Soạn bài Đồng chí - Ngắn gọn nhất
Soạn văn lớp 9 tập 1 ngắn gọn bài Đồng chí - Chính Hữu. Câu 1: Bài thơ theo thể thơ tự do, có 20 dòng, chia làm hai đoạn.
Câu 1
Trả lời câu 1 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
- Bài thơ theo thể thơ tự do, có 20 dòng, chia làm ba đoạn.
+ Bảy dòng đầu có thể xem là sự lí giải về cơ sở của tình đồng chí.
+ Mười dòng tiếp theo, mạch cảm xúc sau khi dồn tụ về biểu hiện của tình đồng chí.
+ Ba dòng thơ cuối được tác giả tách ra thành một đoạn kết, đọng lại và ngân rung với hình ảnh đặc sắc “đầu súng trăng treo” như là một biểu tượng giàu chất thơ về người lính.
Câu 2
Trả lời câu 2 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Cơ sở hình thành tình đồng chí của người lính:
- Tình đồng chí, đồng đội bắt nguồn sâu xa từ sự tương đồng về cảnh ngộ xuất thân nghèo khó:
Quê hương anh nước mặn, đồng chua
Làng tôi nghèo đất cày lên sỏi đá.
- Tình đồng chí được nảy sinh từ sự cùng chung nhiệm vụ sát cánh bên nhau trong chiến đấu: “Súng bên súng, đầu sát bên đầu”.
- Tình đồng chí, đồng đội nảy nở và thành bền chặt trong sự chan hòa, chia sẻ mọi gian lao cũng như niềm vui, đó là mối tình tri kỉ của những người bạn chí cốt, mà tác giả đã biểu hiện bằng một hình ảnh thật cụ thể, giản dị mà hết sức gợi cảm:
Đêm rét chung chăn thành đôi tri kỉ.
=> Sau câu thơ này, nhà thơ hạ một dòng thơ đặc biệt với hai tiếng “Đồng chí!”. Câu thơ chỉ có một từ với hai tiếng và dấu chấm than tạo một nốt nhấn, nó vang lên như một sự phát hiện, một lời khẳng định, đồng thời lại như một cái bản lề gắn kết đoạn đầu và đoạn thứ hai của bài thơ.
Câu 3
Trả lời câu 3 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Những biểu hiện của tình đồng chí và sức mạnh của tình cảm ấy ở người lính.
- Đồng chí, đó là sự cảm thông sâu xa những tâm tư, nỗi lòng của nhau (“Ruộng nương anh gửi bạn thân cày… nhớ người ra lính”).
- Đồng chí, đó là cùng nhau chia sẻ những gian lao, thiếu thốn của cuộc đời người lính:
Áo anh rách vai
…
Chân không giày
- Và nhất là cùng trải qua những cơn “sốt run người vừng trán ướt mồ hôi” (những cơn sốt rét hành hạ người lính sống ở rừng).
=> Ngoài tinh thần yêu nước, lí tưởng cách mạng, họ còn chung nhau, sẻ chia với nhau những lúc thiếu thốn, những khi ốm đau, và những hiểm nguy khi đánh giặc.
Câu 4
Trả lời câu 4 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Đây là bức tranh đẹp về tình đồng chí, đồng đội của người lính, là biểu tượng đẹp về cuộc đời người chiến sĩ.
- Trong bức tranh trên, nổi lên trên nền cảnh rừng đêm giá rét là ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng. Trong cảnh “rừng hoang sương muối” những người lính phục kích, chờ giặc, đứng bên nhau.
- Súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và chất trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ… Đó là các mặt bổ sung cho nhau, hài hòa với nhau của cuộc đời người lính cách mạng. Xa hơn, đó cũng có thể xem là biểu tượng cho thơ ca kháng chiến – nền thơ kết hợp chất hiện thực và cảm hứng lãng mạn.
Câu 5
Trả lời câu 5 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Bài thơ về tình đồng đội của những người lính được mang tên là “Đồng chí” vì “đồng đội” mới chỉ là cùng đơn vị, cùng đội ngũ còn “đồng chí” là cùng một chí hướng, cùng chung lí tưởng. “Đồng chí” là một từ rất mới mẻ, chỉ được dùng nhiều sau cách mạng. Đồng chí chính là nói đến tình cảm mới mẻ đó, nó còn cao hơn tình tri kỉ (tình cảm rất đẹp của người xưa), nó là tình cảm của cả một đội quân: quân đội nhân dân Việt Nam.
Câu 6
Trả lời câu 6 (trang 130 sgk Ngữ Văn 9 Tập 1):
Hình ảnh anh bộ đội thời kháng chiến chống Pháp là một hình ảnh rất giản dị, mộc mạc nhưng rất đẹp. Các anh thiếu về trang bị: không có giày, quần áo rách, thiếu chăn, bệnh tật sốt rét làm hại sức khỏe các anh. Nhưng tình cảm đùm bọc thương yêu và gắn bó rất cao.
Luyện tập
Viết đoạn văn trình bày cảm nhận của em về đoạn cuối bài thơ (ba câu cuối)
Trả lời:
- Trong bức tranh ấy nổi bật lên ba hình ảnh gắn kết với nhau: người lính, khẩu súng, vầng trăng. Trong cảnh rừng hoang sương muối, những người lính đứng bên nhau chờ giặc tới. Sức mạnh của tình đồng đội giúp họ vượt qua mọi khó khăn, gian khổ. Bên cạnh họ còn có vầng trăng làm bạn.
- Hình ảnh đầu súng trăng treo còn mang ý nghĩa biểu tượng, gợi ra những liên tưởng phong phú, súng và trăng là gần và xa, thực tại và mơ mộng, chất chiến đấu và trữ tình, chiến sĩ và thi sĩ.
Bố cục
Bố cục: (3 phần)
- Phần 1 (6 câu đầu): Những cơ sở của tình đồng chí
- Phần 2 (11 câu tiếp): Những biểu hiện và sức mạnh của tình đồng chi
- Phần 3 (3 câu cuối): Hình ảnh người lính trong đêm canh gác
ND chính
Tình đồng chí của những người lính dựa trên cơ sở cùng chung cảnh ngộ và lí tưởng chiến đấu được thể hiện thật tự nhiên, bình dị mà sâu sắc trong mọi hoàn cảnh, nó góp phần quan trọng tạo nên sức mạnh và vẻ đẹp tinh thần của người lính cách mạng. |
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Soạn bài Đồng chí - Ngắn gọn nhất timdapan.com"