Hướng dẫn cách viết bài văn trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề) mà em quan tâm lớp 6

1. Hướng dẫn phân tích đề bài - Dạng bài: nghị luận


Hướng dẫn phân tích đề bài

- Dạng bài: nghị luận

- Yêu cầu: trình bày ý kiến về một hiện tượng (vấn đề)

- Khái niệm cần làm rõ: Văn nghị luận là một dạng mà trong bài viết, người nói (tác giả) dùng chủ yếu các lý lẽ, các dẫn chứng sau đó lập luận chỉ ra những điểm nhấn, luận điểm nhằm xác định chỉ ra cho người đọc, người nghe thấy được những tư tường, quan điểm của tác giả gửi gắm vào bài viết.


Dàn bài chung

a. Mở bài: Giới thiệu hiện tượng (vấn đề) cần bàn luận

b. Thân bài: Đưa ra ý kiến bàn luận

- Nêu ý 1 (lí lẽ, bằng chứng)

- Nêu ý 2 (lí lẽ, bằng chứng)

- Nêu ý 3 (lí lẽ, bằng chứng)

c. Kết bài: Khẳng định lại ý kiến của bản th


Mẫu 1

Khoa học - công nghệ phát triển kéo theo rất nhiều mạng xã hội ra đời để phục vụ nhu cầu giải trí của con người. Một trong số đó là Facebook.

Facebook được tạo ra với mục đích giúp mọi người chia sẻ, gắn kết nhiều hơn. Nhưng việc quá lạm dụng nó đã khiến cho giới trẻ dần đi ngược lại với những mục tiêu ban đầu, trở thành hiện tượng “nghiện Facebook” gây ra nhiều tác hại cho con người.

"Nghiện Facebook” sẽ gây ra những tác hại xấu đến sức khỏe của con người. Việc liên tục sử dụng điện thoại hoặc máy tính trong nhiều giờ sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến mắt. Não bộ và khả năng sinh sản của con người cũng sẽ chịu tác động không hề nhỏ của sóng điện thoại…

Con người thường xuyên chia trên Facebook cũng sẽ dẫn đến việc bị lộ thông tin cá nhân, gây ảnh hưởng đến cuộc sống bình thường. Hoặc có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng, lừa gạt để tống tiền, bôi nhọ danh dự. Bên cạnh đó, nghiện Facebook khiến con người dần trở nên vô cảm với những mối quan hệ xung quanh mà thay vào đó là các liên kết ảo. Những biểu cảm, cảm xúc trong giao tiếp bị các biểu tượng trên Facebook thay thế. Con người dường như chỉ chú tâm đến lượt like và share ảo trên mạng xã hội. Ngoài ra, Facebook cũng dần sản sinh ra cụm từ “anh hùng bàn phím” để chỉ cư dân mạng, những người sẵn sàng nhảy vào đánh giá, phán xét về bất cứ cá nhân, sự việc nào đó dù không hề biết rõ vấn đề.

Đó là lý do tại sao, con người cần phải có các giải pháp để giới hạn những ảnh hưởng tiêu cực của việc nghiện Facebook. Sử dụng Facebook một cách lành mạnh và tỉnh táo. Chúng ta nên biết cách điều chỉnh thói quen và lối sống của mình, mở rộng các mối quan hệ thực tế, quan tâm đến những người xung quanh. Nên hạn chế truy cập mạng ảo một cách tỉnh táo và tránh sử dụng quá đà. Hãy trở thành người dùng thông minh để sử dụng ứng dụng này một cách có ích và đúng đắn.


Mẫu 2

Trong cuộc sống hiện đại ngày nay, vì nhiều nguyên nhân mà có những người sinh ra với một cơ thể không được lành lặn như bao người khác. Thế nên, chúng ta cần phải có những thái độ phù hợp đối với người khuyết tật.

