Soạn bài Nói và nghe Lắng nghe và phản hồi về nội dung một bài thuyết trình kết quả nghiên cứu SGK Ngữ Văn 10 tập 1 Kết nối tri thức - siêu ngắn

Vấn đề nghiên cứu: Nghệ thuật sân khấu chèo.


Chuẩn bị nói

* Vấn đề nghiên cứu: Nghệ thuật sân khấu chèo.

* Một số luận điểm chính:

- Những loại hình văn hóa như chèo, tuồng, cải lương,... qua nhiều giai đoạn hình thành và phát triển dù mang đậm chất địa phương của từng vùng nhưng khái quát chung vẫn mang đậm chất văn hóa dân gian Việt Nam. Chèo là loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền dân gian lâu đời nhất của Việt Nam. 

- Sân khấu biểu diễn chèo đa dạng: sân đình, sân khấu chuyên nghiệp, các lễ hội ở một số đền chùa,... Quy mô lớn nhất của các đơn vị nghệ thuật Chèo là Nhà hát Chèo rồi đến Đoàn Chèo, một số tỉnh chỉ biên chế đội hoặc tổ Chèo thuộc đoàn nghệ thuật.

- Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu châu Âu mà các nghệ sỹ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Diễn viên đóng chèo nói chung là những người không chuyên, hợp nhau trong những tổ chức văn nghệ dân gian gọi là phường chèo hay phường trò...

- Chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị, đồng thời thêm cả sáo nữa. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ.

Bài báo cáo nói mẫu

     Chèo là nghệ thuật sân khấu dân gian truyền thống xuất hiện từ lâu đời và mang bản sắc dân tộc đậm đà nhất của dân tộc Việt Nam. Trong kho tàng văn hóa nghệ thuật dân gian dân tộc, chèo là một loại hình sân khấu kịch hát đậm đà tính dân tộc, với sự kết hợp nhuần nhuyễn của hàng loạt yếu tố: hát, múa, nhạc, kịch mang tính nguyên hợp vô cùng độc đáo. Cách bài trí sân khấu hát chèo là một khâu quan trọng để góp phần tạo nên giá trị văn hóa đặc sắc của loại hình nghệ thuật sân khấu dân gian này.

     Dựa trên khảo sát, thống kê cách bài trí sân khấu của một số vở chèo đã được trình diễn, chúng tôi nhận thấy các dụng cụ trên sân khấu của từng vở chèo đều có vai trò khác nhau, có sự liên quan đến nội dung kịch bản. Chúng tôi cho rằng không thể dùng cách bài trí sân khấu của các loại hình nghệ thuật khác để đánh giá cách bài trí sân khấu của chèo.

     Nếu sân khấu truyền thống Trung Quốc có đại diện tiêu biểu là Kinh kịch của Bắc Kinh, Nhật Bản có kịch nô đại diện cho nghệ thuật truyền thống thì tiêu biểu nhất của sân khấu truyền thống Việt Nam là chèo. Sân khấu chèo là loại hình nghệ thuật tổng hợp các yếu tố dân ca, dân vũ và các loại hình nghệ thuật dân gian khác ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Nó là hình thức kể chuyện bằng sân khấu, lấy sân khấu và diễn viên làm phương tiện giao lưu với công chúng, và có thể được biểu diễn ngẫu hứng. Sân khấu chèo dân gian đơn giản, mà cũng rất đa dạng có thể là sân đình, sân khấu chuyên nghiệp, các lễ hội ở một số đền chùa,... Quy mô lớn nhất của các đơn vị nghệ thuật Chèo là Nhà hát Chèo rồi đến Đoàn Chèo, một số tỉnh chỉ biên chế đội hoặc tổ Chèo thuộc đoàn nghệ thuật.

