Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tình dạ tứ)

Soạn bài Cảm nghĩ trong đêm thanh tĩnh (Tĩnh dạ tứ) trang 123 SGK Ngữ văn 7 tập 1. Câu 3. Dựa vào bốn động từ nghi (ngỡ là), cử (ngẩng), đê (cúi) và tư (nhớ) để chỉ ra sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ.


Lời giải chi tiết

1. Có người cho rằng bài Tĩnh dạ tứ, hai câu đầu là thuần tuý tả cảnh, hai câu cuối là thuần tuý tả tình. Em có tán thành ý kiến đó không? Vì sao?

Trả lời:

Có người cho rằng trong bài thơ này hai câu đầu tả cảnh, hai câu sau tả tình. Nghĩ như vậy là do theo quán tính xúc cảnh sinh tình: vọng nguyệt hoài hương (ngắm trăng nhớ quê) quen thuộc xưa nay. Thật ra, đọc kĩ hai câu đầu ta thấy không hoàn toàn đơn thuần chỉ có cảnh:

“Sàng tiền minh nguyệt quang

Nghi thị địa thượng sương.”

(Ánh trăng sáng đầu giường

Ngỡ là sương mặt đất.)

Đầu giường ánh trăng rọi

Ngỡ mặt đất phủ sương.

Chữ sàng (giường) gợi cho người dọc nghĩ rằng nhà thơ đang nằm trên giường mà trằn trọc không ngủ được hoặc đã ngủ rồi tỉnh giấc không ngủ lại được. Trong tình huống ấy, chữ "nghi” (ngỡ là) sử dụng thật chính xác, hợp tự nhiên. Chữ sương gợi màu trắng và cảm giác lạnh. Hai câu thơ trên không những chỉ có ánh trăng mà chứa chan ý vị trữ tình của sự vật trong cảnh.

Hai câu thơ sau:

Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương.

(Ngẩng đầu ngắm vầng trăng sáng

Cúi đầu nhớ quê hương.)

Ngẩng đầu nhìn trăng sáng

Cúi đầu nhớ cố hương.

+ Hai câu sau tình dâng trào cuồn cuộn để đọng lại thành nỗi sầu nhớ thương qua cụm từ: nhớ cố hương.

+ Cảnh được thể hiện như thế nào? Ngẩng đầu nhìn trăng sáng cả bầu trời cao lồng lộng và một vầng trăng sáng trong vằng vặc thanh tĩnh hiện ea trước mắt người đọc. Một đêm trăng thật đẹp song cũng thật cô đơn.

+ Mối quan hệ giữa cảnh và tình: Cảnh và tình trong bài thơ có mối liên hệ nhân quả, sự tác động qua lại. Vì trăng đẹp quá mà nhớ quê trằn trọc thao thức không ngủ được. Càng thao thức không ngủ càng thấy trăng đẹp hơn.

Tuy nhiên với bài thơ này, nói xúc cảnh sinh tình không đủ. Tình ở đây là nhân mà cũng là quả. Vì sao? Vì nhớ quê, trằn trọc thao thức không ngủ được nhìn trăng. Nhìn trăng lại càng nhớ quê nhiều hơn.

2. Tuy không phải là bài thơ Đường luật song Tĩnh dạ tứ cũng sử dụng phép đối.

a. So sánh về mặt từ loại của các chữ tương ứng ở hai câu cuối để bước đầu hiểu thế nào là phép đối.

b. Phân tích tác dụng của phép đối ấy trong việc biểu hiện tình cảm quê hương của tác giả.

Trả lời:

Không phải là một bài thơ Đường luật. Tĩnh dạ tử của Lí Bạch là một bài cổ tuyệt (tứ tuyệt cổ phong) nhưng cũng sử dụng phép đối".

“Cử đầu vọng minh nguyệt

Đê đầu tư cố hương.”

Ở đây “cử đầu” đối với “đê đầu” và “vọng minh nguyệt” đối với “tư cố hương”. Đúng là số lượng chữ của các bộ phận tham gia đối bằng nhau, cấu trúc ngữ pháp của các bộ phận tham gia đối giống nhau và từ loại của các chữ tương ứng ở hai vế giống nhau, cần chú ý chỉ trong thơ cổ thể, “đầu” mới đối được với “đầu" (đối trùng thanh), còn trong thơ Đường luật thì không thể đối như thế được.

Tác dụng cửa phép đối ở đây nhằm biểu hiện cụ thể và sinh động tình cảm quê hương.

Trước khi “ngẩng đầu” tác giả đã “cúi đầu” vì có “cúi đầu” mới ngỡ ánh trăng là sương phủ mặt đất. Từ chỗ chỉ thấy ánh trăng ấy, ông đã “ngẩng đầu” để nhìn thấy cả bản thân vầng trăng. Và khi thấy vầng trăng cũng như mình cô độc lạnh lẽo, lập tức tác giả lại “cúi đầu" để suy ngẫm về quê hương. Các cử động “cúi đầu, ngẩng đầu, cúi đầu” liên tục ấy thể hiện sinh động cụ thể hoạt động của tư duy và cảm xúc nói rõ hơn là của tình cảm quê hương.

3. Dựa vào bốn động từ nghi (ngỡ là), cử (ngẩng), đê (cúi) và tư (nhớ) để chỉ ra sự thống nhất, liền mạch của suy tư, cảm xúc trong bài thơ.

Trả lời:

Bài thơ ngắn chỉ gồm 20 chữ mà có tới 5 động từ: nghi (ngỡ), cử (ngẩng), vọng (nhìn), đê (cúi), tư (nhớ). Thực ra nếu theo dõi thứ tự của bốn động từ này, chúng ta có thể nhận ra mạch cảm xúc của bài thơ. Bốn động từ đều bị lược đi chủ thể hành động nhưng có thể dễ dàng khẳng định, chủ thể trữ tình, chủ thể hành động ở đây chính là tác giả. Năm động từ tạo thành một mạch cảm xúc vận động rất nhanh, có thể hiện thực hoá lại bằng văn xuôi như sau: nhân vật trữ tình (nhà thơ) tỉnh dậy (hoặc đang mơ màng ngủ) thì nhận ra ánh sáng đang lọt qua khe cửa, ngỡ ngàng vì không biết là sương hay là trăng, nhà thơ ngẩng lên như là một hành động để mà xác nhận. Nhưng rồi chính cái khoảnh khắc ngẩng đầu kia lại gợi về trong lòng tác giả nỗi niềm của người xa xứ. Hành động cúi đầu như là đang cố nén đi cái cảm xúc mãnh liệt đang trào dâng.

Tĩnh dạ tứ với những từ ngữ giản dị mà tinh luyện.Bài thơ đã thể hiện một cách nhẹ nhàng mà thấm thía tình quê hương của một người sống xa nhà trong đêm trăng thanh tĩnh.