Những vết đinh trang 14 SGK Tiếng Việt 4 tập 1 Cánh diều

Những vết đinh. Người cha dạy con trai kiểm soát nóng tính bằng cách nào. Khi cậu bé đã kiềm chế được tính nóng nảy, người cha bảo cậu làm gì. Em hiểu "vết đinh" trong câu " dù con đã nhổ đinh đi, vết đinh vẫn còn." chỉ điều gì. Hãy nói về một lần em giận dỗi hoặc cáu kỉnh với ai đó. Nêu suy nghĩ của em về việc ấy


Phần I

Bài đọc:

Những vết đinh 

Có một cậu bé nọ tính hay cáu kỉnh. Cha cậu bèn đưa cho cậu một túi đinh và bảo: 

- Mỗi lần con cáu kỉnh với ai, con hãy đóng một cái đinh lên hàng rào gỗ.

Ngày đầu tiên, cậu bé đã đóng 15 cái đinh lên hàng rào. Nhưng sau vài tuần, cậu đã biết kiềm chế những cơn nóng giận, số đinh cậu đóng trên hàng rào ngày một ít đi. Cậu nhận thấy kiềm chế cơn giận còn dễ hơn là phải đóng một cái đinh lên hàng rào. 

Đến một hôm, cậu đã không còn cáu giận với ai trong suốt cả ngày. Cậu thưa với cha. Người cha bảo:

- Sau một ngày mà con không hề cáu giận ai, con hãy nhổ một cái đinh ra khỏi hàng rào. 

Ngày lại ngày trôi qua, rồi cũng đến một hôm cậu bé hãnh diện khoe với cha rằng không còn một cái đinh nào trên hàng rào. Cha liền dẫn cậu đến bên hàng rào bảo:

- Con đã làm mọi việc rất tốt. Nhưng hãy nhìn lên hàng rào: Dù con đã nhổ đinh đi, vết đinh vẫn còn. Nếu con xúc phạm ai đó trong cơn giận, lời xúc phạm của con cũng giống như những vết đinh này: Chúng để lại những vết thương khó lành trong lòng người khác và cả trong lòng con nữa. Mà vết thương tinh thần còn tệ hơn những vết đinh rất nhiều. 


Phần II

Đọc hiểu:

Câu 1:

Người cha dạy con trai kiểm soát nóng tính bằng cách nào? 

Phương pháp giải:

Em đọc kĩ bài đọc để trả lời câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

Người cha dạy con trai kiểm soát nóng tính bằng cách đưa cậu một túi đinh và bảo cậu mỗi khi cáu kỉnh đóng một chiếc đinh lên hàng rào. 


Câu 2

Khi cậu bé đã kiềm chế được tính nóng nảy, người cha bảo cậu làm gì? 

Phương pháp giải:

Em đọc bài đọc để hoàn thành bài tập. 

Lời giải chi tiết:

Khi cậu bé đã kiềm chế được tính nóng nảy, người cha bảo cậu nhổ một chiếc đinh sau một ngày không cáu kỉnh với ai. 


Câu 3

Em hiểu "vết đinh" trong câu " dù con đã nhổ đinh đi, vết đinh vẫn còn." chỉ điều gì? 

Phương pháp giải:

Em dựa vào bài đọc để trả lời. 

Lời giải chi tiết:

Em hiểu "vết đinh" trong câu " dù con đã nhổ đinh đi, vết đinh vẫn còn." chỉ việc nếu xúc phạm ai đó trong cơn giận thì lời xúc phạm cũng như những vết đinh để lại vết thương khó lành trong lòng người khác.


Câu 4

Hãy nói về một lần em giận dỗi hoặc cáu kỉnh với ai đó. Nêu suy nghĩ của em về việc ấy.

Phương pháp giải:

Em tự liên hệ bản thân để hoàn thành bài tập. 

Lời giải chi tiết:

Ví dụ về một lần cáu giận như: 

Lần cáu giận gần đây nhất của em là đối với mẹ. Đến giờ, em đang rất ân hận vì mình đã hành động như vậy. Hôm đó, em có đi qua một cửa hàng bán quần áo, vô tình một chiếc áo đã thu hút sự chú ý của em, chiếc áo mới đẹp làm sao! Tối đó mẹ đi làm về, ngay lập tức em sà vào và hỏi mẹ chuyện mua áo. Mẹ đã từ chối với lí do em đang có nhiều quần áo và việc mua ấy là không cần thiết. Em cảm thấy rất buồn nên đã không ăn cơm. Đến hôm sau, em vẫn giận mẹ. Em không hiểu mẹ phải đi làm lụng vất vả. Em chỉ biết mình không có áo mới nên không nói chuyện với mẹ nữa. 

Em đã quên mình giận trong bao lâu nhưng giờ nhìn lại em mới thấy mình vòi vĩnh làm sao. Chỉ vì sự ích kỉ cá nhân mà em đã không hiểu cho nhọc nhằn của mẹ và hoàn cảnh gia đình. Em rất ân hận, vì vậy cần biết đặt mình vào hoàn cảnh của bố mẹ để thấu hiểu và không còn là đứa trẻ ích kỉ, nhỏ nhen như thế.