Giải VBT ngữ văn 7 bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm
Giải câu hỏi 1, 2 Kiểm tra tổng hợp cuối năm trang 142 VBT Ngữ văn 7 tập 2.
Câu 1
Câu 1 (trang 142 VBT Ngữ văn 7, tập 2):
Đọc kĩ đoạn văn sau và trả lời câu hỏi nêu bên dưới:
Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được. Suy cho cùng, chân lí, những chân lí lớn của nhân dân ta cũng như của thời đại là giản dị: "Không có gì quý hơn độc lập, tự do", "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, sống có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lí ấy không bao giờ thay đổi”... Những chân lí giản dị mà sâu sắc đó lúc thâm nhập vào quả tim và bộ óc của hàng triệu con người đang chờ đợi nó, thì đó là sức mạnh vô địch, đó là chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
(Ngữ văn 7, tập hai)
a, Đoạn văn trên trích từ văn bản nào, của ai?
b, Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn là gì?
c, Luận điểm được thể hiện trong đoạn văn là gì và được thể hiện ở câu nào?
d, Dấu ba chấm trong đoạn văn trên có tác dụng biểu đạt nội dung gì?
e, Theo em, trạng ngữ trong câu “[…] Hồ Chủ Tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được” là bộ phận nào? Bộ phận này có thay đổi vị trí được không? Tại sao?
Lời giải chi tiết:
a. Đoạn văn trên trích từ văn bản “Đức tính giản dị của Bác Hồ” của Phạm Văn Đồng.
b. Phương thức biểu đạt chính của đoạn văn: nghị luận.
c. Luận điểm được thể hiện trong đoạn văn: Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết.
Câu thể hiện luận điểm: Giản dị trong đời sống, trong quan hệ với mọi người, trong tác phong, Hồ Chủ tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.
d. Dấu ba chấm trong đoạn văn có tác dụng: ngụ ý còn nhiều yếu tố chưa được nói ra hết.
e. Trang ngữ của câu “[…] Hồ Chủ Tịch cũng rất giản dị trong lời nói và bài viết, vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được” là bộ phận: vì muốn cho quần chúng nhân dân hiểu được, nhớ được, làm được.
- Vị trí của bộ phận trạng ngữ này trong câu không thể thay đổi được.
- Bởi vì: Nếu thay đổi vị trí của trạng ngữ thì tính liền mạch, liên kết với nội dung trước đó sẽ bị phá vỡ. Cách lập luận của văn bản sẽ không còn sắc sảo.
Câu 2
Câu 2 (trang 144 VBT Ngữ văn 7, tập 2):
Dựa vào tư liệu trong văn bản Đức tính giản dị của Bác Hồ và những hiểu biết của mình, em hãy viết một bài văn để làm sáng tỏ đức tính giản dị của Người.
Lời giải chi tiết:
a, Tìm hiểu đề và lập ý:
- Vấn đề nghị luận: Đức tính giản dị của Bác Hồ.
- Phương pháp lập luận: chứng minh.
- Luận điểm chính của bài viết: Bác Hồ là hình ảnh đẹp đẽ về một con người với nhiều phẩm chất cao quý, đặc biệt là đức tính giản dị.
- Các luận điểm phụ của bài viết:
+ Bác giản dị trong lối sống.
+ Bác giản dị mà chân thành, sâu sắc trong cách ứng xử, trong mối quan hệ với mọi người.
+ Bác giản dị trong lời nói và những bài viết.
- Dẫn chứng lấy từ: sách báo, những tài liệu viết về Bác.
b, Lập dàn bài:
- Mở bài: Khẳng định đức tính giản dị là phẩm chất ngời sáng ở Bác Hồ.
- Thân bài:
+ Bác giản dị trong lối sống hằng ngày: sinh hoạt, trang phục, tác phong,…
+ Bác giản dị trong cách ứng xử, trong mối quan hệ với mọi người, giản dị nhưng rất chân thành, sâu sắc và mẫu mực.
+ Bác giản dị trong những lời nói và bài viết của mình.
- Kết bài: Khẳng định vẻ đẹp ở con người Hồ Chí Minh và tình cảm của bản thân, của mỗi người con Việt Nam dành cho Bác.
c, Tập viết đoạn văn:
- Đoạn Mở bài:
Khi tôi sinh ra, đất nước đã qua thời khói lửa, sống hòa bình và Bác cũng đã ra đi. Nhưng qua những trang sách, qua những bài học, tôi tự hào là người Việt Nam, tự hào là con cháu của Người. Bác – niềm tự hào, niềm tôn kính của mỗi người con Việt Nam. Là một vị lãnh tụ nhưng ở Bác toát lên đức tính giản dị vô cùng cao đẹp.
- Đoạn trong phần Thân bài (một biểu hiện đức tính giản dị của Bác Hồ):
Bác giản dị trước hết trong lối sống hằng ngày. Đời sống sinh hoạt của Bác không có gì cầu kì. Ngôi nhà sàn Bác ở chỉ có những vật dụng cần thiết hằng ngày. Bác luôn xuất hiện với đôi dép cao su, quần áo Bác cũng không sắm sửa nhiều. Dù mọi người đều ngỏ ý muốn chuẩn bị cho Bác thật nhiều thứ nhưng Bác luôn từ chối. Bác muốn tiết kiệm, giản di, không muốn tốn kém vì đời sống nhân dân còn khổ cực. Bác sống với đời sống chiến đấu khổ cực của quân dân ta, nhưng đêm ngủ hang, cơm rừng, dầm mưa, dãi nắng. Ở đâu trên thế giới có thể thấy hình ảnh một vị lãnh tụ quần xắn cao quá gối rồi lội qua suối cùng đồng bào.
- Đoạn trong phần Kết bài:
Con người Hồ Chí Minh kết tinh những vẻ đẹp truyền thống dân tộc, những tinh hoa văn hóa nhân loại. Trong trái tim mỗi người con Việt Nam, Bác luôn là mẫu mực trong lối sống, trong văn hóa sống, cách ứng xử ở mọi thời đại.
Search google: "từ khóa + timdapan.com" Ví dụ: "Giải VBT ngữ văn 7 bài Kiểm tra tổng hợp cuối năm timdapan.com"