     Trước kia chèo chỉ có phần nói và ngâm các bài dân ca, nhưng do ảnh hưởng của nghệ thuật do người lính bị bắt mang tới, chèo có thêm phần hát. Nội dung của các vở chèo lấy từ những truyện cổ tích, truyện Nôm; được nâng lên một mức cao bằng nghệ thuật sân khấu mang giá trị hiện thực và tư tưởng sâu sắc. Tiếng hát chèo đã đi vào tiềm thức của bao thế hệ người Việt, chúng ta ấn tượng về chèo qua những câu ca dao:

Ăn no rồi lại nằm khoèo

Nghe giục trống chèo bế bụng đi xem

Chẳng thèm ăn chả ăn nem

Thèm no cơm tẻ, thèm xem hát chèo”.

     Trong kịch bản chèo, các nhân vật hiện ra qua những cái tên, qua hình tượng được tác giả tạo dựng, còn trên sân khấu chèo, các diễn viên sẽ là người lột tả cái hay, cái đẹp, cái xấu, cái ác của các nhân vật đó. Chèo không có cấu trúc cố định năm hồi một kịch như trong sân khấu châu Âu mà các nghệ sỹ tham gia diễn chèo thường ứng diễn. Diễn viên đóng chèo nói chung là những người không chuyên, hợp nhau trong những tổ chức văn nghệ dân gian gọi là phường chèo hay phường trò... Điển hình là một số nghệ sĩ như NSUT Thu Huyền, NSƯT Thảo Quyên, NSƯT Văn Bằng, NSUT Thu Hà, NSND Đình Óng, NSND Quốc Trượng,… là những nghệ sĩ đã hiện thực hóa hình tượng các nhân vật trong kịch bản chèo.

     Chèo sử dụng tối thiểu là hai loại nhạc cụ dây là đàn nguyệt và đàn nhị, đồng thời thêm cả sáo nữa. Ngoài ra, các nhạc công còn sử dụng thêm trống và chũm chọe. Bộ gõ nếu đầy đủ thì có trống cái, trống con, trống cơm, thanh la, mõ. Trống con dùng để giữ nhịp cho hát, cho múa và đệm cho câu hát. Có câu nói “phi trống bất thành chèo” chỉ vị trí quan trọng của chiếc trống trong đêm diễn chèo. Trong chèo hiện đại có sử dụng thêm các nhạc cụ khác để làm phong phú thêm phần đệm như đàn thập lục, đàn tam thập lục, đàn nguyệt, tiêu v.v...

     Hát chèo đã từng in đậm nét trong tiềm thức dân gian người Việt, không chỉ riêng với đồng bằng Bắc Bộ mà còn tỏa rộng, vươn xa trong đời sống văn hóa - nghệ thuật đương đại của đất nước. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của xã hội, các loại hình giải trí mới ra đời, nhiều người đã không còn mặn mà với sân khấu chèo nữa. Sân khấu cổ truyền Việt Nam nói chung và nghệ thuật chèo nói riêng dần dần mất đi vị thế của mình.

     Các nghiên cứu về chèo nói chung và nghiên cứu về sân khấu chèo nói riêng còn tồn động rất nhiều vấn đề chưa được triển khai cụ thể. Chính vì vậy mà các kịch bản chèo đang dần biến mất, nghệ thuật sân khấu chèo đang dần bị lãng quên bởi sự phát triển nhanh chóng của xã hội. Chèo cần có sự thích nghi nhất định với thời cuộc để tránh bị rơi vào hoàn cảnh như một di sản phi vật thể chỉ để bảo tồn, tránh làm mất đi một trong những hình thức nghệ thuật kể chuyện bằng sân khấu tiêu biểu nhất của dân tộc.


Chuẩn bị nghe

- Một số chú ý khi lắng nghe bài nói của người khác:

- Tìm hiểu trước về vấn đề của người nói;

- Tập trung lắng nghe bài nói;

- Nhận xét về giọng điệu, ngôn ngữ và cử chỉ của người nói;

- Có thể nêu câu hỏi nếu thấy thắc mắc.


Thảo luận

Học sinh tự thực hành.