỉa mai, châm biếm nhau và gây cười. |
Câu 8
Phát biểu suy nghĩ của bạn về nhân vật Thị Mầu khi đọc Thị Mầu lên chùa (Quan Âm Thị Kính) hoặc nhân vật Thị Hến khi đọc Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lỡm Thị Hến (Nghêu, Sò, Ốc, Hến).
Phương pháp giải:
- Đọc lại hai văn bản Thị Mầu lên chùa (Quan Âm Thị Kính) và Huyện Trìa, Đề Hầu, Thầy Nghêu mắc lõm Thị Hến (Nghêu, Sò, Ốc, Hến).
- Chú ý hai nhân vật Thị mầu và Thị Hến.
Lời giải chi tiết:
- Thị Mầu: một nhân vật để lại ấn tượng khá sâu sắc cho người đọc bởi cá tính mạnh mẽ, đi ngược lại hoàn toàn với những nét đẹp truyền thống của người phụ nữ truyền thống Việt Nam. Thị Hến xuất thân trong một gia đình giàu có, tính cách phóng khoáng, táo bạo và có phần lẳng lơ. Thị Mầu tôi mang tiếng lẳng lơ/Thầy như táo rụng sân đình./Em như gái rớ đi tìm của chua. Những ngôn từ, lời nói của Thị Mầu không phù hợp nơi chốn cửa chùa nhưng vì quá thích Tiểu nên Mầu cũng không ngần ngại mà bày tỏ. Đồng thời, nhân vật này cũng có những quan niệm về tình yêu khá mới mẻ so với thời đại xã hội lúc bấy giờ: chỉ cần mình thấy thích đó là tình yêu, yêu một cách tự do, không quan tâm đến lễ giáo, lễ nghi phong kiến, chỉ cần dựa vào cảm xúc của mình.
- Thị Hến: là một người phụ nữ góa chồng Phận góa bụa hôm mai côi cút. Thị Hến thể hiện sự thông minh, sắc sảo của mình khi tự thân đối mặt với sự háo sắc, đểu cáng của ba nhân vật Huyện Trìa, Đề Hầu và Thầy Nghêu. Cô nàng lừa được ba tên đó vào tròng và cuối cùng để họ tự xử nhau. Tuy nhiên, Thị Hến cũng là người biết giữ gìn phẩm giá, tự trọng chính mình Giữ tiết hạnh một đường cho toại.
Câu 9
Nêu tác dụng của việc lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm trong hai văn bản Tranh Đông Hồ – nét tinh hoa của văn hoá dân gian Việt Nam và Chợ nổi – nét văn hoá sông nước miền Tây.
Phương pháp giải:
- Đọc lại hai văn bản Tranh Đông Hồ – nét tinh hoa của căn hoá dân gian Việt Nam và Chợ nổi – nét văn hoá sông nước miền Tây.
- Chú ý những phần có lồng ghép yếu tố miêu tả, biểu cảm trong hai văn bản.
Lời giải chi tiết:
Việc lồng ghép các yếu tố miêu tả trong hai văn bản có tác dụng miêu tả rõ nét hơn về những đặc điểm của bức tranh dân gian Đông Hồ và phiên chợ nổi ở miền Tây. Đồng thời, yếu tố biểu cảm giúp tác giả trực tiếp bộc lộ những suy nghĩ, tình cảm, cảm xúc của mình về loại hình nghệ thuật truyền thống dân gian và văn hóa dân gian vùng miền. Từ đó, những thông điệp về ý thức giữ gìn, yêu quý, trân trọng cũng được tác giả gửi gắm qua.
Câu 10
Việc sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong một văn bản thông tin có tác dụng như thế nào? Sử dụng bằng chứng từ các văn bản mà bạn đã đọc để làm rõ thêm ý kiến của mình.
Phương pháp giải:
- Đọc lại những văn bản thông tin đã học.
- Chú ý những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ được sử dụng trong văn bản.
Lời giải chi tiết:
- Việc sử dụng phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ trong một văn bản thông tin giúp cụ thể hóa những lời thuyết minh trong văn bản. Từ đó, người đọc sẽ tiếp nhận thông tin một cách dễ dàng, đầy đủ và đúng đắn nhất.
