Giải VBT ngữ văn 9 bài Các thành phần biệt lập

Giải câu 1, 2, 3, 4 bài Các thành phần biệt lập trang 11 VBT Ngữ văn 9 tập 2.


Câu 1

Câu 1 (trang 11 VBT Ngữ văn 9, tập 2):

Tìm các thành phần tình thái, cảm thán trong những câu sau đây:

a) Nhưng còn cái này nữa mà ông sợ, có lẽ còn ghê rợn hơn cả những tiếng kia nhiều.

(Kim Lân, Làng)

b) Chao ôi, bắt gặp một con người như anh ta là một cơ hội hãn hữu cho sáng tác, nhưng hoàn thành sáng tác còn là một chặng đường dài.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

c) Trong giờ phút cuối cùng, không còn đủ sức trăng trối lại điều gì, hình như chỉ có tình cha con là không thể chết được, anh đưa tay vào túi, móc cây lược, đưa cho tôi và nhìn tôi một hồi lâu.

(Nguyễn Quang Sáng, Chiếc lược ngà)

d) Ông lão bỗng ngừng lại, ngờ ngợ như lời mình không được đúng lắm. Chả nhẽ cái bọn ở làng lại đốn đến thế được.

(Kim Lân, Làng)



Phương pháp giải:

Đọc ghi nhớ, tìm các thành phần theo yêu cầu của đề. Gợi ý: trong 4 câu và cặp câu, có 3 từ tình thái, 1 từ cảm thán.

Lời giải chi tiết:

a) Có lẽ          (thành phần tình thái)

b) Chao ôi          (thành phần cảm thán)

c) Hình như        (thành phần tình thái)

d) Ngờ ngợ, chả nhẽ  (thành phần tình thái)


Câu 2

Câu 2 (trang 11 VBT Ngữ văn 9, tập 2):

Hãy sắp xếp những từ ngữ sau đây theo trình tự tăng dần độ tin cậy (hay độ chắc chắn):

chắc là, dường như, chắc chắn, có lẽ, chắc hẳn, hình như, có vẻ như.

(Chú ý: những từ ngữ thể hiện cùng một mức độ tin cậy thì xếp ngang hàng nhau.)


Phương pháp giải:

Về mức độ chắc chắn, thấp nhất là dường như, cao nhất là từ "chắc chắn".

Lời giải chi tiết:

Trình tự tăng dần độ tin cậy của các từ ngữ: dường như, hình như, có lẽ, chắc là, chắc hẳn, chắc chắn.


Câu 3

Câu 3 (trang 11 VBT Ngữ văn 9, tập 2):

Hãy cho biết, trong số những từ có thể thay thế cho nhau trong câu sau đây, với người nói phải chịu trách nhiệm cao nhất về độ tin cậy của sự việc do mình nói ra, với từ nào trách nhiệm đó thấp nhất. Tại sao tác giả Chiếc lược ngà (Nguyễn Quang Sáng) lại chọn từ chắc?

 

Với lòng mong mỏi của anh,

(1)   chắc

(2)   hình như

(3)   chắc chắn

anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy c


Phương pháp giải:

Bài tập này lưu ý các em về cách dùng từ tình thái có khác nhau ít nhiều về sắc thái ý nghĩa. Người nói chọn dùng từ nào ít nhiều phụ thuộc vào sự quan sát hiện thực.

Lời giải chi tiết:

Trong ba từ chắc/hình như/chắc chắn thì chắc chắn có độ tin cậy cao nhất, hình như có độ tin cậy thấp nhất. Tác giả chọn chắc (có độ tin cậy cao hơn hình như nhưng thấp hơn chắc chắn) cho thấy nhân vật tôi (người kể chuyện cũng chỉ dự đoán theo lôgíc, chưa biết chuyện gì sẽ thật sự xảy ra).


Câu 4

Câu 4 (trang 12 VBT Ngữ văn 9, tập 2):

Viết một đoạn văn ngắn nói về cảm xúc của em khi được thưởng thức một tác phẩm văn nghệ (truyện, thơ, phim, ảnh, tượng,...), trong đoạn văn đó có câu chứa thành phần tình thái hoặc cảm thán.

Phương pháp giải:

Nói rõ cảm xúc, cảm nghĩ của em khi đọc xong bài thơ, cuốn truyện, khi nghe ca khúc, khi xem phim,... như thế nào. Trong đoạn văn, có câu chứa thành phần tình thái hoặc cảm thán.

Lời giải chi tiết:

      Mỗi lần đọc lại Chiếc lược ngà của nhà văn Nguyễn Quang Sáng, trong trái tim tôi dường như đang bị thứ gì đó bóp nghẹn lại. Tình cảm gia đình vốn là thứ tình cảm thiêng liêng nhất trên đời thế nhưng những trang truyện viết về tình cảm cha con thời chiến ấy lại quá nhiều mất mát, đau thương. Tiếng kêu “Baaaaaa” xé lòng của bé Thu cuối trang truyện cứ vẩn vơ mãi trong tâm trí của tôi – tiếng kêu đầu tiên phát ra từ đứa trẻ thiếu thốn tình cha và cũng là tiếng gọi cuối cùng của cuộc đời cô bé. Xót xa biết nhường nào! Ôi, đất nước tôi! Một đất nước bé nhỏ nhưng cứ mãi oằn mình dưới gót giày ngoại xâm. Kết thúc trang truyện tôi chỉ mong sao đất nước nhỏ bé của chúng tôi mãi được hòa bình, để chúng tôi có thể sống mãi trong nụ cười hiền của cha và cái ôm ấm áp của mẹ.