Hướng dẫn phân tích và trả lời một số câu hỏi chương 4 trang 113, 114, 115 SBT Sinh 11 Kết nối tri thức với cuộc sống

Câu 1: Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản


CH tr 113

Câu 1. 

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản

A. cần cả cá thể bố và cá thể mẹ.

B. không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

C. có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

D. xảy ra chủ yếu ở động vật có xương sống.

Phương pháp giải:

Sinh sản vô tính là hình thức sinh sản tạo ra cơ thể mới với các đặc điểm giống cá thể ban đầu mà không có sự đóng góp vật chất di truyền của cá thể khác. Điều này đồng nghĩa với trong hình thức sinh sản này không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

Giải chi tiết:

B. không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

Câu 2. 

Đặc trưng của sinh sản hữu tính là

A. tạo ra thế hệ sau ít thích nghi với môi trường sống thay đổi.

B. không có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái.

C. chỉ cần một cá thể bố hoặc mẹ.

D. có sự hình thành và kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử.

Phương pháp giải:

Sinh sản hữu tính là hình thức sinh sản có sự kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử, hợp tử phát triển thành cơ thể mới. Trong hình thức sinh sản hữu tính, vật chất di truyền của các cơ thể con được tái tổ hợp từ hai nguồn khác nhau nên có sự sai khác, tạo ra thế hệ sau thích nghi với môi trường sống thay đổi.

Giải chi tiết:

D. có sự hình thành và kết hợp giữa giao tử đực và giao tử cái tạo thành hợp tử.

Câu 3. 

Phát biểu nào dưới đây là đúng khi nói về đặc điểm của sinh sản vô tính ở thực vật?

A. Tạo ra các cây con thích nghi tốt hơn với môi trường sống thường xuyên thay đổi.

B. Cây con là sản phẩm của quá trình thụ phấn và thụ tinh.

C. Tạo ra các cây con có kiểu gene giống nhau và giống với cây mẹ.

D. Tốc độ sinh sản chậm, số lượng cây con tạo ra ít.

Phương pháp giải:

Trong sinh sản vô tính ở thực vật, vật chất di truyền của cơ thể mẹ được truyền đạt nguyên vẹn cho cơ thể con qua cơ chế nguyên phân, tạo ra các cây con có kiểu gene giống nhau và giống với cây mẹ.

Giải chi tiết:

A. Sai. Sinh sản vô tính ở thực vật tạo ra các cây con có bộ nhiễm sắc thể đặc trưng cho loài, thích nghi tốt với điều kiện môi trường sống ổn định, thuận lợi.

B. Sai. Cây con là sản phẩm của quá trình thụ phấn và thụ tinh là đặc điểm của sinh sản hữu tính ở thực vật.

C. Đúng. Trong sinh sản vô tính ở thực vật, vật chất di truyền của cơ thể mẹ được truyền đạt nguyên vẹn cho cơ thể con qua cơ chế nguyên phân, tạo ra các cây con có kiểu gene giống nhau và giống với cây mẹ.

D. Sai. Sinh sản vô tính tạo ra thế hệ con với tốc độ sinh sản nhanh.

Câu 4. 

Những phương thức sinh sản nào dưới đây không phải là hình thức sinhsản vô tính trong tự nhiên?

A. Sinh sản bằng bào tử ở rêu và dương xỉ.

B. Sinh sản bằng củ ở khoai lang.

C. Sinh sản bằng phương pháp giâm cành ở hoa hồng.

D. Sinh sản bằng thân bò ở cây dâu tây.

Phương pháp giải:

C. Sinh sản bằng phương pháp giâm cành ở hoa hồng.

Giải chi tiết:

Sinh sản bằng phương pháp giâm cành ở hoa hồng là ứng dụng của sinh sản vô tính trong thực tiễn dưới tác động của con người.

Câu 5. 

Khi nói về quá trình thụ phấn chéo, phát biểu nào dưới đây là đúng?

