Người ấy (bạn, thầy, người thân,...) sống mãi trong lòng tôi (Bài tham khảo số 7)

Người ấy (bạn, thầy, người thân,...) sống mãi trong lòng tôi


Theo ông ngoại đi thăm nước Triệu Voi

          Ông ngoại tôi chỉ có một người con. Đó là mẹ tôi. Năm 2000, bà ngoại qua đời. Ba năm sau, bố mẹ tôi đón ông ngoại về ở với các cháu.

          Ông là sĩ quan quân đội, từ những năm 1952 – 1976, ông tôi sống và chiến đấu ở chiến trường Lào, ba lần bị thương. Ông nói được tiếng Lào, tiếng Mẹo,... về hưu với hàm trung tá.

          Hè năm 2008, ông nói với bố mẹ tôi:

      - Ông đã bước sang tuổi 75, ông muốn trở lại thăm Viên Chăn và Luang Prabang một chuyến. Nhân dịp nghỉ hè ông cho hai anh em cháu Khánh và cháu Huệ cùng đi. Tiền nong ông đã chuẩn bị chu đáo. Cả đi lẫn về trong hai tuần.

          Đường ô tô đi lại rất thuận tiện. Ông mang theo nhiều giấy tờ cũ và Huân chương của Nhà nước Lào tặng ông, đến đâu ba ông cháu cũng được đón tiếp vồn vã, thân tình. Ở lại chơi Viên Chăn 3 ngày đêm. Thủ đô Lào đông vui, phố xá sầm uất, siêu thị và chợ búa tấp nập. Cảnh quan ở đâu cũng sạch, đẹp và thanh bình. Chùa chiền mọc lên khắp mọi nơi. Hình ảnh những nhà sư mặc áo vàng đi khất thực đủ lứa tuổi, có những vị sư chỉ độ 10, 11 tuổi, thong thả, lặng lẽ bước đi. Anh Khánh nói với ông: “Nếu được sinh trưởng ở Lào, cháu cũng đến chùa học làm sư" Ông chỉ cười.

          Thăm lại một số bản Lào, bà con đón tiếp ba ông cháu như những người thân đi xa lâu ngày mới về thăm quê hương. Các bạn nhỏ vui vẻ chuyện trò, (ông phải phiên dịch), nắm tay dẫn đi chơi suối, đi leo núi, đi thăm chùa chiền, đi vào các trường học.

          Từ Viên Chăn lên Luang Prabang, ba ông cháu đi bằng thuyền máy theo sông Mê-kỏng và sông Nậm Khan. Đôi bờ sông xanh ngắt một màu, đẹp và lạ là những hàng cây thốt nốt, trái trĩu cành, lần đầu hai anh em mới nhìn thấy. Bến sông nào cũng đông vui. Hình ảnh những con voi huơ vòi hoặc phun nước nô đùa với lũ trẻ con trông thật ngộ nghĩnh. Các chú này ngồi vắt vẻo trên bành voi, vừa lắc lư vừa thổi khèn. Ông kể cho các cháu nghe bao chuyện về con voi: voi tải đạn, voi kéo pháo, voi chở lương, voi chuyển thương binh. Con voi rất tình nghĩa, được nuôi dưỡng và chăm bẵm như một chiến sĩ, một đồng chí cùng đồng cam cộng khổ, cùng vào sinh ra tử cùng bộ đội. Có chiến sĩ - quản tượng hi sinh, đêm nào con voi  cũng gầm lên ai oán, nó bỏ ăn, nó đi ra rừng đứng lặng trước nấm mồ liệt sĩ. Ngày đánh Xiêng Khoảng, con voi ấy bị trúng đạn đại bác giặc. Nó quằn quại nhiều giờ rồi tắt thở. Cả đơn vị của ông, ai cũng khóc và thương tiếc.

          Vào một buổi chiều cuối tháng 6-2008, ba ông cháu đã đến Luang Prabang là Kinh đô Lào trong khoảng 500 năm về trước với hơn 30 cung điện, 40 chùa chiền miếu mạo cổ kính. Màu vàng son toả lấp lánh, tráng lệ. Cây xanh, bóng mát bao phủ hoàng cung, mái chùa, vườn chùa, con đường,... gợi lên một không khí yên vui, thanh bình, êm đềm thơ mộng.

