Soạn bài Con chào mào SGK Ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống chi tiết

Soạn bài Con chào mào chi tiết SGK ngữ văn 6 tập 1 Kết nối tri thức với cuộc sống với đầy đủ lời giải tất cả các câu hỏi và bài tập


Câu 1

Sau khi đọc

Câu 1 (trang 76 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Em có thể tưởng tượng, hình dung những hình ảnh gì khi đọc ba dòng thơ đầu?

Phương pháp giải:

Đọc lại 3 dòng thơ và chú ý những hình ảnh được nhắc tới.

Lời giải chi tiết:

- Tưởng tượng, hình dung của em về những hình ảnh khi đọc ba dòng thơ đầu: Hình ảnh chú chim chào mào với những chiếc lông có đốm trắng, cái mào màu đỏ rực đang say sưa hót líu lo trên cành cao. Đó là khung cảnh yên bình, xanh mướt của làng quê Việt Nam.


Câu 2

Câu 2 (trang 76 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Hãy nêu những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" khi "vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ".

Phương pháp giải:

Đọc kĩ đoạn thơ này từ đó nảy ra cảm xúc của nhà thơ.

Lời giải chi tiết:

Những ý nghĩ, cảm xúc của nhân vật "tôi" khi "vội vẽ chiếc lồng trong ý nghĩ":  

- Nhà thơ đã nghĩ phải nhanh chóng vẽ chiếc lồng cho con chào mào.

- “Chiếc lồng” ấy là chiếc lồng khao khát giữ lại tiếng chim – hương sắc của cuộc đời.

=> Câu thơ này cho thấy, tác giả khao khát mở rộng “chiếc lồng” của ông thành không gian bất tận, muốn để tâm hồn mình bao trùm cả thiên nhiên rộng lớn cho con chào mào khoe sắc và cất tiếng tự do.


Câu 3

Câu 3 (trang 76 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Vì sao lúc đầu, nhân vật "tôi" "sợ chim bay đi" nhưng kết thúc bài lại khẳng định: Chẳng cần chim lại bay về/ Tiếng hót ấy giờ tôi đã nghe rất rõ.

Phương pháp giải:

Đọc lại câu thơ này và chú ý hàm ý của tác giả.

Lời giải chi tiết:

Hai câu thơ kết cho thấy “con chào mào” đã bay đi xa, trở về với thiên nhiên rộng lớn, với thế giới tự do và hồn nhiên của nó. Tác giả viết rằng “chẳng cần chim lại bay về” bởi ông đã cảm thấy đủ, thấy trọn vẹn một thiên nhiên tuyệt đẹp trong cõi hồn mình. Câu thơ đa nghĩa cho thấy, nhà thơ đang tràn đầy hạnh phúc, mong cho con chào mào bay xa, bay cao hơn, nhưng cũng gợn một chút tiếc nuối dù rất nhỏ.


Câu 4

Câu 4 (trang 76 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Dòng thơ nào được lặp lại trong bài thơ? Theo em việc lặp lại như vậy có tác dụng gì?

Phương pháp giải:

Đọc lại bài thơ và xem dòng thơ nào được lặp lại.

Lời giải chi tiết:

- Dòng thơ “triu… uýt… huýt… tu hìu…được lặp lại 2 lần trong bài thơ.

- Tác dụng: Sự lặp lại đó tạo nên kết cấu tương ứng cho bài thơ. Chuỗi âm thanh được nhắc lại trọn vẹn như từng cất lên lần đầu, nhưng bạn đọc lại cảm nhận “con chào mào” đã đi qua một hành trình, từ đơn lẻ tới hòa nhập, từ âm vực có phần lảnh lót, chói gắt đến phối bè, vang vọng.


Câu 5

Câu 5 (trang 76 SGK Ngữ văn 6 tập 1)

Con chim chào mào đã bay đi rồi nhưng nhân vật "tôi" vẫn có thể nghe rất rõ tiếng chim hót. Viết một đoạn văn (khoảng 5-7 câu) miêu tả một hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp được em lưu giữ trong ký ức. 

Phương pháp giải:

Viết đoạn văn đúng hình thức yêu cầu, nhớ lại hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp nào đó em đã từng chiêm ngưỡng và viết lại.

Lời giải chi tiết:

       Hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp in đậm trong kí ức em là cánh đồng lúa ngày thu hoạch. Đồng lúa chín vàng. Sắc vàng của lúa, sắc vàng của nắng, tất cả làm lòng em thấy náo nức, vui tươi. Hương lúa chín đặc biệt vô cùng. Vì hương sắc ấy là hương của bội thu, hương của lao động nhọc nhằn. Một cơn gió nhẹ thoảng qua làm những bông lúa rung rinh tạo thành sóng lượn. Chúng nghiêng mình, thầm thì như trò chuyện, tâm sự râm ran. Chẳng mấy chốc, những bông lúa ấy sẽ đi theo các bác nông dân, những bông lúa sẽ làm đẹp cho đời và đẹp mãi trong lòng người. Tuổi thơ em đã sống, đã lớn lên cùng hình ảnh thiên nhiên tươi đẹp ấy!