A. Là quá trình hạt phấn của hoa rơi trên núm nhuỵ của chính hoa đó.

B. Là quá trình các tế bào mẹ tiểu bào tử giảm phân hình thành nên hạt phấn.

C. Là quá trình hạt phấn phát tán và rơi trên núm nhuỵ của một hoa khác trong cùng một cây.

D. Là quá trình hạt phấn của hoa ở cây này phát tán và rơi trên núm nhuỵ của hoa ở cây khác.

Phương pháp giải:

Thụ phấn chéo là hình thức thụ phấn xảy ra giữa các hoa của hai cây khác nhau (hạt phấn của hoa ở cây này phát tán và rơi trên núm nhuỵ của hoa ở cây khác).

Giải chi tiết:

D. Là quá trình hạt phấn của hoa ở cây này phát tán và rơi trên núm nhuỵ của hoa ở cây khác.


CH tr 114

Câu 6. 

Kết quả của quá trình biến đổi các tế bào trong cấu trúc của noãn là túi phôi được hình thành và chứa

A. một tế bào trứng, 3 tế bào nhân cực, 2 tế bào đối cực và 2 tế bào kèm.

B. một tế bào trứng, 2 tế bào nhân ống phấn, 2 tế bào kèm và 3 tế bào nhân cực.

C. một tế bào trứng, 2 tế bào kèm, 3 tế bào đối cực và 2 tế bào nhân cực.

D. một tế bào trứng, một tế bào sinh sản, 3 tế bào đối cực, 2 tế bào kèm và 1 tế bào nhân cực.

Phương pháp giải:

Trong quá trình hình thành túi phôi, tế bào mẹ đại bào tử (2n) tiến hành giảm phân 1 lần và nguyên phân 3 lần để hình thành nên túi phôi → Kết quả của quá trình biến đổi các tế bào trong cấu trúc của noãn là túi phôi được hình thành và chứa một tế bào trứng, 2 tế bào kèm, 3 tế bào đối cực và 2 tế bào nhân cực.

Giải chi tiết:

C. một tế bào trứng, 2 tế bào kèm, 3 tế bào đối cực và 2 tế bào nhân cực.

Câu 7. 

Lựa chọn 3 trong 4 bước sau để sắp xếp thành diễn biến đúng của quátrình hình thành túi phôi.

1. Ba trong bốn đại bào tử được hình thành bị tiêu biến.

2. Bào tử đơn bội nguyên phân hình thành tế bào chứa hai nhân.

3. Đại bào tử sống sót thực hiện quá trình nguyên phân 3 lần hình thành nên túi phôi chứa 8 tế bào.

4. Tế bào mẹ đại bào tử trong noãn giảm phân, hình thành 4 đại bào tử.

A. 3 → 4 → 2.

B. 2 → 3 → 4.

C. 4 → 2 → 3.

D. 4 → 1 → 3.

Phương pháp giải:

Quá trình hình thành túi phôi: Tế bào mẹ đại bào tử (2n) nằm trong túi đại bào tử của noãn tiến hành giảm phân hình thành nên 4 đại bào tử. Ba trong số 4 đại bào tử này sẽ bị tiêu biến, một đại bào tử sống sót thực hiện nguyên phân 3 lần tạo thành túi phôi chứa 8 tế bào gồm 1 tế bào trứng, 2 tế bào nhân cực, 3 tế bào đối cực và 2 tế bào kèm.

Giải chi tiết:

D. 4 → 1 → 3.

Câu 8. 

Trong các phát biểu sau, có bao nhiêu phát biểu đúng khi nói về thụ tinh kép?

1. Thụ tinh kép là quá trình hợp nhất của hai giao tử đực, một với trứng hình thành hợp tử, một với nhân cực hình thành nên nội nhũ.

2. Thụ tinh kép là quá trình kết hợp giữa hai giao tử đực của hạt phấn với trứng của túi phôi hình thành nên hợp tử.

3. Thụ tinh kép xảy ra trong quá trình sinh sản hữu tính của cả thực vật hạt kín và hạt trần.

4. Thụ tinh kép tạo chất dinh dưỡng được dự trữ trong hạt, đảm bảo cho quá trình phát triển của phôi trước khi hình thành cây con có khả năng tự dưỡng.

