Soạn bài Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh (chi tiết)

Luyện tập sử dụng một số biện pháp nghệ thuật trong văn bản thuyết minh


Phần I

HƯỚNG DẪN CHUẨN BỊ Ở NHÀ

1. Viết dàn ý cho đề bài: Thuyết minh giới thiệu một trong các đồ dùng: cái quạt, cái bút, cái kéo, cái nón.

2. Viết đoạn văn Mở bài cho bài văn với đề bài trên.

Lời giải chi tiết:

Gợi ý: Dàn bài đáp ứng một số yêu cầu sau

- Nội dung thuyết minh:

+ Lập dàn ý theo bố cục ba phần

+ Nêu được công dụng, đặc điểm cấu tạo, lịch sử của vật lựa chọn làm đối tượng thuyết minh

- Hình thức thuyết minh:

+ Sử dụng các biện pháp thuyết minh thông dụng

+ Vận dụng các biện pháp nghệ thuật để tạo sức hấp dẫn cho văn bản thuyết minh (nhân hoá, so sánh, miêu tả, kể chuyện,…)


Phần II

HƯỚNG DẪN LUYỆN TẬP TRÊN LỚP

1. Trình bày dàn ý trước tổ, trước lớp; đọc đoạn văn Mở bài.

2. Trao đổi, tham khảo các dàn ý của các bạn, lắng nghe nhận xét của thầy, cô giáo rồi tự điều chỉnh dàn ý của mình.

3. Đọc các bài văn sau và nhận xét về nội dung thuyết minh, cách thức thuyết minh:

HỌ NHÀ KIM

      Trong mọi dụng cụ của con người, có lẽ chúng tôi thuộc loại bé nhất. Tuy bé nhưng nhà ai cũng cần đến. Các bạn có biết chúng tôi là ai không? chúng tôi là cái kim khâu, bằng kim loại, bề ngang độ nửa li, bề dài khoảng hai ba phân, một đầu nhọn, một đầu tù, có lỗ chôn để sâu chỉ. Kim phải cứng mới dùng được. Khi đứt cúc, sứt chỉ thế nào cũng có tôi thì mới xong.

      Tôi có từ lúc nào, không rõ lắm, nhưng chắc chắn là rất xưa. Từ khi con người biết trồng bông dệt vải may áo, chắc là phải cần đến kim khâu để may áo. Làm ra cây kim lúc đầu hẳn là rất khó khăn, cho nên bây giờ mới có câu tục ngữ “mài sắt nên kim”.

      Họ nhà kim chúng tôi rất đông. Ngoài kim khâu vải may áo, còn có loại kim bé hơn để thêu thùa, lại có kim khâu trong khi mổ, kim to khâu giày, kim đóng sách,… Công dụng của kim là để luồn chỉ mềm qua các vật dày, mỏng để kết chúng lại. Thiếu chúng tôi thì nhiều nghành sản xuất gặp khó khăn đấy! Nghe nói từ cuối thế kỷ XVIII, một người Anh đã sáng chế ra máy khâu, nhưng máy vẫn cứ phải có kim thì mới khâu được!

      Cùng họ Kim chúng tôi còn có cây kim châm cứu. Nó bé mà dài, làm bằng bạc, dùng để chích vào huyệt nhằm chữa bệnh. Những cây kim của ông Nguyễn Tài Thu đã nổi tiếng thế giới!

      Họ kim lại còn có kim tiêm. Vẫn thân hình bé nhỏ, cứng cáp, có đầu nhọn, nhưng trong ruột lại rỗng, dùng để đưa thuốc chữa bệnh vào trong cơ thể con người. Khi ốm nặng, cần tiêm mà không có kim tiêm sạch thì nguy!

      Chúng tôi bé thật đấy, nhưng không tầm thường tí nào! Chúng tôi làm được những việc mà những kẻ to xác không làm được, có phải là rất đáng tự hào không?

                                                                 (Bài làm của HS)

CHUYỆN LẠ LOÀI KIẾN

      Trong các loài vật xung quanh ta có lẽ chẳng ai lạ gì con kiến. Thôi thì kiến vàng, kiến đen, kiến lửa… ai mà chẳng biết? Ấy thế nhưng mà kiến là một loài rất lạ!

      Cái lạ thứ nhất là kiến không có bộ não, không có mắt, không có tai, không có bộ phận máy phát âm, chỉ nhờ có xúc giác, thế mà cái gì nó cũng biết, lại còn lôi kéo cả đàn làm theo. Thức ăn, bánh kẹo, mật ong…. không cất cẩn thận thế nào nó cũng bu đến! Đặc biệt nó biết rõ thời tiết. Hễ động trời sắp mưa là nó biết ngay, lo tích thức ăn, bịt kín tổ kiến.

      Cái lạ thứ 2 là nó rất khoẻ. Mỗi con kiến có thể mang một trọng lượng nhiều gấp 40 lần trọng lượng cơ thể nó. Trên thế giới này hẳn không có loài vật nào có sức mạnh như thế. Đã thế kiến là loài vật ném không chết. Người ta ném con kiến từ độ cao gấp hàng nghìn lần cơ thể nó, vậy mà khi rơi xuống nó vẫn bình yên bì đi như không!

      Cái lại thứ ba: Kiến là một kiến trúc sư tài ba. Bạn đã có dịp thấy tổ kiến chưa? Nếu cắt ra mà xem mới thấy đó là một thành phố có nhiều nhà cao tầng, đường đi lối lại thông suốt, trong đó có cung vua, có hậu cung, có nhà trẻ, kho lương thực, có nhà chung cư! Ở châu Phi có tổ kiến hình trụ hoặc hình kim tự tháp cao mười mấy mét! Chất liệu làm tổ chỉ là đất với nước bọt của chúng mà tổ kiến rất chắc, dùng rìu chặt cũng không đứt!

      Cái lạ thứ tư: Kiến là loài vật dũng cảm và hung dư vào loại hiếm có. Nếu gặp địch thủ, dù to lớn thế nào, kiến đều xông vào chiến đấu, không sợ hy sinh, cho đến khi hạ gục đối thủ, hoặc là ăn ngay tại trận, hoặc là mang về tổ. Ở châu Mĩ nhiều người bị kiến tấn công, tiêm nọc độc rồi trong chớp mắt, đàn kiến đông bu lại ăn hết thịt!

      Kiến là động vật có hại, vì nó nuôi rệp, lại hay làm tổ ở chân đê gây vỡ đê khi lũ. Nhưng cũng có nơi lấy kiến làm thức ăn, nghe nói giá trị dinh dưỡng gấp ba lần thịt bò!

      Vấn đề đặt ra là cần nghiên cứu loài kiến để hạn chế tác hại, lợi dụng các khả năng của chúng nhằm mưu lợi cho con người.

(Dựa theo Bách khoa loài vật)

Lời giải chi tiết:

Gợi ý:

- Về nội dung thuyết minh:

+ Chủ đề thuyết minh của văn bản là gì?

+ Văn bản đã giới thiệu, trình bày về đối tượng với những nội dung nào? Có đầy đủ và sâu sắc không?

- Về phương pháp thuyết minh:

+ Văn bản đã sử dụng các biện pháp thuyết minh thông dụng nào?

+ Văn bản có kết hợp sử dụng các biện pháp nghệ thuật không? Đó là những biện pháp nào? Phân tích tác dụng của các biện pháp nghệ thuật.

Bài giải tiếp theo



Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến