Soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Ngắn gọn nhất
Soạn Văn lớp 12 ngắn gọn nhất tập 2 bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt (Trích) - Lưu Quang Vũ. Câu 1: Ý nghĩa ẩn dụ của đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:
Câu 1
Câu 1 (trang 153 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
* Ý nghĩa ẩn dụ của đoạn đối thoại giữa hồn Trương Ba và xác hàng thịt:
- Xác hàng thịt: ẩn dụ về thể xác của con người.
- Hồn Trương Ba: ẩn dụ về linh hồn của con người.
- Bi kịch bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo (linh hồn thanh cao của Trương Ba chán ghét, đau khổ bên trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt): tôi đã chán cái chỗ ở không phải của tôi…ra khỏi cái xác này, dù chỉ một lát.
- Không chỉ linh hồn mới có tiếng nói và sức mạnh, thể xác cũng có sức mạnh bản năng ghê gớm của nó: bất chấp thái độ phủ nhận yếu ớt của Trương Ba, xác hàng thịt đưa ra nhiều minh chứng cho thấy hồn Trương Ba cũng tha hóa theo nhu cầu của hắn.
=> Hàm ý mà nhà viết kịch muốn gửi gắm chính là: trong một con người, hồn và xác không thể tách rời, sự hài hòa, thống nhất giữa hồn và xác. Vì vậy việc hồn Trương Ba phải trú ngụ trong xác anh hàng thịt là một bi kịch, một mâu thuẫn đòi hỏi phải có cách giải quyết.
Câu 2
Câu 2 (trang 153 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Nguyên nhân đã khiến cho người thân của Trương Ba và cả chính Trương Ba rơi vào bất ổn là do hồn Trương Ba đã phải sống trong xác hàng thịt và chính cái xác hàng thịt đó đã làm thay đổi con người của Trương Ba, làm cho hồn Trương Ba giờ đây không còn là của Trương Ba trước kia nữa.
- Hồn Trương Ba cũng nhận ra những điều đó, ông thấy không thể sống như thế được nữa, không thể khuất phục trước thể xác tự đánh mất mình. Thái độ của hồn Trương Ba lúc này thật rõ ràng, dứt khoát, quyết liệt, không khuất phục thể xác.
=> Hành động thắp hương để gọi Đế Thích
Câu 3
Câu 3 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Sự khác nhau trong quan niệm của Trương Ba và Đế Thích về ý nghĩa sự sống:
+ Với Đế Thích: sống là được tồn tại dù đôi khi người ta không được là mình toàn vẹn (Ngọc Hoàng và thần tiên cũng vậy) và có thể sống bằng mọi giá (Đế Thích nói với Trương Ba: Ông phải sống, dù với bất cứ giá nào).
+ Với Trương Ba: sự sống phải có ý nghĩa, có niềm vui và phải sống đúng là mình (tôi muốn được là tôi toàn vẹn, không thể sống với bất cứ giá nào được). Sống không là mình toàn vẹn còn khổ hơn là cái chết.
- Trương Ba trách Đế Thích, người đem lại cho mình sự sống: “Ông chỉ nghĩ đơn giản là cho tôi sống, nhưng sống như thế nào thì ông chẳng cần biết” là hoàn toàn đúng bởi việc Trương Ba sống dựa vào xác hàng thịt đã khiến hồn ông trở thành nô lệ cho thân xác.
- Ý nghĩa màn đối thoại giữa Trương Ba và Đế Thích:
+ Sự sống đáng quý nhưng không thể sống bằng bất cứ giá nào.
+ Sự sống chỉ có ý nghĩa và con người chỉ thấy thanh thản khi sống là chính mình, hài hòa giữa bên ngoài và bên trong, sự thống nhất giữa linh hồn và thể xác.
+ Mọi sự chắp vá, gượng ép chỉ đem đến lại đau khổ cho bản thân và người xung quanh.
Câu 4
Câu 4 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Quyết định dứt khoát xin tiên Đế Thích cho cu Tị được sống lại, cho mình được chết hẳn chứ không nhập hồn vào thân thể ai nữa của nhân vật hồn Trương ba là kết quả của một quá trình diễn biến hợp lí
+ Việc này sẽ dẫn đến hàng loạt những phiền phức, rắc rối như việc Trương Ba đã nhập vào xác hàng thịt (phải giải thích cho chị Lụa và gia đình, có khi phải sang nhà chị Lụa ở, lại tạo cơ hội cho bọn lí trưởng, trương tuần thu lợi…).
+ Tuy có cả cuộc đời trước mắt nhưng khi những người đồng trang lứa nằm xuống, Trương Ba sẽ trở nên lạc lõng, thảm hại.
+ Dù nhập vào xác cu Tị hay xác ai thì Trương Ba cũng không được là mình toàn vẹn và tiếp tục rơi vào bi kịch bên trong một đằng bên ngoài một nẻo.
=> Cái chết của Cu Tị có ý nghĩa đẩy nhanh diễn biến kịch. Dựng tả quá trình đi đến quyết định dứt khoát của nhân vật hồn Trương Ba, Lưu Quang Vũ đã đảm bảo được tính tự nhiên, hợp lí của tác phẩm.
Câu 5
Câu 5 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
Kết thúc vở kịch, nhân vật hồn Trường Ba chấp nhận cái chết, dù là cái chết oan ức. Nhưng cái chết ấy đã làm bừng sáng lên nhân cách đầy tự trọng, đầy yêu thương của một con người. Đoạn kết ấy là kết quả của một quá trình đấu tranh trong tâm hồn một con người theo đúng nghĩa: cũng khao khát sống và ham sống đến tột cùng nhưng ngược lại cũng không chấp nhận đời sống dựa, sống giả dối giữa cuộc đời. Và vì thế, không chỉ thể hiện một quy luật triết học vốn tồn tại tất yếu trong đời sống, nó còn là một khúc tráng ca về lòng dũng cảm của con người.