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Phương pháp giải:

1. Đúng.

2. Sai. Thụ tinh kép là quá trình hợp nhất của hai giao tử đực, một với trứng hình thành hợp tử, một với nhân cực hình thành nên nội nhũ.

3. Sai. Thụ tinh kép chỉ xảy ra trong quá trình sinh sản hữu tính của thực vật hạt kín.

4. Đúng. Trong thụ tinh kép, sự kết hợp của một giao tử đực với nhân cực trong túi phôi hình thành nên nội nhũ. Chất dinh dưỡng trong nội nhũ chính là nguồn chất dinh dưỡng được dự trữ trong hạt, đảm bảo cho quá trình phát triển của phôi trước khi hình thành cây con có khả năng tự dưỡng.

Giải chi tiết:

B. 2.

Câu 9. 

Trong các phát biểu dưới đây, có bao nhiêu phát biểu đúng khi nói về hạt?

1. Hạt được hình thành từ quá trình phát triển của noãn sau thụ tinh.

2. Hạt chứa hợp tử và nhân tam bội, hợp tử này sẽ phát triển thành phôi trong khi nhân tam bội hình thành nên nội nhũ.

3. Trong quá trình phát triển của mọi loại hạt, chất dinh dưỡng trong nội nhũ sẽ được chuyển dần vào lá mầm.

4. Vỏ hạt được hình thành do vỏ noãn cứng lại và mất nước.

A. 1.

B. 2.

C. 3.

D. 4.

Phương pháp giải:

1. Đúng. Hạt được hình thành từ quá trình phát triển của noãn sau thụ tinh.

2. Đúng. Hạt chứa hợp tử và nhân tam bội, hợp tử này sẽ phát triển thành phôi trong khi nhân tam bội hình thành nên nội nhũ.

3. Sai. Chất dinh dưỡng trong nội nhũ sẽ được chuyển dần vào lá mầm chỉ xảy ra đối với hạt của cây Hai lá mầm.

4. Đúng. Vỏ hạt được hình thành do vỏ noãn cứng lại và mất nước.

Giải chi tiết:

C. 3.


CH tr 115

Câu 10. 

Phát biểu nào dưới đây không đúng khi nói về quả?

A. Quả có vai trò bảo vệ và phát tán hạt.

B. Trong tự nhiên, quả hoàn thiện được hình thành chỉ khi có quá trình thụ tinh.

C. Quả là do bầu nhuỵ phát triển thành.

D. Vỏ noãn biến đổi tạo nên cấu trúc vỏ quả.

Phương pháp giải:

LT về quả

Giải chi tiết:

D. Vỏ noãn biến đổi tạo nên cấu trúc vỏ quả.

Câu 11. 

Chiết cành là phương pháp nhân giống được sử dụng phổ biến trên đổi tượng cây ăn quả với mục đích chính là

A. tạo số lượng cây con lớn trong thời gian ngắn.

B. tạo cây con sạch bệnh, đặc biệt là bệnh do virus gây ra.

C. rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây giống, duy trì các đặc tính tốt của quả.

D. tăng khả năng chịu rét, chịu hạn,... của cây giống.

Phương pháp giải:

Chiết cành là phương pháp nhân giống được sử dụng phổ biến trên đổi tượng cây ăn quả với mục đích chính làrút ngắn thời gian sinh trưởng của cây giống (giúp sớm thu được quả) đồng thời duy trì các đặc tính tốt của quả.

Giải chi tiết:

C. rút ngắn thời gian sinh trưởng của cây giống, duy trì các đặc tính tốt của quả.

Câu 12. 

Cho các bước dưới đây, cách sắp xếp nào thể hiện đúng quy trình trong phương pháp ghép mắt?

1. Đặt mắt ghép khớp với với vị trí đã mở trên gốc ghép.

