Soạn bài Danh từ (tiếp theo) trang 108 SGK Ngữ văn 6 tập 1

a) Danh từ chỉ sự vật gồm danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật. Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương, …


Lời giải chi tiết

I. KIẾN THỨC CƠ BẢN

1. Danh từ chung và danh từ riêng

a) Danh từ chỉ sự vật gồm danh từ chung và danh từ riêng. Danh từ chung là tên gọi một loại sự vật. Danh từ riêng là tên riêng của từng người, từng vật, từng địa phương, …

b) Hãy điền các danh từ có trong câu sau vào bảng phân loại:

Vua nhớ công ơn tráng sĩ, phong là Phù Đổng Thiên Vương và lập đền thờ ngay ở làng Gióng, nay thuộc xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội.

(Theo Thánh Gióng)

Bảng phân loại

Danh từ chung  
Danh từ riêng  

Gợi ý: Dựa vào những kiến thức đã được học ở Tiểu học và gợi dẫn ở mục (a) để xác định loại danh từ chỉ sự vật. Danh từ chung như: vua, tráng sĩ,… Danh từ riêng như: Phù Đổng Thiên Vương, Gióng,…

2. Các danh từ riêng trong câu trên đã được viết hoa như thế nào?

Gợi ý: Danh từ riêng viết hoa, danh từ chung nếu đứng đầu câu thì viết hoa (Vua).

3. Với mỗi quy tắc viết hoa sau đây, hãy cho 3 ví dụ minh hoạ:

- Quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí Việt Nam: Trần Hưng Đạo, Nguyễn Trãi, Nguyễn Tất Thành,… (Nguyễn Trãi là nhà thơ, đại thi hào dân tộc, danh nhân văn hoá thế giới.); Hà Nội, Hải Phòng, Tản Viên,… (Một người ở vùng núi Tản Viên có tài lạ: vẫy tay về phía đông, phía đông nổi cồn bãi; vẫy tay về phía tây, phía tây mọc lên từng dãy núi đồi.)

- Quy tắc viết hoa tên người, tên địa lí nước ngoài: Mao Trạch Đông, Ken-nơ-đi, Bắc Kinh, Mát-xcơ-va,…

- Quy tắc viết hoa tên các cơ quan, tổ chức, các danh hiệu, giải thưởng, huân chương,…: Trường Trung học cơ sở Hai Bà TrưngBáo Hoa học tròBà mẹ Việt Nam anh hùng,…

4. Em hãy tự rút ra quy tắc viết hoa (xem lại phần Ghi nhớ)

II. RÈN LUYỆN KĨ NĂNG

1. Gạch một gạch dưới danh từ chung, hai gạch dưới danh từ riêng trong câu sau đây:

Ngày xưa, ở miền đất Lạc Việt, cứ như bây giờ là Bắc Bộ nước ta, có một vị thần thuộc nòi rồng, con trai thần Long Nữ, tên là Lạc Long Quân.

(Con Rồng cháu Tiên)

Gợi ý:

- Các danh từ chung như: đấtnướcthần,…

- Danh từ riêng như: Lạc Việt, Long Nữ,…

2. Các từ viết hoa trong câu sau đây đúng hay sai? Vì sao?

a) Chim, Mây, Nước và Hoa đều cho rằng tiếng hót kì diệu của Hoạ Mi đã làm cho tất cả bừng tỉnh giấc.

(Võ Quảng)

b) Nàng Út bẽn lẽn dâng lên Vua mâm bánh nhỏ.

(Nàng Út làm bánh ót)

c) [...] Khi ngựa thét ra lửa, lửa đã thiêu cháy một làng, cho nên làng đó về sau gọi là làng Cháy.

(Thánh Gióng)

Gợi ý:

- Câu (a): Các danh từ Chim, Mây, Nước, Hoa, Hoạ Mi viết hoa là đúng, vì đây là các danh từ riêng. Thông thường, các từ này là danh từ chung. Ở đây ChimMâyNướcHoaHoạ Mi là tên của các nhân vật cụ thể nên được xem như danh từ riêng.

- Câu (b): út là tên riêng nên viết hoa; vua là danh từ chung, viết hoa là sai.

- Câu (c): Ngựa là danh từ chung, không viết hoa; Cháy là tên làng – danh từ riêng, viết hoa là đúng.

3. Chép lại đoạn thơ sau đây và điều chỉnh cách viết hoa các danh từ cho đúng:

Ai đi Nam bộ

Tiền giang, hậu giang

Ai vô thành phố Hồ chí Minh rực rỡ tên vàng.

Ai về thăm bưng biền đồng tháp

Việt bắc miền Nam, mồ ma giặc pháp

Nơi chôn rau cắt rốn của ta!

Ai đi Nam – Ngãi, Bình – Phú, Khánh hoà

Ai vô phan rang, phan thiết

Ai lên tây nguyên, công tum, đắc lắc

Khu Năm dằng dặc khúc ruột miền trung

Ai về với quê hương ta tha thiết

Sông hương, bến hải, cửa Tùng…

Ai vô đó với đồng bào, đồng chí

Nói với Nửa – Việt nam yêu quý

Rằng nước ta là của chúng ta

Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà!

(Tố Hữu)

Gợi ý: Các từ chỉ tên người, tên địa danh phải viết hoa tất cả chữ cái đầu của mỗi tiếng (Nam Bộ, Tiền Giang, Hậu Giang, Hồ Chí Minh, Đồng Tháp, Việt Bắc, Pháp, Khánh Hoà, Phan Rang, Phan Thiết, Tây Nguyên, Công Tum, Đắc Lắc, (miền) Trung, (sông) Hương, Bến Hải, Cửa Tùng, Việt Nam); viết hoa chữ cái đầu của mỗi bộ phận tạo thành cụm từ (Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam Dân chủ Cộng hoà).


Bài học bổ sung