Giải VBT ngữ văn 7 bài Mẹ tôi

Giải câu 1, 2, 3, 4, 5, 6, 7 bài Mẹ tôi trang 8 VBT ngữ văn 7 tập 1.


Câu 1

Câu 1 (trang 8 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con, nhưng tại sao tác giả lại lấy nhan đề “Mẹ tôi”.

Phương pháp giải:

Nội dung bức thư của người bố là nói về ai, nhắc nhở đứa con về thái độ đối với ai? Trả lời câu hỏi ấy, em sẽ lí giải được vì sao văn bản lại có nhan đề "Mẹ tôi", mặc dù hình ảnh người mẹ không trực tiếp xuất hiện.

Lời giải chi tiết:

- Văn bản là một bức thư của người bố gửi cho con, nhưng tác giả đặt nhan đề “Mẹ tôi” bởi lẽ nội dung thư nói về người mẹ, mục đích của bức thư là nhắc nhở, giáo dục con cần lễ độ và kính yêu mẹ.


Câu 2

Câu 2 (trang 8 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Thái độ của người bố đối với En-ri-cô qua bức thư là thái độ như thế nào? Dựa vào đâu mà em biết được? Lí do gì khiến ông có thái độ ấy?

Phương pháp giải:

Qua lời lẽ và giọng điệu trong bức thư, đặc biệt là những lời bộc lộ trực tiếp, có thể dễ dàng nhận ra thái độ của người bố đối với En-ri-cô (buồn, giận hay trìu mến? Nghiêm khắc hay nuông chiều?). Còn lí do vì sao người bố lại có thái độ ấy thì đã được En-ri-cô nói trong những lời dẫn trước bức thư.

Lời giải chi tiết:

- Thái độ của người bố đối với En-ri-cô qua bức thư: giận dữ, buồn bã, kiên quyết và nghiêm khắc.

- Những câu văn thể hiện thái độ đó:

+ Việc như thế không bao giờ được tái phạm nữa.

+ Sự hỗn láo của con như một nhát dao đâm vào tim bố vậy.

+ Bố không thể nén được cơn tức giận đối với con.

+ Từ nay, không bao giờ được thốt ra một lời nói nặng với mẹ.

+ Thà rằng bố không có con , còn hơn thấy con bội bạc với mẹ.

+ Trong một thời gian con đừng hôn bố.

-  Lí do: Sáng nay, lúc cô giáo đến thăm En-ri-cô có nhỡ thốt ra một lời thiếu lễ độ với mẹ.


Câu 3

Câu 3 (trang 9 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Trong truyện có những hình ảnh, những chi tiết nào nói về người mẹ En-ri-cô qua đó em hiểu mẹ của En-ri-cô là người như thế nào?

Phương pháp giải:

Tìm trong văn bản và ghi lại những chi tiết, hình ảnh nói về tình yêu thương thắm thiết, sự tận tụy hết lòng với con và đức hi sinh cao cả của người mẹ.

Lời giải chi tiết:

Những hình ảnh, chi tiết nói về người mẹ của En-ri-cô:

- Người mẹ thức suốt đêm, cúi mình trên chiếc nôi trông chừng hơi thở hổn hển của con, quằn quại vì nỗi lo sợ, khóc nức nở khi nghĩ rằng có thể mất con.

- Người mẹ sẵn sàng bỏ hết một năm hạnh phúc để tránh cho con một giờ đau đớn, người mẹ có thể đi xin ăn để nuôi con, có thể hi sinh tính mạng để cứu sống con.

=> Những chi tiết này cho thấy, mẹ En-ri-cô là một người dịu dàng, nhẹ nhàng, hiền từ, giàu tình thương và hi sinh vì con. 


Câu 4

Câu 4 (trang 9 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Theo em điều gì đã khiến En-ri-cô xúc động khi đọc thư bố?

Phương pháp giải:

En-ri-cô xúc động có thể vì một số lí do mà câu hỏi đã nêu ra. Em chỉ cần ghi lại những chữ cái (a, b, c) ở đầu của những lí do mà em cho là đúng.

Lời giải chi tiết:

En-ri-cô xúc động vô cùng khi đọc thư của bố vì:

- Bố gợi lại những kỉ niệm giữa mẹ và En-ri-cô.

- Thái độ kiên quyết và nghiêm khắc của bố.

- Những lời nói rất chân tình và sâu sắc của bố.

- En-ri-cô thấy xấu hổ với việc mình đã làm với mẹ.


Câu 5

Câu 5 (trang 9 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Theo em tại sao người bố không nói trực tiếp với En-ri-cô mà lại viết thư?

Phương pháp giải:

Hãy suy luận từ chức năng, tác dụng của thư đối với việc biểu hiện suy nghĩ, tình cảm với người khác, nhất là những điều không dễ nói trực tiếp bằng lời.

Lời giải chi tiết:

Người bố không nói trực tiếp với con mà lại viết thư vì:

- Nhắc nhở trực tiếp thường rất khó kiềm được sự nóng giận.

- Viết thư giúp những điều muốn nói được suy ngẫm kĩ hơn, ghi lại ấn tượng sâu sắc hơn trong tâm trí người đọc.


Câu 6

Câu 6 (trang 10 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Chọn trong văn bản Mẹ tôi câu văn nói về người mẹ hoặc về tình cảm cha mẹ mà em thấm thía nhất. Hãy chép lại và học thuộc câu văn đó.

Phương pháp giải:

Tìm, chép câu văn mà em thực sự thấy thấm thía.

Lời giải chi tiết:

Các em có thể chọn một trong những câu sau:

- Trong đời, con có thể trải qua những ngày buồn thảm, nhưng ngày buồn thảm nhất tất sẽ là ngày mà con mất mẹ.

- Khi đã khôn lớn, trưởng thành, khi các cuộc đấu tranh đã tôi luyện con thành người dũng cảm, có thể có lúc con sẽ mong ước thiết tha được nghe lại tiếng nói của mẹ, được mẹ dang tay đón vào lòng.


Câu 7

Câu 7 (trang 10 VBT Ngữ văn 7, tập 1)

Kể lại và nói lên suy nghĩ của mình về một lỗi lầm mà em lỡ gây ra khiến bố mẹ buồn phiền.

Phương pháp giải:

Cần kể về một lỗi lầm có thực của mình và những suy nghĩ chân thành của em sau lỗi lầm ấy.

Lời giải chi tiết:

Học sinh chúng ta thường mắc phải những lỗi lầm như: nói dối, không chịu học hành, vô lễ với người lớn... Em có thể kể những lỗi lầm có thực và nêu lên suy nghĩ của mình.