- Bằng chứng:
Trong văn bản Đàn ghi-ta lõm trong dàn nhạc cải lương, tác giả sử dụng ba hình ảnh minh họa (Hình 1: Cầm đàn ghi-ta thường và cầm đàn ghi-ta phím lõm; Hình 2: Các nhạc cụ phổ biến trong dàn nhạc cải lương; Hình 3: Đàn ghi-ta phím lõm trên sân khấu cải lương) để giúp người đọc hình dung ra hình dáng của cây đàn và môi trường sử dụng của loại đàn này.
Câu 11
Xác định chủ thể trữ tình, cách ngắt nhịp, gieo vần trong văn bản dưới đây:
Thân em vừa trắng lại vừa tròn
Bảy nổi ba chìm với nước non
Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn
Mà em vẫn giữ tấm lòng son.
(Bánh trôi nước – Hồ Xuân Hương)
Phương pháp giải:
- Đọc kĩ bài thơ.
- Chú ý về chủ thể trữ tình, cách ngắt nhịp và cách gieo vần.
Lời giải chi tiết:
- Chủ thể trữ tình “thân em”: ý chỉ người con gái trong xã hội phong kiến xưa với số phận lênh đênh, ba chìm bảy nổi nhưng vẫn giữ vững những nét đẹp truyền thống, vốn có, phẩm chất cao quý của mình.
- Ngắt nhịp: 2/2/3, 4/3.
- Gieo vần “on”: tròn, non, son.
Câu 12
Dựa vào yêu cầu đối với kiểu bài (Bài 2 và Bài 3), hãy chỉ ra điểm khác biệt trong cách mở bài, thân bài, kết bài giữa hai kiểu bài: nghị luận phân tích, đánh giá một tác phẩm văn học và nghị luận về một vấn đề xã hội.
Phương pháp giải:
Đọc lại phần yêu cầu đối với kiểu bài trong bài 2 và bài 3.
Lời giải chi tiết:
Kiểu bài |
Mở bài |
Thân bài |
Kết bài |
Nghị luận, phân tích đánh giá một tác phẩm văn học. |
Giới thiệu tác giả, tác phẩm, hoàn cảnh sáng tác. Nêu nội dung khái quát và cảm nhận chung về vấn đề cần nghị luận. |
- Nêu những luận điểm. Phân tích các phương diện của vấn đề được nghị luận có trong tác phẩm. - Tổng hợp đánh giá nội dung ,nghệ thuật.Tình cảm, thái độ của tác giả. |
Khảng định lại vấn đề được nghị luận đối với tác phẩm. |
Nghị luận về một vấn đề xã hội. |
Nêu lên vấn đề xã hội cần nghị luận, khái quát các luận điểm. |
- Trình bày ít nhất 2 luận điểm về vấn đề xã hội đó. - Bày tỏ thái độ của người viết đối với vấn đề đó. |
Khẳng định lại vấn đẻ cùng thái độ, lập trường của người viết. |
Câu 13
Nếu một số điểm khác nhau đáng lưu ý trong cách tìm ý, lập dàn ý cho hai kiểu bài viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá chủ đề, những nét đặc sắc về nghệ thuật của một truyện kể và của một bài thơ.
Phương pháp giải:
Đọc lại lý thuyết về hai kiểu bài này.
Lời giải chi tiết:
Truyện kể |
Bài thơ |
- Xác định được nội dung cốt truyện, thể loại của truyện. - Nắm được tình huống truyện, nhân vật trong truyện. |
- Nắm được giá trị nghệ thuật, bố cục của bài thơ. - Cách phân tích nhịp điệu, cách gieo vần trong bài thơ. |
Câu 14
Lập dàn ý cho một trong hai đề dưới đây:
Đề a. Viết văn bản nghị luận phân tích, đánh giá một bài thơ mà theo bạn là có giá trị về chủ đề và đặc sắc về hình thức nghệ thuật.
Đề b. Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội mà bạn quan tâm.
Phương pháp giải:
- Học sinh chọn một trong hai đề.
- Đọc lại yêu cầu đối với kiểu bài trong hai đề.
- Lập dàn ý.
Lời giải chi tiết:
Đề a
1. Mở bài
Giới thiệu khái quát tác giả, tác phẩm và nội dung chính của bài viết: Thiên nhiên và con người trong Cảnh khuya (Hồ Chí Minh).
2. Thân bài
Giới thiệu và trích dẫn lần lượt các câu thơ để phân tích, đánh giá.