2. Cố định mắt ghép vào gốc ghép bằng cách buộc chặt vết ghép.

3. Chọn mắt ghép và dùng dao tách lấy mắt ghép theo hình dạng phù hợp với vết mở trên gốc ghép.

4. Trên gốc ghép, chọn vị trí ghép và tiến hành mở gốc ghép bằng cách dùng dao tách bỏ lớp vỏ và tạo hình miệng vết ghép.

A. 1 → 3 → 4 → 2.

B. 4 → 3 → 1 → 2.

C. 1 → 4 → 3 → 2.

D. 3 → 1 → 2 → 4.

Phương pháp giải:

Quy trình trong phương pháp ghép mắt:

- Bước 1: Trên gốc ghép, chọn vị trí ghép và tiến hành mở gốc ghép bằng cách dùng dao tách bỏ lớp vỏ và tạo hình miệng vết ghép.

- Bước 2: Chọn mắt ghép và dùng dao tách lấy mắt ghép theo hình dạng phù hợp với vết mở trên gốc ghép.

- Bước 3: Đặt mắt ghép khớp với với vị trí đã mở trên gốc ghép.

- Bước 4: Cố định mắt ghép vào gốc ghép bằng cách buộc chặt vết ghép.

Giải chi tiết:

B. 4 → 3 → 1 → 2.

Câu 13. 

Hormone điều hoà hoạt động của buồng trứng là

A. GnRH, FSH, LH và testoterone.

B. GnRH, FSH, LH, progesterone và estrogen.

C. FSH, LH và GnRH.

D. LH, progesteron và GnRH.

Phương pháp giải:

Hormone điều hoà hoạt động của buồng trứng là: GnRH, FSH, LH, progesterone và estrogen. Trong đó:

- GnRH kích thích tuyến yên tiết FSH và LH.

- FSH kích thích nang trứng phát triển và tiết ra estrogen.

- LH làm nang trứng chín và trứng rụng, hình thành thể vàng, thể vàng tiết ra progesterone và estrogen.

- Progesterone và estrogen kích thích niêm mạc tử cung phát triển dày lên.

Giải chi tiết:

 B. GnRH, FSH, LH, progesterone và estrogen.

Câu 14.

Biện pháp không được dùng để điều khiển số con ở động vật là

A. thụ tinh nhân tạo.

B. thay đổi các yếu tố môi trường.

C. nuôi cấy phôi.

D. sử dụng các kĩ thuật lọc, li tâm để tách tinh trùng.

Phương pháp giải:

Sử dụng các kĩ thuật lọc, li tâm để tách tinh trùng không phải là biện pháp dùng để điều khiển số con ở động vật mà là biện pháp điều khiển giới tính ở động vật. Trong biện pháp này, tinh trùng sẽ được tách thành 2 loại là chứa nhiễm sắc thể giới tính X và chứa nhiễm sắc thể giới tính Y; tuỳ theo mục đích và nhu cầu cần con đực hay con cái để chọn ra loại tinh trùng cho thụ tinh với trứng.

 

Giải chi tiết:

D. sử dụng các kĩ thuật lọc, li tâm để tách tinh trùng.

 



CH tr 116

Câu 15. 

Nêu 2 – 3 ví dụ về đối tượng cây trồng khác nhau có thể nhân giống bằng phương pháp ghép cành (mắt). Phân tích ưu điểm của phương pháp nhângiống này với mỗi đối tượng cây trong ví dụ đã nêu.

Phương pháp giải:

Ví dụ về đối tượng cây trồng khác nhau có thể nhân giống bằng phương pháp ghép cành (mắt): Các giống bưởi chua, đắng làm gốc ghép cho các giống cam, quýt, bưởi, ngọt; ghép các cây hoa hồng có màu sắc khác nhau;…

Giải chi tiết:

- Ví dụ về đối tượng cây trồng khác nhau có thể nhân giống bằng phương pháp ghép cành (mắt): Các giống bưởi chua, đắng làm gốc ghép cho các giống cam, quýt, bưởi, ngọt; ghép các cây hoa hồng có màu sắc khác nhau;…

