Ông lão nhân hậu trang 108 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều
Vì sao cô bé buồn, ngồi khóc một mình? Ai đã khen cô bé? Vì sao cô bé sững người khi nghe bác bảo vệ nói về ông cụ? Theo em, sự động viên của ông cụ có tác dụng gì đối với cô bé?
Phần I
Bài đọc:
Ông lão nhân hậu
Có một cô bé đăng kí tham gia đội đồng ca thành phố những không được nhận. Cô bé rất buồn, ngồi khóc một mình trong công viên. Cô tự hỏi: “Tại sao mình không được nhận? Chẳng lẽ mình hát tồi thế sao?”. Rồi cô hát khe khẽ, hết bài này đến bài khác. Bỗng có ai đó khen: “Cháu hát hay quá!”.
Cô bé ngẩn người. Người vừa khen cô là một ông cụ tóc bạc. Ông cụ nói xong thì đứng dậy, chậm rãi bước đi.
Hôm sau, khi đến công viên, cô bé đã thấy ông cụ ngồi ở chiếc ghế hôm trước, mỉm cười chào cô. Cô bé lại hát. Ông cụ chăm chú lắng nghe rồi vỗ tay, nói: “Cảm ơn cháu bé. Cháu hát hay lắm!”.
Nhiều năm trôi qua. Cô bé đã trở thành ca sĩ nổi tiếng. Một hôm, cô trở lại công viên tìm cụ già nhưng chỉ thấy chiếc ghế trống không. Bác bảo vệ ở công viên nói với cô: “Ông cụ mới mất. Cụ bị điếc hơn 20 năm rồi.”.
Cô gái sững người. Thì ra, cụ già vẫn chăm chú lắng nghe và khen cô hát hay lại là một người từ lâu đã không còn nghe được nữa.
Theo HOÀNG PHƯƠNG
Phần II
Đọc hiểu:
Câu 1: Vì sao cô bé buồn, ngồi khóc một mình?
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Có một cô bé” đến “trong công viên”.
Lời giải chi tiết:
Cô bé buồn, ngồi khóc một mình vì cô bé đăng kí tham gia đội đồng ca thành phố nhưng không được nhận.
Câu 2
Câu 2: Ai đã khen cô bé?
Phương pháp giải:
Em đọc từ “Cô tự hỏi” đến “chậm rãi bước đi”.
Lời giải chi tiết:
Một ông cụ tóc bạc đã khen cô bé.
Câu 3
Câu 3: Vì sao cô bé sững người khi nghe bác bảo vệ nói về ông cụ?
Phương pháp giải:
Em đọc đoạn cuối cùng của bài đọc.
Lời giải chi tiết:
Cô bé sững người khi nghe bác bảo vệ nói về ông cụ vì giờ cô mới nhận ra rằng cụ già vẫn chăm chú lắng nghe và khen cô hát hay lại là một người từ lâu đã không còn nghe được nữa, đã bị điếc hơn 20 năm.
Câu 4
Câu 4: Theo em, sự động viên của ông cụ có tác dụng gì đối với cô bé?
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và nói lên cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Theo em, sự động viên của ông cụ đã trở thành động lực để cô bé phấn đấu trở thành một ca sĩ.
Phần III
Luyện tập:
Câu 1: Tìm trong bài đọc một câu thể hiện cảm xúc của nhân vật (câu cảm).
Phương pháp giải:
Em đọc kĩ bài đọc để hoàn thành bài tập.
Lời giải chi tiết:
Một câu thể hiện cảm xúc của nhân vật (câu cảm) trong bài đọc là:
- Cháu hát hay quá!
- Cháu hát hay lắm!
Câu 2
Câu 2: Đặt một câu cảm để bộc lộ cảm xúc của em về câu chuyện Ông lão nhân hậu hoặc các nhân vật trong câu chuyện.
Phương pháp giải:
Em suy nghĩ và đặt câu thể hiện cảm xúc của mình.
Lời giải chi tiết:
Đặt một câu cảm để bộc lộ cảm xúc của em về câu chuyện Ông lão nhân hậu hoặc các nhân vật trong câu chuyện.
- Câu chuyện Ông lão nhân hậu rất hay và cảm động!
- Ông lão trong câu chuyện thật tốt bụng!
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Ông lão nhân hậu trang 108 SGK Tiếng Việt 3 tập 1 Cánh diều timdapan.com"