Giải VBT ngữ văn 7 bài Những câu hát than thân
Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6 bài Những câu hát than thân trang 37 VBT ngữ văn 7 tập 1.
Câu 1
Câu 1 (trang 37 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Trong ca dao, người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình. Em hãy sưu tầm một số bài ca dao để chứng minh điều đó và giải thích vì sao?
Phương pháp giải:
Chú ý tìm những bài ca dao dùng hình ảnh con cò với ý nghĩa ẩn dụ chứ không đơn thuần tả con cò.
- Khi giải thích vì sao người nông dân thời xưa thường mượn hình ảnh con cò để diễn tả cuộc đời, thân phận của mình, em căn cứ vào những đặc điểm của loài chim này (thân hình, cách kiếm ăn,...). Từ đó, tìm ra mối liên hệ với cuộc sống của người nông dân và ý nghĩa ẩn dụ của hình ảnh con cò.
Lời giải chi tiết:
- Một số bài ca dao mượn hình ảnh con cò:
- Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
…
- Cái cò đi đón cơn mưa
Tối tăm mù mịt ai đưa cò về?
Cò về đến gốc cây đề
Giương cung anh bắn cò về làm chi
Cò về thăm bác thăm dì
Thăm cô xứ Bắc, thăm dì xứ Đông.
- Người nông dân thời xưa thường mượn thân phận hình ảnh con cò để nói lên cuộc đời, thân phận mình vì:
+ Cò là con vật hiền lành, chăm chỉ, sinh sống ở đồng ruộng, hình ảnh của chúng gần gũi với người nông dân.
+ Cò chịu khó, cần cù, lăn lội kiếm sống cũng giống như cuộc đời và phẩm chất của người nông dân vậy.
Câu 2
Câu 2 (trang 38 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của cò được diễn tả như thế nào? Ngoài nội dung than thân, bài ca dao này còn có nội dung nào khác?
Phương pháp giải:
Em cần chú ý các từ ngữ, chi tiết tương phản trong bài ca dao (tả hình dáng, thân phận con cò và tả không gian, cảnh ngộ...) để khái quát thân phận người nông dân. Cần tìm hiểu các lớp ý nghĩa của những hình ảnh như nước non, lên thác xuống ghềnh, bể kia đầy, ao kia cạn... Từ đó, có thể nêu lên những tâm sự của người nông dân về cuộc sống của mình và về xã hội đương thời.
Lời giải chi tiết:
a. Cách diễn tả cuộc đời cò:
- Ở bài 1, cuộc đời lận đận, vất vả của con cò được diễn tả bằng những hình ảnh đối lập: nước non >< một mình, thân cò >< thác ghềnh, lên >< xuống, bể kia đầy >< ao kia cạn
=> tô đậm nỗi đơn độc, vất vả kiếm ăn qua ngày của thân cò.
+ Từ láy “lận đận” và thành ngữ “lên thác xuống ghềnh” làm tăng sức biểu cảm.
+ Câu hỏi tu từ: Cho ao kia cạn, cho gầy cò con? → lời than, câu hỏi không lời đáp.
- Cuộc đời lận đận của cò được diễn tả rất sinh động bằng từ láy “lận đận” và cặp từ đối lập “lên – xuống”, “đầy – cạn”.
b. Ngoài nội dung than thân, bài ca còn có nội dung tố cáo xã hội phong kiến bất công.
Câu 3
Câu 3 (trang 38 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Phân tích những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2.
Phương pháp giải:
Bốn cặp câu lục bát trong bài 2 đều được mở đầu bằng cụm từ "Thương thay" nhưng nội dung cảm xúc không lặp lại. Em dựa vào đặc điểm của từng con vật và các chi tiết miêu tả (phải nhả tơ, phải tìm mồi, bay mỏi cánh, kêu ra máu...) để hiểu nỗi niềm mà người nông dân muốn bộc bạch (Đó là những nỗi khổ vật chất hay tinh thần? Họ chỉ phải vất vả, lam lũ hay còn bị áp bức, bóc lột?).
Lời giải chi tiết:
Những nỗi thương thân của người lao động qua các hình ảnh ẩn dụ trong bài 2:
- Thương con tằm: thân phận bị bòn rút sức lực.
- Thương lũ kiến li ti: những người lao động làm việc suốt đời mà vẫn nghèo đói.
- Thương con hạc: cuộc đời phiêu bạt, khốn khó, không có tương lai.
- Thương con cuốc: thấp cổ bé họng, không được thương xót.
Câu 4
Câu 4 (trang 39 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Nêu những đặc điểm chung về nội dung và nghệ thuật của ba bài ca dao.