- Ưu điểm của phương pháp nhân giống này với mỗi đối tượng cây trong ví dụ đã nêu:

+ Đối với ví dụ các giống bưởi chua, đắng làm gốc ghép cho các giống cam, quýt, bưởi, ngọt: Phương pháp này sẽ giúp các giống cam, quýt, bưởi ngọt sinh trưởng, phát triển tốt nhờ tính thích nghi, tính chống chịu của cây gốc ghép; đồng thời, giúp sớm ra hoa kết quả vì cành ghép tiếp tục giai đoạn phát dục của cây mẹ.

+ Đối với ví dụ ghép các cây hoa hồng có màu sắc khác nhau: Phương pháp này sẽ giúp cây hoa hồng có vẻ đẹp độc đáo, nâng cao giá trị thẩm mĩ và kinh tế cho cây hoa hồng này.

Câu 16.

Trong quy trình nhân giống in vitro, trước khi cây được đưa ra trồng trực tiếp trên đồng ruộng, cây giống in vitro cần được trồng trong vườn ươm. Phân tích mục đích và ý nghĩa của bước làm này với hiệu quả của quy trình nhân giống.

Phương pháp giải:

Việc trồng cây trong vườn ươm trước khi đưa cây ra trồng trực tiếp trên đồng ruộng sẽ giúp cây tập thích nghi dần với các điều kiện môi trường tự nhiên bên ngoài

Giải chi tiết:

Mục đích và ý nghĩa của bước làm trên với hiệu quả của quy trình nhân giống: Việc trồng cây trong vườn ươm trước khi đưa cây ra trồng trực tiếp trên đồng ruộng sẽ giúp cây tập thích nghi dần với các điều kiện môi trường tự nhiên bên ngoài. Nhờ đó, khi đưa cây trồng trực tiếp trên đồng ruộng, cây sẽ có tỉ lệ sống cao, sinh trưởng và phát triển tốt, ít bị sâu bệnh.

Câu 17. 

Cho biết hạt và quả được hình thành từ bộ phận nào của hoa? Giải thích tại sao quả chỉ phát triển khi có quá trình thụ phấn và thụ tinh.

Phương pháp giải:

Hạt được hình thành từ noãn đã được thụ tinh. Quả được hình thành từ bầu nhuỵ

Giải chi tiết:

- Hạt được hình thành từ noãn đã được thụ tinh. Quả được hình thành từ bầu nhuỵ.

- Quả chỉ phát triển khi có quá trình thụ phấn và thụ tinh vì: Sự phát triển của hạt và quả là những quá trình liên quan chặt chẽ được kiểm soát bởi nồng độ hormone. Đồng thời với quá trình hình thành hạt, phôi hạt cũng tăng cường tổng hợp các hormone kích thích sinh trưởng như auxin, gibberellin, cytokinin. Các hormone này sẽ khuếch tán vào bầu nhuỵ, thúc đẩy tế bào tại đây phân chia và gia tăng kích thước làm bầu nhuỵ to lên và quả được hình thành. Như vậy, nếu không có quá trình thụ phấn và thụ tinh, hạt không được hình thành thì cũng không có đủ lượng hormone kích thích cần thiết cho quả phát triển hoàn chỉnh.

Câu 18. 

Vì sao nói sinh sản hữu tính làm tăng khả năng thích nghi, giúp cơ thể tồn tại được trong môi trường sống luôn biến động?

Phương pháp giải:

Sinh sản hữu tính cho phép tạo ra các cá thể mới, các cá thể này có vật chất di truyền tái tổ hợp từ vật chất di truyền của cá thể bố và mẹ

Giải chi tiết:

Nói sinh sản hữu tính làm tăng khả năng thích nghi, giúp cơ thể tồn tại được trong môi trường sống luôn biến động vì: Sinh sản hữu tính cho phép tạo ra các cá thể mới, các cá thể này có vật chất di truyền tái tổ hợp từ vật chất di truyền của cá thể bố và mẹ, không hoàn toàn giống nhau và giống cá thể bố mẹ tạo ra nguồn biến dị phong phú nên làm tăng khả năng thích nghi, giúp cơ thể tồn tại được trong môi trường sống luôn biến động. 

