Giải VBT ngữ văn 9 bài Truyện Kiều của Nguyễn Du

Giải câu 1, 2 bài Truyện Kiều của Nguyễn Du trang 38 VBT ngữ văn 9 tập 1.


Câu 1

Câu 1 (trang 38 VBT Ngữ văn 9, tập 1):

Nêu những nét chính về thời đại, gia đình, cuộc đời của Nguyễn Du đã có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện Kiều.

Phương pháp giải:

Đọc lại SGK (phần I, tr.77) sau đó tóm tắt và điền vào vở những thông tin chính. Lưu ý chỉ chọn những gì mà em cho là có ảnh hưởng đến việc sáng tác Truyện kiều.

Lời giải chi tiết:

- Thời đại: Nguyễn Du sinh ra trong một thời đại có nhiều biến động dữ dội

+ Xã hội phong kiến Việt Nam bước vào thời kì khủng hoảng sâu sắc.

+ Phong trào Tây Sơn thất bại, chế độ phong kiến triều Nguyễn được thiết lập.

-> Những thay đổi kinh thiên động địa ấy đã tác động mạnh tới tình cảm, nhận thức của Nguyễn Du để ông hướng ngòi bút vào hiện thực.

- Gia đình:

+ Một gia đình đại quý tộc, nhiều đời làm quan và có truyền thống về văn học.

+ Cuộc sống bình yên với Nguyễn Du không kéo dài được bao lâu: nhà thơ mồ côi cha năm chín tuổi và mồ côi mẹ năm 12 tuổi.

-> Hoàn cảnh gia đình cũng có tác động lớn tới cuộc đời Nguyễn Du.

- Cuộc đời:

+ Nguyễn Du là người có kiến thức sâu rộng, am hiểu văn hóa dân tộc và văn chương Trung Quốc.

+ Trong những biến động dữ dội của lịch sử, nhà thơ đã sống nhiều năm lưu lạc, tiếp xúc nhiều cảnh đời, con người, những số phận khác nhau.

=> Tất cả những điều đó đã có ảnh hưởng lớn đến sáng tác của nhà thơ.


Câu 2

Câu 2 (trang 38 VBT Ngữ văn 9, tập 1):

Kể tóm tắt Truyện Kiều theo ba phần cơ bản của tác phẩm.

Phương pháp giải:

Em đọc lại phần II SGK tr. 78 - 79. Tóm tắt các sự kiện bằng lời văn của mình theo 3 phần: 

- Gặp gỡ và đính ước.

- Gia biến và lưu lạc.

- Đoàn tụ.

Lời giải chi tiết:

- Phần thứ nhất: Gặp gỡ và đính ước

      Thúy Kiều là một người con gái tài sắc vẹn toàn, con gái đầu lòng trong một gia đình trung lưu lương thiện, sống trong cảnh “Êm đềm trướng rủ màn che” bên cạnh cha mẹ và hai em là Thúy Vân và Vương Quan. Trong ngày hội Đạp Thanh, gần nấm mồ Đạm Tiên - một hình ảnh báo hiệu định mệnh oan nghiệt sau này của nàng- Thuý Kiều gặp Kim Trọng. Trong buổi đi chơi xuân, Thúy Kiều đã gặp Kim Trọng, một người thư sinh “phong tư tài mạo tót vời”. Giữa hai người chớm nở một mối tình đẹp đẽ, sau đó hai người đã đính ước với nhau.

- Phần thứ hai: Gia biến và lưu lạc

      Kim Trọng về quê chịu tang chú, gia đình Thúy Kiều bị mắc oan, nàng đã bán mình cho Mã Giám Sinh để lấy tiền chuộc cha, nhờ Thúy Vân trả nghĩa cho Kim Trọng. Thúy Kiều bị Mã Giám Sinh, Tú Bà, Sở Khanh lừa gạt, đẩy vào lầu xanh. Sau đó Thúy Kiều được Thúc Sinh chuộc ra nhưng vợ của hắn ta là Hoạn Thư là người ghen tuông tàn nhẫn, Thúy Kiều bị đày đọa cả về thể xác và tinh thần. Kiều trốn đến nương nhờ Sư Giác Duyên ở nơi cửa Phật. Sợ bị liên luỵ, Giác Duyên gửi nàng cho Bạc Bà, không ngờ Bạc Bà lại lừa bán nàng cho một chủ lầu xanh. Ở đây, Thúy Kiều gặp Từ Hải, người anh hùng “đầu đội trời, chân đạp đất”, Từ Hải đã giúp Thúy Kiều báo ân báo oán. Do mắc lừa Hồ Tôn Hiến, Từ Hải bị giết, Thúy Kiều bị ép gả cho viên thổ quan. Thúy Kiều đau đớn trầm mình xuống sông Tiền Đường và được sư Giác Duyên cứu lần hai. Lần thứ hai, Kiều nương nhờ nơi cửa Phật.

- Phần thứ ba: Đoàn tụ

      Kim Trọng sau nửa năm chịu tang chú đã trở lại tìm Kiều, biết Kiều bán mình cứu cha thì đau lòng khôn nguôi. Theo lời dặn của Kiều, cha mẹ Kiều cho Thuý Vân kết duyên với Kim Trọng. Dù kết duyên với Thúy Vân nhưng Kim Trọng vẫn lưu luyến mối tình với Kiều, chàng cất công tìm kiếm, gặp được Thúy Kiều, gia đình đoàn tụ. Trong ngày đoàn viên vui vẻ, để bảo vệ "danh tiết" và tỏ lòng kính trọng người yêu, Kiều đổi tình vợ chồng thành tình bạn.nhưng cả hai nguyện ước “duyên đôi lứa cũng là duyên bạn bầy”.

Loigiaihay.com