Phương pháp giải:
Đây là những câu hát than thân của người lao động thời xưa nên khi khái quát đặc điểm nội dung, cần chú ý tâm tư, tình cảm được gửi gắm (Lời của ai? Thể hiện tâm sự gì?). Khi tìm hiểu những đặc điểm chung về nghệ thuật, em có thể xem xét cách sử dụng từ ngữ, sáng tạo hình ảnh, đặc điểm của thể thơ,...
Lời giải chi tiết:
- Về nội dung:
+ Đồng cảm với cuộc đời đau khổ, đắng cay của người nông dân, người phụ nữ.
+ Tố cáo xã hội phong kiến.
- Về nghệ thuật:
+ Dùng các sự vật, con vật gần gũi, nhỏ bé đáng thương để diễn tả thân phận con người.
+ Đều sử dụng thể thơ lục bát và có âm điệu than thân thương cảm và bắt đầu với chữ "thân em".
Câu 5
Câu 5 (trang 40 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Tìm những biện pháp nghệ thuật cũng được sử dụng trong các bài ca dao dưới đây:
- Thân em như hạt mưa sa,
Hạt vào đài các, hạt ra ruộng cày.
- Em như cây quế giữa rừng
Thơm cho ai biết, ngát rừng ai hay.
- Thân em như tấm lụa đào
Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai
Phương pháp giải:
Đây là những bài ca dao than thân của người phụ nữ. Em cần chú ý hệ thống từ ngữ (đặc biệt là cụm từ mở đầu các câu hát), hình ảnh và thể thơ được dùng trong mỗi bài. Đó là căn cứ để khái quát những đặc điểm chung về nghệ thuật.
Lời giải chi tiết:
Những biện pháp nghệ thuật cùng được sử dụng:
- Hầu hết các câu ca dao bắt đầu bằng mô típ "thân em".
- Sử dụng phép so sánh: So sánh hình ảnh người phụ nữ với những vật nhỏ bé, trôi nổi (hạt mưa sa, cây quế giữa rừng, tấm lụa đào phất phơ giữa chợ) để gợi hình ảnh cuộc sống bấp bênh, vô định.
- Dùng cú pháp so sánh trực tiếp: thân em như...; em như...
Câu 6
Câu 6 (trang 40 VBT Ngữ văn 7, tập 1):
Đọc các bài ca dao than thân, ngoài nỗi khổ, em còn hiểu thêm những vẻ đẹp nào của người lao động thời xưa? Chọn phân tích một ví dụ để chứng minh.
Phương pháp giải:
Nội dung chính của những câu hát than thân là diễn tả thân phận đau khổ, cay đắng của người nông dân thời xưa. Nhưng qua những lời giải bày, họ còn bộc lộ cách nhìn nhận, đánh giá về con người, cuộc đời, xã hội... Căn cứ vào những nội dung đó để phân tích và khái quát những vẻ đẹp (nhận thức, trí tuệ, nghị lực, tình cảm) của người nông dân trong bài ca dao than thân mà em chọn.
Lời giải chi tiết:
- Vẻ đẹp của người lao động qua một số bài ca dao than thân:
+ Chăm chỉ lao động, cần cù, chịu khó, giàu nghị lực.
+ Nhận thức sâu sắc về cuộc sống, xã hội đương thời.
+ Phẩm chất, đức tính tốt đẹp.
- Bài ca dao em chọn là:
Con cò mà đi ăn đêm
Đậu phải cành mềm lộn cổ xuống ao
Ông ơi ông vớt tôi nao
Tôi có lòng nào ông hãy xáo măng
Có xáo thì xáo nước trong
Đừng xáo nước đục đau lòng cò con
- Phân tích:
+ Vẻ đẹp: chăm chỉ lao động, cần cù, chịu khó, giàu nghị lực: "đi ăn đêm", "đậu phải cành mềm", "lộn cổ xuống ao"
→ Hình ảnh con cò lặn lội kiếm ăn trong đêm, gặp phải những trắc trở là biểu tượng cho cuộc sống mưu sinh, lao động nhiều vất vả của người nông dân. Trước những khó khăn ấy, họ vẫn kiên trì chứ không bỏ cuộc.
+ Nhận thức sâu sắc về cuộc sống, xã hội đương thời: ông vớt tôi nao, ông hãy xáo măng
→ Ẩn đằng sau đó là hình ảnh của thân phận bị phụ thuộc vào tay kẻ khác, không thể tự quyết định cuộc sống của bản thân mình.
+ Phẩm chất: xáo nước trong, đừng xáo nước đục
→ Người nông dân xem trọng phẩm giá, tâm hồn của mình, mong muốn gìn giữ tấm lòng trong sạch, tâm hồn lương thiện, dù vất vả, nghèo khó nhưng không nghèo hèn.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải VBT ngữ văn 7 bài Những câu hát than thân timdapan.com"