Soạn bài Ngắm trăng siêu ngắn

Soạn bài Ngắm trăng siêu ngắn nhất trang 21 SGK ngữ văn 8 tập 2 giúp tiết kiệm thời gian soạn bài


Câu 1

Trả lời câu 1 (trang 38 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

- Nhận xét về các câu thơ dịch:

+ Câu thứ hai trong nguyên tác có nghĩa là "Trước cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào?". Câu thơ dịch thành: “Cảnh đẹp đêm nay, khó hững hờ” đã làm mất đi cái xốn xang, bối rối của nhân vật trữ tình (cũng là mất đi sự lãng mạn và nhạy cảm trước thiên nhiên trong tâm hồn của Bác).

+ Hai câu thơ cuối (bản dịch) cũng kém phần đăng đối hơn so với phiên âm. Hơn nữa từ "nhòm" và "ngắm" trong câu cuối là hai từ đồng nghĩa, khiến cho lời dịch không bảo đảm được sự cô đúc của ý tứ và thể thơ.


Câu 2

Trả lời câu 2 (trang 38 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

- Hồ Chí Minh ngắm trăng trong một hoàn cảnh rất đặc biệt: ở trong tù.

- Câu nói "Trong tù không rượu cũng không hoa" việc nhớ đến rượu, đến hoa trong cảnh tù ngục này đã cho thấy, người tù không hề vướng bận gì về vật chất và những gian nan mà mình đang phải chịu.

- Người tù vẫn ung dung tự tại, vẫn thả hồn mình cùng với thiên nhiên.


Câu 3

Trả lời câu 3 (trang 38 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

- Các từ chỉ người (nhân, thi gia) và các từ chỉ trăng (nguyệt) đặt ở hai đầu, ở giữa là cửa nhà tù (song), thế nhưng giữa người và trăng vẫn tìm được sự giao hòa với nhau.

- Cấu trúc đối này đã làm nổi bật tình cảm mãnh liệt giữa người và trăng, nổi bật sự gắn bó thân thiết của một mối quan hệ từ lâu đã trở thành tri kỉ (Bác với trăng).


Câu 4

Trả lời câu 4 (trang 38 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

Hình ảnh Bác hiện lên trong bài thơ nổi bật ở khía cạnh người chiến sĩ không chút bận tâm về gông cùm, đói rét, … Trước khó khăn, Bác vẫn giữ được phong thái ung dung, tự tại. Bài thơ còn thể hiện nổi bật tâm hồn nghệ sĩ của Bác Hồ, một tâm hồn luôn rộng mở với thiên nhiên.


Câu 5

Trả lời câu 5 (trang 38 SGK Ngữ văn 8, tập 2)

- Những bài thơ Bác Hồ viết về trăng: Ngắm trăng, Trung thu, Đêm thu, Rằm tháng giêng, Cảnh khuya, …
- Trăng trong thơ của Bác có nhiều sắc vẻ, trạng thái khác nhau:

+ Trăng được cảm nhận ở hoàn cảnh ngục tù, hay giữa trời nước bao la, lúc bận việc quân, lúc thư nhàn…

+ Trăng hiện lên như tri âm, tri kỷ với Người

=> Người luôn hướng tới ánh sáng, sự tự do để đạt tới sự tự tại trong tâm hồn. Sự hòa quyện giữa Người với Trăng- tri kỷ khiến cho thơ của Người luôn có sự hài hòa giữa chất cổ điển và hiện đại.


Bố cục

Bố cục: 2 phần

- Phần 1 (2 câu đầu): Hoàn cảnh ngắm trăng

- Phần 2 (2 câu cuối): Sự giao hòa của con người với thiên nhiên


ND chính

Ngắm trăng là bài thơ tứ tuyệt giản dị mà hàm súc, cho thấy tình yêu thiên nhiên đến say mê và phong thái ung dung của Bác Hồ ngay cả trong cảnh ngục tù khổ cực tăm tối.