Soạn bài Hương khúc SGK Ngữ Văn 7 tập 2 Chân trời sáng tạo - chi tiết

Qua cách kể và miêu tả của tác giả, em cảm nhận sức hấp dẫn của bánh khúc được tạo nên từ đâu?


Câu 1

Câu 1 (Trang 54, SGK Ngữ văn 7, tập 2)

Qua cách kể và miêu tả của tác giả, em cảm nhận sức hấp dẫn của bánh khúc được tạo nên từ đâu?

Phương pháp giải:

Dựa vào bài đọc, qua cách kể và miêu tả của tác giả, nêu suy nghĩ của bản thân về sức hấp dẫn của bánh khúc.

Lời giải chi tiết:

Qua cách kể và miêu tả của tác giả, em cảm nhận sức hấp dẫn của bánh khúc được tạo nên từ:

+ Những nguyên liệu làm ra bánh khúc: rau khúc được hái từ sáng sớm, gạo nếp, nhân đậu xanh, hành, mỡ.

+ Công đoạn làm bánh: cẩn thận và tỉ mẩn : hái rau khúc vào sáng sớm, lấy nước mưa trong bể rửa sạch, để ráo nước, cho vào cối giã, giã đến khi nhuyễn và dẻo, sau đó nhào bột, nặn bánh.

+ Từ vẻ đẹp của sản vật quê hương, từ cách làm bánh tỉ mỉ đong đầy yêu thương của bà, từ sự háo hức trông ngóng của một đứa trẻ chờ đợi món quà tuổi thơ…


Câu 2

Câu 2 (Trang 54, SGK Ngữ văn 7, tập 2)

Tình cảm của tác giả dành cho chiếc bánh khúc tuổi thơ là tình cảm như thế nào? Những tình cảm ấy trong đoạn trích được thể hiện bằng cách nào?

Phương pháp giải:

Dựa vào bài đọc và suy nghĩ bản thân nêu tình cảm tác giả dành cho chiếc bánh khúc tuổi thơ. Tìm các chi tiết trong đoạn trích thể hiện tình cảm ấy.

Lời giải chi tiết:

- Tình cảm của tác giả dành cho chiếc bánh khúc tuổi thơ là tình cảm: yêu thương, trân quý, nâng niu chiếc bánh ấy như nâng niu tất cả những gì đẹp nhất của tuổi thơ và đặc biệt trong đó còn có những kí ức rất đẹp và ấm áp về bà.

- Các chi tiết thể hiện tình cảm ấy:

+ Đoạn trích: “Mùi thơm ngậy của rau khúc đồ chín, mùi của gạo nếp, nùi của nhân đậu xanh quyện với mùi hành mỡ tỏa ra và làm nên một thứ ẩm thực chứa đầy hạnh phúc lạ lùng trong tâm khảm tôi; một thứ hạnh phúc của ẩm thực nhưng thiêng liêng và da diết mơ hồ; Cho dù vẫn chỉ là bột sống nhưng hương vị bánh khúc đã dâng lên làm tôi ứa đầy nước miếng; Những miếng mỡ thái hạt lựu béo ngậy đến mê người; Cái béo của mỡ lợn, cái bùi của đậu và vị ngọt ngào của bột nếp và hương rau khúc làm nên một món ăn dân dã ngon lạ thường,...

+ Cách miêu tả tỉ mỉ, chi tiết từng công đoạn làm bánh; cách lựa chọn từ ngữ miêu tả chiếc bánh, đặc biệt là những tính từ cực tả về tính chất như: thơm ngậy, béo ngậy, ngọt ngào, dân dã, nóng hổi,...

+ Những biện pháp tu từ như: Tôi nâng chiếc bánh khúc lên như nâng một báu vật, một hạt xôi nếp đẹp như một hạt ngọc,…


Câu 3

Câu 3 (Trang 54, SGK Ngữ văn 7, tập 2)

Văn bản trên gợi cho em suy nghĩ gì về nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của dân tộc?

Phương pháp giải:

Nêu suy nghĩ của bản thân về nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của dân tộc qua việc đọc và tìm hiểu văn bản.

Lời giải chi tiết:

Văn bản trên gợi cho em suy nghĩ về nét đẹp trong văn hóa ẩm thực của dân tộc là:

+ Nét đẹp văn hóa ẩm thực của đất nước ta vô cùng phong phú và đa dạng.

+ Nét đẹp ấy được làm nên từ những điều giản dị, gần gũi, thân thuộc nhất.

=> Đó là những món ăn được chế biến từ sản vật quê hương, chứa đựng sự tinh tế của cách kết hợp nguyên liệu, gia vị cùng dấu ấn đẹp đẽ của kí ức, tình yêu tha thiết dành cho quê hương, gia đình…