Câu 19. 

Nhận xét về chiều hướng tiến hoá của sinh sản hữu tính ở động vật về cơ quan sinh sản, phương thức sinh sản, bảo vệ phôi và chăm sóc con.

Phương pháp giải:

Chiều hướng tiến hoá của sinh sản hữu tính ở động vật theo hướng đảm bảo cho hiệu quả sinh sản ngày càng cao.

Giải chi tiết:

Chiều hướng tiến hoá của sinh sản hữu tính ở động vật về cơ quan sinh sản, phương thức sinh sản, bảo vệ phôi và chăm sóc con:

- Về cơ quan sinh sản: Từ chưa có phân hoá giới tính đến phân hoá giới tính (đực, cái) rõ ràng; Từ chưa có cơ quan sinh sản riêng biệt đến có cơ quan sinh sản rõ ràng; Từ cơ quan sinh sản lưỡng tính đến đơn tính rõ ràng.

- Về phương thức sinh sản: Từ thụ tinh ngoài nhờ nước đến thụ tinh trong ống sinh dục cái giúp nâng cao hiệu suất thụ tinh; Từ tự thụ tinh đến thụ tinh chéo giúp đảm bảo cho sự đổi mới và đa dạng di truyền.

- Về bảo vệ phôi và chăm sóc con: Từ đẻ trứng (nguồn chất dinh dưỡng cung cấp cho phôi phát triển bị giới hạn, sự phát triển của phôi phụ thuộc vào điều kiện môi trường) đến đẻ con (nguồn chất dinh dưỡng cung cấp cho phôi phát triển được cơ thể mẹ cung cấp liên tục, sự phát triển của phôi bớt phụ thuộc vào điều kiện môi trường); Từ sinh con ra không được chăm sóc, bảo vệ đến được chăm sóc, bảo vệ, được nuôi dưỡng bằng sữa mẹ giúp tỉ lệ con non sống sót cao hơn.

→ Như vậy, chiều hướng tiến hoá của sinh sản hữu tính ở động vật theo hướng đảm bảo cho hiệu quả sinh sản ngày càng cao.

Câu 20. 

Hormone FSH và LH ảnh hưởng đến quá trình phát triển, chín và rụng trứng như thế nào?

Phương pháp giải:

Nếu FSH và LH không được tiết ra đầy đủ sẽ làm cho trứng không thể chín và rụng

Giải chi tiết:

Ảnh hưởng của hormone FSH và LH đến quá trình phát triển, chín và rụng trứng:

- FSH kích thích nang trứng phát triển và tiết ra estrogen.

- LH làm nang trứng chín và trứng rụng, hình thành thể vàng, thể vàng tiết ra progesterone và estrogen.

Nếu FSH và LH không được tiết ra đầy đủ sẽ làm cho trứng không thể chín và rụng.

Câu 21. 

Quá trình sản xuất hormone FSH và LH bị rối loạn có ảnh hưởng đến trình sinh tinh và sinh trứng không? Tại sao?

Phương pháp giải:

Quá trình sản xuất hormone FSH và LH bị rối loạn có ảnh hưởng lớn đến trình sinh tinh và sinh trứng

Giải chi tiết:

- Quá trình sản xuất hormone FSH và LH bị rối loạn có ảnh hưởng lớn đến trình sinh tinh và sinh trứng.

- Giải thích: Sở dĩ quá trình sản xuất hormone FSH và LH bị rối loạn có ảnh hưởng lớnđến trình sinh tinh và sinh trứng vì 2 hormone này có vai trò quan trọng trong cơ chế điều hoà sinh tinh và sinh trứng. Cụ thể:

+ Đối với quá trình sinh tinh, FSH có vai trò kích thích ống sinh tinh sản xuất tinh trùng; LH có vai trò kích thích tế bào kẽ tiết hormone progesterone – một loại hormone cũng có vai trò kích thích ống sinh tinh sản xuất tinh trùng.