Chúng ta cần phải đối xử bình đẳng với những người khuyết tật như bao người xung quanh mình. Không nên có sự xem thường hay ghét bỏ bởi vì những đặc điểm ngoại hình của họ. Bởi vì dù cơ thể có một chút khiếm khuyết nhưng điều đó chẳng chút nào ảnh hưởng đến trái tim và đạo đức của họ cả. Họ vẫn suy nghĩ và hành động như những người bình thường. Cũng có khát vọng, đam mê, vui buồn giống như chúng ta. Chính vì vậy, họ chính là những công dân bình thường, cần được chúng ta đối xử bình đẳng và tôn trọng.

Cùng với đó, chúng ta cũng cần biết yêu thương, chia sẻ và giúp đỡ những người khuyết tật. Bởi những khiếm khuyết về cơ thể sẽ gây cho họ những cản trở nhất định ở trong cuộc sống, như trong cách di chuyển, trò chuyện, diễn đạt. Là những người may mắn có cơ thể lành lặn, chúng ta nên giúp đỡ họ trong vòng khả năng của mình. Sự giúp đỡ ấy có thể đơn giản, nhưng nó có ý nghĩa vô cùng to lớn và quan trọng đối với những con người ấy. Chính sự khiếm khuyết về thể xác dễ khiến họ trở nên dè dặt, ái ngại và dễ tổn thương hơn. Thế nên, chúng ta càng phải thêm yêu thương họ, lắng nghe và chia sẻ với họ nhiều hơn.

Ngoài ra, chúng ta cũng cần phải để cho những người khuyết tật cơ hội được lao động, làm việc và cống hiến như những người bình thường tùy theo khả năng của họ. Những người khuyết tật sẽ có một vài khiếm khuyết trên cơ thể, nhưng họ không hề vô dụng, họ vẫn có thể làm được rất nhiều việc có ý nghĩa cho xã hội như bao người khác. Điều đó được thể hiện qua các sản phẩm thủ công do người khuyết tật làm ra, như tăm tre, mũ giấy… Điều đó chứng tỏ rằng những người khuyết tật hoàn toàn có thể tham gia lao động sản xuất. Vì vậy, hãy để họ được làm việc, được cống hiến như bao người thường khác.

Qua đó, chúng ta hiểu được rằng, cần phải có thái độ yêu thương, tôn trọng và đối xử bình đẳng với những người khuyết tật xung quanh mình.


Mẫu 3

“Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ” hay “Thương người như thể thương thân” từ lâu đã trở thành đạo lý của con người Việt Nam. Truyền thống tốt đẹp ấy luôn được đồng bào ta giữ gìn và phát huy. Thế nhưng ngày nay, bên cạnh những con người biết đồng cảm, chia sẻ, luôn nghĩ đến người khác còn có những kẻ thờ ơ, lãnh đạm, ích kỷ, chỉ nghĩ đến bản thân.

Bệnh này thể hiện ở chỗ không hề động lòng trước những nỗi đau của người khác, cũng như không hề phẫn nộ trước những tệ nạn xã hội xảy ra trước mắt. Con người hầu như trở nên vô tình trước cuộc sống của người khác, để “Mạnh ai nấy sống”, “Phải ai tai nấy”.

Ngày nay, học sinh chúng tôi có nhiều cơ hội học hỏi, trau dồi kiến thức hơn các thế hệ đi trước, nhiều trường công và trường tư mở ra để đào tạo những con người có tri thức, có đạo đức, hầu phục vụ cho nhân quần xã hội, dẫn đưa đất nước đến một nền văn minh tiên tiến, theo kịp đà tiến bộ của các nước trên thế giới. Nhưng thật đau lòng mỗi khi những hình ảnh vô cảm và thiếu đạo đức của giới trẻ được các phương tiện truyền thông đưa lên mặt báo hay chúng ta tận mắt chứng kiến những cảnh đau lòng. Chẳng hạn như các bạn nữ sinh đánh nhau, cởi đồ và xé áo bạn mình đang có nguy cơ trở thành một “phong trào” hay là học sinh đánh thầy cô giáo đến nỗi phải nhập viện. Điều đáng lên án là, khi chứng kiến các vụ việc trên, hầu hết các bạn đều dửng dưng, bàng quan như không thấy gì. Thay vì can ngăn, giải thích đúng sai, thì họ lại cổ vũ, ủng hộ hết mình cho những hành động vô đạo đức và thiếu văn hóa đó.