Soạn bài Giao tiếp, văn bản và phương thức biểu đạt

Soạn bài Giao tiếp, văn bản và phương thức biểu đạt trang 15 SGK Ngữ văn 6 tập 1. Câu 2. Truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên thuộc kiểu văn bản nào? Vì sao em biết như vậy?


Lời giải chi tiết

Câu 1: Đọc và trả lời các câu hỏi sau:

a)    Trong đời sống khi có một tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng mà cần biểu đạt cho mọi người hay ai đó biết, thì em làm thế nào?

b)   Khi muốn biểu đạt tư tưởng, tình cảm, nguyện vọng ấy một cách đầy đủ, trọn vẹn cho người khác hiểu, thì em phải làm như thế nào?

c)  Đọc câu ca dao sau và trả lời câu hỏi:

        Ai ơi giữ chí cho bền

Dù ai xoay hướng đổi nền mặc ai.

Em hãy nhận xét: Câu ca dao này được sáng tác ra để làm gì? Nó muốn nói lên vấn đề gì? Hai câu 6 và 8 liên kết với nhau như thế nào (về luật thơ và về ý)? Như thế đã biểu đạt trọn vẹn một ý chưa?

d)    Lời phát biểu của thây (cô) giáo hiệu trưởng trong lễ khai giảng năm học có phải là một văn bản không? Vì sao?

đ) Bức thư em viết cho bạn bè hay người thân có phải là một văn bản không?

e)    Những đơn xin học, bài thơ, truyện cổ tích (kể miệng hay được chép lại), câu đôi, thiếp mời dự đám cưới,...có phải đều là văn bản không? Hãy kể thêm những văn bản mà em biết.

Trả lời:

a)    Trong đời sống khi có một tư tưởng tình cảm, nguyện vọng cần biểu đạt cho một người hay ai đó biết thì em sẽ nói hoặc viết ra giấy.

b)    Khi muốn biểu đạt tư tưởng tình cảm nguyện vọng ấy một cách đầy đủ, trọn vẹn cho người khác hiểu thì em phải nói có đầu có đuôi, mạch lạc lí lẽ, nghĩa là phải tạo lập văn bản.

c)   Câu ca dao được sáng tác ra để khuyên nhủ con người cần giữ được ý chí của mình, không nên dao động trong bất kì hoàn cảnh nào. Chủ đề của văn bản là giữ chí cho bền. Chủ đề này được nêu ra ở câu 6. Câu 8 nói rõ thêm, giữ chí cho bền nghĩa là gì, là không dao động khi người khác thay đổi chí hướng". Chí hướng đây là "chí hướng, hoài bão, lí tưởng", vần là yếu tố liên kết hai câu (bền - nền). Mạch lạc là quan hệ giải thích của câu sau đôi với câu trước, làm rõ ý cho câu trước.

d)    Lời phát biểu của thầy (cô) giáo hiệu trưởng trong lễ khai giảng năm học cũng là văn bản vì nó là chuỗi lời, có chủ đề. Chủ đề của bài phát biểu thường là nêu thành tích năm qua, nêu nhiệm vụ năm học mới, kêu gọi, cổ vũ giáo viên, học sinh hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học. Đây là văn bản nói.

đ) Bức thư là một văn bản viết, có thể thức, có chủ đề xuyên suốt là thông báo tình hình và quan tâm đến người nhận thư.

e)   Các thiếp mời, đơn xin học, bài thơ, truyện cổ tích, câu đối đều là văn bản, vì chúng có mục đích, yêu cầu thông tin và có thể thức nhất định.

*   Một số văn bản khác: Bài giới thiệu về một di tích lịch sử, một tác giả văn học, một danh nhân, bài phát biểu ý kiến của em trong đại hội liên đội...

2. Cho các tình huống giao tiếp sau, hãy lựa chọn kiểu văn bản và phương thức biểu đạt phù hợp.

Trả lời:

-   Hai đội bóng đá muốn xin phép sử dụng sân vận động của thành phố: Văn bản hành chính - công vụ: Đơn từ.

-   Tường thuật diễn biến trận đấu bóng đá: Văn bản Tự sự.

-  Tả lại những pha bóng đẹp trong trận đấu: Văn bản miêu tả.

-   Giới thiệu quá trình thành lập và thành tích thi đấu của hai đội: Văn bản thuyết minh.

-   Bày tỏ lòng yêu mến bóng đá: Văn bản biểu cảm.

-  Bác bỏ ý kiến cho rằng bóng đá là môn thể thao tốn kém, làm ảnh hưởng không tốt đến việc học tập và công tác của nhiều người: Văn bản nghị luận.

LUYỆN TẬP

1. Các đoạn văn, thơ dưới đây thuộc phương thức biểu đạt nào?

a) Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ, sai đi bắt tôm, bắt tép và hứa, đứa nào bắt được đầy giỏ sẽ thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ, lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi bắt đầy một giỏ cả tôm lẫn tép. Còn Cám quen được nuông chiều, chỉ ham chơi nên mãi đến chiều chẳng bắt được gì. Thấy Tấm bắt được đầy giỏ, Cám bảo chị:

Chị Tấm ơi, chị Tấm!

Đầu chị lấm

Chị hụp cho sâu

Kẻo về dì mắng.

Tấm tưởng thật, hụp xuống thì Cám trút hết giỏ tôm tép của Tấm vào giỏ mình, rồi chạy về nhà trước.

(Tấm Cám)

b) Trăng đang lên. Mặt sông lấp loáng ánh vàng. Núi Trùm Cát đứng sừng sững bên bờ sông thành một khối tím thẫm uy nghi, trầm mặc. Dưới ánh trăng, dòng sông sáng rực lên, những con sóng nhỏ lăn tăn gợn đều mơn man vỗ nhẹ vào hai bên bờ cát.

(Khuất Quang Thụy, Trong cơn gió lốc)

c) Muốn xây dựng một đất nước giàu mạnh thì phải có nhiều người tài giỏi. Muốn có nhiều người tài giỏi thì học sinh phải ra sức học tập văn hóa và rèn luyện thân thể, bởi vì chỉ có học tập và rèn luyện thì các em mới có thể trở thành những người tài giỏi trong tương lai.

(Trích Tài liệu hướng dẫn đội viên)

d) Trúc xinh trúc mọc đầu đình

Em xinh em đứng một mình cũng xinh.

(Ca dao)

đ) Nếu ta đẩy quả địa cầu quay trục theo hướng từ tay trái sang tay phải mà chúng ta gọi là hướng từ tây sang đông thì hầu hết các điểm trên bề mặt quả địa cầu đều chuyển động, đều thay đổi vị trí và vẽ thành những đường tròn.

(Theo Địa lí 6)

Trả lời:

a)   Đoạn trích trong truyện Tấm Cám thuộc phương thức tự sự.

b)   Đoạn văn của Khuất Quang Thụy thuộc phương thức miêu tả.

c)   Đoạn văn trích trong Tài liệu hướng dẫn đội viên thuộc phương thức nghị luận.

d)   Câu ca dao thuộc phương thức biểu cảm.

đ) Câu văn trích từ môn Địa lí thuộc phương thức thuyết minh.

2. Truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên thuộc kiểu văn bản nào? Vì sao em biết như vậy?

Trả lời:

Truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên thuộc kiểu văn bản tự sự. Vì cả truyện kể việc, kể người, có lời nói, hành động theo một diễn biến nhất định, đi đến một kết quả cuối cùng thể hiện một ý nghĩa (giải thích, suy tôn nguồn gốc của người Việt).