- Hai câu thơ đầu tiên: miêu tả bức tranh thiên nhiên tươi đẹp.
Tiếng suối trong như tiếng hát xa
Trăng lồng cổ thụ, bóng lồng hoa
+ Hình ảnh “tiếng suối”: Vào ban đêm, chỉ với ánh trăng mà nhà thơ cũng có thể thấy được sự trong veo của nước suối.
+ Ánh trăng đêm quả thật rất đẹp, rất sáng. Ánh trăng còn nổi bật hơn ở hình ảnh “trăng lồng cổ thụ” ánh trăng sáng bao quát cả một cây đại thụ lớn kết hợp với tiếng tiếng suối thanh trong như điệu nhạc êm, hát mãi không ngừng.
+ Biện pháp tu từ so sánh, nhân hóa
=> Hình ảnh ánh trăng làm bừng sáng thiên nhiên nơi chiến khi Việt Bắc. Một không gian thiên nhiên huyền ảo vừa có ánh sáng, vừa có âm thanh.
- Câu thơ thứ 3: Khắc họa hình ảnh nhân vật trữ tình.
Cảnh khuya như vẽ, người chưa ngủ
+ Cảnh đêm trăng tuyệt đẹp như bức họa thế kia thì làm sao mà ngủ được. Phải chăng Người đang thao thức về một đêm trăng sáng với âm thanh vang vọng trong trẻo của núi rừng.
+ Biện pháp tu từ: So sánh.
- Câu thơ thứ 4: Bài thơ kết thúc bằng một lời giải thích ngắn gọn, thẳng thắn nhưng lại rất đáng quý và trân trọng.
Chưa ngủ vì lo nỗi nước nhà
+ Câu thơ cuối càng làm nổi rõ hơn nguyên nhân không ngủ được của Bác đó là “lo nỗi nước nhà”
+ Sự độc đáo của thơ Hồ Chí Minh là bài thơ kết thúc với một lời giải thích, vô cùng thẳng thắn và ngắn gọn nhưng cũng rất đáng quý trọng. à chân thực, giản dị.
3. Kết bài
Khẳng định lại giá trị của chủ đề.
Đề b
1. Mở bài
Nêu vấn đề xã hội cần nghị luận: Tầm quan trọng của động cơ học tập
2. Thân bài
a. Thế nào là động cơ học tập?
Từ khái niệm động cơ để làm rõ khái niệm về động cơ học tập.
+ Theo J. Piaget, “Động cơ là tất cả các yếu tố thúc đẩy cá thể hoạt động nhằm đáp ứng nhu cầu và định hướng cho hoạt động đó”.
+ Theo Phan Trọng Ngọ, “Động cơ học tập là cái mà việc học của họ phải đạt được để thỏa mãn nhu cầu của mình. Nói ngắn gọn, học viên học cái gì thì đó là động cơ học tập của học viên”.
b. Động cơ học tập được hình thành như thế nào?
- Được hình thành dần dần trong quá trình học tạp của học sinh.
- Có thể chia làm hai loại: động cơ bên ngoài (động cơ xã hội) và động cơ bên trong (động cơ hoàn thiện tri thức).
c. Tầm quan trọng của động cơ học tập
Động cơ học tập đúng đắn sẽ kích thích tinh thần học hỏi của học sinh. Từ đó nâng cao hiệu quả và kết quả của việc học.
d. Cần làm gì để kích thích động cơ học tập của học sinh
- Mỗi học sinh cần ý thức được tầm quan trọng của việc học, cần có mục tiêu rõ ràng (Đặt câu hỏi “Học để làm gì?”), có phương pháp học tập đúng đắn.
- Việc hỗ trợ của phụ huynh và giáo viên cũng rất cần thiết. Cha mẹ cần giải thích rõ cho con hiểu về lợi ích của việc học và tác hại nếu như con người không có tri thức để tạo một động cơ học tập tích cực cho con.
- Giáo viên hãy tăng hứng thú trong mỗi giờ học bằng lối giảng truyền cảm, đôi khi pha chút thú vị, thường xuyên thay đổi phương pháp dạy để học sinh tìm kiếm được những điều mới lạ trong những trang sách.
3. Kết bài
Khẳng định tầm quan trọng của động cơ học tập.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Ôn tập cuối HKI SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Chân trời sáng tạo - chi tiết timdapan.com"