          Chùa Wat Xiêng Thoong xây dựng từ thế kỉ XVI, được UNESCO công nhận là di sản Văn hoá thế giới vào năm 1995. Wat Xiêng Thoong có nghĩa là Thành Phố Vàng. Hai lớp mái chùa nối tiếp chồng lên nhau uốn cong. Trên đỉnh mái chùa có nhiều phù điêu uốn cong, mềm mại như những bàn tay vũ nữ chụm lại chĩa thẳng lên trời. Mái chùa thẫm màu nâu. Cửa lộng mở bốn phía. Ánh nến lay động, chập chờn. Có hàng trăm, hàng nghìn tượng Phật bằng gỗ, bằng đồng, bằng vàng, bàng bạc. Hoạ tiết, phù điêu, cửa chùa,... đều được chạm khắc, trang trí tuyệt tinh vi, lấp lánh. Bước vào chùa Thành Phố Vàng, em cảm thấy như lạc vào thế giới cố tích. Hình ảnh những nhà sư áo vàng lặng lẽ, tiếng chim tăng ló véo von, tiếng chuông chùa như tiếng vàng tiếng ngọc ngân rung trong bóng chiều đã thấm sâu vào tâm hồn, mãi mãi trở thành kí ức tuổi thơ.

          Ông đã đưa hai cháu đi thăm thác nước Kuang Si cách trung tâm cố đô Luang Prabang 29km. Nước thác trong xanh như ngọc. Thác đã tạo ra nhiều tầng bể bơi mà bốn phía toả bóng cổ thụ xanh um, cao vút hàng trăm năm tuổi. Có rất nhiều du khách bơi lội, tắm mát và ngồi chơi ngắm thác tuôn ào ào. Núi Phú Sĩ có đỉnh “Núi Nàng”, “Núi Chàng,” ấn hiện trong bóng hoàng hôn, được ngồi bành voi càng ngắm càng mê say. Nhiều du khách cầm ống kính, hoặc ngồi trên hoặc đi lại ngắm núi ngắm thác, ghi lại bao cảnh tuyệt vời nơi đây.

          Chợ đêm ở Luang Prabang họp từ chập tối đến nửa đêm. Có nhiều Tây-ba-lô. Có nhiều người Thái Lan. Xinh nhất là các thiếu nữ Lào, với bộ váy màu (xa-rông) sặc sỡ, mua bán chào hỏi xởi lởi, tiếng nói ríu rít như chim. Áo quần, đồ chơi, đồ lưu niệm bày bán khắp nơi. Nhiều hàng ăn thơm phức, dập dìu thực khách vào ra. Anh Khánh đã mua một con voi bằng gỗ trầm hương tuyệt mĩ. Ông mua cho cháu gái một cái túi màu cực xinh, mua cho mẹ em một cái hộp gỗ đựng đồ nữ trang rất đẹp.

          Trở lại Viên Chăn, ba ông cháu đi bằng thuyền độc mộc. Tiếng chim tăng ló véo von từ các cù lao trên sông vọng đến. Tiếng trống, tiếng hát múa lăm-vông từ các bản xa nghe rộn ràng. Trăng thượng tuần soi xuống dòng sông, làn sóng óng ả óng ánh, ngắm mãi không bao giờ chán.

          Tạm biệt chiến trường xưa, đôi mắt ông - người lính già - ngấn lệ. Hai cháu nâng đồ lưu niệm lên đôi tay, nhìn dòng sông Lào mà bâng khuâng, man mác. Đàn chim tăng ló dập dìu bay như lưu luyến tiễn đưa. Ông hỏi hai cháu có còn nhớ câu thơ của Bác Hồ. Rồi ông khẽ đọc lên:

“ Việt Lào hai nước chúng ta,

Tình sâu hơn nước Hồng Hà - Cửu Long ”

          Ông em đang sống lại những ngày khói lửa trên đất nước Triệu Voi.

Bài giải tiếp theo