Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng

Mùa lá rụng trong vườn - Ma Văn Kháng bao gồm tóm tắt nội dung chính, lập dàn ý phân tích, bố cục, giá trị nội dung, giá trị nghệ thuật cùng hoàn cảnh sáng tác, ra đời của tác phẩm và tiểu sử, quan điểm cùng sự nghiệp sáng tác phong cách nghệ thuật giúp các em học tốt môn văn 12


I. Tác giả

1. Tiểu sử

- Ma Văn Kháng tên thật là Đinh Trọng Đoàn, ông sinh năm 1936 tại Đống Đa – Hà Nội.

- Trong kháng chiến chống Mĩ, ông đến vùng cao miền Bắc để dạy học

- Năm 1976, ông chuyển về Hà Nội và giữ nhiều chức vụ quan trọng trong ngành báo chí, văn học nước nhà,...

2. Sự nghiệp văn học

a. Quan điểm sáng tác

    “Tôi đặt nhiều sự quan tâm vào giai đoạn lịch sử, đưa ra những vấn đề mang tính sử thi. Tôi quan niệm không có sử thi thì không có nền văn học dân tộc. Văn học phải có những tác phẩm khắc họa bước đi lớn của đất nước." 

b. Tác phẩm chính

     Các tác phẩm tiêu biểu của ông: “Mùa lá rụng trong vườn”, “Hoa gạo đỏ”, “Đồng bạc trắng hoa xòe”, “Mưa mùa hạ”, “Chim én liệng trời cao”,....

c. Phong cách nghệ thuật

     Phong cách nghệ thuật: kết hợp giữa tính hiện thực và tính nhân văn, giữa triết lí và trữ tình; quan tâm đến vấn đề giá trị đạo đức giữa biến động lớn lao của thời cuộc.


II. Tác phẩm

1. Tóm tắt

       Chị Hoài từng là dâu trưởng, vợ anh cả Tường liệt sĩ, trong nhà ông giáo Bằng. Sau đó chị đã có gia đình mới và sinh sống ở quê nhưng cả gia đình ông Bằng vẫn rất yêu quý chị. Nhận được thư ông Bằng kể về truyện Cừ bỏ trốn ra nước ngoài, chị thu xếp lên với nhà chồng cũ vào chiều 30 Tết. Thấy chị, những người em chồng đều mừng rỡ, tay bắt mặt mừng. Chị ân cần hỏi han từng người và đem quà quê biếu gia đình. Ông Bằng đang chuẩn bị cúng bữa cơm tất niên. Cả ông Bằng và chị Hoài đều rưng rưng xúc động, không ngăn được dòng nước mắt. Sau những lời hỏi thăm ân cần, ông Bằng chắp tay thành kính cúng tổ tiên. Dòng tâm tư và lời khấn vái của ông bày tỏ tấm lòng tri ân với tiên tổ, kết nối quá khứ với hiện tại. Ông Bằng vừa cúng xong, Hoài liền thế chân ông cụ bái lạy tiên tổ. Sau lễ cúng, mọi người hân hoan ngồi vào mâm cơm chiều 30 Tết, một mâm cơm sung túc, đủ đầy với đủ các món ăn truyền thống và thêm cả những món cầu kì do cô Lí chuẩn bị.

2. Tìm hiểu chung

a. Xuất xứ và hoàn cảnh ra đời

- Truyện trích trong phần II của tiểu thuyết cùng tên.

- Tác phẩm ra đời khi Ma Văn Kháng trở về Hà Nội và đất nước có những bước chuyển mình sau chiến tranh. Công cuộc đổi mới đó có ảnh hưởng sâu sắc tới từng gia đình – tế bào của xã hội.

b. Vị trí, tầm ảnh hưởng của tác phẩm

 Tác phẩm đạt giải thưởng của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986.

3. Tìm hiểu chi tiết

a. Nhân vật chị Hoài

* Mang vẻ đẹp của người phụ nữ nông thôn giản dị, mộc mạc, đằm thắm và đôn hâu

- Vẻ đẹp ngọai hình: "người thon gọn trong cái áo lông trần hạt lựu. Chiếc khăn len nâu thắt ôm khuôn mặt rộng có cặp mắt hai mí đằm thắm và cái miệng cười rất tươi".

- Vẻ đẹp tâm hồn:

 + Thùy mị, nết na, sống tình cảm với mọi người: thái độ thân mật, vui vẻ, lời nói ấm áp.

 + Có quá khứ đáng trân trọng và khâm phục: Là dâu trưởng, vợ liệt sĩ.

 + Là người giàu tình nghĩa, thủy chung, son sắt: Tuy đã lập gia đình mới những vẫn lên thăm và mang quà cho nhà chồng cũ.

+ Là người phụ nữ bản lĩnh, đảm đang, biết vượt lên trên số phận: xây dựng gia đình mới, làm chủ nhiệm hợp tác xã,...

* Chị là mẫu người phụ nữ vẫn giữ được nét đẹp truyền thống quý giá trước những "cơn địa chấn" xã hội.

b. Cảnh sum họp trước giờ cúng tất niên

* Diễn biến tâm lí của ông Bằng và chị Hoài

- Ông Bằng:

+ Chuẩn bị tâm thế chỉn chu để cúng tất niên: “cố đi cho ngay ngắn”, phong thái “trang trọng, chỉnh tề hơn”; gương mặt “ánh lên cái cảm xúc…hai bên cằm”.

+ Bất ngờ và xúc động khi gặp lại chị Hoài: “sững lại”, “mắt ông chớp liên hồi…ông sắp khóc òa”, giọng rè rè, khàn đặc.

+ Yêu quý con dâu như ngày nào: ân cần hỏi han.

- Chị Hoài:

+ Xúc động sâu sắc khi gặp lại ông Bằng: “không chủ động được mình”, “lao về phía ông Bằng…hai hàng gạch hoa”, thốt lên tiếng chào như tiếng nấc.

+ Mừng rỡ, bồi hồi kể cho ông nghe về gia đình hiện tại của mình.

* Tình cảm gia đình vẫn sâu nặng như xưa: vẫn luôn quan tâm, chia sẻ và lo lắng cho gia đình này như trước. Đó là tấm lòng của những người có ý nghĩa như trụ cột. Họ có tình cảm đẹp, bền chặt và lối ứng xử đẹp.

* Lưu giữ được nét đẹp văn hóa truyền thống: Thờ cúng tổ tiên một cách trịnh trọng và trang nghiêm.

c. Giá trị nội dung

    Thông qua câu chuyện xảy ra trong gia đình ông Bằng, một gia đình nề nếp, luôn giữ gia pháp nay trở nên chao đảo trong những cơn địa chấn từ bên ngoài, nhà văn bày tỏ niềm lo lắng sâu sắc cho giá trị truyền thống trước những đổi thay của thời cuộc.

d. Giá trị nghệ thuật

- Nghệ thuật miêu tả tâm lí nhân vật sinh động, hấp dẫn

- Nghệ thuật dẫn truyện tự nhiên

- Nghệ thuật khắc họa nhân vật tài tình

- Nghệ thuật dựng cảnh chân thực, tinh tế.