Phong trào cách mạng 1930-1931 với đỉnh cao Xô viết Nghệ Tĩnh - Lịch sử 9

Phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ từ năm 1929 trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam.


Phong trào đấu tranh của quần chúng đã bùng lên mạnh mẽ từ năm 1929 trên cả ba miền Bắc - Trung - Nam và đến năm 1930 - 1931 đã phát triển tới đỉnh cao với sự ra đời của Xô viết Nghệ - Tĩnh.

Từ tháng 2 -1930 đã nổ ra cuộc bãi công của 3 000 công nhân đồn điền cao su Phú Riềng. Tiếp đó, trong tháng 4 là các cuộc bãi công của 4000 công nhân nhà máy sợi Nam Định, của hơn 400 công nhân nhà máy diêm và nhà máy của Bến Thủy (Vinh), nhà máy xi măng Hải Phòng, hàng dầu Nhà Bè (Sài Gòn), đồn điền cao su Dầu Tiếng ở Thủ Dầu Một (nay thuộc tỉnh Bình Dương),... Phong trào đấu tranh của nông dân đã diễn ra ở nhiều địa phương như Hà Nam, Thái Bình, Nghệ An, Hà Tĩnh... Truyền đơn, cờ đỏ búa liềm của Đảng Cộng sản Việt Nam đã xuất hiện trên các đường phố Hà Nội và ở một số địa phương khác.

Phong trào đấu tranh đặc biệt mạnh mẽ từ tháng 5. Nhân ngày Quốc tế Lao động (1 - 5 - 1930), lần đầu tiên công nhân và các tầng lớp nhân dân Đông Dương tỏ rõ dấu hiệu đoàn kết với vô sản thế giới và biểu dương lực lượng của mình. Từ thành phố đến nông thôn trong cả nước, đã xuất hiện nhiều truyền đơn. Cờ Đảng, mít tinh, bãi công, biểu tình, tuần hành v.v... Các cuộc đấu tranh của công nhân đã nổ ra trong các xí nghiệp ở Hà Nội, Hải Phòng, Nam Định, Hòn Gai, Cẩm Phả, Vinh - Bến Thủy, Sài Gòn - Chợ Lớn, v.v...
Các cuộc đấu tranh của nông dân cũng nổ ra ở nhiều địa phương thuộc các tỉnh Thái Bình, Hà Nam, Kiến An, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Bình Định và hầu như trên khắp các tỉnh Nam Kì.
Nghệ - Tĩnh là nơi phong trào phát triển mạnh mẽ nhất. Tháng 9 - 1930. phong trào công - nông đã phát triển tới đỉnh cao. Khẩu hiệu đấu tranh chính trị được kết hợp với các khẩu hiệu kinh tế. Các cuộc đấu tranh diễn ra quyết liệt, quần chúng tổ chức tuần hành thị uy, biểu tình có vũ trang tự vệ, tấn công vào cơ quan chính quyền địch ở địa phương.
Trước khí thế đấu tranh của quần chúng, bộ máy chính quyền của thực dân và phong kiến tay sai ở nhiều huyện bị tê liệt, ở nhiều xã bị tan rã. Các tổ chức Đảng ở địa phương đã kịp thời lãnh đạo quần chúng thực hiện quyền làm chủ. Các Ban Chấp hành nông hội xã do các chi bộ Đảng lãnh đạo đứng ra quản lí mọi mặt đời sống chính trị và xã hội ở nông thôn, làm nhiệm vụ của chính quyền nhân dân theo hình thức Xô viết. Lần đầu tiên ở một số huyện thuộc hai tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh.
Chính quyền cách mạng đã kiên quyết trấn áp bọn phản cách mạng, bãi bỏ các thứ thuế do đế quốc và phong kiến đặt ra, đồng thời thực hiện các quyền tự do dân chủ cho nhân dân, chia lại ruộng đất công cho nông dân, bắt địa chủ giảm tô, xóa nợ, khuyến khích nhân dân học chữ Quốc ngữ, bài trừ mê tín dị đoan và các hủ tục v.v... Các tổ chức quần chúng, từ những hình thức thấp như phường, ban, Hội tương tế, Hội thể dục đến các hình thức cao như Nông hội, Công hội, Hội phụ nữ giải phóng, Đoàn thanh niên phản đế, Hội học sinh, Hội cứu tế đỏ v.v..., đều phát triển mạnh. Việc tuyên truyền giáo dục ý thức chính trị cho quần chúng qua hội nghị, mít tinh, sách báo cách mạng được tổ chức rộng rãi. Mỗi làng đều có tổ chức các đội tự vệ vũ trang, nhờ đó trật tự trị an làng xóm được bảo đảm, nạn trộm cướp không còn.
Hoảng sợ trước phong trào quần chúng lên cao và trước ảnh hưởng của Đảng ngày càng lớn mạnh, thực dân Pháp đã tiến hành khủng bố cực kì tàn bạo. Chúng cho máy bay ném bom tàn sát đẫm máu cuộc biểu tình của nông dân huyện Hưng Nguyên Nghệ An) ngày 12 - 9 - 1930 ; điều động lính Pháp vá linh khố xanh về đóng chốt tại Vinh - Bến Thủy, cho quân đốt phá, triệt hạ làng mạc. Chúng còn ra sức sử dụng những thủ đoạn chia rẽ, dụ dỗ và mua chuộc. Nhiều cơ quan lãnh đạo của Đảng bị phá hoại, hàng vạn cán bộ, đảng viên và chiến sĩ yêu nước bị bắt, bị tù đày hoặc bị giết. Mặc bị kẻ thù dập tắt trong máu lửa, phong trào Xô viết Nghệ -Tĩnh đã chứng tỏ tinh thần oanh liệt và năng lực cách mạng của nhân dân lao động Việt Nam. Phong trào thất bại, song có một ý nghĩa lịch sử to lớn.




Bài học liên quan

Từ khóa phổ biến