Soạn bài Gặp gỡ ở Lúc- xăm- bua trang 98 SGK Tiếng Việt 3 tập 2

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Gặp gỡ ở Lúc- xăm- bua trang 98 SGK Tiếng Việt 3 tập 2. Câu 1. Đến thăm một trường tiểu học ở Lúc-xăm-bua, đoàn cán bộ Việt Nam gặp những điều gì bất ngờ thú vị?


Câu 1

Đến thăm một trường tiểu học ở Lúc-xăm-bua, đoàn cán bộ Việt Nam gặp những điều gì bất ngờ thú vị?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 1 của truyện.

Lời giải chi tiết:

Đến thăm một trường tiểu học ở Lúc-xăm-bua, đoàn cán bộ Việt Nam gặp nhiều điều bất ngờ thú vị : các em học sinh đều tự giới thiệu tên mình bằng Tiếng Việt, các em hát tặng đoàn bài hát "Kìa con bướm vàng", các em giới thiệu nhiều vật phẩm của Việt Nam đã sưu tầm được, các em biết vẽ Quốc kì Việt Nam, các em biết nói được bằng tiếng Việt những từ ngữ thiêng liêng với người Việt Nam : Việt Nam, Hồ Chí Minh.


Câu 2

Vì sao các bạn 6A nói được tiếng Việt và có nhiều đồ vật của Việt Nam?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 2 của truyện.

Lời giải chi tiết:

Các bạn 6A nói được Tiếng Việt và có nhiều đồ vật của Việt Nam vì cô giáo của các em là người đã từng ở Việt Nam hai năm. Cô cũng là người rất yêu thích Việt Nam. Ngoài ra các em còn tìm hiểu thêm về Việt Nam qua mạng In-tơ-nét.


Câu 3

Các bạn học sinh Lúc-xăm-bua muốn biết những gì về thiếu nhi Việt Nam?

Phương pháp giải:

Em hãy đọc đoạn 2 của truyện, chú ý những câu hỏi mà các bạn học sinh hỏi đoàn cán bộ Việt Nam.

Lời giải chi tiết:

Các bạn học sinh Lúc-xăm-bua muốn biết các bạn học sinh Việt Nam học những môn gì, thích các bài hát nào và hay chơi các trò chơi gì.


Câu 4

Em muốn nói gì với các bạn học sinh trong câu chuyện này?

Phương pháp giải:

Em tự nghĩ mình muốn nói gì với các bạn.

Lời giải chi tiết:

Em muốn nói với các bạn học sinh Lúc-xăm-bua lời cảm ơn chân thành nhất vì các bạn đã yêu quý đất nước Việt Nam. Em mong có dịp nào đó được gặp gỡ các bạn để nắm chặt bàn tay thân ái.


Nội dung

Cuộc gặp gỡ thú vị, đầy bất ngờ của đoàn cán bộ Việt Nam với học sinh một trường tiểu học ở Lúc-xăm-bua. Cuộc gặp gỡ đã thể hiện tình hữu nghị, đoàn kết giữa các dân tộc.

Bài đọc

Gặp gỡ ở Lúc-xăm-bua

1. Hôm ấy, chúng tôi đến thăm một trường tiểu học. Cô hiệu trưởng mời đoàn vào thăm lớp 6A. Điều bất ngờ là tất cả học sinh đều lần lượt giới thiệu bằng tiếng Việt : ”Em là Mô-ni-ca”, “ Em là Giét-xi-ca”,… Mở đầu cuộc gặp, các em hát tặng đoàn bài hát “Kìa con bướm vàng” bằng tiếng Việt. Rồi các em giới thiệu những vật sưu tầm được như đàn tơ-rưng, cái nón, tranh cây dừa, ảnh xích lô,…Các em còn vẽ Quốc kì Việt Nam và nói được bằng tiếng Việt : “Việt Nam, Hồ Chí Minh.”

2. Hóa ra cô giáo của các em đã từng ở Việt Nam hai năm. Cô thích Việt Nam nên đã dạy các em tiếng Việt và kể cho các em nghe nhiều điều tốt đẹp về đất nước, con người Việt Nam. Các em còn tìm hiểu về Việt Nam trên in-tơ-nét. Về phần mình, các em đặt cho chúng tôi rất nhiều câu hỏi về thiếu nhi Việt Nam: Học sinh Việt Nam học những môn gì ? Trẻ em Việt Nam thích những bài hát nào ? Ở Việt Nam, trẻ em chơi những trò chơi nào ?

3. Đã đến lúc chia tay, dưới làn tuyết bay mù mịt, các em vẫn đứng vẫy tay chào lưu luyến, cho đến khi xe của chúng tôi khuất hẳn trong dòng người và xe cộ tấp nập của thành phố Châu Âu hoa lệ, mến khách.

Theo QUỲNH PHƯƠNG

Lúc-xăm- bua : một nước nhỏ ở Châu Âu, cạnh các nước Bỉ, Đức và Pháp.

Lớp 6 : lớp cuối bậc tiểu học ở Lúc-xăm- bua.

Sưu tầm : tìm kiếm, góp nhặt lại.

- Đàn tơ-rưng : một nhạc cụ dân tộc ở Tây Nguyên

In-tơ-nét : mạng thông tin máy tính toàn cầu.

Tuyết : những hạt băng nhỏ, xốp, nhẹ, màu trắng, rơi ở vùng có khí hậu lạnh.

Hoa lệ : (nhà cửa, phố xá) đẹp lộng lẫy và sang trọng.