+ Đối với quá trình sinh trứng, FSH có vai trò kích thích nang trứng phát triển và tiết ra estrogen; LH làm nang trứng chín và trứng rụng.

Câu 22. 

Nuôi cấy phôi có vai trò gì trong chăn nuôi?

Phương pháp giải:

Trong chăn nuôi, nuôi cấy phôi có vai trò giúp điều khiển số con ở động vật.

Giải chi tiết:

Trong chăn nuôi, nuôi cấy phôi có vai trò giúp điều khiển số con ở động vật. Trong đó:

- Nuôi cấy phôi có thể dùng để tạo ra nhiều cá thể con từ một cặp bố mẹ ban đầu (thường áp dụng đối với vật nuôi sinh sản chậm) bằng cách: Tiêm hormone thúc đẩy sự chín và rụng nhiều trứng cùng một lúc rồi lấy các trứng đó ra ngoài, cho trứng thụ tinh nhân tạo để thu được nhiều hợp tử. Giữ các hợp tử trong môi trường thích hợp bên ngoài cơ thể để các hợp tử phát triển thành phôi. Cấy các phôi này vào tử cung của một hoặc nhiều động vật cái để cho nhiều cá thể con.

- Nuôi cấy phôi có thể dùng để tạo ra được nhiều con cùng giới tính và giống hệt nhau chỉ từ một trứng đã thụ tinh bằng cách: Ở giai đoạn phôi hai, bốn hoặc tám tế bào, người ta tách các tế bào phôi thành từng tế bào riêng rẽ. Nuôi các tế bào phôi đó trong môi trường thích hợp để phát triển thành phôi mới, sau đó cấy riêng từng phôi mới vào tử cung của các động vật cái.

Câu 23. 

Vì sao cần phải giáo dục dân số và giáo dục sức khoẻ sinh sản cho trẻ vị thành niên?

Phương pháp giải:

Nếu dân số tăng cao quá mức, điều kiện sống của xã hội không đủ đảm bảo dẫn đến nghèo nàn lạc hậu.

Giải chi tiết:

- Phải giáo dục dân số vì: Nếu dân số tăng cao quá mức, điều kiện sống của xã hội không đủ đảm bảo dẫn đến nghèo nàn lạc hậu. Việc giáo dục dân số sẽ giúp mọi người có ý thức sinh đẻ có kế hoạch, nhờ đó, giúp nâng cao chất lượng cuộc sống về vật chất và tinh thần đối với mọi thành viên trong gia đình, đồng thời, giúp ổn định dân số, giảm áp lực đối với phát triển kinh tế, xã hội, tài nguyên và môi trường.

- Phải giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên vì: Vị thành niên là giai đoạn chuyển tiếp giữa độ tuổi trẻ em và tuổi trưởng thành, trong giai đoạn này, cơ thể có sự phát triển mạnh mẽ về nhiều mặt như thể chất, sinh lí, tâm tư tình cảm,… Vì vậy, việc bảo vệ sức khoẻ sinh sản vị thành niên nếu không được chú trọng sẽ dẫn đến các nguy cơ như quan hệ tình dục sớm, quan hệ tình dục không an toàn, dễ bị xâm hại tình dục dẫn đến mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục kể cả HIV/AIDS, mang thai ngoài ý muốn, phá thai không an toàn,... Bởi vậy, việc giáo dục sức khỏe sinh sản cho trẻ vị thành niên sẽ giúp trang bị những kiến thức đúng đắn về sức khoẻ sinh sản, từ đó, giúp trẻ vị thành niên bảo vệ được sức khoẻ sinh sản của bản thân, đảm bảo sự phát triển tâm lí, nhân cách bình thường và khả năng duy trì nòi giống trong tương lai của trẻ, đồng thời, ngăn chặn những gánh nặng có thể xảy ra cho gia đình và xã hội.


Bài giải tiếp theo