Luyện tập
Câu 1 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
- Nếu nhập vào xác cu Tị: Trương Ba có những suy nghĩ chín chắn, kì lại, già dặn trong hình hài một chú bé con. Nhưng mặt khác, ông không thể làm được những việc mà ông muốn làm (liên quan đến thể lực và vị thế xã hội)
Câu 2 (trang 154 SGK Ngữ văn 12 tập 2)
Cần trình bày được những nội dung sau:
a. Khái quát chung:
- Giới thiệu về tác giả, tác phẩm.
- Giới thiệu đoạn trích: chính là lời phát biểu cho một quan niệm sống của nhà văn thể hiện qua những lời nói của hồn Trương Ba với tiên cờ Đế Thích.
b. Quan niệm sống của nhân vật hồn Trương Ba:
- Thể hiện khát vọng của hồn Trương Ba trong ước nguyện được giải thoát, muốn chính mình cho dù khổ đau và mất mát.
+ Trương Ba kiên quyết từ chối, không chấp nhận cảnh phải sống "bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo", ông muốn được là mình một cách trọn vẹn.
+ Trương Ba tiếp tục từ chối để Đế Thích sửa sai bằng cách cho hồn mình nhập vào xác cu Tị, không chấp nhận cách sống giả tạo, sống còn "khổ hơn là cái chết".
+ Câu nói thể hiện ý nghĩa triết lí trong cuộc sống của con người, con người không thế chấp nhận cách sống tạm bợ, bên trong một đằng, bên ngoài một nẻo được.
- Con người là một thể thống nhất, không thể có một tâm hồn thanh cao trong một thân xác phàm tục, tội lỗi. Sống thực cho ra một con người quà không dễ dàng, đơn giản.
- Khi sống nhờ, sống gửi, sống chắp vá, khi không được là mình thì cuộc sống ấy thật vô nghĩa. Tình trạng con người phải sống giả, không dám và cũng không được sống là bản thân mình, đấy là nguy cơ đẩy con người đến chỗ bị tha hóa do danh và lợi.
- Hồn Trương Ba đã nhận ra bi kịch của cuộc đời mình khi sống gửi, sống nhờ trong thân xác phàm tục của anh hàng thịt. Nhận ra bi kịch đó chứng tỏ hồn Trương Ba không thể nào chấp nhận được sự thỏa hiệp giữa hai cuộc sống này. Đồng thời, chứng tỏ bản lĩnh của nhân vật khi chấp nhận cái chết thực sự còn hơn là sống trong sự giày vò của lương tâm và sự ghẻ lạnh của người thân vì sự tha hóa của chính mình.
c. Kết luận:
Khẳng định điều này, Lưu Quang Vũ đã thế hiện được cái nhìn khá sâu sắc trong đời sống tâm hồn của con người trước hiện tượng người ta sống vội, sống gấp, sống mà không có phong cách, sống mà quên mất cả bản thân mình...
Tóm tắt
Trương Ba - người làm vườn chất phác, hiền lành, rất mực yêu quý vợ con và cháu gái. Ông nổi tiếng là người chơi cờ giỏi và có lối sống thanh cao. Vì sự tắc trách của Nam Tào, Trương Ba đang khỏe mạnh bỗng chết một cách đột ngột. Tiên Đế Thích vì muốn có người đánh cờ với mình và muốn sửa sai cho Nam Tào nên hóa phép cho hồn Trương Ba nhập vào xác một anh hàng thịt mới chết. Hồn Trương Ba đau khổ đấu tranh với những ham muốn bản năng của thân xác hàng thịt. Sau một thời gian, chính hồn Trương Ba cũng phần nào bị tha hóa, gia đình Trương Ba trở nên ly tán, đau buồn. Trương Ba quyết định thắp nhang gọi Đế Thích lên để quyết định rời khỏi thân xác anh hàng thịt. Đế Thích tìm mọi cách khuyên ngăn và đưa ra giải pháp khác hấp dẫn hơn như cho Trương Ba nhập vào xác cu Tị đang hấp hối. Trương Ba xin cho cu Tị được sống và kiên quyết chọn cái chết và không nhập vào xác ai nữa bởi ông không muốn “bên trong một đằng bên ngoài một nẻo”.
Bố cục
Bố cục (3 phần)
- Phần 1 (từ đầu đến Cái hồn vía ương bướng của tôi ơi, hãy về với tôi này!): Cuộc đối thoại giữa hồn và xác
- Phần 2 (tiếp theo đến Không cần đến cái đời sống do mày mang lại! Không cần): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và mọi người trong gia đình.
- Phần 3 (còn lại): Cuộc đối thoại giữa hồn Trương Ba và Đế Thích; quyết định cuối cùng của Trương Ba.
ND chính
Bi kịch của con người khi bị đặt vào nghịch cảnh phải sống nhờ, sống tạm và trái tự nhiên khiến tâm hồn nhân hậu, thanh cao bị nhiễm độc và tha hóa trước sự lấn át của thể xác thô lỗ, phàm tục; vẻ đẹp tâm hồn người lao động trong cuộc đấu tranh chống lại sự giả tạo và dung tục, bảo vệ quyền sống đích thực và khát vọng hoàn thiện nhân cách. |
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Hồn Trương Ba, da hàng thịt - Ngắn gọn nhất timdapan.com"