Phân tích câu tục ngữ: Lá lành đùm lá rách.

Ngày nay câu tục ngữ không bó hẹp trong gia đình, làng xã, nó chính là lòng nhân đạo giữa người với người trong thế giới này. Câu tục ngữ nhăm nhắc nhở mọi người hãy sống vì lòng nhân ái, vì người khác để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.


     Tình cảm tương thân tương ái là một đặc điểm nổi bật trong quan niệm sống của người xưa. Bên cạnh những câu tục ngữ ca dao thông dụng như: Thương người như thể thương thân, Nhiễu điều phủ lấy giá gương... Nhân dân ta vẫn thường nhắc nhở nhau “lá lành đùm lá rách”. Đó là những bài học đạo lý làm người của những người cùng trong một nước, phải biết yêu thương đùm bọc lẫn nhau.

Câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách” gợi một hình ảnh quen thuộc, bình thường trong cuộc sống: chiếc bánh trưng, bánh ú ta thường thấy lá rách thì gói ở bên trong, còn bao bọc bên ngoài những lá lành lặn. Từ thực tế như vậy ta liên tưởng đến con người. Lá lành là tượng trưng cho những người có cuộc sống sung túc đầy đủ về vật chất. Còn lá rách là những cảnh đời nghèo khổ bất hạnh rủi ro. Trong cuộc sống họ không gặp nhiều may mắn. Nếu như những cuộc đời này, những con người này không được xã hội giúp đỡ thì có lẽ họ không bao giờ cải thiện được hoàn cảnh sống. Do vậy thương người như thể thương thân là lẽ tất yếu. Những người có cuộc sống hạnh phúc ấm no, đầy đủ về vật chất cần nhường cơm sẻ áo cho những người có hoàn cảnh đặc biệt. Đây chính là truyền thống tốt đẹp mà cha ông để lại.

Trong cuộc sống không có ai sống lẻ loi một mình, họ phải có một quan hệ từ gia đình, làng xóm đến xã hội. Tuy lành hay rách cũng là lá, tuy “giàu sang” hay “nghèo hèn” cũng là con người. Những chiếc lá kia vô tri vô giác mà chúng còn biết che chở cho nhau huống chi con người. Do đó việc đùm bọc thương yêu nhau phải là một thái độ sống, phương châm sống của người. Sống với nhau phải biết cảm thông giúp đỡ lẫn nhau thì mới tạo được tình đoàn kết tương thân tương ái. Đây là cơ sở, là nền tảng để xây đựng một xã hội tốt đẹp. Giúp đỡ mọi người cũng chính là giúp đỡ mình mình vì mọi người, mọi người vì mình. Chẳng thế mà trong chiến tranh, trong thiên tai dân tộc ta đã làm tốt việc một miếng khi đói bằng một gói khi no. Thế nhưng giúp đỡ đùm bọc người khác phải dựa trên tình cảm trong sáng, tốt đẹp, không phải là sự bố thí coi khinh.

Bên cạnh đó còn một số kẻ sống thiếu lòng nhân ái, quay lưng lại với cảnh màn trời chiếu đất của đồng bào, đồng chí. Những hạng người này đáng lên án. Câu tục ngữ nêu bật một truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, đó chính là lòng nhân ái bao la, con người chỉ sống tốt với nhau bằng lòng yêu thương mà thôi.

Ngày nay câu tục ngữ không bó hẹp trong gia đình, làng xã, nó chính là lòng nhân đạo giữa người với người trong thế giới này. Câu tục ngữ nhăm nhắc nhở mọi người hãy sống vì lòng nhân ái, vì người khác để xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.

Trích: TimDapAn.com


Bài học bổ sung


Bài giải liên quan