Giải Viết trang 51 bài tập phát triển năng lực Tiếng Việt 5

Điền tiếng có âm đầu là n hoặc l thích hợp với mỗi chỗ trống trong đoạn văn dưới đây. Bài văn trên tả cảnh gì. Cảnh vật được miêu tả theo trình tự nào. Hãy viết mở bài khác cho bài văn theo ý của em.


Câu 1

a) Điền tiếng có âm đầu là n hoặc l thích hợp với mỗi chỗ trống trong đoạn văn dưới đây.

Đứng từ trên cao nhìn xuống, thung .......... của người Thổ như một cái chảo khổng ......, viền chảo là dãy ....... ghé sát vai nhau cao ngất, lòng chảo có cánh đồng ............. xanh rì, có một con đường lớn đi qua và những ngôi nhà ....... dọc hai bên đường. Đó là một không gian rộng ............. có màu vàng của những bắp ngô đã bóc bẹ đang khoe mình dưới ánh ............... sớm.

(Theo Nguyên Bình)

b) Chọn tiếng trong ngoặc đơn điền vào mỗi chỗ trống trong đoạn văn dưới đây.

...............(Vườn/ Vường) rau của.......... (trườn/ trường) tôi mỗi........... (luốn/luống) do một lớp làm, cắm ............. (biển/ biểng) đề tên lớp để đánh dấu và chấm điểm thi đua. Mỗi lớp trồng một loại rau khác nhau. Lớp nào cũng cố ............. (gắn/ gắng) chăm sóc cho vườn rau tươi tốt. Ong bướm bay rập rờn dưới ............... (nắn/ nắng) và trên nền xanh của lá rau trông thật vui mắt.

Phương pháp giải:

a) Em đọc kĩ đoạn văn để tìm từ phù hợp.

b) Em đọc kĩ đoạn văn và các từ trong ngoặc kép để chọn từ phù hợp.

Lời giải chi tiết:

a)

Đứng từ trên cao nhìn xuống, thung lũng của người Thổ như một cái chảo khổng lồ, viền chảo là dãy núi ghé sát vai nhau cao ngất, lòng chảo có cánh đồng lúa xanh rì, có một con đường lớn đi qua và những ngôi nhà nhỏ dọc hai bên đường. Đó là một không gian rộng lớn có màu vàng của những bắp ngô đã bóc bẹ đang khoe mình dưới ánh nắng sớm.

b)

Vườn rau của trường tôi mỗi luống do một lớp làm, cắm biển đề tên lớp để đánh dấu và chấm điểm thi đua. Mỗi lớp trồng một loại rau khác nhau. Lớp nào cũng cố gắng chăm sóc cho vườn rau tươi tốt. Ong bướm bay rập rờn dưới nắng và trên nền xanh của lá rau trông thật vui mắt.


Câu 2

Đọc bài Plây-cu - mảnh đất của những dòng sông và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

PLÂY-CU – MẢNH ĐẤT CỦA NHỮNG DÒNG SÔNG

Cũng như Kon Tum, tuy ở độ cao hàng nghìn mét so với mực nước biển, nhưng không vì thế mà Plây-cu nghèo sông thiếu nước. 

Hàng trăm nhánh sông con trên tây bắc Plây-cu dồn nước đổ về sông Kơ-rông Pô-cô, đổ hoà vào sông Mê-kông. Phía nam Plây-cu là con sông Y-a-đrang với hàng chục sông nhỏ chở nặng phù sa. Ở đây, sông suối nằm trên độ dốc cao, tạo thành những thác nước mạnh: Là-lúp, Y-a, Tsa, Là-buck, Dron,... Đó chẳng những là nguồn thuỷ năng phong phú, mà còn là những nơi ngoạn cảnh thú vị. Phía đông của tỉnh được tô thắm màu xanh tươi mát của dòng sông Ba, với hệ thống chi nhánh chằng chịt của nó. Sông Ay-dun nổi tiếng thơ mộng với nhiều cảnh đẹp thiên nhiên quyến rũ. Nó nhập vào sông Ba qua những đoạn quanh co, thác đổ ầm ầm như đang giận dữ, và những khúc lững lờ êm trôi in bóng những chiếc thuyền xuôi ngược. Đó đây còn lưu lại những vết tích của những tháp Chàm cổ kính. Xuôi gần mạn Cheo Reo, ta gặp Tháp Y-ang-mun, Y-a-prong với những đền Chàm còn rõ nét nghệ thuật điêu khắc tinh vi. Những dấu vết còn lại ấy chứng tỏ cách đây nhiều thế kỉ, người Chiêm Thành xưa đã từng theo lũng sông Ba – con sông lớn nhất của miền Nam Trung Bộ – tiến sâu vào Tây Nguyên.

Từ thuở ấu thơ, những người dân Plây-cu đã sống trong bản hoà tấu hào hùng triền miên suốt ngày đêm vang động núi rừng của những dòng sông.

(Theo Ay Dung và Lê Tấn)

a) Bài văn trên tả cảnh gì?

b) Cảnh vật được miêu tả theo trình tự nào?

c) Hãy viết mở bài khác cho bài văn theo ý của em.

Phương pháp giải:

Em đọc bài văn để trả lời các câu hỏi. 

Lời giải chi tiết:

a) Bài văn trên tả cảnh những dòng sông ở Plây-cu

b) Cảnh vật được miêu tả theo trình tự không gian.

c) 

Nhắc đến Plây-cu, người ta nghĩ ngay tới nương cà phê nặng trĩu hạt, tới hồ tiêu xanh mướt, tới đồi chè ngút tầm mắt ẩn hiện đằng sau là dãy núi trùng điệp,...  Nhưng bên cạnh đó Plây-cu còn là mảnh đất của những dòng sông.

Bài giải tiếp theo